Bà ba định là ai

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy tại lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.

Thuyền trưởng đầu tiên đưa vũ khí về chiến trường miền Nam

Theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15.3.1920 tại xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm, Bến Tre. Nữ tướng tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi và chỉ 2 năm sau đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, khi mới sinh con được 3 ngày thì bà và chồng mình đều bị địch bắt, bản thân bà bị biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước), phải gửi con trai về nhờ gia đình nuôi. Trong 3 năm sống trong sự hà khắc của nhà lao, bà vẫn nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất của người cách mạng. Bị giam cầm đến năm 1943 thì bà lâm bệnh nặng, kẻ địch buộc phải thả bà về quản thúc tại địa phương. Trong khi sức khỏe chưa hồi phục thì bà hay tin chồng hy sinh ngoài Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong thời gian này, bà đã liên lạc được với tổ chức đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh Bến Tre và trực tiếp tham gia giành chính quyền ở TX.Bến Tre (nay là TP.Bến Tre) trong Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945.

“Một phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng”

Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Tháng 3.1946, tuy còn nhỏ tuổi nhưng ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà Nguyễn Thị Định được Tỉnh ủy Bến Tre chọn tham gia vào “Đoàn tàu không số huyền thoại” vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình cách mạng miền Nam sau Hiệp định sơ bộ 6.3. Bà là thuyền trưởng đầu tiên chỉ huy tàu “không số” chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc cập Bến A101 (xã Thạnh Phong, H.Thạnh Phú, Bến Tre) để chi viện cho chiến trường miền Nam, tạo tiền đề cho sự hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.

Chị Ba ạ! Ngày xưa người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị “Sống làm tướng, chết thành thần”

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu

Từ năm 1947 - 1951, bà Nguyễn Thị Định là Tỉnh ủy viên, Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc Nam Bộ, Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch Mặt trận Liên Việt H.Mỏ Cày.

Từ năm 1952 - 1960, bà Nguyễn Thị Định được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Hội trưởng Phụ nữ tỉnh, Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Nhà lãnh đạo phong trào Đồng khởi Bến Tre

Theo ông Trần Ngọc Tam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, tháng 12.1959, Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam bộ triệu tập Hội nghị đại biểu các tỉnh tại căn cứ Tam Thường, Hồng Ngự, Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) triển khai tinh thần Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 15 và chủ trương mới của Trung ương. Bà Nguyễn Thị Định, Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre được cử dự hội nghị này. Sau khi tiếp thu, bà trở về quán triệt tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị Liên Tỉnh ủy trong Tỉnh ủy Bến Tre. Và từ ngày 1 - 3.1.1960, bà Nguyễn Thị Định đã họp với một số cán bộ chủ chốt trong Tỉnh ủy và cấp ủy Đảng ở địa phương bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15 và chủ trương của Khu ủy Khu VIII thống nhất triển khai với phương châm “Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt”. Sau khi phân tích rõ tình hình địch, những khó khăn, thuận lợi của ta, Tỉnh ủy Bến Tre đã quyết định phát động một tuần lễ đồng lòng nổi dậy, đồng loạt tấn công địch trong toàn tỉnh với điểm khởi đầu tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (H.Mỏ Cày), mở đầu cho phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960.

Tấm gương Cô Ba Định là động lực rất lớn cho phụ nữ Bến Tre

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phụ nữ Bến Tre đã kế thừa và luôn phát huy truyền thống tốt đẹp từ tấm gương Cô Ba Định, “Đội quân tóc dài” trong các phong trào “Đồng khởi mới”. Ý chí kiên trung, mạnh mẽ, bất khuất của Cô Ba Định luôn là động lực tinh thần rất lớn giúp các thế hệ phụ nữ Bến Tre hăng say thi đua lao động, sản xuất, khai hoang phục hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh... Và từ sau năm 1986 đến nay, phong trào phụ nữ Bến Tre tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới. Hội LHPN Việt Nam tỉnh Bến Tre tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới; thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; phấn đấu thực hiện đạt các chuẩn mực của người phụ nữ Bến Tre “đẹp người, đẹp nết, đẹp gia đình, đẹp sự nghiệp và đẹp xã hội” để xứng đáng là người đồng hương với Cô Ba Định…

Bà Phạm Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre

Từ phong trào Đồng khởi đã khai sinh “Đội quân tóc dài” với thủ lĩnh là bà Nguyễn Thị Định và tên tuổi của bà đã gắn liền phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của Đội quân tóc dài gắn liền với phong trào du kích chiến tranh của nhân dân miền Nam.

