Totto cô bé bên cửa sổ review

Vừa vào lớp một được vài ngày, Totto-chan đã bị đuổi học!!!Không còn cách nào khác, mẹ đành đưa Totto-chan đến một ngôi trường mới, trường Tomoe – Đấy là một ngôi trường kì lạ, lớp học là những toa tàu cũ, học sinh được đổi chỗ tùy thích, muốn học môn nào trước cũng được, chẳng những thế các em còn được giáo viên dắt đi dạo ngoài vườn,… và còn rất nhiều điều lí thú khác mà các em được khám phá khi học tại mái trường Tomoe.

Vào thời điểm đó, hầu như không thể tìm thấy những gì mà các học sinh trường Tomoe được học tại một ngôi trường tiểu học khác ở nước Nhật. Và người đưa ra các bài học, đề ra những tư tưởng giáo dục tân tiến và cũng là người dìu dắt, chịu trách nhiệm cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm hồn của các học sinh Tomoe không ai khác chính là thầy hiệu trưởng Kobayashi.

Đó là phần lớn những gì mà tác giả Tetsuko muốn đề cập nhiều nhất trong cuốn sách “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” của mình. Cuốn sách thực chất chính là là hồi ký được viết dựa trên kỉ niệm thời thơ ấu của cô Tetsuko tại trường tiểu học Tomoe Gakuen, ở Tokyo trước Thế chiến II. Như lời tác giả Tetsuko chia sẻ, điều khiến bà quan tâm nhất khi xuất bản cuốn sách này, không phải là con số bốn triệu rưỡi bản đã được bán trong năm đầu tiên hay là “một kỷ lục trong lịch sử xuất bản ở Nhật Bản!”.

Totto cô bé bên cửa sổ review
Cuốn sách thực chất là hồi ký thời thơ ấu của cô Tetsuko tại trường Tiểu học Tomoe

Những điều đó ít có ý nghĩa với Tetsuko, bà viết cuốn sách với mong ước được sống lại những kỉ niệm về thời thơ ấu, nơi có mái trường Tomoe, thầy Kobayashi, những người bạn, chú chó Rocky,… và hơn hết là để truyền bá các phương pháp giáo dục của ông Kobayashi – ông giáo – tàu trưởng – người luôn hết lòng nâng niu nụ cười, ước mơ, khám phá “bản chất” tốt đẹp của trẻ em, giúp các em có những trải nghiệm đầu đời thực sự ý nghĩa, từ đó tác động rất lớn đến sự phát triển sau này của mỗi người. Totto-chan là một ví dụ như thế. Em đã bị trường cũ đuổi học, nghe giống như em là một đứa trẻ hư, nhưng thầy hiệu trưởng Kobayashi thì luôn tin rằng em là một cô bé ngoan, thầy luôn tìm cách giúp em được tự tin khi là chính mình, khai thác những điểm mạnh của em và trao cho em môi trường để phát triển. Chính những điều ấy đã giúp Totto-chan (chính là bà Tetsuko) – lớn lên trở thành ngôi sao truyền hình được yêu thích nhất của Nhật Bản, người dẫn chương trình của ba chương trình với hàng triệu khán giả và là “người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản”.

“Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” là cuốn truyện gối đầu giường của của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới suốt gần 4 thập kỉ nay, những câu chuyện nhỏ bé đời thường nhưng vô cùng ý nghĩa trong cuốn sách sẽ khiến độc giả rút ra nhiều bài học đắt giá cho riêng mình. Hãy cùng tôi khám phá ngay nhé.

1. Thông tin cơ bản về cuốn sách

Xuất bản lần đầu tiên: 1981

Tác giả: Tetsuko Kuroyanagi

Các thể loại: Văn học thiếu nhi, Tiểu thuyết tự truyện

Xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam: 1989

Totto cô bé bên cửa sổ review
Giới thiệu về cuốn sách “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ”

Về Tác giả Tetsuko Kuroyanagi

Tetsuko Kuroyanagi sinh ngày 9 tháng 8 năm 1933 ở Tokyo. Bà là nữ diễn viên, ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên Nhật Bản nổi tiếng; tác giả của cuốn sách cho trẻ em bán chạy nhất nước Nhật; đảm nhiệm vai trò cố vấn của WWF và Đại sứ thiện chí cho UNICEF. Bà nổi tiếng trong những công tác từ thiện, là một trong những nhân vật Nhật Bản đầu tiên được quốc tế công nhận.

Vì lợi ích của trẻ em hai lần bà mời Nhà hát các diễn viên câm điếc quốc gia Mỹ sang Nhật Bản, cùng biểu diễn với họ bằng ngôn ngữ tín hiệu. Nhuận bút cuốn sách “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” của bà lập nên Quỹ Totto dùng để đào tạo nghiệp vụ các diễn viên câm điếc mà bà thường xuyên tiếp xúc. Là tác giả “Gấu Panda và tôi”, là người nhiều năm quan tâm bảo vệ gấu trúc (một loại gấu hiếm, đẹp) và là giám đốc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên sống của Nhật Bản. Năm 1984, bà được bổ nhiệm làm Sứ giả thiện chí của UNICEF (Quỹ nhi đồng của Liên Hợp quốc), với tư cách trên, bà đã sang thăm Việt Nam cuối năm 1988. Năm 2006, Donald Richie viết về Tetsuko trong cuốn Chân dung Nhật Bản là “Người phụ nữ nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất tại Nhật Bản.”

