Bài hát người thầy của tác giả nào năm 2024

Có một lần thật bất chợt, tôi được nghe một bài hát. Bài hát với giai điệu và ca từ tha thiết, chân tình, giàu hình ảnh như một câu chuyện kể. Vẫn nhớ những khi trời mưa, vẫn chiếc áo vá sờn đôi vai, thầy vẫn đi, buồn, vui lặng lẽ. Ngỡ như đó là một tiếng vọng về từ nơi nào đó xa lắm, tôi đã lắng nghe bài hát ấy với một chút cảm xúc lạ, một chút tò mò. Sao những dòng đời bươn chải, bộn bề, cả âm nhạc và tâm hồn người cũng ngập chìm vào những lo toan, tính toán chuyện áo cơm, lợi danh, chuyện bán mua cả tình cảm, cả trí tuệ lại có những dòng nhạc thảnh thơi, nhẹ nhàng như thế.

Âm nhạc làm ta gợi nhớ, có thể dẫn dắt ta về với những ký ức xa xưa. Bài hát đã làm được điều ấy. Tôi nghĩ đến những người thầy, những cô giáo ngày xưa của mình, những người nghiêm khắc, những người diệu hiền, những người đã khuất, những người đã đi xa, những người tôi thoáng được gặp lại, và cả những người tôi chưa một lần chợt nhớ trong cuộc sống khá nhiều lo toan của mình.

Người thầy trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy thật bao dung. Ông vượt qua bao gian khó, nhọc nhằn, luôn nặng lòng với cuộc sống, với những gương mặt học trò đã được bàn tay ông nâng niu, dìu dắt. Tôi bỗng chợt nhớ đến lời của mẹ ru ngày nào:

"Sang sông phải bắc cầu Kiều Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy"

Tôi mong sao bài hát ấy sẽ đến được với mọi người, với những người thành đạt, và cả những người vô danh, để ai cũng được tìm lại những khoảnh khắc hạnh phúc, tinh khôi nhất của đời người.

Người thầy vẫn lặng lẽ đi về chốn xưa Từng ngày giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy Để em đến bến bờ ước mơ Giờ năm tháng sông dài gió mưa Cành hoa trắng vẫn lung linh trong hồn xưa.

*** Người thầy vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa Dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi Chiều trên phố bao người đón đưa Giòng sông vẫn bây giờ gió mưa Còn ai nhớ ai quên con đò xưa…..

**** Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, có hay bao mùa lá rơi Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng, sáng soi bước em trong cuộc đời Vẫn nhớ những khi trời mưa rơi, vẫn chiếc áo xưa sờn đôi vai Thầy vẫn đi buồn vui lặng lẽ

*** Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, tóc xanh bây giờ đã phai Thầy vẫn đứng bên góc trường năm ấy Dõi theo bước em trong cuộc đời Dẫu đến hết lá mùa thu rơi Nhưng ngàn năm làm sao em đếm hết công ơn người thầy

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nổi tiếng với những bản tình ca trẻ trung như “Bờ bến lạ”, “Em quên mùa đông”, “Cuộc tình mong manh”, “Đêm cô đơn”… Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cũng nổi tiếng với mối tình nhiều thị phi đầy lãng mạn bên ca sĩ Lê Kiều Như nhỏ hơn mình 9 tuổi.

Khi ca sĩ Lê Kiều Như tung ra cuốn tiểu thuyết “Sợi xích” vướng phải những phản ứng gay gắt, thì nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy đã không ngần ngại lên tiếng bảo vệ người yêu một cách quyết liệt.

Sau 15 năm hẹn hò, đôi phu thê Nguyễn Nhất Huy - Lê Kiều Như đã có chung một bé gái Ana. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy bộc bạch: “Trước khi yêu Lê Kiều Như thì tôi cũng đã trải qua mấy mối tình rồi nhưng không cái nào kéo dài quá ba tháng hết vì những lý do khác nhau. Với Lê Kiều Như thì khác, ở cô ấy có những điều đặc biệt mà không ai có cả, bởi vậy cả hai đã cùng nhau vượt qua nhiều thử thách để trụ vững cho tới ngày nay”.

Ngược lại, ca sĩ Lê Kiều Như thổ lộ: “Anh Nguyễn Nhất Huy không có thói quen rượu chè, cờ bạc hay đàn đúm. Với những người xung quanh, anh đối xử rất tốt. Điều này làm cho tôi thấy vô cùng yên tâm. Bình thường hiền lành nhưng lúc gặp chuyện, anh lại rất quyết liệt. Ví dụ lúc tôi từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh theo nghề hát, gia đình không đồng ý nên tôi nản chí. Anh đã kiên trì động viên và thổi vào tôi ngọn lửa đam mê âm nhạc”.

Bài hát người thầy của tác giả nào năm 2024
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy ở tuổi 45.

Hiện tại, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cùng vợ - ca sĩ Lê Kiều Như rút khỏi showbiz, tập trung vun đắp hạnh phúc cho mái ấm của họ. Tuy nhiên, trong trái tim những người yêu mến môi trường giáo dục, thì tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy vẫn gắn bó với ca khúc “Người thầy”.

Ca khúc “Người thầy” được nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy sáng tác cuối năm 2000, để tặng người đã dìu dắt mình bước vào con đường âm nhạc là nhạc sĩ Trí Thanh (tác giả của những bài hát như “Người con gái Pa Kô”, “Cây chông tre”, “Tặng em một khúc quân hành”, “Chiều Hậu Giang”…).

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhớ lại: “Tôi thuộc “tuýp” học trò không được chăm chỉ cho lắm, nên những ngày học lớp sáng tác ca khúc ít khi tôi được “nhìn” thầy Trí Thanh trọn vẹn cả buổi học, vì tôi luôn tới lớp trễ và lại ra về sớm hơn các bạn khác. Vậy mà ít khi nào thầy Trí Thanh “nhắc nhở” tôi cả.

Chỉ khi viết ca khúc “tốt nghiệp” là lúc tôi tỏ ra “chăm chỉ” hơn, và có dịp gần thầy nhiều hơn. Nhưng tôi không biết rằng đó là những ngày cuối cùng mà tôi được gần thầy vì khi chấm xong ca khúc “tốt nghiệp” của tôi thì thầy mất. Những ngày cuối cùng đó là lúc tôi cảm nhận được trọn vẹn tình cảm thân thương và nhân cách sống của một người thầy.

Có lẽ hình ảnh vẫn mãi in đậm trong ký ức của tôi chính là chiếc áo của thầy, mỗi khi tôi đến nhà, thầy vẫn khoác trên mình chiếc áo sờn đôi vai. Có lần tôi hỏi… Thầy bảo “thầy là một chiến sĩ, Huy à…”. Và khi tôi phác thảo những nét nhạc đầu tiên trong ca khúc “Người thầy” thì hình ảnh “chiếc áo xưa sờn đôi vai” là chi tiết “đắt giá” nhất trong tác phẩm của tôi”.

Ca khúc “Người thầy” được ca sĩ Cẩm Ly thu âm lần đầu tiên tại Kim Lợi Studio. Hát đến đoạn “dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, tóc xanh bây giờ đã phai, thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy, dõi theo bước em trong cuộc đời”, thì ca sĩ Cẩm Ly đã nghẹn ngào bật khóc, còn nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cũng xúc động rưng rưng.

Nhạc sĩ Trí Thanh đã không có cơ hội nghe ca khúc “Người thầy” được viết từ nguyên mẫu là chính mình. Khi ca khúc “Người thầy” chưa kịp phát hành, thì nhạc sĩ Trí Thanh đã từ giã nhân gian.

Năm 2012, nhạc sĩ Trí Thanh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy vẫn không quên nghĩ về nhạc sĩ Trí Thanh, nguồn cảm hứng của ca khúc “Người thầy” dạt dào ân tình: “Tôi học được chuyên môn của thầy rất ít (vì tôi là đứa học trò học dở và lười biếng nhất của thầy mà), nhưng điều lớn lao thầy để lại cho tôi chính là nhân cách sống của một người thầy. Nhạc sĩ Trí Thanh đã sống như một người “chiến sĩ vô danh” vẫn đi về lặng lẽ trong cuộc đời. Dù “năm tháng vô tình” nhưng thầy vẫn như một “con đò” đưa biết bao học trò sang “bến bờ mơ ước”, nhưng “sang sông” rồi còn ai nhớ, ai quên…”.