Từ năm 1961 - 1975, bà Nguyễn Thị Định là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khu VIII với các chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội LHPN Giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh các lực lượng Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm thiếu tướng.

“Đồng chí Nguyễn Thị Định đã có công rất lớn trong việc xây dựng và phát huy tác dụng “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù vô cùng run sợ. Là người có tài thao lược, ý chí cao, nghệ thuật điều hành “Đội quân tóc dài” tác chiến trong chiến trường vô cùng phức tạp vừa hình thành tổ chức mới đem lại chiến thắng vẻ vang”, thượng tướng Trần Văn Trà nói về Nữ tướng lúc sinh thời.

 

Sau Giải phóng, bà Nguyễn Thị Định là Ủy viên Trung ương Đảng các Khóa IV, V, VI, Đại biểu Quốc hội các Khóa VI, VII, VIII, đồng thời giữ nhiều chức vụ như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Bí thư Đảng đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu nghị VN - Cu Ba. Bà đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới toàn diện Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là đổi mới hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước.

Ngày 30.8.1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau 56 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, bà Nguyễn Thị Định qua đời vào ngày 26.8.1992, hưởng thọ 72 tuổi.

 

Ngày đăng: 09-03-2022 Lượt xem: 534

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, là dịp để nhắc đến truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, nhắc đến những tấm gương phụ nữ tiêu biểu. Một trong những phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Định vị nữ tướng đầu tiên của quân đội ta. Cuộc đời Bà đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử cách mạng, lịch sử Phụ nữ Việt Nam, trong lòng các thế hệ người Việt nam và trên quê hương Bến Tre anh hùng.

Bà Nguyễn Thị Định, thường gọi là Ba Định, tên gọi khác là Ba Nhất. Bà sinh ngày 15 tháng 3 năm 1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bà luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bà là hiện thân của người phụ nữ Nam Bộ, tiêu biểu cho truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Cuộc đời Bà đã để lại những dấu ấn đặc biệt.

Dấu ấn đầu tiên, Bà sớm tham gia hoạt động cách mạng. Bà tham gia phong trào Đông Dương Đại hội từ năm 1936, khi MớI 16 tuổI, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 10 năm 1938. Năm 1939, khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ bị địch khủng bố, Bà được điều về công tác ở huyện Ba Tri. Năm 1940, vì tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, Bà bị địch bắt đày đi tù ở nhà tù Bà Rá. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre,  cũng bị địch bắt, bị đày đi Côn Đảo và chết trong nhà tù. Năm 1943, vì bị bệnh đau tim nặng nên địch thả ra, Bà lại tham gia hoạt động bí mật. Năm 1944, Bà tham gia vận động quần chúng, nhất là chị em phụ nữ ở làng Lương Hòa và các xã kế cận trong huyện Giồng Trôm theo Chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng để cướp chính quyền. Năm 1945, Bà chuẩn bị và tham gia cướp chính quyền ở tỉnh Bến Tre và được bầu vào Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc tỉnh.