Về cuốn sách “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” 

Sau khi xuất bản lần đầu vào năm 1981, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Tính đến năm 2001, tổng số bản sách bán ra ở Nhật đã lên đến 9,3 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử ngành xuất bản nước này. Cuốn sách đã được dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau, như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…Khi bản tiếng Anh của Totto-chan được xuất bản tại Mỹ, tờ New York Times đã đăng liền hai bài giới thiệu trọn trang, một “vinh dự” hầu như không tác phẩm nào có được.

Khắp nơi trên thế giới “Totto-chan bên cửa sổ” trở thành một tác phẩm kinh điển, được đón nhận như là một câu chuyện đầy say mê, xúc động đối với các em thiếu nhi, một một cuốn sách tham khảo có một không hai đối với các phụ huynh học sinh, và như một tài liệu sư phạm kiểu mẫu đối với các nhà giáo. Ở Nhật Bản, một số chương trong cuốn sách được đưa vào nội dung chính thức của chương trình trong sách giáo khoa.

Bản dịch đầu tiên của cuốn sách được phát hành ở Việt Nam năm 1989, với tên gọi Tottochan – cô bé ngồi bên cửa sổ. Bản này được dịch từ tiếng Anh, dưới sự cho phép của UNICEF, nơi mà nữ tác giả đã từng tặng tiền bản quyền cuốn sách. Năm 2011, lần đầu tiên và duy nhất tác phẩm được dịch từ nguyên bản tiếng Nhật của Nhà xuất bản Kodansha, cùng với toàn bộ tranh minh họa nguyên gốc rất dễ thương của họa sĩ Iwasaki Chihiro, một họa sĩ rất nổi tiếng ở Nhật Bản, trong đó có 8 bức in màu.

Nổi tiếng từ cách đây gần bốn thập kỷ, Tottochan đã để lại dấu ấn sâu sắc cho nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam nói riêng và bạn đọc trên toàn thế giới nói chung, ngoài những bài học trong mỗi câu chuyện, Tottochan còn là một cánh cửa mở rộng để bạn đọc khám phá thêm nhiều điều thú vị của đất nước Nhật Bản.

2. Cuốn sách này dành cho ai?

Trước tiên, phải nói rằng cuốn sách này rất thích hợp cho bố mẹ và bé. Bố mẹ có thể đọc cho bé nghe về những mẩu chuyện thú vị của Totto-chan xoay quanh trường học, bạn bè, bố mẹ,.. và yên tâm rằng mỗi trải nghiệm của Totto-chan được nêu trong cuốn sách, đều ít nhiều hàm chứa một vài bài học, ý nghĩa trong đó. Qua những trải nghiệm của người bạn nhỏ Totto-chan, bé yêu sẽ tự suy ngẫm rằng: trẻ em được quyền tự tin vào bản thân mình, các em thực chất là những đứa trẻ ngoan, các em mơ ước sau này sẽ làm công việc gì, trở thành người ra sao, và hiểu rằng chiến tranh là không tốt,…

Totto cô bé bên cửa sổ review
Cuốn sách xứng đáng là quyển truyện gối đầu giường của các bé thiếu nhi

Bên cạnh đó, tôi cho rằng các nhà giáo, nhà chức trách, y tá, bác sĩ,.. đều nên đọc cuốn sách này. Vì đó là những người tiếp xúc với trẻ em rất nhiều, đồng thời mang đến ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của các em khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, trong bệnh viện và đôi khi trẻ em chịu sự ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến từ các nhà chức trách. Trong thực tế, khi cuốn sách này ra đời, một số giáo viên tiểu học đã viết thư cho tác giả Tetsuko rằng, hàng ngày họ đã đọc cuốn sách cho các em nghe vào giờ ăn trưa. Còn các giáo viên họa ở trường tiểu học thì lại viết thư nói rằng họ đã đọc từng phần của “Totto-chan” cho các em trong lớp nghe, và sau đó yêu cầu các em vẽ tranh minh họa theo những gì mà các em nghe được.

Hơn thế nữa đây thực sự là cuốn truyện cho mọi người, thu hút sự chú ý của mọi người, thuộc mọi lứa tuổi và quan điểm. Bởi bao giờ, giáo dục trẻ em luôn là những vấn đề quan trọng đáng được chú ý hàng đầu ở mỗi quốc gia. Vào thời điểm xuất bản, cuốn sách xuất hiện đúng vào lúc sự nghiệp giáo dục trở thành một vấn đề cốt yếu, và mọi người đều thấy rằng cần phải có một tác động nào đó đối với nền giáo dục, và vì vậy nhiều người đọc cuốn sách như là một luận thuyết giáo dục mới. Cho đến bây giờ, những phương pháp giáo dục của thầy Kobayashi vẫn có ý nghĩa lớn và đáng được mọi người nghiêm túc quan tâm.

