Trong văn bản gió lạnh đầu mùa vì sao những đứa trẻ nghèo không dám lại gần chơi với Sơn và Lan

Câu hỏi: Nội dung chính của Gió lạnh đầu mùa?

Trả lời:

Sơn và Lan là hai chị em sinh ra trong một gia đình khá giả. Không giống như những đứa trẻ có điều kiện khác, hai chị em Sơn, Lan luôn hòa đồng, gần gũi với những đứa trẻ nghèo cùng phố huyện. Vào một ngày trời chuyển lạnh, hai chị em mặc áo ấm ra chợ chơi thấy Hiên – cô bé hàng xóm đang co ro bên cột quán với manh áo mong manh, rách tả tơi. Thấy vậy, hai chị em bèn đem tặng Hiên chiếc áo bông cũ. Chính chiếc áo bông ấy đã thắp sâng tình yêu thương, sưởi ấm cho Hiên cũng như những đứa trẻ nghèo nơi đây qua mùa đông giá rét.

Câu chuyện đã để lại dư âm trong lòng độc giả, khiến độc giả vừa thấm thía nỗi khổ đau, bất hạnh, hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, thiêng liêng; từ đó thêm trân trọng cuộc sống này hơn.

Cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về tác phẩm gió lạnh đầu mùa nhé!

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Thạch Lam (1910 - 1942)

-Tên khai sinh: Nguyễn Tường Vinh.

-Quê quán: Hà Nội, lúc nhỏ ở quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương.

- Truyện ngắn của ông giàu cảm xúc, lời văn bình dị và đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu.

Thạch Lam là một cây viết xuất sắc thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Truyện ngắn của ông không đi vào những chi tiết xung đột, mâu thuẫn mà để lại ấn tượng trong lòng người đọc với lối kể chuyện nhẹ nhàng, tâm tình xung quanh cuộc đời của những con người bần hàn, tội nghiệp.

2. Tác phẩm

- Là một trong những truyện ngắn xuất sắc viếtvề đề tài trẻ em của Thạch Lam.

-Bố cục: 3 phần.

+ Phần 1 (Từ đầu đếnrơm rớm nước mắt): Cảnh sinh hoạt trong gia đình Sơn ngày gióđầu mùa.

+ Phần 2 (Tiếp đếnấm áp vui vui): Cảnh hai chị emSơn cùng vui chơi và chia sẻ áo ấm cho Hiên.

+ Phần 3 (Còn lại): Sự lo lắng của Sơn và cảnhmẹ Hiên trả lại áo.

II. Ý nghĩa nhân văn trong Gió lạnh đầu mùa

Nhà văn kể nhưng không chỉ dừng lại ở việc kể. Thạch Lam kể về số phận của những con người nghèo đói nhưng không quên thắp lên ngọn lửa ấm áp của tình người yêu thương. Trong cảnh cơ cực và bần hàn không tả xiết ấy, vẫn có những đứa trẻ tốt bụng biết nhường bạn manh áo ấm.

Đâu đó, len lỏi trong những ánh mắt vô tâm vô hồn, vẫn có nỗi day dứt của người đàn ông đã vô cớ nóng giận với bác phu xe nghèo khổ. Cái giết chết con người không phải nghèo đói, mà là nỗi ân hận day dứt theo người ta tới cuối cuộc đời.

Truyện làm ta buồn vì những đứa con vô tâm nhưng cũng sưởi ấm lòng ta khi nhắc đến những người thân nơi làng quê luôn trông mong, yêu thương chân thành những đứa con nơi phố thị ấy. Giữa cảnh nổi trôi của cuộc đời vô định, chỉ một chút tình thương cũng làm ta thấy thật ấm lòng.

III. Bài văn mẫu phân tích tác phẩm

Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là một truyện ngắn xuất sắc của ông viết về đề tài trẻ em.

Truyện bắt đầu bằng khung cảnh của buổi sáng mùa đông được nhà văn khắc họa tinh tế. Chỉ sau một đêm mưa rào, trời bắt đầu nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến khiến con người tưởng rằng mình đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, cậu thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị đã trở dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ở ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Và sơn cũng thấy lạnh, cậu vơ vội cái chăn trùm lên đầu rồi gọi chị.

Mẹ Sơn đã bảo Lan - chị gái của Sơn vào buồng lấy thúng áo ra. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét. Bà giơ lên một chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành. Đó chính là chiếc áo của Duyên - đứa em gái đáng thương của Sơn đã mất năm lên bốn tuổi. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nhắc về em gái, Sơn cũng cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Chiếc áo bông chính là kỉ vật gợi nhớ về người em gái đã mất với biết bao tình yêu thương sâu sắc.

Sau khi mặc xong áo ấm, chị em Sơn đi ra chợ chơi.Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc - những đứa trẻ em nghèo khổ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Khi nhìn thấy Sơn và Lan trong những bộ quần áo ấm áp, chúng cảm thấy xuýt xoa, ngưỡng mộ. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Và đặc biệt là khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn - đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Chị Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Cái áo cũ mà chị em Sơn đem cho Hiên thể hiện tấm lòng nhân hậu của hai đứa trẻ.

Về đến nhà, hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai chị em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để đòi lại áo. Nhưng đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và bị phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có thể thấy dù sống khó khăn, khổ cực nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn người mẹ của Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là một người trái tim nhân hậu. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận, đánh mắng con mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Đó chính là tấm lòng vị tha cũng như giàu lòng yêu thương của người mẹ.

Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” nhẹ nhàng mà thật sâu sắc. Tác phẩm đã giúp người đọc hiểu hơn về giá trị của tình yêu thương giữa con người. Đây quả là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Thạch Lam.

Tiếp nối truyện Cô bé bán diêm, trong bài 3 sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức hưỡng dẫn các em soạn bài đọc hiểu văn bản Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam.

VĂN BẢN 2

Trước khi đọc

1. Kể về một sự giúp đỡ, chia sẻ mà em đã từng dành cho ai đó hoặc từng được đón nhận.

2. Đọc nhan đề Gió lạnh đầu mùa, em dự đoán nhà văn sẽ kể câu chuyện gì?

Đọc văn bản

THẠCH LAM

(1)

Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh(1), cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm giòn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi.

Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng không bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kĩ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hoả lò(2) để pha nước chè uống. Sơn nhận thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.

Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét.

Sơn cũng thấy lạnh, vội vơ lấy cái chăn trùm lên đầu rồi cất tiếng gọi chị.

Mẹ Sơn nghe thấy, đặt chén nước chè xuống, bảo chị Lan:

– Con vào buồng lấy thúng áo ra mẹ mặc cho em đi.

[…] Chị Lan từ trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thúng quần áo đặt lên đầu phản. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm(3), lục đống quần áo rét. […] Mẹ Sơn giơ lên một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn, nói:

– Đây là áo của cô Duyên đây.

Duyên là đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Vú già(4) là người đã nuôi Duyên từ lúc mới đẻ, với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ:

– Giá mà bây giờ em nó có còn cũng chả mặc được.                                                                        

Mẹ Sơn yên lặng không nói gì. Nhưng đến lúc vời Sơn lại gần để mặc áo, Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt.

(2)

Sơn đã mặc xong áo ấm: cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm(5) dài. Sơn đứng trên giường trước mặt mẹ, đã quay đi quay lại ba, bốn lần để mẹ Sơn ngắm áo. Sau cùng mẹ Sơn vuốt các tà áo cho phẳng phiu, rồi đẩy Sơn ra, bảo:

– Thôi, con đi chơi.

Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng(6), đánh đáo(7).

Không phải ngày phiên chợ nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như gần. Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên tanh tách dưới nhịp guốc(8) của hai chị em.

Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quầy quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kì và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo màu nâu bạc đã vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.

[…] Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:

– Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.

Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước đến gần, trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay.

Chị Lan cũng đến hỏi:

– Sao áo mày rách thế, Hiên? Áo lành đâu không mặc?

Con bé bịu xịu(9) nói:

– Hết áo rồi, chỉ còn cái này.

– Sao không bảo u mày may cho?

Sơn bấy giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng với Hiên, đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:

– Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.

– Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.

Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.

(3)

Nhưng cái vui của Sơn không được bao lâu. Bữa cơm về tới nhà, Sơn không thấy mẹ đâu cả, hỏi vú già:

– Mợ(10) tôi đâu hả vú?

– Chị Lan và cậu cứ ăn cơm trước đi. Mợ còn đi ăn cỗ đến trưa mới về.  

Rồi vú già nhìn rõ vào mặt Sơn hỏi:

– Có phải cậu đem cho con Hiên cái áo bông cũ phải không?

Sơn ngạc nhiên đáp:

– Phải, nhưng sao vú biết?

– Con Sinh nó nói với tôi đấy (Sinh là đứa em họ Sơn, vẫn hay nói hỗn với vú già nên vú ấy ghét). Nó lại còn bảo hễ mợ về nó sẽ sang mách mợ cho cậu phải đòn.

Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van:

– Thế bây giờ làm thế nào, hở vú? Mợ tôi biết thì chết.

– Ai bảo cậu dại dột đem áo cho nó? Bây giờ cậu sang bảo cái Hiên trả lại thì không việc gì.                        

Sơn vội vàng đi ra chợ tìm Hiên nhưng không thấy con bé ở đó, đến nhà cũng không thấy ai, mẹ nó cũng không có nhà. Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp. Gần đến buổi chiều, Sơn và chị chưa đòi được áo.

Lan trách em:

– Sao em lại nghĩ đem cho nó cái áo ấy, có phải bây giờ mợ mắng chết không?

– Ai bảo chị về lấy? Nếu chị không về lấy thì em biết đầu?

Chị Lan đấu dịu:

– Thôi, bây giờ phải về nhà vậy chứ biết làm thế nào.

– Nhưng mà em sợ lắm.

Chị Lan thở dài, nắm chặt lấy tay em, an ủi:

– Đằng nào cũng phải về cơ mà. May ra có lẽ mợ không mắng đâu.