Bà là người phụ nữ đầu tiên của Đoàn cán bộ Nam Bộ vượt biển ra Bắc gặp Trung ương. Năm 1946, Nguyễn Thị Định được cử làm thành viên trong Đoàn cán bộ của Khu 8 ra Trung ương báo cáo tình hình tỉnh Bến Tre và cả Khu 8 trong buổi đầu kháng chiến. Cùng với việc cung cấp cho Trung ương Đảng, Chính phủ tình hình thực tế kháng chiến của Bến Tre và chiến trường Nam Bộ, Bà đã tha thiết đề nghị và được Trung ương chấp thuận chi viện vũ khí cho Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung để tăng thêm thực lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngay sau đó, Bà là người duy nhất trong phái đoàn 4 người trở về Bến Tre với chiếc thuyền chở đầy vũ khí.  Xuất phát từ bờ biển Phú Yên, lúc ấy đang là vùng tự do, trải qua cuộc đấu trí đầy thông minh và gan dạ, thuyền chở vũ khí của Bà vượt qua mạng lưới bố phòng dày đặc của địch chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Nhờ chuyến tiếp tế vũ khí cho Bến Tre và Nam Bộ, bộ đội ta được vũ trang đầy đủ hơn, làm cho tương quan lực lượng giữa ta và địch ở đây có sự thay đổi không còn quá chênh lệch như trước. Nguyễn Thị Định là một trong những người đã góp phần quan trọng mở đầu cho việc hình thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển” ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp và phát triển rực rỡ sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến tranh chống Pháp kết thúc, Nguyễn Thị Định được phân công ở lại, được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre bí mật, phụ trách công tác tuyên huấn, tổ chức, cùng tập thể lãnh đạo phong trào. Là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Bến Tre, Bà đã cùng các đồng chí khác ra sức chèo chống, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đen tối. Trong những năm sau Hiệp định Giơ ne vơ, Bến Tre là một trọng điểm đánh phá ác liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ con số 2.000 đảng viên còn lại sau khi chuyển quân tập kết, đến cuối năm 1959, Bến Tre chỉ còn lại 162 đảng viên, các đồng chí khác đã bị địch giết, tra tấn, tù đày, bị tàn phế. Bản thân Bà đã bao lần chạm trán với thần chết với những bẫy giăng sẵn của địch, nhưng nhờ sự bình tĩnh và trí thông minh, và nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân, Bà đã thoát hiểm. Kẻ địch đã từng treo giải thưởng về cái đầu của Bà với giá 10.000 đồng (bạc của chính quyền Sài Gòn) những năm 60.

Bà là người lãnh đạo, là linh hồn của Đồng khởi ở Bến Tre. Đầu năm 1960, Nguyễn Thị Định với cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy, là người trực tiếp đi họp ở Liên tỉnh ủy Trung Nam Bộ để nghe phổ biến tinh thần cơ bản của Nghị quyết Trung ương 15 và nhận chủ trương của Liên tỉnh ủy về khởi nghĩa giành chính quyền. Về đến Bến Tre, trong lúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đang đi xuống cơ sở, Nguyễn Thị Định đã triệu tập ngay cuộc họp Tỉnh ủy quán triệt chỉ đạo của trên và ra nghị quyết về phát động nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giành quyền làm chủ, lấy ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh của huyện Mỏ Cày làm điểm. Dưới sự lãnh đạo, tổ chức và trực tiếp chỉ huy của Nguyễn Thị Định, ngày 17 tháng 1 năm 1960, đồng khởi nổ ra và thắng lợi ở ba xã. Sau thắng lợi của khởi nghĩa ở ba xã làm điểm, Tỉnh ủy Bến Tre phát động khởi nghĩa thắng lợi ở Giồng Trôm và các huyện còn lại. Sau Đồng khởi của Bến Tre và chiến thắng Tua Hai ở Tây Ninh, Xứ ủy Nam Bộ quyết định đồng khởi toàn Nam Bộ. Khởi nghĩa ở Bến Tre đã mở đầu cho phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam mà Nguyễn Thị Định thật sự là người lãnh đạo, chỉ đạo, là “linh hồn” của phong trào.

Bà là người chỉ huy của “Đội quân tóc dài” - những người đã tạo nên “dáng đứng Bến Tre”. Bà trực tiếp chỉ huy cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng, chống lại cuộc đàn áp của 12.000 quân địch vào ba xã của Mỏ Cày trong chiến dịch “Bình định Kiến Hòa” (Kiến Hòa là tên tỉnh Ngôi Đình Diệm đặt cho Bến Tre). Sức mạnh của phong trào quần chúng, ghi đậm dấu ấn của “đội quân tóc dài” liên tục đấu tranh chính trị trong 12 ngày đã buộc địch phải rút quân. Tên Bà đã gắn với “đội quân tóc dài” huyền thoại. 