3. Tóm tắt nội dung truyện “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ”

Totto-chan là kiểu đứa trẻ rất năng động, nhộn nhịp, và dĩ nhiên em khó có thể ngồi yên một chỗ trong lớp học và nghe cô giáo giảng bài. Em tò mò với ngăn kéo bàn học ở trường nên em cứ mở ra – đóng vào hằng trăm lần mỗi buổi học; em thích nói chuyện với lũ chim ngoài cửa sổ; em cũng sẵn sàng gọi ngay những nhạc sĩ ngoài đường phố để họ chơi một bản nhạc dù em đang ở trong lớp học. Em thích kể chuyện và cũng hay đặt câu hỏi không ngừng nghỉ,…

Totto cô bé bên cửa sổ review
Totto-chan thường nhìn ra ngoài cửa sổ để nói chuyện với lũ chim và gánh hát rong ngoài đường phố

Sự tò mò, hiếu động của em khiến em gặp rắc rối ngay từ khi còn nhỏ –  không ít lần quần áo của em bị rách bươm, cả quần lẫn áo đều thủng lỗ chỗ và sờn màu, chằng chịt vết vá, vì em thích chui qua những hàng rào kẽm gai, thích leo trèo lên cây để ngắm cảnh vật, thích nhảy vào những cái hố trông có vẻ “là lạ” và chúng khiến em bị mắc kẹt,…

Năm 6 tuổi, Totto-chan bị đuổi khỏi trường tiểu học vì những hành động của em trong lớp học khiến cô giáo “nổi điên” lên và khiến cả lớp không thể tập trung bài giảng, em bị giáo viên coi là kẻ gây rối, đã bị buộc rời khỏi trường. Người mẹ lo lắng của cô sau đó đã đưa cô đến Tomoe Gakuen, một ngôi trường được điều hành bởi hiệu trưởng ông Kobayashi, người có quan điểm hoàn toàn khác về việc đi học so với các nhà giáo dục khác cùng thời. Ông là một nhà giáo dục, người tin rằng sự tôn trọng, khuyến khích và tự do là chìa khóa cho sự phát triển tốt hơn của trẻ hơn là trừng phạt và điều khiển trẻ theo ý thích của người lớn.

Theo một nghĩa nào đó, trải nghiệm của Totto-chan trong Tomoe Gakuen thực sự không khác gì một câu chuyện cổ tích trở thành sự thật: Totto-chan và những người bạn của em đã học trong các lớp học làm bằng xe lửa (do không có quỹ cho các lớp học thực sự), ngay cả thư viện cũng là một toa tàu cũ. Những bài học mới vẻ và đầy cảm hứng luôn khiến tottochan và các học sinh thích thú: giờ dạo chơi quanh trường cũng được tính như giờ học, các em được học bơi, đi đến các hội chợ đền thờ và suối nước nóng, được tập thể dục nhịp điệu (trường Tomoe là ngôi trường đầu tiên tại Nhật áp dụng bài học này) và nghiên cứu các môn học theo bất cứ thứ tự nào các em muốn.

Totto cô bé bên cửa sổ review
Học sinh trường Tomoe được khuyến khích bộc lộ tính cách và ước mơ của mình.

Người truyền cảm hứng, niềm say mê đến trường cho các em học sinh chính là người sáng lập kiêm hiệu trưởng – ông Sosaku Kobayashi. Tình yêu và sự tôn trọng dành cho trẻ em đã định hình rõ ràng cuộc sống và triển vọng của tất cả những người theo học trường Tomoe của mình. Ngôi trường này đặc biệt khác thường với sự đàn áp ở Nhật Bản thời chiến. Vào thời ấy ở nước Nhật, tiếng Anh được coi là tiếng của kẻ thù và bị loại bỏ trong hầu hết các trường học ở Nhật Bản. Chính phủ Nhật tuyên bố “Mỹ là quỷ”. Nhưng ở trường Tomoe, các em vẫn hòa đồng và học hỏi tiếng Anh từ một người bạn người Mỹ được gửi gắm vào trường.

Những câu chuyện về trường học của Totto-chan như một chuỗi những cuộc phiêu lưu vui vẻ trái ngược hoàn toàn với nền giáo dục cứng nhắc định hướng của Nhật Bản thời bấy giờ. Độc giả Nhật Bản đã mê mẩn và một chút đăm chiêu, cuốn sách đã gây ra một cuộc tranh luận thực sự rộng rãi về hệ thống giáo dục Nhật Bản.

4. Những bài học được rút ra từ cuốn sách.

Nếu Totto-chan không được mẹ gửi gắm đến trường Tomoe, không được gặp thầy hiệu trưởng Kobayashi – người thầy luôn tin tưởng em là một cô bé ngoan thì chắc sẽ chẳng bao giờ đất nước Nhật Bản có cơ hội sản sinh ra một minh tinh màn bạc, một cây viết xuất sắc là Tetsuko Kuroyanagi. Từ câu chuyện của Totto-chan, chúng ta có nhiều điều phải suy ngẫm.

Thứ nhất, luôn đặt niềm tin vào trẻ em. Đứa trẻ nào cũng có bản chất tốt đẹp, và mục đích của giáo dục là khám phá “bản chất” của các em và phát triển nó, để giúp các em trở thành những con người với những phẩm chất riêng.

Totto cô bé bên cửa sổ review
Bản chất của trẻ em luôn tốt đẹp. Mục đích của giáo dục là khám phá “bản chất” trẻ em và phát triển nó

Có thể ở ngôi trường cũ, Totto-chan đã không được chào đón khi em thể hiện tính cách của mình nhưng may mắn thay trong ngày đầu tiên đến với trường Tomoe, em đã gặp được thầy Kobayashi sẵn sàng ngồi lắng nghe em kể chuyện đến 4 tiếng đồng hồ, rồi nói thật rõ ràng với em rằng: – Rất tốt, từ giờ cháu là học sinh của trường này. Sự ghi nhận trên cương vị một người lớn/một vị hiệu trưởng/ người quyết định việc em có được vào học trường Tomoe hay không đã mở ra cho cô bé Totto-chan một cái nhìn khác về bản thân mình. Em cảm thấy yên tâm, đầm ấm và hạnh phúc.

