Tây bắc là gì

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÂY BẮC VÀ CÁC KHU RUỘNG BẬC THANG Ở TÂY BẮC

Đặc điểm địa lý

Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với LàoTrung Quốc. Vùng này có khi được gọi là Tây Bắc Bắc Bộ và là một trong 3 tiểu vùng của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng kia là Vùng Đông BắcĐồng bằng sông Hồng). Bao gồm 4 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

Diện tích tự nhiên 37.533,8 km2, chiếm 11,33 % diện tích cả nước.

Dân số 2.650.100 người, chiếm 3,11 % dân số cả nước (năm 2007).

      Phía Bắc là những dãy núi cao, phân định biên giới Việt – Trung…

      Phía Tây và Tây Nam là các dãy núi cao kế tiếp nhau, phân định biên giới Việt – Lào

      Phía Đông và Đông Nam là dãy Hoàng Liên Sơn cao nhất Việt Nam và Đông Dương với đỉnh Phanxipan (3.143 m), giáp với Đông Bắc và một phần đồng bằng sông Hồng.

      Phía Nam giáp với Bắc Trung Bộ.

Đặc điểm địa hình:

      Địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. .

      Vùng Tây Bắc có hai con sông lớn, đó là sông Đà chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và sông Thao (tức sông Hồng). Thượng nguồn của sông Mã cũng ở trên vùng đất Tây Bắc.

      Hai bên sông Đà là các sơn nguyên và cao nguyên đá vôi kế tiếp nhau: Điện Biên, Nghĩa Lộ, Mường Thanh là các bồn địa ở Tây Bắc. Còn Tà Phình, Mộc Châu, Nà Sản là các cao nguyên ở đây.

      Nguy cơ động đất: Tây Bắc là vùng có nguy cơ động đất cao nhất Việt Nam.   

Khí hậu                                                                                                                                                                                                                    

      Khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Chế độ gió mùa có sự tương phản rõ rệt: mùa hè và mùa đông.

      Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm ở vùng cao nguyên là núi cao lớn hơn ở các  thung lũng.

      Độ ẩm tương đối trung bình thường từ 78 – 93%, ở các tiểu vùng có độ chênh lệch từ 2 – 5%.

      Khu vực Tây Bắc có lượng mưa lớn, bình quân từ 1.800 – 2.500 mm/năm.

Các hiện tượng thời tiết đặc biệt ở Tây Bắc là gió Lào và gió lạnh địa phương. Ngoài ra có mưa đá, sương muối, băng giá….

Tài nguyên tự nhiên

      Nước

Tây Bắc là đầu nguồn của một vài hệ thống sông lớn như sông Đà, sông Mã, sông Bôi.

Sông Đà bắt nguồn từ Ngụy Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), có chiều dài 983 km (trên đất Việt Nam dài 543 km). Đây là nguồn thuỷ năng lớn nhất Việt Nam. Nguồn nước nóng ở trong vùng tương đối nhiều nhưng đang ở dạng tiềm năng và chưa được khai thác nhiều.

Ở Tây Bắc phát hiện được 80 điểm nước nóng và nước khoáng, trong đó có 16 điểm đã được điều tra kỹ và có giá trị sử dụng

      Khoáng sản

Than:

Vùng Tây Bắc là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản như than, kim loại đen, kim loại màu v.v. Than có trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Niken – vàng:

Đến nay đã phát hiện được 4 mỏ niken và hàng chục điểm quặng

Vàng sa khoáng phân bố dọc sông Đà và một số chỉ lưu, trên triền sông và Huyện Mường Tè, Phong Thổ, Quỳnh Nhai, Sìn Hồ, Thuận Châu…

      Đất và rừng

Đất hiếm:

Đất hiếm vùng Tây Bắc có tiềm năng rất lớn với quy mô vào loại lớn nhất của Việt Nam

Trong cơ cấu sử dụng đất, đất nông nghiệp chiếm 9,92 %, đất lâm nghiệp 13,18 %, đất chuyên dùng 1,75 % và đất chưa sử dụng 75,13 %. Ở đây có hai dạng chính là đất đỏ vàng và đất bồi tụ giữa núi cũng như dọc hai bờ thung lũng sông. 

Vùng Tây Bắc có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc nhờ những cánh đồng rộng, khí hậu thích hợp, đặc biệt là nuôi bò lấy thịt và sữa ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).

Tài nguyên rừng: của vùng đã bị khai thác mạnh.

 CÁC DÂN TỘC CHÍNH Ở TÂY BẮC

      Người Mường chiếm 1,2 % dân số cả nước.

      Người Thái chiếm gần 1,3 % dân số của cả nước. Ngoài ra còn có người Mông, định cư và hoạt động sản xuất ở các sườn núi với độ cao trên 1.500m sát biên giới phía Bắc đến thượng du Thanh Hoá, Nghệ An. Chiếm khoảng 0,7% dân số cả nước.

      Người Dao, cư trú ở độ cao 700 – 1000 m, tức là thấp hơn độ cao của người Mông ở lưng chừng núi, nơi nạn đốt rừng đang gây ra hiện tượng xói mòn với tốc độ đáng lo ngại.

      Cùng sinh sống trên địa bàn này với các dân tộc thiểu số có người Kinh.

Mật độ dân số

Mật độ dân số toàn vùng rất thấp và không đồng đều. Nơi tập trung đông nhất là các thị xã, thị trấn, các điểm dân cư tập trung (nông, lâm trường), các thị tứ và trên các trục đường giao thông. Trái lại ở các khu vực núi cao, đường giao thông ít, đi lại khó khăn…thường chỉ có các dân tộc ít người sinh sống, nên mật độ dân cư rất thấp.

Nguồn lao động

Tổng số lao động trong độ tuổi ở Tây Bắc là 986 nghìn người, trong đó có 878 nghìn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân (chiếm 90,7 % tổng số lao động). Như vậy còn 9,3 % số lao động chưa có việc làm. Lao động của khu vực nông nghiệp chiếm ưu thế 76,6 %, công nghiệp và dịch vụ  chỉ có 23,4 %.

Số người trên và dưới độ tuổi có khả năng tham gia lao động ước khoảng 163.000 người (chiếm 18,8 % lực lượng lao động).

Bảng: Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của dân cư vùng Tây Bắc

Tỉnh

Chưa biết chữ trong độ tuổi lao động

Lao động có trình độ sơ cấp trở lên

Lao động có trình độ công nhân kỹ thuật trở lên

Toàn vùng

18,09

10,93

8,79

Hoà Bình

5,5

10,92

8,26

Sơn La

26,33

9,84

7,92

Lai Châu và Điện Biên

22,78

12,6

10,83

Nguồn: Số liệu thống kê lao động việc làm ở Việt Nam năm 2002 NXB Lao động Hà Nội, 2003

Đặc trưng văn hóa

Tây Bắc rộng lớn với thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều khu rừng nguyên sinh như: Vườn quốc gia Hoàng Liên, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng; có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam trong đó, dãy Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan-xi-păng cao 3.143 mét được mệnh danh là "nóc nhà của Đông Dương". Vùng Tây Bắc còn có nhiều điểm cao trên 1.000 mét với khí hậu mát mẻ quanh năm như Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La), nhiều hang động và nhiều suối nước nóng, thích hợp với phát triển loại hình du lịch nghỉ mát, dưỡng bệnh. Không gian Tây Bắc gồm 17 dân tộc là không gian của văn hoá dân tộc Thái- Mường – H’Mông… với nét văn hoá hết sức đặc trưng hấp dẫn, với nhiều lễ hội, các loại hình nghệ thuật, các sản phẩm thủ công truyền thống, các đặc sản ẩm thực.v.v…Mang tín ngưỡng đa thần, tin có linh hồn. Mỗi dân tộc có bản sắc độc đáo riêng: múa cồng (Mường), múa xòe (Thái), mùa khèn (Mèo). Trang phục: màu sắc sặc sỡ gam nóng và sống theo gia đình mẫu hệ.

NHỮNG ĐẶC SẢN NÚI RỪNG TÂY BẮC

      Heo thui luộc

Heo thui luộc-món ăn đậm đà hương vị Tây bắc:

Là món ăn khá đơn giản, mang dấu ấn hoang sơ – gần như là món ăn truyền thống của dân miền núi Hòa Bình. Heo nuôi thả ở môi trường thiên nhiên, ăn rau, quả, củ. Sau khi cắt lấy huyết heo, người ta không nấu nước sôi cạo lông như cách làm thông thường, mà lấy nhánh lá tre nứa, cỏ tranh khô hoặc rơm rạ thui vàng như thui bò, cầy, thui đến đâu thì dùng dao cạo sạch lông đến đó.

      Lam nhọ

Người Thái ở Tây Bắc ưa cái đậm, cái mạnh, và cái vững. Món ăn được ưa chuộng là món nướng  rồi lại hấp. Lam là nướng, nhọ là nhừ. Tảng thịt trâu, hoặc bò, nướng trên than hồng cho thật chín rồi thái mỏng ngang thớ, trộn với các thứ  gia vị: Tiêu rừng (mắc khén), ớt, tỏi, gừng và rau bí, quả bí non, quả cà rừng…tất cả cho vào ống tre nướng chín, sau đó lấy que chọc cho nhuyễn, lại nướng ống tre lần nữa cho chín nhừ.

Lam nhọ vị ngọt đậm, mềm nhừ mà vẫn đóng bánh, khi ăn phải lấy đũa xắn từng miếng.

      Thua nau

Được làm bằng đậu nành. Chế biến thua nau cũng công phu lắm. Đậu nành hạt mẩy cho vào nồi ninh thật  kỹ, để nguội, phủ lá chuối tươi ủ lên gác bếp, khi  lên men trắng, ngả mùi, đem giã  nhuyễn. Riềng, tỏi giã nhỏ, lá chuối tươi sạch đốt lấy tro, muối rang nổ, ớt, mắc khén, rượu trắng…, tất cả trộn đều, tấp vào hũ lèn chặt, nút thật kín, để lên bếp chừng mươi mười lăm ngày là ăn được; hoặc có nơi người ta nặn thành từng bánh nhỏ phơi khô, khi ăn thì nướng vùi trong tro nóng.

Thua nau nướng, dậy mùi thơm như nướng cá khô, mực  khô.

      Pa pính

Người ta dùng các loại cá bản to như chép, mè, trôi, chắm…, con độ một cân, cân rưỡi mổ đằng lưng, bỏ ruột, để ráo nước, rồi xoa một lượt muối rang nổ vào bên trong cá:  Mắc khén, ớt tươi nướng, nghiền nát, hành tỏi, rau thơm rau ngò thái nhỏ, tất cả trộn đều nhồi vào bụng cá, để một lúc cho ngấm gia vị, khi cá cứng kẹp dọc con cá, nướng trên than hồng.

Cá chín dậy mùi thơm rất riêng, rất độc đáo.

Người Thái còn có món gà luộc chấm chéo tắp (gan gà luộc chín trộn với gia vị, tiêu gừng, muối rang nghiền nát) và bát  cáy mọ. Cáy mọ (thịt gà tra đủ các thứ gia vị, gói lá nướng vùi tro), miếng ăn thơm mềm, béo ngậy mà không ngấy, nhâm nhi với rượu.

Ngoài ra, người Thái còn các món côn trùng như trứng ong, trứng kiến (non tó, non ten);  nhộng sâu chít (đuổng khem)…

Đặc biệt người Thái thích món nướng: nướng trực tiếp trên than hồng, gọi là chí; gói thức ăn vào lá vùi tro nướng gọi là pho;  bỏ vào ống tre nướng, gọi là lam v.v..

Người Thái giản dị, không mâm cao, cỗ đầy, không nem công, chả phượng. Người ta chú  ý đến hương, đến vị mà  ít chú ý đến mỹ thuật bày biện, màu sắc của món ăn. Người Thái xem ăn uống là dịp để thể hiện phong cách ứng xử trong sinh hoạt cộng đồng. Không lấy ăn uống làm chính mà lấy sự vui làm trọng.