Váy kín là gì

Mỗi dân tộc có cách ăn mặc và trang sức riêng. Cách ăn mặc, trang sức truyền thống của người Việt Nam nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng không thể nào hòa lẫn với cách ăn mặc của người Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan…

Váy kín là gì
Trang phục phụ nữ đi chợ Biên Hòa Ảnh của L.Crespin - trích từ sách ảnh Hình ảnh Biên Hòa xưa

* Đặc sắc loại vải được dệt từ tơ tằm

Với môi trường tự nhiên của xứ nhiệt đới, người phương Nam sở trường việc tận dụng các chất liệu có nguồn gốc thực vật, vốn là sản phẩm của nghề trồng trọt, với các đặc tính mỏng, nhẹ, thoáng. Trong đó, tơ tằm là nguyên liệu được yêu thích hơn cả và nghề trồng dâu - nuôi tằm lấy tơ là một trong những nghề truyền thống, có bề dày lịch sử hàng ngàn năm ở Việt Nam.

Từ tơ tằm, người Việt đã dệt nên nhiều loại sản phẩm rất phong phú như: tơ, lụa, lượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, đũi, địa, nái, sồi, thao, vân… Mỗi loại có nhiều mẫu mã khác nhau, như lụa thì có lụa mỏng, lụa dày, lụa trắng, lụa trơn, lụa bóng… Vân thì có vân tứ quý, vân hồng điệp…

Tiếc rằng theo thời gian, cùng với sự phát triển đa dạng của các loại vải vóc, các mặt hàng dệt truyền thống đã dần mai một. Ngay cả tên gọi các loại vải vóc khi xưa cũng bị lãng quên, chỉ còn để lại điểm dấu trong các cụm từ ghép, chỉ những gì đẹp đẽ như: gấm vóc, lượt là, lụa là… hoặc những cụm từ ghép như: yếm lụa sồi, dây lưng đũi, quần nái đen… để lại nhiều lưu luyến trong bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính: Nào đâu cái yếm lụa sồi?/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?/ Nào đâu cái áo tứ thân?/ Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Dầu vậy nghề trồng dâu nuôi tằm ngày nay vẫn có chỗ đứng riêng và mặt hàng thời trang vải tơ tằm luôn là loại có giá trị cao cấp. Thương hiệu vải tơ tằm của Việt Nam luôn được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Một chiếc khăn lụa, một chiếc cravat, một bộ áo dài hay chiếc áo vest từ lụa tơ tằm truyền thống cũng làm cho người mặc nó thêm sang trọng, đẳng cấp.

* Dấu ấn trang phục người Việt

Từ thời Hùng Vương, nam giới đóng khố, còn phụ nữ thì mặc váy, lối mặc đó được bảo lưu ở nhiều nơi trong thời gian dài. Mặc váy cũng phù hợp với bối cảnh khí hậu nóng bức của vùng nhiệt đới. Người Việt rất tự hào về chiếc váy, và khẳng định rằng: Cái thúng mà thủng hai đầu/ Bên ta thì có bên Tàu thì không!

Nếu đàn ông là Cởi trần đóng khố thì phụ nữ là váy vận, yếm mang. Do đó, cùng với váy, thì chiếc áo yếm là đồ mặc ổn định nhất qua các thời kỳ, cũng đồng thời là biểu tượng nữ tính. Người phụ nữ xưa kia thường tự tay cắt may yếm, khi giặt giũ thường phơi chỗ kín đáo. Yếm nâu mặc đi làm thường ngày ở nông thôn, yếm trắng mặc ở thành thị và phụ nữ mặc ở nhà; còn có các loại yếm hồng, yếm đào, yếm thắm… mặc khi lễ hội.

Váy kín là gì
Áo bà ba - trang phục đặc trưng của phụ nữ Nam bộ. Trong ảnh: Các thí sinh của Hoa hậu Việt Nam 2018 tỏa sắc trong các bộ áo bà ba. Ảnh: Baomoi.com

Yếm cũng trở thành biểu tượng của tình yêu, sự quyến rũ của phụ nữ đôi lứa, ca dao Việt Nam có nhiều ví dụ sinh động như: Thuyền anh mắc cạn lên đây/ Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền hoặc Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi… Ngày nay, trang phục hiện đại của phụ nữ cũng thường có chiếc áo yếm cách điệu với nhiều mẫu mã đa dạng hoặc các chi tiết trên trang phục cũng lấy các ý tưởng từ chiếc áo yếm xưa…

Khi lao động và trong sinh hoạt đời thường, người nam cũng như nữ mặc áo ngắn có 2 túi ở dưới, xẻ tà hoặc không xẻ tà hai bên hông, gọi là áo cánh, áo bà ba. Chiếc áo bà ba với quần ống xéo đơn giản, phù hợp với sinh hoạt đời thường, đồng thời cũng tôn lên vẻ đẹp giản dị, thướt tha của người phụ nữ. Hình ảnh phụ nữ trong chiếc áo bà ba duyên dáng bên những nhịp chèo ghe, hay thanh thoát đi qua cầu tre… đã trở thành nét duyên của phụ nữ vùng Nam bộ sông nước.

Khi lễ hội, người Việt mặc áo dài. Áo dài ngày nay là trang phục truyền thống dân tộc, vừa tôn lên sự gợi cảm của người phụ nữ một cách kín đáo, tế nhị và trang nhã.

* Phong phú phụ kiện đi kèm

Ngoài trang phục chính, người Việt Nam còn có những trang phục phụ đi kèm.

Phụ nữ xưa thường có cái thắt lưng để giữ cho đồ mặc dưới không bị tuột, đồng thời tôn vẻ đẹp cơ thể, có khi còn kiêm luôn chức năng làm túi đựng đồ vặt như: trầu cau, tiền...

Nam giới và phụ nữ Việt Nam xưa thường để tóc dài. Phụ nữ vấn tóc bằng một mảnh vải dài cuộn lại để trên đầu, đuôi tóc chừa một ít gọi là tóc đuôi gà. Có thể phủ ra ngoài cái vấn tóc là cái khăn vuông, chít hình mỏ quạ hoặc hình đồng tiền. Chẳng thế mà trong bài Chùa Hương, Nguyễn Nhược Pháp khắc họa cô gái quê Bắc bộ: Khăn nhỏ, đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao… Còn người Nam bộ vẫn quen thuộc với hình ảnh quấn quanh đầu chiếc khăn rằn.

Vật che nắng che mưa quen thuộc của người Việt là chiếc nón lá. Trong đó, nón ba tầm đã trở nên thân thiết với những người phụ nữ Việt cả những khi chân lấm tay bùn và cả những khi nô nức trảy hội. Ngoài ra còn có nón lá hình chóp. Các loại nón đều có quai để giữ, trong đó rất phổ biến là quai thao kết hợp với nón ba tầm. Quai thao là một loại phụ kiện đặc biệt của người phụ nữ xưa, trở thành một hình tượng phổ biến trong văn học dân gian thường ẩn dụ cho vẻ đẹp của người con gái.

Trong lúc khâu nón, giữa hai lớp lá mỏng, người thợ gài vào những họa tiết dân gian, hình quê hương đất nước, đôi khi là mấy câu thơ. Những hình ảnh lời thơ tinh tế được lộ ra khi chiếc nón được soi dưới ánh sáng. Loại nón này được gọi là nón bài thơ.

Ngày nay, trong cuộc sống đô thị hiện đại, chiếc nón lá không còn phổ biến như xưa. Nhưng hình ảnh người phụ nữ với tà áo dài và chiếc nón lá vẫn theo người Việt đi khắp năm châu bốn bể. Du khách người nước ngoài đến Việt Nam trở về hầu như đều mang theo chiếc nón lá làm quà kỷ niệm hoặc tặng bạn bè…

Ban đầu trong chuyện ăn mặc của người Việt quan niệm rất thiết thực: Ăn lấy chắc, mặc lấy bền và Cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết. Dần dần, việc ăn mặc đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được với mục đích trang điểm, làm đẹp cho người mặc: Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, chân tốt vì hài, tai tốt vì hoa. Hình thức bên ngoài giúp cho con người khắc phục được những nhược điểm về cơ thể và tuổi tác, nên người xưa cho rằng: Cau già khéo bổ thì non/ Nạ dòng trang điểm lại còn hơn xưa. Ngoài ra, việc mặc còn mang một ý nghĩa xã hội rất to lớn, cho thấy địa vị xã hội, nghề nghiệp, quê quán của người diện nó, cho thấy người ta hơn kém nhau cũng qua trang phục: Hơn nhau cái áo manh quần/ Thả ra ai cũng bóc trần như ai.