Trường Tomoe có nhận học sinh khuyết tật, bại liệt, những em sinh ra không may mắn với ngoại hình của mình. Thầy hiệu trưởng luôn khuyến khích các em tự tin vào cơ thể của mình, dù cho các em không được hoàn hảo như bao bạn khác. Thầy cho các em tắm chung ở bể bơi, để các em thấy mình cũng như bao bạn khác từ đó không tự ti về cơ thể của mình. Và để chứng minh, thầy đã thiết kế những thử thách dành riêng cho những em đó trong một ngày hội thể thao toàn trường. Các em bằng những khiếm khuyết của cơ thể nhưng đồng thời cũng là ưu thế khi tham gia trò chơi, nhờ đó các em luôn giành chiến thắng trước những bạn khác như thi leo cầu thang (các bậc thang được thiết kế sao cho khoảng cách giữa 2 bậc cực thấp – ngắn, phù hợp với bước chân của các em có tật).

Việc nêu ra khuyết điểm của các em cũng không bao giờ được tuỳ tiện. Luôn phải mang tính cá nhân và có cơ sở, không chấp nhận hành vi bêu rếu, cợt nhả. Một giáo viên đã sơ ý và thầy Kobayashi thực sự tức giận và quở trách giáo viên trong nhà bếp.

Thứ hai, giáo dục không nên khiên cưỡng, nên giúp các em phát triển hài hòa về thể chất, tâm hồn và trí tuệ.

Lớp học ở Tomoe rất kỳ lạ, các học sinh được tuỳ chọn chỗ ngồi và thay đổi mỗi ngày, các em được tự chọn tiến trình học trong ngày. Ví dụ: Bạn nào thích môn Thí nghiệm hoá học có thể chọn học đầu tiên, sau cùng tới các môn khác..trường không có một thời khoá biểu cụ thể. Tuy nhiên cuối cùng các học sinh vẫn phải đảm bảo học đủ số môn học trong chương trình.

Bữa cơm trưa của trường Tomoe luôn đảm bảo đủ chất, theo thầy Kobayashi, một bữa cơm hoàn hảo phải có “thức ăn từ biển và thức ăn từ đất”. Bên cạnh đó, thầy đảm bảo truyền đạt đến các em các môn học đầy đủ và đa dạng nhất: từ các môn như toán, lý, hóa đến thể dục nhịp điệu, vẽ, bơi, đàn hát,…

Totto cô bé bên cửa sổ review
Những môn học được xây dựng một cách hệ thống, hài hòa đảm bảo cho các em phát triển hoàn thiện

Ở Tomoe các chương trình ngoại khoá cũng rất được chú trọng như: Học làm nông dân, dã ngoại, cắm trại, học về lịch sử địa phương….tuy nhiên được tổ chức một cách rất khoa học là gắn liền với thực tế – mang tính thực hành. Thầy mời một bác nông dân dạy các em cách trồng rau, học vật lý thì được tự tay làm thí nghiệm, học lịch sử bằng cách đi thu thập tài liệu về di tích – sự kiện lịch sử, học kỹ năng sống bằng những tình huống thực tế (Nấu cơm, cắm trại).

Thứ ba, tất cả trẻ em đều đáng được yêu thương, trân trọng và giáo dục thật tốt

Ở Tomoe chúng ta không hề thấy có một sự ưu tiên đặc biệt nào dành cho các học sinh bình thường dựa trên xuất thân – điều kiện tài chính – ngoại hình…của trẻ. Cơ hội giáo dục được chia đều cho các em thậm chí cả học sinh khuyết tật cũng được hưởng nền giáo dục tốt (thậm chí còn có chương trình riêng cho các em này trong một số môn học để phù hợp thể trạng của em).

Bên cạnh đó, mẹ của Totto-chan cũng là một người tốt. Khi có một em bé lao ra làm Totto-chan hoảng sợ, mẹ em hiểu ngay vấn đề vì đứa trẻ đó bị người ta ghét (vì là người Triều Tiên) nên em cũng muốn đối xử với người khác như thế. Mẹ dặn Totto-chan không được đối xử khác biệt với người bạn Triều Tiên, vì bạn cũng như em – đều là những đứa trẻ.

Totto cô bé bên cửa sổ review
Không nên đối xử khác biệt với những bạn có khiếm khuyến, trẻ em đêu như nhau, bạn cũng như em – đều là những đứa trẻ.

Thứ tư, hãy giáo dục trẻ em không chỉ bằng trình độ, đạo đức mà còn phải bằng tất cả tình yêu thương.

Thầy Kobayashi, những giáo viên trường Tomoe, mẹ Totto-chan,… là những người như thế. Thầy Kobayashi đã yêu cầu rất cao ở Trình độ, kỹ năng sư phạm và tư cách đạo đức của người giáo viên. Giáo viên không được đánh giá trẻ trước cả lớp, tôn trọng ý kiến cá nhân – cá tính – nhịp điệu học tập riêng của từng trẻ. Thầy Kobayashi luôn lo sợ những đánh giá của giáo viên sẽ làm tổn thương sâu sắc tới tâm hồn học sinh – nhất là những em kém may mắn về cơ thể mà thầy đã hết lòng và đặc biệt chăm sóc.

Thứ năm, ước mơ của học sinh chính là mục tiêu của giáo dục.

Ông Kobayashi thường nhắc nhở các cô mẫu giáo đừng gò ép các cháu vào những khuôn mẫu định trước. “Hãy để các cháu phát triển tự nhiên”, ông nói “Đừng cản trở khát vọng của các cháu. Ước mơ của các cháu lớn hơn mơ ước của các cô”. Trước đó chưa có một trường mẫu giáo nào như thế ở Nhật Bản.

Totto cô bé bên cửa sổ review
Uớc mơ của các cháu lớn hơn ước mơ của các cô – Thầy Kobayashi

Và mục tiêu của giáo dục chính là nâng niu và giúp các em thực hiện ước mơ của mình.

5. Đánh giá của người viết & phản hồi từ các độc giả khác.

Cuốn sách khi tái bản dày hơn 300 trang một chút, những mẩu chuyện ngắn đan xen cuộc sống sinh hoạt của Totto-chan có thể dễ dàng đọc hết trong vài giờ đồng hồ, nhưng những gì ấn tượng và đọng lại trong tôi thì nhiều hơn thế. Thực sự, cuốn sách này không chỉ là những câu chuyện mẹ kể cho bé nghe, nó thực sự thức tỉnh những người lớn khi tiếp xúc với trẻ em nên khéo léo thế nào để không làm dập tắt niềm hi vọng và ước mơ non trẻ của các em. Giáo dục trẻ em là chức trách cao cả và tuyệt vời, những bài học nên được đi kèm với tình yêu, và cả niềm tin nữa.

Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi nhận thấy là tất cả trẻ em đều hồn nhiên như thế. Đôi lúc các em vô tình nghịch ngợm, bày trò chỉ vì các em quá tò mò và hứng thú trước thế giới muôn màu muôn vẻ xung quanh. Chúng ta là người lớn, nên ta thấy những điều ấy là bình thường, và đôi khi những hành động khám phá thế giới của các em bị cho là phá phách, hư đốn,.. và ta cấm đoán những đứa trẻ. Điều ấy thực sự chưa phải là một cách giáo dục đúng, để trẻ tự khám phá thế giới theo cách riêng, hướng trẻ đến những bài học thú vị và lành mạnh, và dạy trẻ chịu trách nhiệm với chính hành động của mình.

Đã gần một thiên niên kỉ trôi qua nhưng hệ thống giáo dục của ông Kobayashi hầu như vẫn còn rất mới mẻ và độc đáo. Chúng ta có thể áp dụng một trong những bài học ấy để giúp nhiều trẻ em có thêm tuổi thơ trọn vẹn hơn.

Sau đây là đánh giá của độc giả về cuốn sách “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ”:

Totto cô bé bên cửa sổ review
Review “Tottochan cô bé bên cửa sổ” từ khách hàng của Fahasa

6. Những đoạn trích hay từ cuốn sách.

–&–

“Rất tốt, từ giờ cháu là học sinh của trường này”

Em nhớ mãi câu nói này của thầy hiệu trưởng. Và lúc đó Totto-chan cảm thấy lần đầu tiên trong đời em đã được gặp một người mà em thực sự quý mến. Từ trước đến nay chưa có ai bỏ một thời gian dài đến như vậy để nghe em kể chuyện. Trong lúc nghe em kể chuyện thầy hiệu trưởng không hề ngáp một lần nào, thầy cũng không tỏ ra buồn chán mà ngược lại rất thích thú nghe em kể một cách say sưa.

–&–

Thầy hiệu trưởng nói câu đó để diễn tả một bữa ăn đủ thành phần dinh dưỡng. Thay cho cách nói “Phải luyện cho con em chúng ta ăn được mọi thức ăn” hoặc “Yêu cầu các bậc phụ huynh cho con em mình ăn trưa đủ chất dinh dưỡng”, thầy hiệu trưởng trường này kêu gọi các bậc cha mẹ hãy cho thêm vào khẩu phần ăn trưa của học sinh “những thức ăn của biển và của đất”.

–&–

Thông thường khi thấy Totto-chan trong hoàn cảnh như vậy, người lớn sẽ kêu lên: “Trời ơi, cháu đang làm gì đấy?” hay “Chấm dứt đi, nguy hiểm lắm”, hay tốt hơn nữa là họ sẽ giúp em một tay.

Chúng ta hãy nhớ lại câu hỏi “Cháu sẽ hót trả vào bể sau khi tìm được ví chứ?” Thật là một thầy hiệu trưởng tuyệt vời, mẹ em nghĩ như vậy sau khi biết chuyện về Totto-chan. Kể từ đó không bao giờ Totto-chan còn nhòm xuống hố xí sau khi đi xong nữa. Và em cảm thấy thầy hiệu trưởng là người có thể hoàn toàn tin tưởng, và em càng yêu quý thầy hơn bao giờ hết.

Totto-chan giữ lời hứa và đã xúc cả đống phân trả vào bể như cũ. Xúc ra mới vất vả, chứ xúc vào thì có phần nhanh hơn. Em cũng đổ thêm vào bể một số đất ướt. Sau đó em cào phẳng mặt đất xung quanh, đậy nắp lại như cũ và đem trả cái gáo vào lều của người coi trường.

–&–

Totto-chan dẫn bạn đến bên gốc cây của mình. Sau đó, đúng theo ý định mà em đã nghĩ sẵn từ đêm trước, em chạy đến bên túp lều của người coi trường lấy cái thang, kéo lê đến bên cây, rồi tựa nó vào thân cây đến đúng chỗ chạc ba. Em leo lên rất nhanh, nắm lấy đầu thang và nói với xuống:

– Xong rồi, bạn cố leo lên đi!

Tay chân Yasuaki-chan yếu quá, yếu đến mức ngay từ nấc thang thứ nhất em đã cần có người đỡ. Thế là Totto-chan leo ngay xuống và cố đủn Yasuaki-chan lên từ phía sau. Nhưng Totto-chan lại quá nhỏ và gầy nên em chỉ đủ sức để vừa đỡ lấy người Yasuaki-chan, vừa giữ sao cho cái thang đứng vững. Yasuaki-chan, nhấc chân ra khỏi cái nấc thang thứ nhất và đứng im bên cạnh cái thang, đầu hơi ngoẹo xuống. Lần đầu tiên Totto-chan nhận thấy thực tế lại khó hơn em tưởng rất nhiều. Em phải làm gì bây giờ? Em rất muốn mời Yasuaki-chan leo lên cây của em và Yasuaki-chan cũng muốn như vậy.

Em đi một vòng quanh cái thang rồi đứng lại trước mặt bạn. Thấy Yasuaki-chan buồn quá, Totto-chan liền phồng mồm lên làm trò hề cho bạn vui.

– Đợi nhé, mình nghĩ ra được cách này rồi!

Totto-chan lại chạy đến cái lều của người gác trường lấy ra hết thứ này đến thứ khác chỉ cốt tìm xem có gì giúp em được không? Cuối cùng em tìm thấy một cái thang đứng. Cái thang có thể tự đứng vững, em sẽ không phải giữ nữa. Thật kỳ lạ, bằng sức mạnh nhỏ bé của mình, em đã kéo nổi cái thang đứng đến bên thân cây, và rất hài lòng khi thấy nó cao gần tới chạc ba.

– Nào, dũng cảm lên – em nói vẻ đàn chị. – Bây giờ nó không còn đung đưa nữa đâu.

Yasuaki-chan nhìn cái thang đứng với vẻ lo sợ. Sau đó em nhìn Totto-chan, mồ hôi ướt như tắm. Yasuaki-chan cũng toát mồ hôi. Em nhìn lên cây. Rồi với một sự quyết tâm, em đặt chân lên bậc thang thứ nhất. Hai em không hề chú ý đến chuyện phải mất bao nhiêu thì giờ để Yasuaki-chan leo cho tới đỉnh thang. Nắng mùa hè gay gắt, nhưng Totto-chan không mảy may quan tâm, em chỉ cố hết sức đẩy Yasuaki-chan lên đến nấc thang cao nhất. Em đứng ở phía dưới, tay nhấc chân bạn, đầu đội mông bạn để người bạn khỏi bị lắc lư. Yasuaki-chan cũng cố hết sức mình và cuối cùng cũng leo đến đỉnh thang.

– Hoan hô!

Nhưng lên đó, cả hai lại thất vọng. Totto-chan lại leo lên chạc ba nhưng em quá nhỏ và gầy nên không tài nào đủ sức để giúp Yasuaki-chan chuyển từ thang sang cây được. Nắm lấy đầu cái thang đứng, Yasuaki-chan nhìn Totto-chan. Totto-chan như muốn khóc Em thèm được mời Yasuaki-chan leo lên cây của mình để khoe với bạn mọi thứ…

Nhưng em không khóc. Em sợ rằng nếu mình khóc thì Yasuaki-chan cũng sẽ khóc theo mất. Em nắm lấy tay bạn. Vì bị bại liệt nên các ngón tay của Yasuaki-chan sát vào nhau. Tay bạn dài hơn tay em và những ngón tay cũng dài hơn. Em cầm tay bạn một lúc lâu. Rồi em nói:

– Hãy nằm xuống và mình sẽ cố kéo bạn lên!

Nếu người lớn có ai đi qua, nhìn thấy cái cảnh Yasuaki-chan đang nằm dán bụng vào cái thang đứng còn Totto-chan thì đứng ở chạc cây cố kéo bạn mình lên, người đó hẳn sẽ phải hoảng hốt. Trông thật nguy hiểm vô cùng. Nhưng Yasuaki-chan hoàn toàn tin ở bạn và Totto-chan đã lấy tính mạng của mình để bảo đảm cho bạn. Với bàn tay bé nhỏ nắm lấy tay bạn, Totto-chan dùng hết sức kéo bạn lên. Đôi lúc những đám mây lớn kéo tới che cho hai em khỏi bị cái nắng gay gắt thiêu đốt.

Cuối cùng cả hai em đã đứng đối diện với nhau trên chạc cây. Gạt mớ tóc ướt đẫm về phía sau, Totto-chan cúi chào lịch sự: ”

– Vui mừng mời bạn đến thăm cây của tôi.

Yasuaki-chan tựa lưng vào thân cây mỉm cười e thẹn. Em nói: – Cho phép tôi vào “nhà” bạn nhé!

Yasuaki-chan có thể nhìn được những cảnh vật em chưa được thấy bao giờ.

–&–

“Tomoe” là một ký hiệu có hình dấu phẩy và thầy hiệu trưởng đã chọn cho trường mình cái biểu tượng truyền thống gồm hai “Tomoe”- một đen một trắng kết vào nhau thành một vòng tròn hoàn hảo. Điều này tượng trưng cho mục đích của ông đối với trẻ em: cơ thể và trí tuệ cùng phát triển tuyệt đối hài hòa.

Thầy hiệu trưởng phàn nàn về nền giáo dục đương thời quá nhấn mạnh vào chữ viết, như vậy sẽ làm teo sự cảm nhận thiên nhiên qua giác quan và sáng tạo bản năng của trẻ đối vói tiếng nói hãy còn non nớt của Chúa, đó là cảm hứng.

Chính nhà thơ Basho đã viết:
Hãy nghe! Một con ếch
Nhảy vào sự yên tĩnh
Của một mặt hồ cổ

Ấy vậy mà đã có biết bao nhiêu người, hẳn đã phải thấy hiện tượng một con ếch nhảy vào mặt hồ. Trải qua bao nhiêu thời đại, trên khắp thế giới, Watt và Newton không thể là những người duy nhất để ý đến hơi nước thoát ra từ một ấm nước đang sôi và nhận xét một quả táo rơi.

Có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân lý; có trái tim, nhưng không bao giờ rung động, và do đó không bao giờ rực cháy. Thầy hiệu trưởng nói đó là những điều đáng sợ.

–&–

Thầy hiệu trưởng thường đề nghị các bậc cha mẹ cho con em mặc quần áo xoàng xĩnh nhất khi đến trường Tomoe. Ông muốn các em mặc quần áo xoàng xĩnh nhất để khi có bẩn, có rách cũng không sao. Ông cho rằng, trẻ em không dám chơi đùa vì sợ bẩn hoặc rách quần áo rồi bị mắng, thì thật đáng hổ thẹn. Có những trường tiểu học gần Tomoe, học sinh nữ mặc đồng phục lính thủy, học sinh nam mặc áo vét cao cổ và quần sóc. Các học sinh Tomoe đi học mặc quần áo thường và các em được phép của các thầy cô giáo chơi đùa thả cửa, không cần chú ý gì đến quần áo của mình. Thời đó, quần không được bền như quần bò bây giờ, do đó cậu nào cũng mặc quần vá và các học sinh nữ mặc váy hay áo liền váy làm bằng loại vải bền nhất.

–&–

Cậu ta không cố làm ra vẻ thông minh, hay đại loại như vậy. Đúng là cậu ta không nghĩ được chuyện gì để kể thật rồi! Thầy hiệu trưởng bỗng ngửa đầu ra đằng sau mà cười, không chú ý gì đến những chỗ răng khuyết của mình.

– Nào chúng ta hãy gắng tìm cho bạn ấy một điều gì để kể đi!

– Tìm một điều gì cho em à? – cậu bé ra vẻ rất sửng sốt.

Thầy hiệu trưởng bảo cậu ta cứ đứng ra giữa vòng tròn còn thầy thì ngồi vào bàn của cậu. Thầy hỏi:

– Em hãy cố nhớ xem. Sáng nay em làm gì sau khi ngủ dậy và trước khi đi học, em đã làm việc gì đầu tiên? Totto-chan ngạc nhiên nghĩ rằng tại sao lại không có chuyện gì để kể nhỉ. Nhưng cậu này đúng là không có chuyện gì để kể thật. Thầy hiệu trưởng đi đến bàn cậu ta, trên mặt bàn có hộp cơm đã ăn hết.

– Thế em không có gì để nói cả à? – Ông hỏi.
– Dạ không
– À, à – cậu bé ấp úng nói và giơ tay gãi đầu.
– Hay lắm, – thầy hiệu trưởng nói – em vừa nói “à, à”. Sau khi “à, à”, em làm gì?
– Ờ, ờ, ừ… em dậy, – cậu ta lại vừa nói vừa gãi đầu.
Totto-chan và các bạn khác thích lắm, chăm chú nghe. Cậu ta tiếp tục:
– Rồi thì, ừ, ờ… – cậu ta lại gãi đầu. Thầy hiệu trưởng ngồi kiên nhẫn, nhìn cậu ta, vẫn mỉm cười, hai bàn tay để trên bàn vẫn đan vào nhau. Rồi ông nói:
– Thật là tuyệt. Thế được rồi. Em đã dậy. Em đã làm được mọi người cười mới là người nói giỏi.
Điều quan trọng là em nói em không có gì để kể và em đã tìm được một điều gì đó để kể rồi!
Nhưng cậu ta không ngồi xuống. Cậu ta nói rất to:
– Và rồi… ừ… ừ…
Tất cả cùng chồm người ra phía trước để đợi nghe cậu ta nói tiếp. Cậu bé hít một hơi dài nói:
– Và rồi… ờ… ờ, mẹ em, ờ… ờ… bảo “đi đánh răng đi” ờ.. ờ… và em đi đánh răng…
Thầy hiệu trưởng vỗ tay. Mọi người khác đều vỗ tay. Ngay khi ấy cậu bé lại nói tiếp, giọng to hơn trước:
– Và rồi… ờ… ờ…
Các học sinh thôi không vỗ tay nữa, nín thở nghe, chồm người ra phía trước.
Cuối cùng, cậu ta nói một cách đắc thắng:
– Và rồi… ờ… ờ… em đi học…
Một cậu học sinh lớn tuổi chồm quá đà, mất thăng bằng, đập cả mặt mình vào hộp cơm. Nhưng mọi người đều rất vui vì cậu học sinh kia đã tìm thấy một điều gì đó để kể. Thầy hiệu trưởng vỗ tay thật to, Totto-chan và các em khác cũng làm như vậy. Thậm chí cái cậu ” và rồi, ờ, ờ…” đang đứng giữa, cũng vỗ tay. Cả phòng vang lên tiếng vỗ tay.
Thậm chí sau này khi đã là người lớn, chắc chắn cậu ta không bao giờ quên được tiếng vỗ tay ấy.

