Tống đạt văn bản là gì

09(94)/2015

Tống đạt văn bản là gì

Mục lục

  • 1.Ý nghĩa của thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án
  • 2.Những khó khăn, bất cập trong phương thức, thủ tục và tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
  • 3.Một số kiến nghị đối với quy định về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo
  • 4.Tiếp theo trang 45... NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM
  • 5.Tài liệu tham khảo

THỦ TỤC CẤP, TỐNG ĐẠT, THÔNG BÁO VĂN BẢN TỐ TỤNG – NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SỬA ĐỔI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

ĐỖ QUỐC ĐẠT*

09(94)/2015 - 2015, Trang 46-52

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

Qua thực tiễn áp dụng, tại Tòa án nhân dân Quận 7, tác giả nhận thấy: một số quy định về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng tại Chương X Bộ luật Tố tụng dân sự còn nhiều bất cập. Thủ tục này chưa phù hợp với một số thủ tục tố tụng khác (nhất là về thời hạn) và để thực hiện hoàn chỉnh, hợp lệ phải tốn nhiều công sức, thời gian, kinh phí nhưng hiệu quả không cao. Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết vụ, việc dân sự, thiết nghĩ cần sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp.


ABSTRACT:

Through practical application at District 7 People’s Court, the author found that: some provisions relater to procedure for issuance, sending and notification of procedural documents in Chapter X of Civil Procedure Code are inadequate. This procedure is not coherent with some other procedures (especially in term) It costs a lot of time, effort and money to perform but it is not highly effective. To improve the quality of resolving civil cases, it is necessary to amend and supplement certain provisions accordingly.


TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,


Trích dẫn:

×

ĐỖ QUỐC ĐẠT*, THỦ TỤC CẤP, TỐNG ĐẠT, THÔNG BÁO VĂN BẢN TỐ TỤNG – NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SỬA ĐỔI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ , Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 09(94)/2015, Trang 46-52

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=6d0d930d-9920-4bdc-9243-d5732d018fde

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Ý nghĩa của thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án

Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án được hiểu đơn giản là việc Tòa án giao cho những người tham gia tố tụng văn bản tố tụng để họ biết và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế áp dụng lại rất phức tạp, là nguyên nhân làm cho thời hạn giải quyết bị kéo dài, thậm chí vụ việc không giải quyết được vì phải đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS năm 2004). Thủ tục này phức tạp ở chỗ phải được thực hiện qua nhiều bước, nhiều công đoạn, khó khăn là do các yếu tố về địa giới hành chính, khoảng cách địa lý… đã cản trở hoặc ảnh hưởng đến thời gian thực hiện việc tống đạt. Mặt khác, nhiều đương sự là bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường né tránh không tham gia tố tụng nên việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho các đương sự này lại càng khó khăn hơn.

Khi tiến hành thụ lý vụ việc dân sự, trở ngại lớn nhất mà Tòa án thường gặp không phải là đường lối giải quyết mà là khó khăn, vướng mắc về thủ tục tố tụng. Một vụ, việc dân sự được Tòa án thụ lý, giải quyết bắt buộc phải trải qua quy trình tố tụng chặt chẽ, gồm nhiều bước khác nhau nhưng đòi hỏi không được bỏ sót bất cứ bước nào. Trong khi đó, hầu như ở bất cứ bước nào cũng phải thực hiện việc tống đạt văn bản cho đương sự. Trong quá trình thực hiện, nếu chỉ có một sai sót nhỏ cũng sẽ bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và hậu quả làm cho quyết định, bản án giải quyết vụ việc dân sự bị hủy. Do đó, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ việc dân sự.

2. Những khó khăn, bất cập trong phương thức, thủ tục và tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng

Theo quy định tại Điều 149 BLTTDS năm 2004 thì thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án được thực hiện bằng một trong các phương thức sau: “i. cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện hoặc người thứ ba được ủy quyền, ii. niêm yết công khai, iii. thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

2.1. Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân

Theo quy định tại Điều 152 của BLTTDS năm 2004 thì có haicách tiến hành việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho đương sự được xem là hợp lệ: một là, triệu tập đương sự đến trụ sở Tòa án để trực tiếp cấp, tống đạt, thông báo. Trong thực tiễn biện pháp này ít sử dụng vì rất tốn kém cho chi phí phát hành, gửi giấy triệp tập và còn mất nhiều thời gian để phát hành, chuyển giao giấy triệu tập. Ví dụ: nếu Tòa án gửi giấy triệu tập bằng đường bưu điện thì nếu ở trong cùng địa bàn thì cũng phải mất ít nhất 02 ngày để nhân viên bưu điện chuyển đến người nhận. Về thời điểm hẹn tiếp đương sự, Tòa án cũng phải tính toán cho hợp lý để đương sự sắp xếp thời gian đến làm việc với Tòa án. Nếu đương sự không sắp xếp được thời gian, không đến làm việc thì xem như việc triệu tập đó không hiệu quả. Biện pháp này cũng dễ gây bức xúc cho đương sự nhất là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì phải đi lại nhiều lần mà không có hiệu quả. Từ đó, họ rất dễ sinh ra tâm lý phó mặc, không hợp tác với Tòa, không đến tham gia tố tụng nữa. Hai là, người cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng đến nơi cư trú, trụ sở làm việc của đương sự để trực tiếp tống đạt, thông báo. Trường hợp này nếu có sự hợp tác của đương sự thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, nếu họ vắng mặt và không hợp tác thì cách này lại trở nên rất khó khăn, phức tạp vì đòi hỏi phải thực hiện tuần tự, đầy đủ các bước, công đoạn sau:

- Bước một, nếu đương sự vắng mặt thì có thể giao cho người thân thích nhưng phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự và cùng cư trú trong gia đình của đương sự. Người nhận thay phải cam kết giao lại tận tay cho đương sự. Trong thực tế, rất khó xác định người đó có phải là người thân thích với đương sự hay không và để đánh giá, nhận biết họ là người có đủ năng lực hành vi dân sự hay không lại càng nan giải hơn bởi việc đánh giá năng lực hành vi dân sự của một người hoàn toàn đưa vào kết luận chủ quan của người thực hiện việc tống đạt. Do đó, khả năng sai lầm là không thể tránh khỏi.

- Bước hai, nếu đương sự vắng mặt mà không có người nhận thay hoặc có nhưng họ không đồng ý nhận thay thì có thể chuyển giao văn bản tố tụng cho Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum (gọi chung là Tổ trưởng Tổ dân phố), Ủy ban nhân dân, Công an xã, phường, thị trấn... nơi người đó cư trú và cũng yêu cầu những người này có trách nhiệm giao tận tay cho đương sự. Tuy nhiên, cách thức này cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

- Bước ba, nếu đương sự đã thay đổi nơi cư trú thì phải thực hiện thủ tục xác minh địa chỉ cư trú mới của họ và phải đến nơi đó để thực hiện. Như vậy, phải mất thêm thời gian để xác minh và thực hiện lại việc tống đạt.

- Bước bốn, nếu đương sự vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc đã đi nơi khác không rõ địa chỉ mới thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản về việc không cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được. Biên bản phải có chữ ký của người cung cấp thông tin.

- Bước năm, trường hợp đương sự đã chết thì phải lập biên bản, thu thập thông tin để xử lý theo các trường hợp quy định tại các Điều 189, 192 BLTTDS năm 2004.

Bước sáu, theo Điều 154 BLTTDS năm 2004 thì trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, phải áp dụng phương thức niêm yết công khai. Chỉ được áp dụng phương thức này khi không rõ tông tích của đương sự hoặc không thể thực hiện trực tiếp được. Muốn biết được tông tích của đương sự thì phải tiến hành xác minh. Việc niêm yết phải được thực hiện đồng thời tại nơi cư trú của đương sự, trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đương sự cư trú. Thủ tục này cũng mất nhiều thời gian vì phải chờ cơ quan chức năng trả lời xác minh làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết án.

2.2. Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức

Theo Điều 153 BLTTDS năm 2004. đối với đương sự là cơ quan, tổ chức thì việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho họ được thực hiện bằng một trong những cách sau đây:

- Phải trực tiếp cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức;

- Nếu cơ quan, tổ chức đã cử người đại diện ủy quyền thì phải cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho người nhận ủy quyền;

- Cũng có thể cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức (ví dụ như nhân viên văn thư) và phải có xác nhận của người có thẩm quyền.

Việc thực hiện thủ tục này nếu có sự hợp tác của đương sự thì khá thuận lợi. Tuy nhiên, nếu họ vắng mặt và không hợp tác thì lại trở nên rất khó khăn, phức tạp vì đòi hỏi phải thực hiện tuần tự, đầy đủ các bước, công đoạn sau:

- Bước một, nếu người đại diện (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) vắng mặt hoặc không đồng ý nhận thì phải giao cho nhân viên văn thư. Nếu nhân viên văn thư đồng ý nhận thì người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải ký tên, đóng dấu xác nhận vào biên bản hoặc phải đóng dấu treo của cơ quan, tổ chức đó. Như vậy, quy trình này rõ ràng là rất phức tạp, nhiêu khê và thiếu khả thi bởi một khi người đại diện đã từ chối nhận thông báo, văn bản tố tụng thì chắc chắn các nhân viên có trách nhiệm nhận văn bản cũng sẽ không dám nhận. Người thực hiện phải lập biên bản về việc không thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được và phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

- Bước hai, nếu người đại diện (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) không có mặt ở trụ sở thì phải đến nơi cư trú của họ để thực hiện cấp, tống đạt, thông báo. Nếu họ vắng mặt hoặc từ chối nhận thì cũng phải lập biên bản về việc không thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được và phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

- Bước ba, nếu người đại diện vắng mặt tại nơi cư trú thì phải tiến hành xác minh xem họ có còn cư trú ở đây hay là đã chuyển đi nơi khác. Nếu họ chỉ tạm thời vắng mặt thì phải chờ tống đạt trực tiếp. Nếu họ chuyển nơi cư trú thì phải đến nơi đó để thực hiện tống đạt.

Bước bốn, nếu người nhận từ chối nhận thì phải thực hiện bằng phương thức niêm yết. Việc niêm yết công khai thông báo, văn bản tố tụng cho cơ quan tổ chức phải được thực hiện đồng thời tại trụ sở, nơi cư trú của người đại diện tham gia tố tụng, trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở và nơi người đại diện tham gia tố tụng cư trú.

Nếu người đại diện thay đổi nơi cư trú, hoặc kết quả xác minh cũng không cho biết người này đang cư trú ở đâu thì việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng không thể hoàn tất được. Trường hợp không biết địa chỉ nơi cư trú của họ thì phải xử lý như thế nào thì chưa có hướng dẫn để thực hiện. Trường hợp người đại diện cho cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng là người nước ngoài, tại thời điểm cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thì họ không còn ở Việt Nam mà đã xuất cảnh về nước, kết quả xác minh cũng không xác định được địa chỉ nơi họ đang cư trú thì cũng không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.

Nhiều đương sự (đa số là bị đơn) lợi dụng vào quyền được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và quy trình cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phức tạp để trốn tránh, kéo dài thời hạn giải quyết vụ việc dân sự. Vấn đề này không những gây tốn kém chi phí, công sức của Tòa án mà còn gây thiệt hại cho các đương sự khác. Như vậy, đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 39, Điều 146, Điều 148, Điều 149, Điều 150 và quy định tại Điều 152, Điều 153 BLTTDS năm 2004 thì còn nhiều bất cập trong thực tiễn áp dụng.

2.3. Về thời hạn cấp, tống đạt, thông báo bằng biện pháp niêm yết công khai

Quy định thời điểm cấp tống đạt, thông báo bằng hình thức niêm yết công khai đến thời điểm tiến hành thủ tục tố tụng phải cách nhau ít nhất là 15 (mười lăm) ngày cũng là một trong những nguyên nhân làm cho vụ việc bị kéo dài, nhất là đối với các tranh chấp về kinh doanh - thương mại, lao động. Quy định này không phù hợp với quy định tại Điều 179 BLTTDS năm 2004 về thời hạn chuẩn bị xét xử. Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 BLTTDS năm 2004 thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các tranh chấp về kinh doanh - thương mại, lao động chỉ có 02 tháng. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng cũng không quá một tháng. Trong khi đó, nếu thực hiện tống đạt, thông báo bằng phương thức hiện nay thì cho dù hết sức tích cực cũng phải đến 04 tháng mới có thể xử xử sơ thẩm được vụ án.

2.4. Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Theo quy định tại khoản 3 Điều 149 và Điều 155 BLTTDS năm 2004 thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là một trong ba phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi:

- Pháp luật có quy định;

- Có căn cứ xác định rằng việc niêm yết công khai không đảm bảo;

- Nếu có yêu cầu của đương sự khác (lệ phí do người yêu cầu chịu).

Về thủ tục thông báo được đăng trên báo hàng ngày của Trung ương trong 03 số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình của Trung ương 03 lần trong 03 ngày liên tiếp. Vấn đề đặt ra ở đây là Điều 155 BLTTDS năm 2004 chỉ nêu lên việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng không nói rõ thông báo cho từng lần cần tống đạt hay gộp lại dự kiến tất cả các lần cần tống đạt rồi đăng một lần.

Để hạn chế việc đương sự tốn kém nhiều chi phí, thời gian, có Thẩm phán chọn giải pháp đăng báo và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng một lần cho tất cả các lần tham gia tố tụng như: 02 lần tham gia phiên hòa giải, định giá, xem xét thẩm định tại chỗ (nếu cần), 02 lần tham gia phiên tòa xét xử. Cách làm này không phù hợp quy định về thời hạn tống đạt như đã nói ở trên thì, nhưng nếu thực hiện mỗi lần cách nhau 15 ngày thì rất phiền phức cho người dân lẫn cơ quan truyền thông, báo chí.

2.5. Đối với việc tống đạt qua đường bưu điện

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 148 BLTTDS năm 2004 thì nhân viên bưu điện cũng là một trong những người thực hiện việc tống đạt. Do BLTTDS năm 2004 không quy định rõ trình tự tiến hành nên thực tiễn các Tòa án gặp nhiều khó khăn khi thực hiện phương thức tống đạt này bởi lẽ việc tống đạt qua đường bưu điện không có phần nội dung để Tòa án có thể ghi số hiệu, ngày tháng ban hành văn bản cũng như ghi thời gian triệu tập, người có tên trên bao thư không ký nhận nên không có cơ sở xác định tống đạt hợp lệ theo quy định.

2.6. Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo qua Văn phòng Thừa phát lại

Phương thức này chưa được quy định trong BLTTDS năm 2004 mà hiện nay chỉ đang được thí điểm áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Phải nhìn nhận rằng trong thời gian qua, Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tư pháp liên quan đến Tòa án đã chia sẻ phần nào khối lượng công việc của Tòa án mà cụ thể là của Thư ký nghiệp vụ trong thủ tục tống đạt. Tuy nhiên, việc Văn phòng Thừa phát lại thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng chỉ mang ý nghĩa là làm thay cho Tòa án, giúp Tòa án phần nào giảm tải khối lượng công việc mà thôi. Vấn đề này hoàn toàn không có ý nghĩa là một bước cải tiến trong thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự. Nói cách khác, công việc này chỉ thay thế người thực hiện chứ thủ tục, phương thức thực hiện thì không có gì thay đổi. Cụ thể, khi nhận ủy quyền của Tòa án để thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thì Văn phòng Thừa phát lại vẫn phải thực hiện tuần tự, đúng, đủ các bước, quy trình mà BLTTDS năm 2004 đã quy định. Nếu trong quá trình Văn phòng Thừa phát lại thực hiện mà có sai sót, vi phạm thì kết quả tống đạt cũng được xem là không hợp lệ.

2.7. Vấn đề xử lý vi phạm đối với người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng

Việc cấp, tống đạt, thông báo qua người thứ ba có thể gặp những khó khăn bất cập sau:

Theo quy định tại Điều 15 Luật Công an nhân dân năm 2014 và Điều 10 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ quy định Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng thôn và Tổ trưởng Tổ dân phố thì: “Công an xã, phường, Tổ trưởng tổ dân phố không có nhiệm vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án”. Do vậy, việc chuyển giao văn bản tố tụng cho những người này là dựa vào tính năng hoạt động của họ, chứ đây không phải là nhiệm vụ của họ. Vì vậy, trên thực tế ở một số nơi họ từ chối nhận chuyển giao văn bản tố tụng đến đương sự. Khoản 2 Điều 148 BLTTDS năm 2004 quy định: “Người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo mà không làm đúng trách nhiệm của mình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, chế tài này rất khó được thực hiện bởi người tống đạt trung gian chỉ có trách nhiệm mà hầu như không được lợi ích gì từ việc nhận tống đạt văn bản tố tụng. Nếu buộc họ chịu trách nhiệm thì việc tống đạt văn bản tố tụng qua trung gian của Tòa án sẽ rất khó thực hiện vì theo tâm lý sợ trách nhiệm, họ sẽ từ chối, thoái thác và người thực hiện cũng không thể ép buộc họ được. Quy định này vô hình trung làm giảm hiệu lực thực tế của điều luật. Ngoài ra, điều khoản trên còn chung chung, chưa rõ ràng như: căn cứ vào đâu để xác định có vi phạm? Vi phạm đến mức độ nào thì bị xử lý kỷ luật, mức độ nào xử phạt hành chính, mức độ nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự? Quy trình, thủ tục xử lý như thế nào? Do đó, quy định như trên trong thực tế chưa thể áp dụng được.

3. Một số kiến nghị đối với quy định về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo

Thứ nhất, bổ sung quy định về trách nhiệm, chế tài đối với người có nghĩa vụ thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo yêu cầu của Tòa án nếu có vi phạm (trừ trường hợp có lý do chính đáng).

Thứ hai, hướng dẫn rõ, cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 148 BLTTDS năm 2004 để tăng hiệu quả của việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như đã trình bày ở trên.

Thứ ba, nếu việc thí điểm Văn phòng Thừa phát lại thành công thì cần phải quy định cụ thể trong BLTTDS năm 2004 theo đó Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng và xem xét mở rộng thẩm quyền cho Thừa phát lại trong việc thu thập chứng cứ:

- Khi thực hiện việc tống đạt, Thừa phát lại có thể phối hợp với Công an hoặc các ban ngành hữu quan để tiến hành xác minh nơi cư trú của đương sự cần tống đạt. Nếu qua xác minh mà biết được đương sự không còn cư trú tại địa chỉ tống đạt thì Thừa phát lại tiến hành luôn việc niêm yết văn bản cần tống đạt.

- Khi tiến hành tống đạt thông báo thụ lý vụ án hoặc giấy triệu tập đương sự trình bày lời khai, nếu đương sự được tống đạt có yêu cầu trình bày ý kiến hoặc trình bày lời khai ngay thì Thừa phát lại được quyền thu thập các chứng cứ này, xác nhận và giao nộp lại cho Tòa án.

- Cần xem xét thay đổi quy định: một Tòa án chỉ được quyền ký hợp đồng tống đạt với một Văn phòng Thừa phát lại. Một Văn phòng Thừa phát lại có quyền ký hợp đồng tống đạt với nhiều Tòa án. Quy định này là cứng nhắc và hiệu quả không cao bởi lẽ nếu Văn phòng Thừa phát lại được chỉ định không thực hiện được việc tống đạt thì Tòa án cũng phải chấp nhận vì không thể yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại khác thực hiện. Chi phí thực hiện tống đạt trong phạm vi cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở không quá 65.000 đồng/việc. Trong khi chi phí tống đạt ngoài phạm vi cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại nhưng trong địa bàn cấp tỉnh không quá 130.000 đồng/việc. Giả sử Tòa án yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại đã ký hợp đồng thực hiện tống đạt cho một đương sự ở quận khác thì phải trả mức chi phí là 130.000 đồng. Trong trường hợp này nếu để cho Văn phòng Thừa phát lại nơi có đương sự cư trú thực hiện việc tống đạt thì mức chi phí phải trả tối đa chỉ là 65.000 đồng. Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt tại địa bàn cấp huyện nơi đặt Văn phòng sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn vì không chỉ gấn về khoảng cách địa lý mà còn thành thạo địa bàn hơn. Nếu phải đến địa điểm khác thực hiện việc tống đạt thì các điều kiện này sẽ bị hạn chế và do đó, hiệu quả sẽ kém hơn.

Thứ tư, cần tuân thủ quy định của BLTTDS năm 2004 về thủ tục tống đạt. Ví dụ: khi không tống đạt trực tiếp cho đương sự được mà phải giao cho người thứ ba để chuyển giao lại cho đương sự thì phải thu thập phản hồi theo quy định tại Điều 156 BLTTDS năm 2004.

Thứ năm, cần xem xét sửa đổi quy định của BLTTDS năm 2004 về thủ tục tống đạt theo hướng đơn giản hơn mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho đương sự. Với quy định về tống đạt hiện nay thì thủ tục này hết sức phức tạp, rườm rà, là kẽ hở để đương sự cố tình trốn tránh, gây cản trở cho hoạt động tố tụng.

Trước mắt cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung các phương thức tống đạt văn bản tố tụng tại Điều 149 BLTTDS năm 2004 từ 03 phương thức thành 04 phương thức như sau:

“Điều 149. Các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp;

2. Cấp, tống đạt, thông báo qua trung gian gồm: Người thân thích, Tổ trưởng Tổ dân phố; Ủy ban nhân dân cấp xã; Công an cấp xã và qua bưu điện;

3. Niêm yết công khai;

4. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Về vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Thông tin và truyền thông cần ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn việc tống đạt văn bản tố tụng qua đường bưu điện để đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản tố tụng do Tòa án ban hành. Theo đó, cần hướng dẫn mẫu văn bản chuyển giao văn bản giữa Tòa án với nhân viên bưu điện nơi nhận văn bản, mẫu văn bản tống đạt văn bản tố tụng giữa nhân viên bưu điện nơi giao với người được tống đạt đảm bảo giá trị pháp lý theo hướng dẫn của BLTTDS năm 2004. Đồng thời, hướng dẫn rõ trường hợp tống đạt trực tiếp cho người được tống đạt, qua người thân, chính quyền địa phương cũng như thể hiện đầy đủ các thông tin trong trường hợp không tống đạt được.

Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản liên tịch với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện thủ tục tống đạt theo quy định của BLTTDS năm 2004. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, Tổ trưởng Tổ dân phố trong việc thực hiện các thủ tục tống đạt (tống đạt qua trung gian, ủy quyền niêm yết văn bản tố tụng) và thực hiện việc báo lại kết quả tống đạt cho Tòa án. Đồng thời, quy định về chế độ bồi dưỡng đối với những người thuộc các cơ quan thực hiện việc tống đạt để khuyến thích họ tích cực hỗ trợ Tòa án.

Ngoài ra, để khắc phục các hạn chế của BLTTDS năm 2004 về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng nhằm đảm bảo thời gian giải quyết vụ án, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:

- Bổ sung khoản 6 vào Điều 147 BLTTDS năm 2004 với nội dung sau:

“6. Đối với các văn bản tố tụng về hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án thì không áp dụng thủ tục niêm yết và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTDS năm 2004 như sau:

“1. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có yêu cầu của các đương sự. Lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu”.

Bổ sung khoản 2 Điều 154 BLTTDS năm 2004 về thủ tục niêm yết cho cơ quan, tổ chức bên cạnh việc niêm yết cho cá nhân. Theo đó, khoản 2 Điều 154 được sửa đổi như sau:

“2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Toà án trực tiếp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt, thông báo hay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo trong trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là tổ chức được thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) …

b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt, thông báo hay nơi có trụ sở hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người được cấp, tống đạt, thông báo trong trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là tổ chức;

c) …”.

Tiếp theo trang 45...

NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM

4. Một số kiến nghị nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam

Để nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm áp dụng đúng mức và đồng bộ trong tố tụng dân sự Việt Nam, chúng tôi có các kiến nghị như sau:

- Cần xác định rõ ràng quan điểm và sự cần thiết về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam và vai trò của nguyên tắc này.

- Cần xác định rõ nội dung cụ thể của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam.

- BLTTDS (sửa đổi) cần cụ thể hóa các quan điểm về nội dung của nguyên tắc tranh tụng đã được thống nhất xác định.

- Trong BLTTDS, cần xác định quyền và nghĩa vụ của đương sự đối với nguyên tắc tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án từ thụ lý đến các phiên xét xử tại Tòa án.

- Trong BLTTDS, cần xác định nghĩa vụ cụ thể của Tòa án đối với nguyên tắc tranh tụng, nghĩa vụ và trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án từ thụ lý, đến xét xử, đến nội dung của bản án.

- Cần nâng cao nhận thức của ngành Tòa án, của những cơ quan tiến hành tố tụng về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.

- Cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người tham gia tố tụng về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.

- BLTTDS cần xác định Tòa án có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc tranh tụng đạt đúng mục tiêu dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

- Cần chấm dứt cơ chế và nhận thức về ban phát, xin cho trong quá trình thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Tống đạt văn bản là gì

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref