Trị mụn cóc bằng tỏi trong bao lâu

Trungtamthuoc.com - Mụn cóc là một loại bệnh da liễu thường gặp, gây cho người bệnh khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ  nơi mụn cóc xuất hiện. Đối với các trường hợp mụn cóc thông thường người bệnh hay tìm đến các phương pháp dân gian để điều trị. Trong bài viết dưới đây cùng bạn đọc tìm hiểu về mụn cóc và cách trị mụn cóc tại nhà bằng tỏi hiệu quả nhé. 

1 Mụn cóc là gì?

1.1 Định nghĩa

Mụn cóc là một bệnh ngoài da, đa số các trường hợp bị mụn cóc là lành tính. Bệnh xuất hiện khi virus  lây nhiễm vào lớp trên cùng của da. Virus gây ra mụn cóc được gọi là papillomavirus ở người (HPV). Virus này làm cho bề mặt da phát triển lớn dần lên, xù xì sần sùi trông như một vết phồng rộp hoặc giống súp lơ nhỏ, những mụn này có thể có màu sẫm nâu hoặc xám đen. Nhưng mụn cóc cũng có thể phẳng mịn. [1]

Trị mụn cóc bằng tỏi trong bao lâu
Hình ảnh minh họa mụn cóc.

Hầu hết các mụn cóc lành tính sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Có thể là từ vài tuần đến vài năm, tùy thuộc vào vị trí trên cơ thể và số lượng mụn cóc. Tuy nhiên nếu các mụn này không biến mất hoặc có biểu hiện khác thường bạn hãy tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ.

1.2 Các loại mụn cóc

Mụn cóc có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Phân loại mụn cóc [2] được xác định bởi vị trí nó phát triển trên cơ thể và hình dạng của mụn. Có 4 loại mụn cóc thường gặp như sau:

Mụn cóc thông thường: có đặc điểm là bề mặt cứng, nổi, sần sùi, giống như súp lơ có một chấm đen ở giữa. Chúng có thể gặp ở bất cứ nơi đâu nhưng phổ biến nhất là ở đốt ngón tay, ngón tay, khuỷu tay, đầu gối và một số vùng da bị xước. Các mạch máu thường được nhìn thấy trong loại mụn cóc thông thường như những đốm đỏ nhỏ sẫm màu. Thường được gọi là mụn cóc hạt giống.

Mụn cóc chân (còn gọi là mụn cóc plantar): loại mụn này mọc ở đế lòng bàn chân, hoặc gót chân hay ngón chân. Có đặc điểm mọc thành cụm, mọc vào trong da vì trọng lượng người đẩy lên đế bàn chân. Chúng thường có một chấm đen trung tâm nhỏ bao quanh bởi các mô trắng cứng, gây cảm giác đau và khó chịu như dẫm đá khi di chuyển.

Trị mụn cóc bằng tỏi trong bao lâu
Hình ảnh minh họa mụn cóc chân

 Mụn cóc phẳng: bắt gặp bất kỳ ở đâu trên cơ thể. Nốt mụn nhỏ từ 1 - 5mm phải nhìn và sờ kỹ mới phát hiện được. Trẻ em thường thấy trên mặt. Ở nam nó thường xuất hiện ở vùng râu, còn phụ nữ thấy xuất hiện nhiều ở chân. Xu hướng phát triển của mụn này ở những vùng của cơ thể tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Loại mụn cóc phẳng nhỏ và mịn hơn các mụn cóc khác, có xu hướng phát triển số lượng lớn, 20 - 100 mụn tại cùng một thời điểm. 

Trị mụn cóc bằng tỏi trong bao lâu
Hình ảnh minh họa mụn cóc phẳng

Mụn cóc dạng sợi mảnh (hay mụn cóc Filiform): là mụn có hình dạng dài và mỏng trông như những sợi chỉ dài hoặc ngón tay mỏng dính. Thường mọc nhất là trên vùng mặt quanh miệng, mắt, mũi và phát triển rất nhanh.

2 Nguyên nhân gây ra mụn cóc

Người ta xác định nguyên nhân gây ra mụn cóc là do virus Human Papillomavirus(HPV). Có khoảng hơn 60 chủng loại virus HPV khác nhau. Virus này xâm nhập vào cơ thể qua vùng da bị tổn thương như các vết xước, vết rách da. Khi vào trong cơ thể, virus HPV tác động lên sự tăng trưởng và phát triển quá mức của keratin - một loại protein lớp trên cùng của da, gây ra mụn cóc. Mụn cóc có thế xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào của cơ thể.

Trị mụn cóc bằng tỏi trong bao lâu
Hình ảnh minh họa virus HPV

Mụn cóc có thể lây từ người sang người theo đường tiếp xúc da với da. Lây truyền khi sử dụng quần áo đồ dùng chung với người bị nhiễm bệnh, hoặc lây qua các phần tiếp xúc da bị trầy xước.

Một số người dễ bị nhiễm virus mụn cóc hơn những người bình thường khác là: Trẻ em và thiếu niên, những người hay cắn móng tay,  người có hệ thống miễn dịch yếu (người bệnh HIV, người dùng thuốc ức chế miễn dịch...).

3 Triệu chứng của mụn cóc

Thời gian ủ bệnh của mụn cóc từ 2 - 3 tháng. Rất lâu mới phát bệnh ra ngoài da nên nhiều khi chúng ta bị lây mà không biết. Chỉ khi mụn cóc xuất hiện thì mới biết bị bệnh. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào từng loại mụn cóc và vị trí mà nó xuất hiện. Có một số biểu hiện [3] như: 

Gây khó chịu trên da, đôi khi gây chảy máu nếu xuất hiện ở vùng trên mặt hay đầu.

Với mụn cóc thông thường: Nổi nốt gồ ghề trên bề mặt da, cứng, thô ráp bề mặt sần sùi như kiểu hoa súp lơ. Người bệnh thường đau khi ta ấn mạnh vào vị trí mụn. 

Biểu hiện mụn cóc bàn chân: Lòng bàn chân xuất hiện nốt ẩn, bề mặt có gai, ở giữa có thể có chấm đen và viền da dày cứng xung quanh, khi đi lại di chuyển gây đau, cảm giác kến. 

Với mụn cóc phẳng:Nốt hơi gồ nhẹ trên bề mặt da, ít sần sùi. Có dấu hiệu Koebner đặc trưng, khi bệnh nhân gãi lên mụn sẽ làm cho nó lây lan theo vết gãi, tạo thành đường thẳng. 

4 Trị mụn cóc bằng tỏi tại nhà đơn giản, hiệu quả

4.1 Tại sao tỏi chữa được mụn cóc

Thông thường các loại mụn cóc đều lành tính nên trong đời sống hàng ngày mọi người thường chữa bệnh này bằng các phương pháp dân gian khác nhau như dùng tỏi, lá Tía Tô, hành, chuối xanh... Và cách dùng tỏi được được rất nhiều người áp dụng hiệu quả. Bởi tỏi chứa thành phần chính là các hợp chất hữu cơ sunfur và glycosid mà nổi trội là hoạt chất allicin - một hợp chất organosulfur. Allicin có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn cực mạnh, ngoài ra còn là chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe tim mạch. Trong một số nghiên cứu chỉ ra chất này có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn virus, nấm. Chính vì đặc điểm này mà tỏi được dân gian áp dụng như một biện pháp điều trị mụn cóc có tính hiệu quả và an toàn. [4]

Bên cạnh đó, tỏi cũng được nghiên cứu chứng minh giúp làm xẹp mụn cóc ở cơ quan sinh dục nam hiệu quả. [5] Dưới đây Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ hướng dẫn cách trị mụn cóc tại nhà bằng tỏi tươi.

Trị mụn cóc bằng tỏi trong bao lâu
Trị mụn cóc bằng tỏi

4.2 Các bước thực hiện

Bước 1: Vệ sinh vùng bị mụn cóc sạch sẽ bằng xà phòng sau đó lau khô. Vùng da đắp tỏi phải đảm bảo không có vết thương hở để tránh bị kích ứng do tỏi.

Bước 2: chuẩn bị tép tỏi tươi, kích thước tùy vào độ lớn của mụn có, dùng dụng cụ giã tỏi hoặc băm nhuyễn ra cho dập nát.

Bước 3: lấy phần bã tỏi đắp lên mụn cóc. Dùng băng gạc để che đậy ép cố định tỏi vào vị trí mụn. Khi bôi đắp tỏi, chỉ bôi thoa vào đúng mụn cóc, tránh bôi khu vực không bị mụn cóc do trong tỏi có chứa chất sát trùng cao rất dễ gây bỏng.

Để như vậy tầm 30 phút tới 1 tiếng đồng hồ, tránh va chạm di chuyển đụng vào vị trí đắp tỏi. Trong thời gian này bạn sẽ cảm giác được sự nóng nên từ da rất thoải mái và dễ chịu.

Bước 4: gỡ phần tỏi đắp ra, dùng nước sạch, nhiệt độ tầm 37-40oC 1 rửa  vết mụn cóc, lau khô và để thoáng.

Mỗi ngày bạn làm 2 lần buổi sáng và buổi tối. Trong 5 ngày đến 10 ngày tùy vào cơ địa mỗi người mà mụn cóc sẽ từ từ khô đi, teo lại, và lớp da chỗ mụn cóc sẽ bị bong ra. Kiên trì làm như trên lớp da  bị mụn cóc sẽ khỏi trở lại bình thường như ban đầu. Bạn cần luôn luôn giữ sạch và khô thoáng vùng da bị mụn cóc, rửa sạch mọi dụng cụ cá nhân để tránh lây lan và đề phòng tái nhiễm. 

5 Cách phòng tránh mụn cóc lây lan

Phần lớn các trường hợp mụn cóc là lành tính, sẽ tự khỏi. Nhưng trong một số trường hợp mụn cóc phát triển nhanh chóng do nốt mụn ban đầu đã phát tán virus và lây lan ra các vùng xung quanh. Mặt khác virus gây ra mụn cóc, Human papillomavirus (HPV) dễ dàng lây lan từ người sang người và nó được tìm thấy ở khắp mọi nơi. Vì những lý do này, có thể khó ngăn chặn mụn cóc hoàn toàn. Bằng cách thực hiện một số biện pháp phòng ngừa, bạn có thể giảm nguy cơ cho bạn và những người xung quanh như sau:

Trị mụn cóc bằng tỏi trong bao lâu
Rửa tay thường xuyên ngăn chặn sự lây lan của mụn cóc

Che mụn cóc của bạn. Điều này giúp ngăn chặn virus lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và cho người khác.

Rửa tay ngay sau khi chạm vào mụn cóc. Điều này cũng giúp ngăn ngừa sự lây lan virus sang các bộ phận khác của cơ thể và cho người khác.

Không tỉa cạo mụn cóc. Điều này làm virus dễ lây lan hơn.

Tránh chạm vào mụn cóc của ai đó. Nếu không may chạm phải, lập tức rửa tay kỹ với xà phòng. HPV là bệnh truyền nhiễm. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua vết cắt hoặc vết xước.

Trong gia đình hãy đảm bảo mọi người đều có các vật dụng cá nhân riêng không nên dùng chung như: khăn mặt, khăn lau, dao cạo râu, đồ cắt móng tay, tất ... Nếu ai đó trong nhà bạn bị mụn cóc, điều này giúp ngăn ngừa virus gây ra mụn cóc lây lan từ người này sang người khác.

Rửa tay thường xuyên với xà phòng. Bởi vì HPV tồn tại rất phổ biến, điều này giúp loại bỏ virus khỏi da của bạn.

Trị mụn cóc bằng tỏi trong bao lâu
Tiêm phòng HPV

Ngăn ngừa khô, nứt da. Khi da bị nứt và khô, vi-rút sẽ dễ dàng xâm nhập qua vết nứt trên da, điều này có thể gây ra mụn cóc.

Bỏ thói quen cắn móng tay. Khi bạn cắn móng tay nó dễ gây ra vết xước ở biểu bì, và vết này trên da quá nhỏ để nhìn thấy. Những khe hở này giúp cho virus vào bên trong cơ thể bạn dễ dàng hơn.

Mang dép xỏ ngón hoặc giày hồ bơi trong phòng thay đồ, khu vực hồ bơi và vòi hoa Sen công cộng. HPV phát triển mạnh ở những vùng ấm và ẩm ướt. Khi da bạn ẩm và mềm, việc nhiễm vi-rút sẽ dễ dàng hơn. Giày và dép xỏ ngón giúp bảo vệ bàn chân của bạn khỏi virus, có thể ngăn ngừa mụn cóc ở chân.

Thay đổi giày và tất hàng ngày luôn giữ giày khô giữa mỗi lần đi.

Tiêm phòng HPV. 

Tài liệu tham khảo