Dưới sự lãnh đạo của Bà, Đồng khởi Bến Tre đã sáng tạo và gắn với phương châm “ba mũi giáp công”: tiến công địch bằng cả chính trị, quân sự và binh vận - một sản phẩm sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đồng khởi ở Bến Tre sở dĩ nổ ra và giành thắng lợi, giữ vững được thành quả và phát triển nó bởi ở đây đã phát huy được sức mạnh của đội quân chính trị rộng lớn, kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang, vừa tiến công địch vừa tổ chức và tiến hành binh vận có lý, có tình rất hiệu quả.  

Kết quả của phong trào Đồng khởi đã xoay chuyển cục diện của cuộc chống Mỹ, cứu nước, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công. Đó là kết quả của trí tuệ lãnh đạo của Đảng, sự hy sinh xương máu của hàng vạn người yêu nước trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù, mà trong đó không thể không ghi công đầu của bà Nguyễn Thị Định.

Bà là nữ tướng đầu tiên trong quân đội, vị nữ tướng được cả quân đội và nhân dân mến phục. Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói: Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ! Đầu năm 1960, sau thắng lợi của Đồng khởi, Nguyễn Thị Định được tín nhiệm cử làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Tháng 5 năm 1961, Bà được bầu làm Khu ủy viên Khu 8, phụ trách dân vận, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8. Từ năm 1965 đến năm 1975, Bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng, được cử tham gia Quân ủy Miền, giữ chức Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, phụ trách phong trào chiến tranh du kích - một lĩnh vực đã tạo nên nét đặc sắc, hết sức hiệu quả của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Năm 1974, Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng. Bà là một vị tướng đặc biệt, được Bác Hồ xem như một vị tướng ngay từ khi chưa phong hàm: Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc!

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Bà tiếp tục cống hiến trên nhiều cương vị lãnh đạo. Tháng 6 năm 1987, Bà được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam.  

Với công lao và nhiều thành tích to lớn, Bà đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý. Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Bà danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguyễn Thị Định là một trong những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, một người lãnh đạo có uy tín, một vị nữ tướng tài năng được nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cùng đông đảo bạn bè và nhân dân thế giới tin yêu, kính trọng. Con người bà Ba Định là sự kết hợp hài hòa giữa đức tính can trường, dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với lòng nhân ái, bao dung, giữa ý chí quyết liệt, chất anh hùng của người lính cách mạng xông pha trận mạc với nữ tính dịu dàng, rất rạch ròi, phân minh giữa cái đúng và cái sai, giữa yêu thương và căm giận.

Là con đẻ của Nhân dân, của phong trào cách mạng quần chúng, Bà gắn chặt cả cuộc đời hoạt động của mình với Dân, với lối sống chân chất, mộc mạc, giản dị, đằm thắm nhân ái, dân chủ, bình đẳng trong cuộc sống đời thường và cả trong lúc thi hành công vụ. Trước sau như một, Bà vẫn thủy chung với bạn bè, với đồng chí, đồng đội, luôn nhớ ơn những người đã cưu mang mình từ những ngày gian khổ, đen tối nhất.

Bà Nguyễn Thị Định mất ngày 26 tháng 8 năm 1992 tại Thành phố Hồ Chí Minh, an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Những người như Bà là những người “Sống làm tướng, chết làm thần”.

Noi gương Bà, phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã lập nhiều chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, phụ nữ Thành phố vẫn giữ vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Thành phố, trong xây dựng cuộc sống mới, trong phòng chống dịch bệnh. Nhiều bà, nhiều mẹ, nhiều chị em đã ngã xuống trong cuộc chiến cam go này. Chính trong công cuộc phòng chống dịch, đã chứng minh những phẩm chất cao quý của nhiều cán bộ, đảng viên, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu. Họ thật xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, thế hệ nối tiếp của nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định trong thời kỳ mới./.

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam