Thành ngữ so sánh có tên các loài động vật năm 2024

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NV

BỘ MÔN NGỮ VĂN

PHẠM THỊ THÀI MSSV: 6095813

THÀNH NGỮ CHỨA TỪ GỌI TÊN ĐỘNG VẬT TRONG TIẾNG VIỆT

Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS. GVC. NGUYỄN THỊ THU THỦY

Cần Thơ, năm 2013

1

Lời cảm ơn!

Luận văn tốt nghiệp là kết quả cuối cùng của bốn năm miệt mài đèn sách bên thầy, bên bạn, trên giảng đường Đại học Cần Thơ. Đồng thời, cũng đánh dấu bước trưởng thành trong tôi sau bốn năm học tập. Để luận văn này hoàn thành, trước hết tôi muốn tỏ lời biết ơn chân thành đến cô Nguyễn Thị Thu Thủy – Cán bộ hướng dẫn – với lòng nhiệt tình và trách nhiệm của người giáo viên đã giúp tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Xin cảm ơn đến tất cả quý thầy cô trong Bộ môn Ngữ văn nói chung và tổ Ngôn Ngữ nói riêng – những người đã tận tình dìu dắt tôi trong bốn năm qua. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình làm luận văn, tôi cũng nhận được sự ủng hộ, khuyến khích nhiệt thành của gia đình và rất nhiều bạn bè. Tôi vô cùng biết ơn mọi người! Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng chắc chắn rằng trong luận văn này không tránh khỏi còn những chỗ sơ suất, rất mong nhận được chỉ dẫn của thầy cô, bạn bè. Trân trọng kính chào! Sinh viên thực hiện

PHẠM THỊ THÀI

2

ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử nghiên cứu 3. Mục đích yêu cầu nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THÀNH NGỮ 1.1. Khái niệm thành ngữ 1.1.1. Quan niệm về thành ngữ của các nhà nghiên cứu văn học 1.1.2. Quan niệm về thành ngữ của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ 1.2. Phân loại thành ngữ 1.2.1. Dựa vào tiêu chí nguồn gốc 1.2.1.1. Thành ngữ thuần Việt 1.2.1.2. Thành ngữ vay mượn 1.2.2. Dựa vào tiêu chí cấu tạo 1.2.2.1. Thành ngữ so sánh 1.2.2.2. Thành ngữ ẩn dụ hóa 1.2.2.2.1. Thành ngữ ẩn dụ hóa đối xứng trong tiếng Việt 1.2.2.2.2. Thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng trong tiếng Việt 1.2.2.3. Thành ngữ hoán dụ 1.3. Đặc điểm của thành ngữ 1.3.1. Tính biểu trưng 1.3.2. Tính cụ thể 1.3.3. Tính dân tộc 1.3.4. Tính biểu thái 1.3.5. Tính điệp và đối 1.4. Những nét giống nhau và khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ 1.4.1. Những nét giống nhau giữa thành ngữ và tục ngữ 3

1.4.1.1 Giống nhau ở hình thức cấu tạo 1.4.1.2. Giống nhau ở tính biểu trưng 1.4.1.3. Giống nhau ở tính dân tộc và tính biểu cảm 1.4.2. Những nét khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ 1.4.2.1. Về ngữ pháp 1.4.2.2. Về chức năng 1.4.2.3. Về nội dung biểu đạt

CHƯƠNG 2. THÀNH NGỮ CHỨA TỪ GỌI TÊN ĐỘNG VẬT TRONG TIẾNG VIỆT 2.1. Phân loại từ chứa động vật trong thành ngữ 2.1.1. Động vật nuôi 2.1.2. Động vật hoang dã 2.2. Giá trị ngữ nghĩa của thành ngữ chứa từ chỉ động vật trong tiếng Việt 2.2.1. Từ chỉ động vật “Cá” 2.2.2. Từ chỉ động vật “Gà” 2.2.3. Từ chỉ động vật “Chó” 2.2.4. Từ chỉ động vật “Chim” 2.2.5. Từ chỉ động vật “Mèo” 2.2.6. Từ chỉ động vật “Bò” 2.2.7. Từ chỉ động vật “Voi” 2.2.8. Từ chỉ động vật “Trâu/nghé” 2.2.9. Từ chỉ động vật “Ngựa” 2.2.10. Từ chỉ động vật “Cò” 2.2.11. Từ chỉ động vật “Chuột” 2.2.12. Từ chỉ động vật “Ếch” 2.2.13. Từ chỉ động vật “Ốc” 2.2.14. Từ chỉ động vật “Rắn”

CHƯƠNG 3. CÁC DẠNG LIÊN TƯỞNG CỦA NGƯỜI VIỆT VỀ ĐỘNG VẬT QUA THÀNH NGỮ 3.1. Liên tưởng từ đặc điểm của động vật 3.1.1. Liên tưởng từ đặc điểm môi trường sống của các loài động vật 4

3.1.2. Liên tưởng từ đặc điểm tập tính, sở thích của các loài động vật 3.1.3. Liên tưởng từ kích thước, hình dáng, và màu sắc của các loài động vật 3.1.4. Liên tưởng từ tập tính sinh trưởng, sinh sản của các loài động vật 3.1.5. Liên tưởng từ tình thế của các loài động vật 3.1.6. Liên tưởng từ tính tình của các loài động vật 3.2. Liên tưởng từ quan niệm, văn hóa của người Việt và từ thực tế lịch sử, giai thoại, điển cố

PHẦN KẾT LUẬN

5

PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Thành ngữ được hình thành cùng với sự phát triển của vốn ngôn ngữ dân tộc, có quan hệ gần gũi với tục ngữ, ca dao…chúng chiếm một số lượng lớn trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt. Từ lâu, thành ngữ đã là phương tiện giao tiếp trong đời sống hàng ngày của nhân dân, hơn thế nữa thành ngữ đã được nhiều nhà văn, nhà thơ vận dụng vào văn chương để góp phần thể hiện nội dung tác phẩm. Có thể nói, thành ngữ là “viên ngọc quý của dân tộc” bởi giá trị sử dụng phổ biến của nó được kết tinh từ ngôn ngữ, tinh hoa văn hóa dân tộc. Bản chất đặc điểm của thành ngữ đã được nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi như: Hoàng Văn Hành, Nguyễn Văn Mệnh, Cù Đình Tú, Đỗ Hữu Châu… miêu tả, khái quát khá toàn diện. Nhưng đề tài “Thành ngữ chứa từ gọi tên Động vật trong tiếng Việt” khai thác từ góc độ ngữ nghĩa, khái quát các dạng liên tưởng của người Việt qua thành ngữ là một đề tài tương đối mới mẻ, chưa được các nhà nghiên cứu tập trung khai thác nhiều. Vì thế, người viết sẽ đi vào khảo sát, tìm hiểu đề tài hi vọng sẽ mở ra cho chúng ta thấy được những đặc trưng ngữ nghĩa và xa hơn nữa là văn hóa dân tộc được thể hiện qua các đơn vị thành ngữ.

2. Lịch sử nghiên cứu đề tài Từ xưa đến nay, thành ngữ là đối tượng quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu như: văn học, ngôn ngữ học, xã hội học... Chúng tôi xin điểm qua một số công trình và bài viết của những tác giả sau: Đỗ Hữu Châu trong quyển “Giáo trình từ vựng học tiếng Việt” Nhà xuất bản Đại học sư phạm, năm 2006 đã nghiên cứu khá kĩ về thành ngữ (ông không gọi là thành ngữ mà gọi là ngữ cố định). Tác giả đã đối chiếu thành ngữ với từ phức, cụm từ tự do để làm nổi bật đặc điểm về nội dung và cấu tạo của thành ngữ, đồng thời ông cũng tiến hành phân loại thành ngữ. Ông xem tính biểu trưng là đặc điểm quan trọng của thành ngữ. Đái Xuân Ninh trong quyển “Hoạt động của từ tiếng Việt” Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1978 đã đi vào nghiên cứu vấn đề nội dung và hình thức của thành ngữ. Đặc biệt trong đó ông đã tiến hành đưa ra phân biệt thành ngữ và tục ngữ. Trong quyển “Thành ngữ học tiếng Việt” Hoàng Văn Hành đã đi sâu vào tìm hiểu và phân tích nguồn gốc cũng như cấu tạo của thành ngữ khá rõ ràng. Tác giả dựa 6

vào hình thái biểu trưng hóa mà chia thành ngữ ra làm hai loại chủ yếu là thành ngữ so sánh và thành ngữ ẩn dụ hóa. Từ đó ông đưa ra mô hình và phân tích chi tiết hai loại thành ngữ trên. Hoàng Văn Hành với quyển “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ”, tác giả đã tập hợp trên 300 thành ngữ, tục ngữ và tiếp tục lí giải nguyên lai, nghĩa từ nguyên của các yếu tố tạo thành rất cụ thể, đồng thời chỉ ra những yếu tố văn hóa – ngôn ngữ mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên vấn đề tập hợp thành từng nhóm thành ngữ có chứa tên động vật mang giá trị ngữ nghĩa thì chưa có. Bùi Thị Thi Thơ trong bài viết “Mối quan hệ giữa hình ảnh và ý nghĩa biểu trưng trong thành ngữ so sánh tiếng Việt”. Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 12, năm 2006, đã giải thích trong thành ngữ hình ảnh và ý nghĩa biểu trưng có mối quan hệ với nhau. Tác giả còn khẳng định tất cả thành ngữ điều mang ý nghĩa biểu trưng, tuy nhiên có những thành ngữ mang tính biểu trưng thấp và thành ngữ mang tính biểu trưng cao, ngoài ra tác giả còn phân tích một số hình ảnh mang tính biểu trưng trong thành ngữ. Trong bài viết “Gà, Khỉ, Chuột, Ngựa trong thành ngữ và tục ngữ tiếng Anh và Tiếng Việt”, đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 3 năm 2000, tác giả Phan Văn Quế đã nêu ra được những ý nghĩa biểu trưng khác nhau về hình ảnh động vật giữa hai nước Anh - Việt. Tác giả cũng kèm theo nhiều ví dụ để đối chiếu và so sánh hình ảnh động vật trong tâm thức của người Việt và người Anh là khác nhau. Qua đó, ta thấy được tính cụ thể trong thành ngữ. Bùi Khắc Việt trong bài viết “Tính biểu trưng của thành ngữ tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ số 1 năm 1978, đã giải thích về tính biểu trưng của thành ngữ, và phân loại thành ngữ theo tiêu chí mức độ biểu trưng hóa toàn bộ hay bộ phận, minh chứng cho điều đó ông đã phân tích một số hình ảnh biểu trưng được sử dụng trong thành ngữ. Nguyễn Thiện Giáp, trong quyển “Từ vựng học Tiếng Việt”, đã nghiên cứu định nghĩa và phân loại thành ngữ thành hai loại lớn là thành ngữ hợp kết và thành ngữ hòa kết. Sau đó tiến hành phân biệt khá cụ thể thành ngữ với ngữ định danh và cụm từ tự do về mặt nội dung và cấu trúc cú pháp. Trong quyển “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” năm 1978, Nguyễn Văn Tu đã nghiên cứu về khái niệm, đặc điểm về kết cấu ngữ pháp của thành ngữ đặc biệt là chỉ rõ nguồn gốc của thành ngữ trong tiếng Việt. 7

Hồ Lê trong quyển “Cấu tạo từ tiếng Việt hiện đại”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2003. Tác giả tiến hành nghiên cứu sự phân biệt từ ghép và cụm từ cố định (tác giả quan niệm cụm từ cố định gồm có cả thành ngữ và ngạn ngữ), với thành ngữ tác giả đi vào khái niệm và nhấn mạnh tính bóng bẩy về nghĩa của nó, thành ngữ không thể hiện rõ ra bên ngoài như cụm từ tự do nhưng có liên hệ mật thiết với nghĩa đen mà “nghĩa bóng bẩy ấy chỉ được phát hiện sau khi đã so sánh dùng nó trong hàng loạt ngữ cảnh khác nhau”. Trong quyển “Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt”, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1997, Cù Đình Tú nói về thành ngữ với những đặc điểm màu sắc tu từ từ màu sắc phong cách, sắc thái đến tính khái quát. Đồng thời tác giả cũng đã đề cập khái quát đến ý nghĩa biểu trưng trong thành ngữ.

3. Mục đích yêu cầu nghiên cứu Với đề tài “Thành ngữ chứa từ gọi tên Động vật trong tiếng Việt” mục đích của chúng tôi là: Tìm hiểu ý nghĩa của các thành ngữ chứa các từ chỉ động vật trong tiếng Việt. Phân tích sự liên tưởng của dân gian về mối quan hệ giữa động vật và các thuộc tính, hoạt động, tính cách,…của con người. Mở rộng vốn hiểu biết về thành ngữ và ngôn ngữ dân tộc.

4. Phạm vi nghiên cứu Do đặc điểm và yêu cầu của đề tài nên bài viết chỉ nghiên cứu về“ Thành ngữ chứa từ gọi tên Động vật trong tiếng Việt”. Đối tượng nghiên cứu là những thành ngữ có chứa hình ảnh động vật. Tư liệu nghiên cứu được chọn từ quyển “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào – Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1993. Quyển “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ” của Hoàng Văn Hành (Chủ biên) Nhà xuất bản Văn hóa Sài gòn, 2005. Người viết thống kê hết các thành ngữ có chứa hình ảnh động vật trong hai quyển tư liệu trên nhưng chỉ tiến hành phân tích kỹ những thành ngữ chứa từ gọi tên tên động vật thường xuyên xuất hiện chứ không nghiên cứu toàn bộ những thành ngữ chứa hình ảnh động vật đó.

5. Phương pháp nghiên cứu

8

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng các phương pháp: thống kê – phân loại, phân tích – tổng hợp các thành ngữ có chứa từ chỉ động vật cụ thể là: Thống kê tất cả các thành ngữ có chứa từ chỉ động vật trong các nguồn tư liệu có liên quan. Do tư liệu khảo sát từ quyển “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào – Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1993, “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ” của Hoàng Văn Hành (Chủ biên) – Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2005 có tục ngữ nên người viết tiến hành so sánh, đối chiếu. Sau đó phân loại động vật theo hai nhóm: động vật nuôi và động vật hoang dã. Sau đó người viết phân tích để thấy được những nét đặc trưng văn hóa dân tộc cũng như sự liên tưởng của dân gian qua ý nghĩa của thành ngữ có chứa từ chỉ động vật trong tiếng Việt.

PHẦN NỘI DUNG CHÍNH

9

CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THÀNH NGỮ 1.1. Khái niệm thành ngữ 1.1.1. Quan niệm về thành ngữ của các nhà nghiên cứu văn học Việc nghiên cứu thành ngữ không chỉ có những nhà nghiên cứu ngôn ngữ mà còn có cả những chuyên gia nghiên cứu văn học. Đầu tiên, trong quyển “Việt Nam văn học sử yếu”, Dương Quảng Hàm quan niệm rằng: “Thành ngữ là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã thành lập sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta khi nói chuyện hoặc viết văn. Thành ngữ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn đạt một ý gì hoặc tả một trạng thái gì cho có màu mè.” [ tr15] Tiếp đó là quan niệm thành ngữ của Vũ Ngọc Phan trong quyển “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” như sau: “Thành ngữ là một phần câu sẵn có, nó là bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn đạt được ý trọn vẹn.” [ tr39]. Một người nữa cũng đóng góp vào công trình nghiên cứu thành ngữ là Chu Xuân Diên. Trong quyển “Tục ngữ Việt Nam” ông quan niệm rằng: “Thành ngữ là sản phẩm của sự nhận thức của nhân dân về các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan, đều chứa đựng và phản ánh tri thức của nhân dân. Những tri thức ấy, khi được rút lại thành những khái niệm thì ta có thành ngữ”. [ tr73]. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, trong quyển “Từ điển thuật ngữ văn học” khái niệm: “Cụm từ hay ngữ cố định, bền vững có tính nguyên khối về ngữ nghĩa không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động, hàm súc”. Qua các khái niệm trên đây của các nhà nghiên cứu văn học đã phần nào hé mở cánh cửa của thành ngữ. Nhưng tiếc rằng chỉ thiên về vấn đề nội dung nhiều hơn chỉ rõ cấu tạo cũng như những khía cạnh khác của thành ngữ.

1.1.2. Quan niệm về thành ngữ của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Ở góc độ chuyên môn, các nhà ngôn ngữ học đã cho ta cái nhìn trọn vẹn hơn về thành ngữ. Trước hết, trong quyển “Hoạt động của từ Tiếng Việt” Đái Xuân Ninh quan niệm rằng: “Thành ngữ là một cấu trúc cố định sẵn có trong tiếng nói và biểu đạt một 10

khái niệm hoàn chỉnh như một từ. Là một hình thức diễn đạt súc tích, giàu hình ảnh nên nó được sử dụng rộng rãi trong nhân dân.” [ tr223]. Tiếp theo là quan niệm của Đỗ Hữu Châu đưa ra trong quyển “Giáo trình từ vựng học tiếng Việt” cho rằng: “Cho một tổ hợp có nghĩa S do các đơn vị A, B, C… mang ý nghĩa lần lượt s[1], s[2], s[3]…tạo nên. Nếu như nghĩa S không thể giải thích bằng các ý nghĩa s[1], s[2], s[3] thì tổ hợp A, B, C có tính thành ngữ.” [ tr75]. Tác giả đã đi vào lí giải được thành ngữ mang tính cố định và ý nghĩa của thành ngữ được hiểu thông qua nghĩa biểu trưng. Còn theo quan niệm Hồ Lê – tác giả quyển “Vấn đề cấu tạo từ trong tiếng Việt hiện đại”, thì lại quan niệm về thành ngữ như sau: “Thành ngữ là những tổ hợp từ (gồm nhiều từ hợp lại) có tính vững chắc về cấu tạo và có tính bóng bẩy về ý nghĩa, dùng để miêu tả một hình ảnh, một hiện tượng, một tính cách hay một trạng thái nào đó.” [ tr110]. Quan niệm này tác giả đã nêu lên được nội dung và hình thức của thành ngữ cũng như nhấn mạnh được đặc tính bóng bẩy về nội dung của thành ngữ. Cù Đình Tú quan niệm về thành ngữ như sau: “Thành ngữ vốn là những tổ hợp mang tính chất tự do, được nhiều người cùng dùng, cùng tham gia sửa đổi dần dần, gọt dũa dần dần trong trường kì lịch sử, cuối cùng trở thành những từ tổ cố định.” Nhận định này giải thích được nguồn gốc tính cố định của thành ngữ nhưng chưa bật lên nét đặc sắc về tính biểu trưng của thành ngữ. Quan niệm về thành ngữ của Nguyễn Đức Dân đưa ra trong bài viết: “Ngữ nghĩa thành ngữ và tục ngữ - sự vận dụng”, trên Tạp chí Ngôn ngữ số 3 năm 1986 là: “Thành ngữ là những đơn vị ổn định về hình thức, nó là những khái niệm phản ánh những lối nói, lối suy nghĩ, đặc thù của dân tộc.” [ tr1]. Tác giả nhấn mạnh hình thức ổn định và tính dân tộc của thành ngữ. Theo Hoàng Văn Hành lại quan niệm về thành ngữ như sau: “Thành ngữ là loại tổ hợp từ cố định bền vững về hình thái cấu trúc, hoàn chỉnh và bóng bẩy về nghĩa được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hằng ngày đặc biệt là trong khẩu ngữ.” [tr27]. Theo chúng tôi, nhận định này có phần phiến diện khi cho rằng thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hằng ngày đặc biệt là trong khẩu ngữ bởi vì thành ngữ đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều phong cách ngôn ngữ. Nguyễn Văn Tu quan niệm về thành ngữ như sau: “Thành ngữ là cụm từ cố định mà các từ trong đó đã mất tính độc lập đến một trình độ cao về nghĩa kết hợp 11

thành một khối hoàn chỉnh vững chắc…nghĩa của chúng không phải do nghĩa của những thành tố (từ) tạo ra. Nghĩa từ ngữ này cũng có tính hình tượng hoặc cũng có thể không có. Nghĩa của chúng đã khác nghĩa của những từ nhưng cũng có thể cắt nghĩa bằng từ nguyên học.” [ tr178]. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, và Hoàng Trọng Phiến trong quyển “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” đưa ra khái niệm như sau: “Thành ngữ là cụm từ cố định, hoàn chỉnh về cấu trúc và ý nghĩa. Nghĩa của chúng có tính hình tượng hoặc / và gợi cảm.” [ tr187]. Với Bùi Tất Tươm, trong quyển “Giáo trình Tiếng Việt” thì quan niệm rằng: “Thành ngữ là những ngữ cố định có cấu tạo gọt giũa, có nghĩa thường là nghĩa bóng, vừa hoàn chỉnh vừa có tính biểu cảm.” [ tr87]. Có nhiều ý kiến khác nhau về thành ngữ nhưng tựu trung lại thành ngữ toát lên những vấn đề sau:  Thành ngữ là một loại cụm từ cố định, sẵn có.  Thành ngữ có tính hình ảnh, có ý nghĩa bóng bẩy.  Thành ngữ có chức năng định danh sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất, trạng thái giống như từ.

1.2. Phân loại thành ngữ 1.2.1. Dựa vào tiêu chí nguồn gốc: ta có hai loại thành ngữ. Thành ngữ thuần Việt và thành ngữ vay mượn gốc Hán là chủ yếu.

1.2.1.1. Thành ngữ thuần Việt Có thể hiểu thành ngữ thuần Việt là những thành ngữ được chính dân tộc tạo nên trong quá trình lịch sử bằng chất liệu là những từ thuần Việt. Đó là những từ được tạo nên bằng cách cố định hóa cụm từ tự do, hoặc mô phỏng các thành ngữ có sẵn. Ví dụ: chân trong, chân ngoài, ngày một ngày hai, bữa đực bữa cái, mắt nhắm mắt mở,… các thành ngữ: như vịt nghe sấm, như sét đánh, như cắt tiết, như đinh đóng cột,… hay: nhanh như sóc, đen như quạ, xấu như ma,…

1.2.1.2 Thành ngữ vay mượn Qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc, rất nhiều thành ngữ gốc Hán, gốc Pháp đã được du nhập vào tiếng Việt. Những thành ngữ này được gọi là thành ngữ vay mượn. Trong lớp thành ngữ này, những thành ngữ có nguồn gốc từ

12

tiếng Hán là chủ yếu. Nhìn chung, có ba cách thức vay mượn: mượn nguyên, cải biên một phần và phỏng dịch. Mượn nguyên là hình thức vay mượn giữ nguyên hình thái - cấu trúc lẫn ngữ nghĩa. Ví dụ: khuynh quốc khuynh thành, hồng diệp xích thằng, châu hoàn hợp phố, phá kính trùng viên,… Cải biên là hình thức vay mượn bằng cách thay đổi một phần nào đó thành ngữ gốc. Ví dụ, từ thành ngữ hữu thủy hữu chung cải biên thành có thủy có chung, từ thành ngữ bách phát bách trúng, cải biên thành trăm phát trăm trúng,… Còn phỏng dịch là hình thức vay mượn bằng cách chuyển toàn bộ từ Hán qua từ thuần Việt, chỉ giữ lại cấu trúc ngữ pháp. Ví dụ, dịch thành ngữ xuất sinh nhập tử, tọa lập bất an thành ra sống vào chết, đứng ngồi không yên, tẩu mã khán hoa thành cưỡi ngựa xem hoa, tọa thực băng sơn thành miệng ăn núi lỡ,... Ngoài thành ngữ gốc Hán, tiếng Việt còn có một số thành ngữ được mượn từ ngôn ngữ của các dân tộc anh em hoặc từ các ngôn ngữ Ấn Âu nhưng số lượng không đáng kể ví dụ: cơm chấm cơm, như hai giọt nước, trang bị đến tận răng,... Sự vay mượn từ thành ngữ nước ngoài góp phần làm phong phú thêm cho vốn ngôn ngữ dân tộc nói chung và thành ngữ nói riêng.

1.2.2. Dựa vào tiêu chí cấu tạo 1.2.2.1 Thành ngữ so sánh Thành ngữ so sánh là một tổ hợp từ bền vững, cấu tạo từ phép so sánh với nghĩa biểu trưng. Thành ngữ so sánh được xây dựng căn cứ vào một thuộc tính nào đó được coi là tương đồng của A và B. Ví dụ: Lạnh như tiền Rách như tổ đỉa Thành ngữ so sánh có hai dạng cơ bản sau: Dạng 1: A như B. Đây là dạng đầy đủ và phổ biến của thành ngữ so sánh (ở đây vế A nêu lên thuộc tính được so sánh, vế B nêu lên thuộc tính so sánh, còn “như” là từ so sánh). Thành ngữ dạng so sánh khá đơn giản vì A được dùng với nghĩa đen. Chỉ có B mang nghĩa biểu trưng. Chẳng hạn “rách như xơ mướp”, vế A là “rách” (thuộc tính), không có gì khác với nghĩa của áo rách, lưới rách... nhưng cấu trúc “như sơ mướp” không chỉ biểu thị mức độ cao của thuộc tính rách mà còn biểu trưng cho một vẻ, một 13

lối “rách” khác với “rách bươm, rách như tổ đỉa...”. “Rách như xơ mướp” biểu trưng cho sự tiều tụy, đáng thương. Đồng thời hình ảnh “như xơ mướp” còn bộc lộ một cách nhìn, một thái độ bình giá của người nói. Ví dụ: Đắt như tôm tươi Rách như tổ đỉa Dai như đỉa đói Dạng 2: như B. Nếu như dạng 1 thuộc tính được so sánh A và thuộc tính so sánh như B đều hiện rõ trên thành ngữ thì dạng 2 thuộc tính được so sánh A không hiển hiện trên thành ngữ. Chỉ khi đi vào hoạt động trong câu nói, thành ngữ này sẽ được nối thêm với A một cách tùy nghi. Như B: có thuộc tính (hay ở một trạng thái) A nào đó [mà B biểu trưng]. Ví dụ “Như gà mắc tóc” - biểu trưng cho một ai đó đang ở tình thế lúng túng nguy hiểm. Ví dụ: Như tằm ăn rỗi Như vịt nghe sấm Trong thành ngữ so sánh thì từ so sánh (như) và thuộc tính so sánh (vế B) là bộ phận bắt buộc và ổn định. Từ ngữ biểu thị thuộc tính được so sánh (vế A) và thuộc tính so sánh (vế B) thường gợi tả những hình tượng điển hình đậm đà màu sắc dân tộc. Qua đó ta thấy được bóng dáng của cách nhìn, cách nghĩ, dấu ấn về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc được phản ánh trong ngôn ngữ.

1.2.2.2 Thành ngữ ẩn dụ hóa Nếu căn cứ vào đặc điểm “có hay không có đối xứng” nghĩa là thành ngữ nào được cấu tạo theo quy tắc đối và điệp giữa các thành tố gọi là thành ngữ ẩn dụ hóa đối xứng còn thành ngữ nào được tạo thành nhờ phương thức ghép thông thường gọi là thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng.

1.2.2.2.1 Thành ngữ ẩn dụ hóa đối xứng trong tiếng Việt Thành ngữ ẩn dụ hóa đối xứng là loại thành ngữ phổ biến nhất trong tiếng Việt. Chúng chiếm tới hai phần ba tổng số thành ngữ thường dùng trong thực tế. Đặc điểm nổi bật về mặt cấu trúc của thành ngữ là có tính chất đối xứng giữa các bộ phận và các yếu tố tạo nên thành ngữ như “Mẹ tròn con vuông”, ở đây “mẹ tròn” đối xứng với “con vuông”. “Chim sa cá lặn”, “chim sa” đối xứng với “cá lặn”. “Ăn xổi ở thì”, “ăn xổi” đối xứng “ở thì”…phần lớn các thành ngữ đối xứng gồm bốn yếu tố chia thành

14

hai vế đối xứng với nhau. Phép đối xứng ấy được xây dựng trên bình diện đối ý và đối lời. Đối ý là bình diện đối xứng giữa hai vế của thành ngữ với nhau về ý. Ví dụ, đó là sự đối xứng giữa “đầu voi” và “đuôi chuột” trong thành ngữ “Đầu voi đuôi chuột”. Quan hệ đối xứng về ý giữa hai vế của thành ngữ này là: đều đề ra lúc đầu thì rất to tát, rất hay, nhưng kết cục, điểm lại thì chỉ làm được một phần, rất nhỏ, không đáng kể. Đối lời là quan hệ đối xứng về các ý và nhờ có các quan hệ đối xứng giữa các yếu tố trong hai vế của thành ngữ. Ví dụ: thành ngữ “Đầu xuôi đuôi lọt” ta nhận ra được quan hệ đối ý về sự suôn sẻ, trót lọt nhờ có quan hệ đối xứng giữa các yếu tố “đầu” với “đuôi”, “xuôi” với “lọt”. Quan hệ đối lời tức quan hệ đối xứng giữa các yếu tố trong hai vế thành ngữ được xác lập theo quy tắc thuộc tính tương đồng về ngữ pháp – ngữ nghĩa thể hiện ra ở những đặc trưng sau: Thứ nhất, trong quan hệ đối lời, nội dung ngữ nghĩa các yếu tố đối xứng với nhau trong hai vế phần lớn các thành ngữ phản ánh những đặc trưng thuộc cùng một phạm trù ngữ nghĩa: mẹ/ con, tròn/ vuông (Mẹ tròn con vuông), đầu/ tai, cua/ nheo (Đầu cua tai nheo)... Tính thuộc cùng một phạm trù của các yếu tố thể hiện ở chỗ: chúng đều có đặc trưng chung là biểu thị những sự vật hiện tượng, thuộc tính, quá trình, thuộc cùng tiểu nhóm hay tiểu phạm trù, có cùng một phạm trù ngữ nghĩa, có cùng một bậc quan hệ, loại giống nhau. Ví dụ: “Đầu cua tai nheo”, “đầu” và “tai” đều chỉ bộ phận cơ thể động vật. Thứ hai, các yếu tố đối xứng với nhau phải thuộc cùng một phạm trù từ loại, tức cùng một thuộc tính ngữ pháp. Nghĩa là nếu A đối xứng với B thì ngoài việc đồng nhất về mặt phạm trù ngữ nghĩa còn phải đồng nhất về thuộc tính ngữ pháp cụ thể là cũng từ loại, A là danh từ thì B cũng là danh từ… Ví dụ: thành ngữ “miệng nói tay làm”, “miệng” đối xứng với “tay”, “nói” đối xứng với “làm”. “Miệng” là danh từ nên đối với nó là “tay” cũng phải là danh từ. “Nói” là động từ thì đối xứng với nó là “làm” cũng là động từ.

1.2.2.2.2. Thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng Là thành ngữ được tạo thành nhờ phương thức ghép từ thông thường nghĩa là không sử dụng phép so sánh, cũng không dùng vào luật đối ứng để ghép nối các yếu 15

tố, mà cố định hóa hay thành ngữ hóa một đoạn tác ngôn, vốn được cấu tạo trên cơ sở luật kết hợp bình thường trong tiếng Việt. Thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng được cấu tạo theo hai kiểu kết cấu ngữ pháp phổ biến là: kết cấu ngữ pháp có một trung tâm và kết cấu ngữ pháp có hai trung tâm. Những kết cấu ngữ pháp có một trung tâm là những kết cấu danh ngữ, động ngữ, và tính ngữ. Kết cấu ngữ pháp có hai trung tâm chính là những kết cấu chủ - vị. Thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng có kết cấu là danh ngữ (thành ngữ được tạo bằng một cụm danh từ): như anh hùng rơm, bạn nối khố, cá đối bằng đầu, cá mè một lứa,… đây là những thành ngữ được xây dựng bằng cụm danh từ. Thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng có kết cấu là động ngữ (thành ngữ được tạo bằng một cụm động từ) như: bắt chạch đằng đuôi, bắt cá hai tay, ăn cơm thiên hạ, ăn ở hai lòng,… Thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng có kết cấu là tính ngữ (thành ngữ được tạo bằng một cụm tính từ) như: trơ mắt ếch, gan cóc tía, mềm lòng, mát mặt, mát tay,... Thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng có kết cấu là chủ - vị. Về mặt cấu tạo, chúng là những đơn vị được tạo bằng những kết cấu chủ vị. Ví dụ: “Chó ăn vụng bột”, thành ngữ trên “chó” là chủ ngữ còn “ăn vụng” là từ biểu thị cho hành động, “bột” là bổ ngữ.

1.2.2.3. Thành ngữ hoán dụ Về mặt hình thức, hoán dụ cũng giống như ẩn dụ, nghĩa là chỉ có một vế biểu hiện, vế được biểu hiện không phô ra. Về mặt nội dung, nếu ẩn dụ dựa trên mối liên hệ liên tưởng về nét tương đồng thì hoán dụ dựa vào mối quan hệ có thực, quan hệ tiếp cận, quan hệ gần gũi nhau. Thành ngữ hoán dụ thường lấy sự vật cụ thể để biểu trưng cho sự vật trừu tượng, khái quát. Ví dụ: Bán bò tậu ễnh ương - lấy những hình ảnh cụ thể “ bán bò”, “ tậu ễnh ương” để chỉ sự làm ăn không biết tính toán. Bắt ếch mưa rào - chỉ việc làm đúng lúc, đúng thời cơ

1.3. Đặc điểm của thành ngữ 1.3.1. Tính biểu trưng Có nhiều quan niệm khác nhau về tính biểu trưng cụ thể như sau: Theo Đỗ Hữu Châu quan niệm “ Biểu trưng là cơ chế tất yếu mà ngữ cố định, mà từ vựng phải sử dụng để ghi nhận diễn đạt những nội dung phức tạp hơn một khái 16

niệm đơn. Ngữ cố định lấy những vật thực, việc thực để biểu trưng cho những đặc điểm, tính chất, hoạt động, tình thế...phổ biến khái quát.” [tr.83 ]. Bùi Khắc Việt góp ý kiến rất hay Về tính biểu trưng của thành ngữ tiếng Việt .“Biểu trưng là kí hiệu mà quan hệ với quy chiếu là có nguyên do”. Có thể nói nét đặc sắc của thành ngữ là tính biểu trưng. Biểu trưng là lấy cái A để diễn đạt cái B, và “quy chiếu là có nguyên do”, những hình ảnh, sự vật được sử dụng trong thành ngữ biểu trưng cho lối sống, nét nghĩ của tác giả dân gian. Biểu trưng lấy những vật thực, việc thực, cụ thể, riêng lẻ làm biểu tượng để nêu lên những hiện tượng có tính chất trừu tượng khái quát chủ yếu thông qua hình thái so sánh, ẩn dụ hoặc hoán dụ. Từ cơ sở định nghĩa khái niệm “Biểu trưng” ta thấy hầu hết các thành ngữ dù có tính thành ngữ cao như (đi guốc trong bụng) hay thấp như (thẳng như kẻ chỉ, ăn đói mặc rét,...) đều là những bức tranh nho nhỏ về người thực, việc thực, cụ thể, riêng lẻ, được nâng lên để nói về cái phổ biến, khái quát, trừu tượng. Từ những tư liệu thực tế khách quan quan sát, đúc kết của tác giả dân gian là những hình ảnh bình dị, mộc mạc, gần gũi, mang tính truyền thống đã cố định lại thành cụm từ (hay tổ hợp từ) với các phương thức biểu hiện so sánh, ẩn dụ, hoán dụ. Ví dụ cặp biểu trưng mèo – chuột trong tiềm thức dân gian biểu trưng cho hai loại người đối lập nhau trong xã hội, một bên là độc ác tham lam, một bên là hạng người lép vế bị áp bức. Nội dung của thành ngữ chính là nghĩa bóng của tổ hợp từ tạo nên thông qua nghĩa đen tức là hình thức bên ngoài. Vì vậy, việc dùng thành ngữ bao giờ người ta cũng dựa theo nghĩa bóng. Ví dụ: “Chuột chạy cùng sào”. Hiểu theo nghĩa đen là con chuột đã hết đường chạy. Nếu giải nghĩa đen thì ta sẽ không diễn đạt đầy đủ nghĩa biểu trưng của nó. Mà qua thành ngữ có biểu trưng là hình ảnh “con chuột” đó ngụ ý muốn nói lên tình thế một ai đó bị dồn vào bước đường cùng, không lối thoát mặc dầu đã xoay sở hết cách. Ví dụ: Cá chậu chim lồng - ẩn dụ tượng trưng cho sự kềm kẹp, mất tự do. Chân lấm tay bùn - hoán dụ tượng trưng cho sự gian lao vất vả. Vắng như chùa Bà Đanh - so sánh ý nói sự vắng vẻ, ít người lui tới. Tính biểu trưng góp phần làm thành ngữ đảm bảo nội dung được đủ ý, vừa đạt được tính hàm súc mà lại gây được ấn tượng sâu trong giao tiếp vì thế nên được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.

17

1.3.2. Tính cụ thể Tính cụ thể của thành ngữ thể hiện ở tính bị quy định về phạm vi sử dụng. Chẳng hạn, người Việt Nam xem Rồng là biểu tượng thiêng liêng, là nguồn gốc dòng giống của người Việt Nam, ta có thành ngữ “Con rồng cháu tiên” – tư liệu biểu trưng sâu sắc, cụ thể. Tuy nhiên ta không thể đem thành ngữ này biểu trưng cho nguồn gốc của một nước phương Tây nào đó. Hay với thành ngữ “Chuột chạy cùng sào”, để chỉ tình thế khó khăn bế tắc của con người trong cuộc sống. Nhưng chỉ phù hợp để nói đến một đối tượng và trường hợp cụ thể nào đó. Trong quan niệm của dân gian “chuột” là con vật xấu xa gây hại mùa màng cho con người, và nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì thành ngữ “Chuột chạy cùng sào” có thể dùng cho rất nhiều tình thế cá nhân và xã hội khác nhau: quân sự, chính trị, kinh tế, làm ăn,… nhưng vì nhắc đến hình ảnh “con chuột” - con vật chủ yếu là xấu xa làm hình ảnh biểu trưng thì thành ngữ này dùng với ý nghĩa chỉ những người xấu, cùng đường.

1.3.3. Tính dân tộc Tính dân tộc là đặc điểm chung của một ngôn ngữ cụ thể, song điều này thể hiện đậm nét hơn ở thành ngữ. Tính dân tộc thể hiện ở cả hai mặt là nội dung và hình thức. Những tư liệu được lấy làm biểu trưng trong thành ngữ là những đối tượng quen thuộc từ vật thực, việc thực trong đời sống nhân dân. Mang đậm màu sắc quê hương xứ sở Việt Nam trong xã hội nông nghiệp xưa, được quan sát một cách tài tình, liên hệ độc đáo, tinh tế. Cụ thể, đó là những hình ảnh đồ vật như: cái khố (bạn nối khố,…), tấm áo (áo rách quần manh,…), manh quần (quần là áo lụa,…)…, những hình ảnh động vật như: con mèo (làm như mèo mửa, cắn nhau như chó với mèo,…), con chuột (chuột sa chĩnh gạo, chuột chạy cùng sào,…), con voi (đầu voi đuôi chuột, lên voi xuống chó,…), về mặt nội dung thành ngữ Việt Nam thường phản ánh những thuộc tính khác nhau của sự vật hiện tượng tồn tại từ trong cuộc sống của con người Việt Nam. Đó là những sinh hoạt hàng ngày của con người Việt Nam (cày sâu cuốc bẩm, chân lấm tay bùn,….), tính cách của con người Việt Nam (chịu thương chịu khó, da sắt gan vàng,…), những phong tục tập quán, cách ứng xử (lá lành đùm lá rách, áo gấm về làng,…). Như vậy, việc lựa chọn những hình ảnh thân thuộc này làm biểu trưng cho thành ngữ không chỉ là phương tiện diễn đạt có tính quần chúng mà còn thấy được 18

những ngữ liệu lịch sử về đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc ta qua các thời kì, một dân tộc Việt Nam không thể lẫn với một dân tộc nào khác.

1.3.4. Tính biểu thái Tính biểu thái biểu hiện ở thái độ đánh giá của người sử dụng thành ngữ đối với người, vật hay việc được nói tới. Mỗi thành ngữ, khi sử dụng đều kèm theo một tính biểu thái nhất định: sắc thái bình giá, cảm xúc nhất định, hoặc là kính trọng tán thành, hoặc là chê bai khinh rẻ, hoặc là ái ngại xót thương,…Chẳng hạn như thành ngữ “Chó cắn áo rách” vừa biểu thị sự không may, đồng thời người nói cũng vừa bày tỏ thái độ cảm thông. Vì thế khi vận dụng thành ngữ phải chú ý đến tính biểu thái, nếu không chú ý đến tính biểu thái của thành ngữ thì khi sử dụng chẳng những không diễn đạt được ý định của người nói mà đôi khi còn gây tác dụng theo chiều hướng ngược lại.

1.3.5. Tính điệp và đối Điệp là cấu tạo về mặt hình thức của thành ngữ, nhằm mục đích mở rộng, biểu hiện sắc thái và nhấn mạnh ý nghĩa. Cấu trúc phổ biến của thành ngữ thường có hai vế, ngữ âm và ngữ nghĩa là hai phương diện luôn có sự biểu hiện cả trong tính điệp và đối của thành ngữ. Điệp về mặt ngữ âm trong thành ngữ đó là sự lặp lại phần vần hay phụ âm đầu của các từ trong thành ngữ theo nhiều kiểu khác nhau. Ví dụ: Thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” ta thấy tính điệp thể hiện ở sự lặp lại phần vần “o” ở hai từ “vỏ” và “đỏ”. Tương tự ta có thành ngữ “Xôi hỏng bỏng không, đầu tắt mặt tối,...”. Xét về mặt ngữ nghĩa, tính điệp là cách lặp lại hoặc sử dụng lại của các từ đồng nghĩa hay gần nghĩa. Ví dụ: Thành ngữ “Cành vàng lá ngọc”. Từ “vàng” và “ngọc” có nét tương đồng nhau về nghĩa (vì cả hai đều biểu hiện sự quý phái, sang trọng). Tính đối trong thành ngữ, xét về mặt ngữ âm có thể thấy các từ trong thành ngữ đối nhau theo quy luật bằng – trắc. Ví dụ: Thành ngữ “Chim sa cá lặn” – BBTT, từ “chim” (bằng) ở vế trước đối với từ “cá” (trắc) ở vế sau. Thành ngữ “Vào luồn ra cuối” – BBBT, từ “luồn” (bằng) ở vế trước đối với từ “cuối” (trắc) ở vế sau.

19

Xét về mặt ngữ nghĩa trong tính đối thì những từ trong thành ngữ có thể trái nghĩa tạo nên sự đối nhau rất rõ nét. Ví dụ: Thành ngữ “Đổi trắng thay đen” có hai từ “trắng”, “đen” có nghĩa trái ngược nhau chỉ hai phương hướng khác nhau. Tính điệp và đối trong thành ngữ là đặc điểm thể hiện khá rõ nét. Điều này có khi thể hiện rõ ràng tách biệt nhưng cũng có khi đan xen giữa tính điệp và đối xét ở hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa. Tính điệp, đối góp phần làm thành ngữ trở nên giàu nhạc tính, cân đối, dễ đọc, dễ nhớ và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Tóm lại, những đặc điểm vừa nêu bao gồm tính biểu trưng, tính dân tộc, tính biểu thái, tính điệp và đối là những đặc điểm quan trọng góp phần tạo nên giá trị của thành ngữ tiếng Việt.

1.4. Những nét giống nhau và khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ 1.4.1. Những nét giống nhau giữa thành ngữ và tục ngữ 1.4.1.1 Giống nhau ở hình thức cấu tạo Thành ngữ và tục ngữ giống nhau trước hết ở hình thức cấu tạo: cả hai đều có cấu trúc ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ, đều mang tính cố định, sẵn có. Thực vây, các thành ngữ bới lông tìm vết, cá nằm trên thớt, ếch ngồi đáy giếng, nước mắt cá sấu,…; các tục ngữ kiến tha lâu đầy tổ, uống nước nhớ nguồn, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, lửa thử vàng, gian nan thử sức,… đã có từ bao giờ trong ngôn ngữ dân tộc, trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, và được truyền lại cho thế hệ sau là bởi chúng đúc kết được kinh nghiệm, kết tinh được trí tuệ của quần chúng vì thế khi dùng thì người nói chỉ cần tái hiện chứ không phải lâm thời tạo nên trong quá trình giao tiếp. Về vần cả hai đều thỏa mãn tiêu chí gieo vần sao cho dễ nhớ, dễ thuộc. Cách gieo vần trong tục ngữ và thành ngữ có cả vần liền và vần gián cách. Ví dụ: Sức dài vai rộng (thành ngữ) Được mùa lúa úa mùa cao (tục ngữ) Về kiến trúc sóng đôi: Sóng đôi bộ phận: Tha phương cầu thực (thành ngữ) Kín tranh hơn lành gió (tục ngữ) Sóng đôi phát ngôn: Tai vách mạch dừng (thành ngữ) Con hư tại mẹ cháu hư tại bà (tục ngữ)

20

Chủ đề