Xử lý ra hoa măng cụt bằng Paclobutrazol

*Hiện trạng canh tác măng cụt ở Đồng Nai

Kết quả khảo sát hiện trạng canh tác cây măng cụt ở Đồng Nai của đề tài cho thấy, diện tích trồng măng cụt của tỉnh Đồng Nai ước tính khoảng 656 ha, trong đó Cẩm Mỹ chiếm diện tích nhiều nhất (40,09%), kế đến là thị xã Long Khánh (21,65%), Long Thành 15,85%. Năm 2014, sản lượng đạt khoảng 3.345 tấn. Hầu hết vườn măng cụt ở Đồng Nai có tuổi còn nhỏ, trung bình tuổi vườn măng cụt là 8,23 năm. Đa số là vườn măng cụt xen canh; được trồng chủ yếu trên đất đỏ, đất xám.

Về hiện trạng kỹ thuật canh tác, ghi nhận 66,67% số hộ có xử lý ra hoa, tuy nhiên biện pháp thực hiện chưa đồng bộ, kết quả xử lý ra hoa chưa cao. Hầu hết nhà vườn có bón phân vô cơ, tuy nhiên có đến 66,67% số hộ bón chưa phù hợp, cụ thể là giai đoạn bón và loại phân cho từng giai đoạn chưa đúng, lượng bón thấp và thiếu phân vi lượng. Đề tài cũng đã ghi nhận 5 loại sâu hại và 4 loại bệnh hại trên cây măng cụt ở Đồng Nai, một số đối tượng gây hại quan trọng như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ, bệnh chảy nhựa thân cành và bệnh đốm lá. Thực tế, vẫn còn nhiều nhà vườn 13,3% chưa chú trọng phòng trừ sâu bệnh, số còn lại chủ yếu dùng thuốc hóa học là chính. Chủ nhiệm đề tài cũng cho hay, tìm hiểu nguyên nhân măng cụt khó ra hoacho thấy có một số nguyên nhân như:  tuổi cây và tuổi lá, số đợt lá hình thành trong năm, chế độ phân bón, điều kiện nhiệt độ thấp, cần giai đoạn khô hạn để phân hóa mầm hoa và cần tác động chế phẩm xử lý ra hoađể hỗ trợ. Còn nguyên nhân măng cụt bị sượng quả là chế độ phân bón, chế độ nước tưới và mưa, các biện pháp làm kích thích cây ra đọt non.

ThS. Nguyễn An Đệ, chủ nhiệm đề tài cho rằng, việc nghiên cứu đề xuất quy trình kỹ thuật canh tác có khả năng xử lý ra hoa nghịch vụ và khắc phục sượng trái cho măng cụt là nhu cầu rất cần thiết trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng măng cụt trong khu vực, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường và góp phần cung cấp những thông tin khoa học mới. Ngoài vấn đề về kỹ thuật, việc sản xuất theo hướng VietGAP; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và tăng cường hoạt động quảng bá cho sản phẩm măng cụt cũng rất cần được thực hiện nhằm giải quyết tốt đầu ra sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho loại trái cây này.    

Xử lý ra hoa măng cụt bằng Paclobutrazol

Mô hình thí nghiệm tạo phân hóa mầm hoa cho măng cụt
   

Theo đó, mục tiêu cụ thể của đề tài là:  tìm hiểu hiện trạng canh tác và các yếu tố ảnh hưởng đến sự ra hoa, sượng trái măng cụt; xây dựng được quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ cho măng cụt trồng tại Đồng Nai, cây ra hoa sớm vào tháng 12 và thu hoạch vào tháng 3-4 so với ra hoa tự nhiên thu hoạch vào tháng 6-7 dương lịch; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác măng cụt làm giảm tỷ lệ sượng trái xuống dưới 15% so với hiện nay là 40%; hỗ trợ xây dựng thương hiệu măng cụt Đồng Nai với nhãn hiệu hàng hóa “măng cụt Đồng Nai” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp; 2ha mô hình canh tác măng cụt thời kỳ kiến thiết cơ bản theo hướng VietGAP tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai; đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác và xử lý ra hoa măng cụt nhà vườn ở Đồng Nai.

*Hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa sớm và khắc phục sượng trái cho măng cụt

Theo chủ nhiệm đề tài Nguyễn An Đệ, để hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa sớm cho măng cụt cần nghiên cứu 3 bước: tạo đọt non nhiều và sớm cho cây; tạo phân hóa mầm hoa và kích thích ra hoa.

Cụ thể, để tạo đọt non nhiều và sớm, phun BAP (20 ppm); GA3 (50 ppm) và Urea (1%) trên cây măng cụt 12 năm tuổi sau khi thu hoạch giúp cây hình thành đọt non nhiều và sớm. Để tạo phân hóa mầm hoa cho cây măng cụt thì tuổi lá phù hợp cho xử lý ra hoa măng cụt là 40 ngày tuổi. Trên cây măng cụt 12 năm tuổi trồng trên đất đỏ bazan, phun Paclobutrazol (1.000ppm), Ethephone (200ppm), KClO3 (1.000ppm) và MKP (0,5%) kết hợp ngưng tưới nước 40 ngày khi đợt đọt thứ 3 đạt 40 ngày tuổi giúp tăng tỷ lệ chồi ra hoa, tăng năng suất và giảm tỷ lệ quả bị sượng. Trong các hóa chất trên thì Paclobutrazol (1.000ppm) có hiệu quả tốt nhất. Để kích thích măng cụt ra hoa sau khi đã tạo phân hóa mầm hoa cần tưới nước kết hợp phun KNO3nồng độ 1% (sau khi tạo phân hóa mầm hoa 40 ngày) giúp tăng tỷ lệ chồi ra hoa và số trái/ cây, đồng thời rút ngắn thời điểm ra hoa (sớm hơn 53 ngày), giảm tỷ lệ trái bị sượng.

Xử lý ra hoa măng cụt bằng Paclobutrazol

Giai đoạn bắt đầu sử dụng phân bón lá khắc phục sượng quả

Đặc biệt, đề tài đã xây dựng mô hình xử lý ra hoa sớm vụ măng cụt tại vườn măng cụt của ông Ngô Tấn Kiệt, xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, với quy mô diện tích 10.000 m2, trong đó phân thành lô tác động áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa sớm (5.000m2) và lô đối chứng để ra hoa tự nhiên theo nông dân (5.000m2). 

Ông Ngô Tấn Kiệt chia sẻ, mô hình xử lý ra hoa sớm được đề tài triển khai tại vườn của gia đình tôi thì cây ra hoa sớm hơn 58,57 ngày so với đối chứng; thu hoạch sớm hơn 55,71 ngày (thu hoạch sớm vào tháng 4 so với ra hoa tự nhiên thu hoạch vào tháng 6); tăng tỷ lệ chồi ra hoa; tăng năng suất; tỷ lệ quả bị sượng thấp 13,13% và tăng hiệu quả kinh tế  với lợi nhuận tăng thêm là 87,42 triệu đồng/ ha/ năm và tỷ số lợi ích chi phí biên đạt 8,57.

Đề tài cũng khuyến cáo, để hạn chế tỷ lệ quả bị sượng cần bón tăng cường K2SO4 khi quả đạt đường kính 2cm (1kg/ cây) hoặc bón tăng cường KCl khi quả đạt đường kính 2cm (1kg/ cây). Hoặc dùng phân bón lá Humix hoặc phân bón lá Growmore 6-30-30 giúp làm giảm tỷ lệ quả bị sượng.

Ngoài các kết quả nghiên cứu trên, đề tài đã hoàn thành hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “măng cụt Xuân Lập” cho Tổ hợp tác Cây sầu riêng măng cụt Xuân Lập (ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh) và đang chờ Cục Sở Hữu Trí tuệ ra quyết định công nhận nhãn hiệu. Xây dựng mô hình 2ha măng cụt được trồng xen với cà phê theo hướng VietGAP tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời đã tổ chức xong 2 lớp tập huấn cho 80 nhà vườn về kỹ thuật kỹ thuật canh tác và xử lý ra hoa cho măng cụt tại xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) và xã Xuân Lập (thị xã Long Khánh).

Ông Nguyễn Anh Đệ cho biết thêm, “hiện chúng tôi đang hoàn chỉnh đề tài để được nghiệm thu vào tháng 10/2016. Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi cũng đề nghị cần tiếp tục chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác và xử lý ra hoa cây măng cụt cho nhà vườn trong tỉnh và tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu Măng cụt Xuân lập với nhiều hình thức như mở rộng sản xuất, tiêu thụ, dịch vụ kỹ thuật…”.