Trường ca có nghĩa là gì

1 Trong nền văn học hiện đại nước ta, trường ca là thể loại được xác lập chính thức vào những năm 70

và nở rộ trong thập niên 80 của thế kỷ XX. Có thể nói, giai đoạn này, lịch sử văn học Việt Nam chứng kiến sự “nở rộ” của những sáng tác thơ dài hơi, có quy mô và dung lượng lớn, khái quát về các sự kiện và các biến cố lịch sử; về những số phận con người gắn liền với số phận của dân tộc, của đất nước. Chính họ đã đem lại sự trải nghiệm mới về những vấn đề lịch sử, nhân sinh trong một hình thức văn học còn mới mẻ với bạn đọc nước nhà.

Trường ca có nghĩa là gì

Đến nay, khái niệm và thuật ngữ trường ca vẫn chưa được hiểu thống nhất. Có người dùng khái niệm trường ca để chỉ các tác phẩm sử thi, anh hùng ca (Từ Sơn, Đỗ Văn Khang, Phạm Quang Trung, Trần Ngọc Vương...). Có người coi những tác phẩm được viết bằng thơ, dung lượng lớn, thường có cốt truyện hoặc sườn truyện trữ tình và chúng có thể được ca ngâm hoặc kể theo lối ngâm là trường ca (Hoài Thanh, Vũ Đức Phúc, Mã Giang Lân, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân). Số khác quan niệm, trường ca có bốn đặc điểm cơ bản sau: được viết bằng thơ; nội dung lớn, chia thành nhiều phần; chất trữ tình lấn át chất tự sự; cảm hứng ngợi ca trở thành điểm tựa chủ đạo và nhất thiết phải có nhạc điệu (Nguyễn Trọng Tạo, Vương Trọng, Hoàng Ngọc Hiến...). Có thể nói rằng, trường ca cũng như các thể loại khác, nó đang vận động và giàu biến ảo. Vì thế, không có một định nghĩa cũ nào có thể ôm chứa hết những đặc điểm mới của nó. Trường ca lại khiến giới nghiên cứu phải nắm bắt thêm, phải định dạng lại. Mỗi sự nghiên cứu lại phát triển ra những nét mới. Trường ca nở rộ những năm trước đây gắn với thế hệ cầm bút từng đi qua chiến tranh. Chiến tranh là chấn động lịch sử lớn lao mà họ trực tiếp lãnh nhận và hứng chịu. Vì thế phần lớn những trường ca của họ đều viết về chiến tranh. Chiến tranh vừa là đề tài, vừa là cảm hứng, phần nào còn là cả thi pháp của mỗi người. Những “nhà thơ mặc áo lính” chính là những người trong cuộc, song họ cũng thật sự bàng hoàng về những năm tháng lịch sử vĩ đại mà mình đã đi qua, những mất còn mà họ từng cảm nhận. Chính họ là những người mắc nợ văn chương với những năm tháng hào hùng ấy, mắc nợ với người đã thay họ vĩnh viễn nằm xuống. Trường ca ra đời như là một nhu cầu tổng kết, một nhu cầu lột tả cho hết những gì mình đã đi qua mà trong thời chiến chưa đủ thời gian suy ngẫm đến tận cùng, chưa đủ độ chín để tổng kết lịch sử. Khái quát lịch sử bằng những hình tượng thơ cụ thể, cảm xúc trào dâng chính là một thành công của trường ca so với thơ trữ tình.

2 Nghiên cứu sự phát triển của trường ca, chúng tôi thấy có hai giai đoạn: Giai đoạn 1932-1975: là giai đoạn ra đời của trường ca, nó vẫn mang nặng tính sử thi của anh hùng ca. Giai đoạn sau 1975: xuất hiện xu hướng thiên về tính trữ tình, mang đậm dấu ấn cái tôi cá nhân. Giai đoạn 1932-1975 gồm những trường ca gây ấn tượng lớn, có tầm ảnh hưởng, hoặc cắm mốc quan trọng đối với sự phát triển của thể loại như: Những người trên cửa biển (1956) của Văn Cao, Bài ca chim Ch’rao (1964) của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng (1974) của Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát người anh hùng (1974) của Trần Đăng Khoa... Có thể nói ở giai đoạn này, các nhà thơ muốn dùng trường ca để cạnh tranh với tiểu thuyết trong việc tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Ở giai đoạn này, trường ca Việt hiện đại vẫn mang nặng dấu ấn sử thi. Thậm chí, trong những năm đầu của giai đoạn sau 1975, chất sử thi vẫn còn để lại dấu ấn quan trọng trong một số trường ca: Những người đi tới biển (1977) của Thanh Thảo, Đường tới thành phố (1979) của Hữu Thỉnh, Con đường của những vì sao (1981) của Nguyễn Trọng Tạo, Trầm tích, Long mạch (1999) của Hoàng Trần Cương, Mỗi loài hoa một mặt trời (1999) của Trần Anh Thái...

Trường ca có nghĩa là gì

Như vậy, qua một số trường ca hiện đại sau 1975, có thể thấy ngoài một xu hướng kế thừa tính sử thi của trường ca, thì ngay cả ở những trường ca được gọi là trữ tình, tính tự sự và sử thi vẫn không mất đi. Ngoài ra, còn có một số trường ca thể hiện triết lý sâu sắc về dân tộc, đất nước, những chiêm nghiệm về cuộc đời và cách ứng xử trước thực tế khắc nghiệt khi đối diện với hiện thực đời sống hôm nay: Trường ca biển của Hữu Thỉnh, Hành trình của con kiến của Lê Minh Quốc... Trong Trường ca biển của Hữu Thỉnh, biển đảo không đơn giản chỉ là nơi toàn cát mà chính là vành đai, là xương thịt của Tổ quốc. Biển là nơi hội tụ của các dòng sông lớn đổ về, là nơi hội tụ những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Chính những giá trị ấy là cội nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để con người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách: Tiếng Việt gọi hồn Việt/Giữa đất Việt ngoài khơi/Tiếng Việt là ngọn cờ/Hội quân trong đêm tối/Tiếng Việt để nhận nhau/Giữa bao nhiêu rắc rối. Với Hữu Thỉnh, tiếng Việt không đơn thuần chỉ là tiếng nói mà còn là giá trị văn hóa, là linh hồn của dân tộc còn lại với thời gian và đất nước, nó là tiếng kèn hiệu triệu, là bản sắc để dân tộc nhận ra nhau giữa muôn trùng sóng biển. Có lẽ viết những dòng thơ này, nhà thơ Hữu Thỉnh một lần nữa muốn khẳng định nét độc đáo, nét riêng của tiếng Việt.

3 Gần đây, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho ra đời Trường ca biển mặn (2015), viết về sự hy sinh cao cả của bao thế hệ người Việt trong sự nghiệp giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong trường ca của Nguyễn Trọng Tạo, điều dễ nhận thấy là tình yêu quê hương đất nước gắn liền với truyền thống đánh giặc giữ nước của bao lớp thế hệ anh hùng. Điểm nổi trội của tác phẩm là ca ngợi bản chất anh hùng của người lính biển dù ở thời bình hay thời chiến, đồng thời khẳng định tư cách và chủ quyền biển đảo của dân tộc. Hết thế hệ này truyền sang thế hệ khác quyết tâm giữ gìn sự toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc: “Cha đã lính. Bây giờ con lại lính/ Những thế hệ nối nhau đi giữ nước non nhà/ Xưa cha Trường Sơn Rừng/ Nay con Trường Sơn Biển”. (Trường ca biển mặn)

Năm 2016, nhà thơ Thanh Thảo vừa xuất bản trường ca Dạ tôi là Sáu Dân viết về Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh là Sáu Dân), một trường ca ngắn thể hiện sự đau đáu, trằn trọc về những nỗi riêng chung cùng bao điều quốc kế dân sinh của một người luôn có tâm vì dân. Hay Đám mây hình người thợ săn và con chó (2016) của Thanh Thảo cũng là trường ca ngắn viết về văn hóa người Mông. Đây có lẽ là hai trong số ít trường ca không nằm trong mô-típ quen thuộc là tái hiện những bức tranh lịch sử. Như vậy, qua tìm hiểu sự phát triển của trường ca, có thể thấy rằng thế hệ trẻ lớn lên sau cuộc chiến hầu như không viết trường ca nhiều. Theo nhà nghiên cứu phê bình Chu Văn Sơn: “Có thể có nhiều lý do, chẳng hạn quan niệm thẩm mỹ của thế hệ này đã khác trước, trường ca không thật hấp dẫn ngòi bút của họ, có thể do thị hiếu người đọc, trường ca không còn là món khoái khẩu của họ, có thể mối liên hệ của họ với những chấn động lịch sử đã khác trước...”. Mỗi thế hệ đều có những chân dung thơ ca riêng phản ánh thời đại của mình. Hiện nay, tâm trạng chung của những nhà thơ trẻ là cố gắng đi tìm cái mới, cố gắng vượt qua những lối mòn. Họ thường chuộng cái lạ và thích khám phá những thể loại mới. Có lẽ vì vậy mà họ ít quan tâm thể loại dài hơi và số nhà thơ trẻ quan tâm, sáng tác trường ca giảm dần.

Hiện nay, vẫn có một số ít nhà thơ trẻ viết trường ca như Nguyễn Quang Hưng, Thúy Nga, Phan Tuấn Anh... được giới chuyên môn đánh giá cao. Thời gian tới, có thể sẽ có thêm những trường ca mới ra đời, chuyển tải những biến đổi về cảm quan với tâm thức thời đại.

Phan Như Hoa

Những bài văn mẫu lớp 10 hay nhất

Trường ca là thể một thể loại văn học chỉ những tác phẩm thơ có dung lượng lớn và bên cạnh thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình. Thể loại văn học này thường được sử dụng nhiều trong thời kỳ cổ đại và trung đại.

Để giúp cho các bạn có thể nắm rõ kiến thức về thể loại văn học này, sau đây chúng tôi xin giới thiệu dàn ý và một số bài văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về thể loại văn học Trường Ca, xin mời tất cả thầy cô và các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý thuyết minh về thể loại văn học Trường Ca

I. Mở bài:

- Thể loại trường ca, một trong những thể loại độc đáo trong văn học

II. Thân bài:

* Nguồn gốc lịch sử:

- Trường ca xuất hiện từ rất sớm

- Thời cổ đại những sử thi được xem là trường ca

- Hiện nay, những tác phẩm thuộc thể loại trường ca là những tác phẩm thơ hoặc văn tự sự có một dung lượng lớn.

* Bản chất, đặc điểm của trường cả

- Theo cách định lượng tác phẩm: trường ca phải có sự rộng lớn về nội dung và tầm cỡ về quy mô cảm xúc.

→ Theo cách định tính: Trường ca phải kế thừa được tính tự sự - sử thi thời cổ đại hoặc trường ca phải là sự giao thoa, kết hợp hài hoà giữa tự sự và trữ tình.

* Phân loại trường ca:

- Trường cả có cốt truyện lãng mạn

- Trường ca anh hùng

- Trường ca giáo huấn

- Trường cả xã hội

* Đề tài chủ yếu của trường ca:

- Trường cả thường viết về đề tài đất nước, đề tài lịch sử toàn dân, đề tài lịch sử toàn thế giới, đề tài về các vị anh hùng hoặc đề tài về tôn giáo

* Quá trình phát triển của thể loại trường ca:

- Thời kỳ cổ đại.

- Thời kỳ trung đai.

- Thời kỳ hiện đại.

* Thể loại trường ca trong văn học Việt:

- Giai đoạn đầu trước năm 1975 là giai đoạn trường ca bắt đầu xuất hiện ở nước ta nên có còn mang nặng nét sử thi trong tác phẩm.

- Giai đoạn sau 1975 trường ca có thiên hướng trữ tình và thể hiện được cái tôi cá nhân của tác giả.

- Kể tên một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu với thể loại trường ca.

III. Kết bài:

- Thể loại trường ca được các nhà thơ, nhà văn tiếp thu và phát triển, biến đổi một cách đầy linh hoạt. Hy vọng rằng, thể loại này sẽ là một miền đất lành để các tác giả tiếp tục thể hiện tài năng của mình, bộc lộ những cảm quan về thời đại mới, con người mới trong xã hội hiện đại.

Thuyết minh về thể loại văn học Trường Ca - Mẫu 1

Những bản trường ca vĩ đại trên thế giới đều đánh dấu những giai đoạn lớn, những bước ngoặt của lịch sử. Trường ca I-li-át hơn một vạn rưỡi câu, trường ca Ô-đi-xê hơn một vạn câu của Hô-me-rơ phản ánh thời cổ đại anh hùng của Hy Lạp. Trường ca Rèm-kề của Campuchia dài hơn một vạn câu đánh giá thời đại rực rỡ nhất của dân tộc Campuchia. Bộ sử thi của Ấn Độ cũng dài như một bộ kinh tôn giáo... Đó là những bản trường ca bất hủ thuộc về của cải chung của nhân loại.

Trường ca Đăm Săn, Xinh Nhã của Tây Nguyên cũng thuộc vào loại có cỡ trên thế giới.

Trong những năm dài khi dân tộc ta còn bị nô lệ, trường ca hầu như bị phai mờ trong các thể loại văn học. Thỉnh thoảng người ta nhắc đến trường ca như một cái tên chung tượng trưng cho các quyển sách hay, những tập thơ hay. Trường ca trong nhiều năm không được ai nhắc đến. Năm 1932, cuộc tranh luận về thơ mới thơ cũ nổ ra trên văn đàn một cách sôi nổi, người ta phân rạch ròi ra các khuynh hướng thi ca nhưng cũng chẳng ai nói đến trường ca, may ra có nhắc đến bài Tiếng địch sông Ô của nhà thơ trẻ lúc bấy giờ là Phạm Huy Thông xem đó như một anh hùng ca nhưng cũng diễn giải bằng tích của Tàu.

Trường ca bị quên lãng và bị gán ghép vào những bài thơ dài, thơ truyện và bị đánh mất chân dung của mình. Năm tháng trôi qua, trường ca có lúc thấp thoáng trong những áng văn thơ của một vài tác giả rồi chìm nghỉm như một người con gái hết nhan sắc không được ai nhắc đến.

Cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ đầy hy sinh của dân tộc ta trong ba mươi lăm năm qua đã nảy sinh bao nhiêu bản trường ca. Bản thân những bản trường ca đó lấy ra từ trong máu lửa tro than, từ những cuộc hành quân suốt từ Bắc chí Nam, làm mòn cả đá của những đỉnh Trường Sơn, từ khát vọng cháy bỏng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!

Nhất định phải có những bản trường ca hùng tráng tương xứng để ca ngợi cuộc chiến đấu đầy khí phách anh hùng, ca ngợi công cuộc lao động đầy sáng tạo và không biết mệt mỏi của nhân dân ta. Tất nhiên các thể loại văn học khác cũng có nhiệm vụ đó, nhưng trường ca với đặc trưng của nó có nhiều khả năng trong việc này. Và như không hẹn mà gặp, trường ca đã có mặt những nơi đầu sóng ngọn gió. Đội quân tinh nhuệ này ra đời thật đúng lúc, nó sẽ trở thành đội ngũ hùng hậu tự khẳng định mình, tự mình cắt nghĩa mình, định hình trong đời sống văn học ba mươi lăm nắm tuy chưa dài nhưng trường ca có thể làm một cuộc duyệt binh nho nhỏ trước quảng trường văn học Việt Nam: Lửa sáng rừng của Thái Giang, Bài ca Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi, Bài ca chim chơ rao, Ba-dan khát và Cam-pu-chia hy vọng của Thu Bồn, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Kể chuyện ăn cơm giữa sân của Nguyễn Khắc Phục, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh... Trường ca có khả năng đặc biệt đi vào hiện thực.

Trong thơ trữ tình, khuynh hướng hiện thực cũng được phản ánh, nhưng tính lãng mạn hầu như bao trùm và có những lúc bị quăn lại trước những hiện thực dữ dội. Thơ trữ tình thường né tránh những đề tài quá ư phức tạp trong đời sống và nếu có thể hiện thì phần nhiều sử dụng phương pháp lãng mạn. Trường ca có thể xông vào hiện thực cuộc sống với tất cả sức mạnh của nó, giống như một người công binh đào hầm lại có đủ cả xẻng cuốc, khoan máy, thuốc nổ... Trường ca dám xông vào những chỗ hóc búa, những vỉa đá ngầm của. cuộc sống. Tuy vậy, trường ca chứ không phải tiểu thuyết, trong khuôn khổ đặc trưng của nó, cũng phải kiêng nể một đôi chỗ...

Trường ca có đủ khả năng hiện thực và trữ tình nên sức công phá và độ bền của nó rất lớn. Do sự yêu cầu nghiêm ngặt về bố cục, tính tư tưởng và sự đa dạng của nó nên trường ca là một kiến trúc hoàn hảo có một sức mạnh nương tựa vào nhau, làm tôn thêm vẻ đẹp và sức mạnh cho nhau. Những ngôn ngữ và 'hình ảnh khi bước vào ngưỡng cửa của trường ca thực sự được chuyển hoá và nâng mình lên một bước, tự bản thân chúng tạo nên cho chúng những vẻ riêng rất là trường ca. Trường ca đã hình thành một bộ môn văn học, lừng lững đi vào đời sống, khác với những ngày tên gọi của nó chỉ thấp thoáng một cái bóng mơ hồ không có bộ mặt và hình dáng.

Trường ca là một thể loại thơ dài nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng thông qua hình tượng thơ ca, sử dụng ngôn ngữ, ngôn ngữ, âm điệu, bố cục... một cách điêu luyện và tinh xảo nhất của toàn bộ nghệ thuật thơ ca. Nó động viên nhiều phương pháp, vốn sống, xúc cảm, lao động trí tuệ nhằm ca ngợi con người, tình yêu, chiến đấu, lao động sáng tạo và thiên nhiên...

Do tính chất của nó như vậy, cho nên hình thức của nó rất phong phú và đa dạng. Phong phú đến nỗi ta lười nhác không muốn định nghĩa nó là cái gì nữa. Đã thế, nó lại đường phát triển nhanh chóng.

Hiện nay trường ca giống như cô gái đẹp, tùy theo sự chiêm ngưỡng của người này người khác mà trang điểm thêm cho nó những phần mà mình ưa thích. Tuy nhiên, nó cũng có những quy luật khắt khe của nó. Ngay hiện nay có những bài diễn ca đã được ghi lại bên cạnh chữ to tướng là trường ca nhưng quần chúng không công nhận đó là trường ca, dù bài diễn ca đó hay và tác dụng đến mấy đi nữa. Bừng nên vì cái hay của thể loại này lại chuyển thể nó qua một thể loại khác.

Trường ca khác hẳn với thơ truyện và diễn ca. Có thể vì tạm trường ca là một tòa lâu đài, thơ truyện là một toà nhà, diễn ca là một dãy trại lán. Do yêu cầu nghiêm túc của thiết kế mà đẻ ra hình thức này chứ tuyệt đối không phải trọng cái nào, khinh cái nào, vì cái nào sinh ra cũng do yêu cầu của nó.

Gỗ, đá, gạch có thể làm nhà, làm lâu đài, cũng như ngôn ngữ có thể làm diễn ca, làm thơ truyện, làm trường ca. Nhưng gỗ làm tòa lâu đài cũng khác gỗ làm lán trại; cũng như ngôn ngữ trường ca khác ngôn ngữ diễn ca. Sự khác nhau đó là do tính tất yếu của nội dung .công trình khắt khe đòi hỏi chứ không phải ý muốn một ai. Vì vậy, khi những ngôn ngữ nhân vật bố cục bước vào công trình của trường ca chúng phải kiểm nghiệm mình và nâng mình lên một bước để xứng đáng phù hợp với công trình mà nó đảm nhiệm. Trường ca là một tòa lâu đài của thơ ca, là một kiến trúc tổng hợp của thơ ca.

Cũng như các bộ môn văn học khác, trong thơ, nhà thơ phải có thường trực ba con người: một kiến trúc sư thiết kế ra công trình, một người thợ lành nghề để thể hiện công trình đó, một người lao động tận tụy khai thác nguyên vật liệu dồi dào trong đời sống. Có khi nhà kiến trúc sư đi trước, có khi người lao động đi trước, do những nguyên vật liệu đã có đó kêu gọi công trình. Nói chung nguyên vật liệu, vốn sống trong văn học là một thứ nguyên vật liệu đặc biệt. Nó có thể nhao nhao lên đòi kết hợp để biến thành những công trình, nhưng cũng có thể tự nó biến mất đi hoặc nằm ngổn ngang ra đó biến thành những chướng ngại vật, cản trở và có khi vùi lấp nhà thơ. Tất cả cái đó đều do cuộc sống và trình độ của nhà thơ quyết định.

Trong nghệ thuật đều có những bước giống nhau nhưng trong thể loại trường ca cũng có những cái riêng của nó, tin chắc rằng sắp đến mọi người sẽ cùng nhau tìm ra những đặc trưng riêng biệt của nó. Có thể ví thêm mỗi bài thơ như một trận đánh, trường ca lại là một chiến dịch. Nó có đầy đủ những tính chất của các trận đánh, chính vì thế nó khác hẳn một trận đánh, nó có những yêu cầu cao hơn một trận đánh.

Thuyết minh về thể loại văn học Trường Ca - Mẫu 2

Nền văn học thế giới phát triển rực rỡ với nhiều thể loại phong phú, đó là thơ ca, hò vè, truyện ngắn, tiểu thuyết,...và không thể không nhắc đến thể loại trường ca, một trong những thể loại độc đáo trong văn học.

Trước đây, thời cổ đại những tác phẩm sử thi được xem là trường ca. Hiện nay, những tác phẩm thuộc thể loại trường ca là những tác phẩm thơ hoặc văn tự sự có một dung lượng lớn. Trường ca xuất hiện từ rất sớm, trải qua quá trình phát triển thể loại trường ca có nhiều quan niệm, cách đánh giá khác nhau, song nó vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong văn học.

Để tìm hiểu bản chất của trường ca, một số nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu và đưa ra những luồng ý kiến khác nhau. Một số người xác định bản chất của nó theo cách định lượng tác phẩm: họ cho rằng trường ca phải có sự rộng lớn về nội dung và tầm cỡ về quy mô cảm xúc. Một số khác lại xác định bản chất trường ca theo cách định tính: trường ca phải kế thừa được tính tự sự- sử thi thời cổ đại hoặc trường ca phải là sự giao thoa, kết hợp hài hoà giữa tự sự và trữ tình. Song, dù được xác định như thế nào, trường ca vẫn luôn mang tính trữ tình độc đáo, qua đó người viết thể hiện được dòng cảm xúc, tâm tình của chính mình.

Cách phân loại trường ca được dựa trên nhiều cơ sở, căn cứ vào nội dung có thể kể đến các loại trường ca sau: trường cả có cốt truyện lãng mạn, trường ca anh hùng, trường ca giáo huấn,.. Đề tài của thể loại trường ca khá phong phú. Trường cả thường viết về đề tài đất nước, đề tài lịch sử toàn dân, đề tài lịch sử toàn thế giới, đề tài về các vị anh hùng hoặc đề tài về tôn giáo. Dù ở bất kỳ đề tài nào, trường cả vẫn luôn thể hiện được sự thu hút và hấp dẫn của mình trong chính mỗi tác phẩm được viết ra.

Quá trình phát triển của trường ca qua mỗi thời kỳ được đánh dấu quá nhiều tác phẩm lớn. Thời cổ đại có thể kể đến tác phẩm của John Milton với "Thiên đường đã mất" hay Đantê với tác phẩm "Thần khúc". Thời kỳ trung đại có trường ca hiệp sĩ như "Chàng Dũng sĩ khoác áo da hổ" của tác giả Rustaveli hay như "Chàng Orlando cuồng nộ" của Ariosto. Bước vào thời đại chủ nghĩa lãng mạn, trường ca được dịp nở rộ và phát triển đỉnh cao. Những tác phẩm tiêu biểu gây tiếng vang lớn giai đoạn này như "Kỵ sĩ đồng" của thiên tài văn học Puskin hay "Con quỷ" của nhà văn Lermontov. Những năm cuối thế kỉ 19, thể loại này dần suy thoái song vẫn có một số trường ca khá xuất sắc và giá trị như "Bài ca về Hiawatha" hay "Thần băng giá mũi đỏ".

Ở nền văn học nước nhà, thể loại trường ca cũng khá phát triển. Truyền thống lịch sử tốt đẹp cùng các vị anh hùng dân tộc và một thời đại lịch sử hào hùng là nguồn cảm hứng dạt dào và mãnh liệt cho các thi nhân. Theo kết quả của các nhà nghiên cứu trường ca Việt Nam được phát triển qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu trước năm 1975 là giai đoạn trường ca bắt đầu xuất hiện ở nước ta nên có còn mang nặng nét sử thi trong tác phẩm. Giai đoạn sau 1975 trường ca có thiên hướng trữ tình và thể hiện được cái tôi cá nhân của tác giả. Những tác phẩm trường ca xuất sắc và tiêu biểu đóng góp lớn vào thành tựu lớn của văn học nước nhà phải kể đến : "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm, "Những người đi tới biển" của Thanh Thảo, "Con đường những vì sao" của Nguyễn Trọng Tạo, "Khúc hát người anh hùng" của Trần Đăng Khoa, "Mỗi loài hoa một mặt trời" của Trần Anh Thái,...

Khác với các thể loại khác, trường ca mang một nét riêng biệt mà đặc sắc cá tính nhưng cũng đầy dịu dàng, tràn trề xúc cảm. Thể loại trường ca được các nhà thơ, nhà văn tiếp thu và phát triển, biến đổi một cách đầy linh hoạt. Hy vọng rằng, thể loại này sẽ là một miền đất lành để các tác giả tiếp tục thể hiện tài năng của mình, bộc lộ những cảm quan về thời đại mới, con người mới trong xã hội hiện đại.

Cập nhật: 16/03/2020