–&–

– Em thật là một cô bé ngoan.

Nghe thấy ông nói câu ấy, một người lớn sẽ nhận ra được ngay ý nghĩa của việc ông nhấn mạnh hai tiếng “thật là”.

Điều mà chắc chắn thầy hiệu trưởng muốn Totto-chan hiểu là như thế này: “Nhiều người có thể nghĩ em không phải là một cô bé ngoan về nhiều mặt, nhưng tính nết thật của em không phải là xấu. Tính tình của em có nhiều điểm tốt, thầy rất biết điều ấy.”

Chao ôi, cũng phải bao nhiêu năm, Totto-chan mới nhận ra điều thật sự thầy muốn nói với mình. Tuy nhiên, lúc ấy dù em không nắm được hết cái ý thật của ông, thầy hiệu trưởng chắc chắn đã tạo được một niềm tin rất sâu sắc trong câu nói:

“Em thật là một cô bé ngoan”. Lời nói của ông cứ vang mãi trong tâm hồn em, thậm chí ngay khi em làm một việc gì đó tự do, phóng túng. Và rất nhiều lần, em tự nhủ: “Trời ơi!” khi em suy ngẫm về một việc gì đó mà em đã làm.

Cả thời kì em ở trường Tomoe, ông Kobayashi cứ nhắc đi nhắc lại cái câu nói quan trọng mà chắc hẳn đã quyết định hướng đi của toàn bộ cuộc đời em: – Totto-chan, em thật là một cô bé ngoan.

–&–

Trường Tomoe bị cháy rụi vào ban đêm. Miyo-chan cùng em là Misa-chan và mẹ, ở ngay trong ngôi nhà sát trường – chạy được ra trại Tomoe gần hồ ở đền Kuhonbutsu an toàn. Các máy bay B20 ném nhiều bom cháy, nhiều quả rơi vào các toa tàu dùng làm lớp học.
Ngôi trường đã từng là ước mơ của thầy hiệu trưởng bị ngập chìm trong lửa. Thay vào các âm thanh tiếng cười, tiếng hát của học sinh mà ông rất mực yêu quý, trường học đang sập xuống trong tiếng lửa cháy khủng khiếp: Ngọn lửa không sao dập tắt được đã thiêu trụi cả trường học. Ngọn lửa đốt sáng rực cả Jiyugaoka.

Giữa cảnh tượng đó thầy hiệu trưởng vẫn đứng trên đường và nhìn ngọn lửa thiêu đốt Tomoe. Ông vẫn mặc bộ com-lê đen tiều tụy. Ông đứng đó, hai tay cho vào túi áo ông quay sang hỏi cậu con trai là Tomoe, sinh viên đại học đứng ngay cạnh ông:

– Ta sẽ lại xây kiểu trường nào hở con?

Tomoe lặng đi không nói. Lòng yêu trẻ của ông và lòng yêu nghề của ông còn mạnh hơn cả những ngọn lửa đang bao phủ trường học. Ông thấy lòng nhẹ đi. Totto-chan đang nép mình nằm giữa bao nhiêu là người lớn trong một con tàu chật ních người sơ tán.

Con tàu thẳng hướng đông bắc. Nhìn bóng tối bên ngoài khung cửa sổ, em nhớ lại lời nói chia tay của thầy hiệu trưởng: “Chúng ta sẽ lại gặp nhau”, và những lời thầy hay nói với em: “Em biết đấy, em thực sự là một cô bé ngoan”. Em không muốn quên những lời nói ấy. Em thiếp ngủ trong sự suy nghĩ chắc chắn răng em sẽ gặp lại ông Kobayashi.

Con tàu ầm ầm lăn bánh trong đêm tối mang theo các hành khách, lòng tràn đầy băn khoăn lo lắng.

7. Bạn có thể mua cuốn sách này ở đâu?

TIKI: Mua sách tái bản và giảm giá tại đây

FAHASA: Mua sách tái bản và giảm giá tại đây

Đó là một cuốn sách vừa sâu sắc, phong phú và cảm động cùng một lúc. Giá như trẻ em nào cũng may mắn gặp được những nhà giáo giống như ông Kobayashi thì tôi tin rằng các em ai cũng hứng thú với việc đến trường.

Và câu chuyện giáo dục không chỉ là với trẻ con, mà cả chúng ta – những người lớn những tưởng mình biết rất nhiều và dùng suy nghĩ ấy để áp đặt lên trẻ thơ. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường nơi chúng ta có thể làm bạn với trẻ em, lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn các em tự bước đi trên đôi chân của mình. Hãy để việc đi học của trẻ là niềm vui – bởi vì sâu thẳm bên trong mỗi người, ai cũng từng là một đứa trẻ hồn nhiên đầy ắp niềm vui sống.

1136 views