Hai chị em lo lắng dắt nhau lẻn về nhà. Đến cửa, Sơn nghe thấy có tiếng mẹ nói ở trong với tiếng người đàn bà khác nữa, nghe quen quen. Lan dắt tay Sơn khép nép bước vào; hai chị em ngạc nhiên đứng sững ra khi thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con trên đất trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ.

Thấy hai con về, mẹ Sơn ngửng lên nhìn rồi nghiêm nghị bảo:

– Kìa, hai cô cậu đã về kia. Thế áo bông của tôi đâu mà tự tiện đem cho đấy?

Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị. Bác Hiên vừa cười vừa nói:

– Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ. Thôi, bây giờ, xin phép mợ tôi về.

Mẹ Sơn hỏi:

– Con Hiên nó không có áo à?

– Bẩm nhà cháu độ này khổ lắm, chẳng để dành ra được đồng nào may áo cho con cả. Thành thử vẫn cái áo từ năm ngoái nó mặc mãi.

Mẹ Sơn với cái âu đồng lấy tiền đưa cho bác Hiên:

– Đây, tôi cho mượn năm hào về mà may áo cho con.

Khi bác Hiên bước ra khỏi cửa, mẹ Sơn vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm ôm vào lòng mà bảo:  

– Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?

(Thạch Lam, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, Hà Nội, 2015, tr. 119 – 126)

Sau khi đọc

  • Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh ra ở Hà Nội, lúc nhỏ sống ở quê ngoại – phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, ông sáng tác ở nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tuỳ bút,…) song thành công nhất vẫn là truyện ngắn. Truyện ngắn của Thạch Lam giàu cảm xúc, lời văn bình dị và đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu. Tác phẩm của Thạch Lam ẩn chứa niềm yêu thương, trân trọng đối với thiên nhiên, con người, cuộc sống. Các tập truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc,…
  • Gió lạnh đầu mùa là một trong những truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài trẻ em của Thạch Lam.
  • Nhà văn nói về tác phẩm:

    ”… Gió heo may sẽ làm cho họ buồn rầu lo sợ, vì mùa đông sắp tới, mùa đông giá lạnh và lầy lội phủ trên lưng họ cái màn lặng lẽ của sương mù. Và lòng tôi se lại khi nghĩ rằng chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương, cũng đủ nâng đỡ, an ủi những người cùng khốn ấy…”

    (Thạch Lam, Gió đầu mùa, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2014, tr. 17)

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?

2. Liệt kê một số chi tiết, hình ảnh miêu tả thái độ của chị em Sơn với các bạn nhỏ.

3. Chỉ ra các câu văn miêu tả ý nghĩ của Sơn khi nghe mẹ và vú già trò chuyện về chiếc áo bông cũ của em Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy giúp em cảm nhận được gì về nhân vật này?

4. Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn cảm thấy như thế nào? Cảm xúc áy giúp em hiểu gì về ý nghĩa của sự chia sẻ?

5. Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ có làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không? Vì sao?

6. Hãy nhận xét về cách ứng xử của mẹ Hiên và mẹ Sơn trong đoạn kết của truyện.

7. Đọc lại một số đoạn văn tác giả miêu tả những đổi thay của đất trời khi mùa đông đến. Em có thích những đoạn văn này không? Vì sao?

8. Hãy chỉ ra một vài điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhân vật cô bé bán diêm (Cô bé bán diêm) và bé Hiên (Gió lạnh đầu mùa).

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Có nhiều nhân vật trẻ em xuất hiện trong truyện Gió lạnh đầu mùa. Hãy viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) trình bày cảm nhận về một nhân vật mà em thấy thú vị.

*Chú thích:

(1) Hanh: thời tiết khô và hơi lạnh.

(2) Hỏa lò: lò than nhỏ để đun nấu hoặc để sưởi ấm.

(3) Vỉ buồm: tắm cói đan dùng để đậy hoặc lót rổ, thúng.

(4) Vú già: cách gọi người phụ nữ có tuổi, đã từng đi ở để cho trẻ bú trong xã hội cũ.

(5) Áo vải thâm: ảo vải màu đen.

(6) Đánh khăng: một trò chơi dân gian của trẻ em – dùng một đoạn cây nhỏ, chắc, tròn, dài khoảng 30 – 40 cm (gọi là cái) đánh cho đoạn cây tròn, ngắn khoảng 15 – 20 cm (gọi là con) văng xa để tính điểm.

(7) Đánh đáo: một trò chơi dân gian của trẻ em – kẻ vạch trên nền đất phẳng, rải những đồng xu, người chơi đứng từ một khoảng cách quy định, dùng một vật hình tròn nhỏ như đồng xu, nặng để chọi vào những đồng xu rải trên vạch. Luật chơi phong phú, tuỳ theo vùng, miền.

(8) Guốc: đồ dùng làm bằng gỗ và có quai, công dụng như giày, dép.

(9) Bịu xịu: vẻ mặt xị xuống, thường đi kèm những lời nói có ý buồn tủi.

(10) Mợ: từ dùng để gọi mẹ trong gia đình trung lưu thời trước.

>> Xem thêm: Cụm danh từ – Bài 3 – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức