Top viec lam co muc tuyen dung cao

Báo cáo xếp hạng 10 công việc làm từ xa có nhu cầu cao nhất trên nền tảng tuyển dụng FlexJobs năm 2022. Đứng đầu danh sách là trợ lý điều hành, công việc bao gồm quản lý lịch trình của giám đốc điều hành và ghi biên bản cuộc họp, theo FlexJobs.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), các trợ lý điều hành ở Mỹ kiếm được mức lương trung bình là 29,84 USD/giờ (bằng khoảng 705.000 đồng) và mức lương trung bình hàng năm có thể đạt 66.870 USD (tương đương với hơn 1,5 tỷ USD). Đây là công việc có nhu cầu cao nhất nhưng lại không phải là công việc có mức lương cao nhất.

Dữ liệu của BLS cho biết, vị trí quản lý dự án mỗi giờ có thể kiếm được hơn 45 USD (hơn 1 triệu đồng) và mức lương trung bình một năm có thể đạt hơn 98.000 USD (bằng khoảng 2,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, công việc này chỉ xếp vị trí thứ 8 trong danh sách những công việc từ xa có nhu cầu cao nhất. Theo FlexJobs, vị trí này được nhiều ngành tuyển dụng với mục đích lập kế hoạch cho các nghiên cứu hoặc thuyết trình từ giai đoạn đầu cho đến khi hoàn thành.

Dưới đây là danh sách đầy đủ 10 việc làm từ xa có nhu cầu cao nhất năm 2022 của FlexJobs:

1. Trợ lý điều hành

2. Nhà tuyển dụng

3. Đại diện chăm sóc khách hàng

4. Kế toán

5. Thiết kế đồ họa

6. Copywriter (người viết nội dung quảng cáo)

7. Quản lý trang mạng xã hội

8. Quản lý dự án

9. Chuyên viên nhân sự

10. Trợ lý luật sư

Hầu hết những công việc này là các công việc toàn thời gian nhưng trong một số trường hợp, các công ty có thể tìm kiếm nhân viên tạm thời làm việc từ xa.

Nhưng một số công việc có thể chỉ tuyển dụng ở dạng bán thời gian (parttime) hoặc công việc phụ. Chẳng hạn, nền tảng tìm việc freelance như Fiverr thường đăng tuyển dụng các công việc về thiết kế đồ họa hoặc copywriter. Ngay cả quản lý trang mạng xã hội cũng có thể là một công việc bán thời gian tại một công ty nhưng người làm công việc này cũng không cần thiết phải đến văn phòng làm việc.

Để đưa ra danh sách này, FlexJobs cho biết họ đã phân tích các tin tuyển dụng từ hơn 58.000 công ty trên nền tảng của mình. Theo dữ liệu của BLS, danh sách công việc càng phổ biến thì khả năng xuất hiện trên bảng xếp hạng càng cao. Điều này giải thích tại sao đại diện chăm sóc khách hàng lại đứng ở vị trí thứ 3 mặc dù mức lương chỉ ở mức hơn 39.000 USD/năm (tương đương hơn 90 triệu đồng).

Mặc dù nhiều người bỏ công việc ổn định của mình để tìm kiếm các công việc tự do hoặc có thể làm ở nhà, việc này không phải không có rủi ro. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng mọi người nên có thời gian thử làm một công việc phụ trong thời gian rảnh rỗi trước khi quyết định đi theo con đường này.

Báo cáo của FlexJobs lưu ý rằng nếu bạn thường gặp khó khăn trong việc lập một kế hoạch tài chính vững chắc và gắn bó với kế hoạch đó, thì không nên theo công việc freelance. “Nếu vẫn quyết định làm freelancer, hãy suy nghĩ cẩn thận về những công việc thực sự phù hợp với mình” là lời khuyên mà FlexJobs đưa ra trong báo cáo.

Margaret Lilani, Phó chủ tịch giải pháp tài năng tại Upwork, chia sẻ: “Bạn có thể phải bắt đầu với quy mô nhỏ và sẽ mất thời gian để tạo dựng danh tiếng trong thị trường việc làm tự do. Nhưng nếu nỗ lực và có kế hoạch tốt, bạn có thể có một sự nghiệp cực kỳ thành công khi là một freelancer”.

Bản tin thị trường lao động quý 2/2023 vừa được Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội phát hành ghi nhận sự biến động về nhu cầu việc làm theo ngành và kỳ vọng về mức lương của người lao động khi tìm việc.

PHẦN LỚN NGƯỜI TÌM VIỆC LÀ LAO ĐỘNG TRẺ

Cụ thể, trong quý 2, có 5 ngành tăng số người làm việc là: Dịch vụ lưu trú và ăn uống, tăng 106 nghìn người; Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 53 nghìn người; Hoạt động hành chính và hỗ trợ dịch vụ, tăng 33 nghìn người; Nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 32 nghìn người…

Tuy nhiên, 5 ngành lại giảm nhiều người lao động, dẫn đầu là Công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm nhiều nhất với 189 nghìn người; Xây dựng giảm 42 nghìn người. Tiếp đến là Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, với mức giảm lần lượt là 24 nghìn người, 13 nghìn người và 1 nghìn người.

Phân tích xu hướng tuyển dụng, tìm việc trên thị trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua dữ liệu đăng tuyển dụng của doanh nghiệp và người lao động tìm việc làm trong quý 2 thì có hơn 20.100 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng hơn 70.500 lao động, và có đến 78.074 người tìm việc.

Phần lớn người tìm việc kỳ vọng mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm 48%, ngoài ra có 29,9% người mong muốn nhận mức lương 10 – 15 triệu đồng. Người lao động tìm việc chủ yếu từ từ 20 đến gần 40 tuổi, trong đó hơn 40% người tìm việc từ 30 đến 39 tuổi, 36,5% người từ 20 đến 29 tuổi.

Mức lương 10 – 15 triệu đồng cũng là kỳ vọng chiếm khá lớn của người lao động tìm việc tại Hà Nội. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ghi nhận qua các phiên giao dịch việc làm, những vị trí có mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng thường là mức thu nhập của các chỉ tiêu tuyển dụng vào vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng…

Còn mức từ 5 – 10 triệu đồng thường sẽ dành cho các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, các vị trí lao động phổ thông có tay nghề…

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành, Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam nhìn nhận, cùng với sự thay đổi của thị trường lao động, xu hướng dịch chuyển lao động cũng rất rõ rệt. Người lao động ưa thích tìm kiếm những công việc linh hoạt, bán thời gian, với nhiều ngành nghề, thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, quan điểm về những giá trị ưu tiên khi đi làm cũng đang có sự thay đổi, bên cạnh yếu tố lương, họ ngày càng quan tâm đến môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, chế độ đào tạo, an toàn – sức khỏe, sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống…

NGÀNH TĂNG TUYỂN DỤNG, NGÀNH CẮT GIẢM LAO ĐỘNG

Trong quý 2 vừa qua, xu hướng tuyển dụng nhóm lao động ở vị trí nhân viên chiếm tỷ lệ cao nhất, với gần 69%, và ở chiều người đi tìm việc, đây cũng là vị trí được nhiều người lao động tìm kiếm nhất, chiếm đến 53,6%.

Nhu cầu tuyển dụng nhóm có bằng cấp, chứng chỉ dường như chiếm ưu thế hơn hẳn, khi có đến 46,9% đơn vị tuyển dụng yêu cầu trình độ từ đại học trở lên; 45% yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng; riêng các vị trí quản lý bậc trung là 14,1%; quản lý bậc cao 8,5%, trong khi đó các công việc không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm chưa đến 8%.

Ở phía người tìm việc cũng có 42,1% lao động có trình độ đại học trở lên, 29,1% có trình độ cao đẳng, trung cấp; 28,8% không có bằng cấp, chứng chỉ; 53,6% vị trí nhân viên; 28% vị trí quản lý bậc trung và chỉ có 2,1% quản lý bậc cao.

Thị trường lao động ghi nhận 5 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất là: Thông tin và truyền thông; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Hoạt động dịch vụ khác; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.

5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhân sự nhiều nhất là Kế toán; Nhân viên hành chính, văn phòng; Kỹ sư IT - phần mềm; Dịch vụ khách hàng; Quảng cáo, marketing. 5 nhóm nghề người lao động đi tìm việc nhiều nhất là môi giới bất động sản, dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, bảo hiểm.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo trong quý 3/2023 cả nước sẽ có khoảng 51,5 triệu người có việc làm, tăng 267 nghìn người so với quý 2/2023. Một số ngành có nhu cầu tăng việc làm là Dịch vụ ăn uống, tăng 114 nghìn người; Bán buôn (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác), tăng 105 nghìn người; Sản xuất thiết bị điện, tăng 69,7 nghìn người.

Trong khi đó, dự báo 3 ngành lại có nhu cầu giảm nhiều việc làm là Sản xuất trang phục giảm 123 nghìn người; Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ giảm 78 nghìn người; Bán lẻ giảm 32 nghìn người.