Tại sao lại đau bụng khi đến tháng

Định kì mỗi tháng một lần, hội chị em lại đến chu kì kinh nguyệt. Một số người trải qua chu kì của họ rất dễ chịu. Song một số người lại cảm thấy sợ hãi khi nhắc đến. Và triệu chứng hầu như ai cũng trải qua đó chính là đau bụng kinh. Vậy tại sao phụ nữ lại phải trải qua cảm giác khó chịu này? Nó có thực sự cần thiết không? Cách xử trí như thế nào?  Hãy cùng YouMed tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!

1.    Đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh là cảm giác đau nhói hoặc đau quặn ở vùng bụng dưới, xảy ra trước và trong quá trình hành kinh. Mức độ đau rất đa dạng, có thể chỉ là cảm giác không thoải mái hoặc đau âm ỉ cho đến đau dữ dội. Cơn đau quá mức có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập cũng như làm việc của chị em phụ nữ.

>> Xem thêm: “Đã đến lúc cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn”

2.    Những đặc điểm của đau bụng kinh là gì?

Những biểu hiện thường gặp khi đến chu kì kinh nguyệt như:

  • Đau nhói, co thắt, đau quặn vùng bụng dưới
  • Cơn đau thường bắt đầu từ 1 đến 3 ngày trước khi hành kinh. Đạt đỉnh điểm 24 giờ sau khi bắt đầu có kinh và giảm dần sau 2 đến 3 ngày.
  • Thường đau âm ỉ, liên tục. Nhưng một số trường hợp có thể đau dữ dội
  • Đau có thể lan xuống vùng lưng dưới va đùi của bạn

Một số triệu chứng khác có thể đi kèm đó là:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu phân lỏng
Tại sao lại đau bụng khi đến tháng
Đau bụng kinh thực sự là một cảm giác không dễ chịu đối với chị em phụ nữ

>> Xem thêm: “Chu kì kinh nguyệt của bạn có đang bất thường?”

3.    Nguyên nhân của đau bụng kinh là gì?

Bạn biết không, trong thời gian hành kinh, tử cung của bạn cần co bóp để giúp tống xuất niêm mạc bong tróc ra ngoài. Vì vậy một loại hormone có tên là prostaglandin kích hoạt các cơn co thắt cơ trong tử cung để đẩy lớp niêm mạc ra ngoài. Những cơn co thắt này có thể gây nên cảm giác đau và phản ứng viêm trong cơ thể.

Người ta thấy rằng nồng độ prostaglandin tăng ngay trước khi kinh nguyệt bắt đầu. Nồng độ prostaglandin cao hơn có thể liên quan đến chứng đau bụng kinh nghiêm trọng hơn.

Một số người có nguy cơ cao hơn là những đối tượng sau:

  • Dưới 20 tuổi
  • Có tiền sử gia đình về đau bụng kinh dữ dội
  • Hút thuốc lá
  • Ra máu nhiều khi có kinh
  • Có kinh nguyệt không đều
  • Chưa có con
  • Dậy thì trước 11 tuổi

Ngoài ra, còn có thể liên quan đến một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Có thể là:

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là một tình trạng phổ biến. Do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể xảy ra từ 1 đến 2 tuần trước khi bắt đầu kinh nguyệt. Các triệu chứng thường biến mất sau khi bắt đầu hành kinh.

Lạc nội mạc tử cung.

Đây là một tình trạng bệnh lý gây đau dữ dội.Trong đó các tế bào niêm mạc tử cung phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể, thường là trên ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc mô lót trong khung chậu.

Tại sao lại đau bụng khi đến tháng
Lạc nội mạc tử cung có thể gây đau bụng kinh dữ dội

>> Xem thêm: “Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?”

U xơ tử cung

U xơ là những khối u không phải ung thư có thể gây áp lực lên tử cung hoặc gây ra kinh nguyệt bất thường và đau bụng kinh. Mặc dù chúng thường không gây ra triệu chứng.

>> Xem thêm: “Bệnh u xơ tử cung là bệnh gì?”

Bệnh viêm vùng chậu (Pelvic inflammatory disease – PID).

PID là một bệnh nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Thường do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục gây ra.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Đây là một tình trạng trong đó niêm mạc tử cung phát triển ở thành cơ tử cung. Gây nên tình trạng viêm, tăng áp lực và cảm giác đau đớn. Nó cũng có thể gây ra kinh nguyệt dài hơn hoặc nặng nề hơn.

Hẹp cổ tử cung

Hẹp cổ tử cung là một tình trạng hiếm gặp, biểu hiện bởi cổ tử cung quá nhỏ hoặc quá hẹp khiến kinh nguyệt lưu thông chậm lại, gây tăng áp lực bên trong tử cung gây đau.

4.    Phân loại đau bụng kinh

Như vậy, dựa vào nguyên nhân sẽ có hai loại đau bụng kinh: nguyên phát và thứ phát.

4.1. Đau bụng kinh nguyên phát

Là những cơn đau bụng dưới xuất hiện trước và trong những lần bạn hành kinh, không liên quan đến các bệnh lý khác. Cơn đau thường bắt đầu 1 hoặc 2 ngày trước kì kinh, và thường kéo dài trong vài ngày. Nguyên nhân thường do có quá nhiều prostaglandin, là chất hóa học mà tử cung tạo ra. Những chất này làm cho cơ tử cung co thắt và thư giãn, điều này gây nên những cảm giác đau kiểu đau quặn.

4.2. Đau bụng kinh thứ phát

Là cơn đau liên quan đến một rối loạn hay bệnh lý ở cơ quan sinh sản của phụ nữ như: lạc nội mạc tử cung, bệnh cơ tuyến tử cung, u xơ tử cung hay nhiễm trùng. Đau bụng kinh thứ phát thường nặng nề và kéo dài hơn. Nếu bạn đang có một chu kì kinh nguyệt bình thường, nhưng trở nên đau đớn dữ dội. Thì đó có thể là một tình trạng đau bụng kinh thứ phát. Lúc này, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị hợp lí.

5.    Chẩn đoán nguyên nhân đau bụng kinh

Để tìm ra nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng đau bụng kinh là gì, bác sĩ cần có sự thăm khám kĩ lưỡng. Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh của bạn và gia đình; thực hiện khám sức khỏe, bao gồm cả khám phụ khoa. Trong quá trình khám vùng chậu, bác sĩ sẽ kiểm tra những bất thường trong cơ quan sinh sản của bạn và tìm các dấu hiệu nhiễm trùng.

Nếu bác sĩ cho rằng một rối loạn tiềm ẩn đang gây ra các triệu chứng của bạn, họ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm hình ảnh.

  • Siêu âm
  • Chụp CT scan
  • Chụp MRI
  • Nội soi ổ bụng.

Chụp CT hoặc MRI cung cấp nhiều hình ảnh chi tiết hơn siêu âm, tuy nhiên giá thành cao hơn siêu âm nhiều lần.

6.    Đau bụng kinh gây nên tác hại gì hay không?

Thực tế, đau bụng kinh không gây ra những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến việc học tập, làm việc và những hoạt động xã hội.

Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe liên quan đến đau bụng kinh có thể có biến chứng. Ví dụ, lạc nội mạc tử cung có thể gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản. Bệnh viêm vùng chậu có thể làm sẹo ống dẫn trứng của bạn, làm tăng nguy cơ trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung (mang thai ngoài tử cung).

7.    Khi nào cần đi khám bác sĩ vì đau bụng kinh?

Nếu cơn đau ảnh hưởng nặng nề đến khả năng thực hiện những sinh hoạt cơ bản hàng tháng của bạn. Thì có lẽ đã đến lúc bạn nên trao đổi với bác sĩ.

Hãy trao đổi về những triệu chứng của bạn và nếu bạn trải qua những biểu hiện như:

  • Tiếp tục đau sau khi đặt dụng cụ tử cung
  • Ít nhất 3 chu kì đau bụng kinh dữ dội
  • Xuất hiện các cục máu đông
  • Đau vùng chậu khi không hành kinh

>>> Xem thêm: Bấm huyệt chữa đau bụng kinh một cách khoa học

Đau quặn thắt vùng bụng dưới đột ngột hoặc đau vùng chậu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Một số triệu chứng gợi ý nhiễm trùng vùng chậu đó là:

  • Sốt
  • Đau vùng chậu trầm trọng
  • Đau đột ngột
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi

Lúc này, bạn cần được các bác bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời.

Tại sao lại đau bụng khi đến tháng
Một số trường hợp đau bụng kinh cần được bác sĩ thăm khám và điều trị

8.    Một số mẹo nhỏ giúp giảm đau bụng kinh tại nhà

Các phương pháp điều trị tại nhà có thể hữu ích trong việc giảm đau bụng kinh. Bạn có thể thử một số biện pháp sau:

  • Sử dụng túi chườm ấm hoặc một chai nước ấm, chườm lên vùng bụng dưới hoặc vùng lưng của bạn
  • Xoa bóp bụng của bạn nhẹ nhàng
  • Tắm bằng nước ấm
  • Ăn các bữa ăn nhẹ, bổ dưỡng
  • Thực hành các kỹ thuật thư giãn hoặc yoga
  • Dùng thuốc chống viêm như ibuprofen vài ngày trước khi có kinh
  • Nằm nâng cao chân hoặc nằm với đầu gối gấp lại
  • Giảm lượng muối, rượu, caffein và đường để ngăn ngừa đầy hơi
  • Uống vitamin và các chất bổ sung như: vitamin B-6, vitamin B-1, vitamin E, Axit béo omega-3, canxi, magiê
  • Tập thể dục thường xuyên
Tại sao lại đau bụng khi đến tháng
Chườm ấm vùng bụng dưới cũng là cách đơn giản giúp giảm đau bụng kinh

>> Xem thêm: 10 cách giảm đau bụng kinh đơn giản tại nhà

9.    Điều trị đau bụng kinh như thế nào?

Nếu một số mẹo nhỏ tại nhà không làm giảm cơn đau bụng kinh, lúc này bạn có thể cần đến một số điều trị chuyên biệt hơn.

Và điều trị phương pháp nào còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cơ bản gây ra cơn đau của bạn. Ví dụ nếu PID hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) gây đau cho bạn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng.

9.1. Thuốc giảm đau

Một số loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng đau bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những loại thuốc này tại các quầy thuốc hoặc mua thuốc NSAID theo đơn của bác sĩ.
  • Thuốc giảm đau khác: Bao gồm các lựa chọn không kê đơn như acetaminophen (Tylenol) hoặc thuốc giảm đau theo toa mạnh hơn.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm đôi khi được kê đơn để giúp giảm bớt một số thay đổi tâm trạng liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt.
Tại sao lại đau bụng khi đến tháng
Một số thuốc giảm đau thông thường giúp bạn giảm đau bụng kinh

9.2. Tránh thai bằng nội tiết tố

Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn thử dùng biện pháp tránh thai bằng hormone. Có thể dưới dạng thuốc viên, miếng dán, vòng âm đạo, thuốc tiêm, que cấy hoặc vòng tránh thai. Bởi vì hormone ngăn chặn sự rụng trứng nên có thể kiểm soát cơn đau của bạn.

9.3. Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể điều trị lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung. Đây là một lựa chọn nếu các phương pháp điều trị khác không thành công.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, cắt bỏ tử cung là một lựa chọn nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và cơn đau dữ dội. Tùy chọn này thường chỉ được sử dụng nếu ai đó không có kế hoạch có con hoặc đang ở cuối những năm sinh đẻ của họ.

Nếu bạn lo ngại các biện pháp dùng thuốc kiểm soát cơn đau hay can thiệp phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro, tìm hiểu ngay các sản phẩm chính hãng chiếc xuất từ thiên nhiên tại gian hàng của YouMed Store để cải thiện các triệu chứng đau bụng kinh nhé!

Tóm lại, đau bụng kinh thực sự là một cảm giác không hề dễ chịu đối với chị em phụ nữ. Đau bụng kinh có thể đơn thuần là do hành kinh hoặc là tiềm ẩn một tình trạng bệnh lý nào đó. Nếu nhận thấy một tình trạng đau bụng kinh bất thường bạn cần đi khám bác sĩ để được chăm sóc kịp thời. Trong hầu hết các trường hợp, một số mẹo nhỏ tại nhà hoặc thuốc giảm đau có thể giúp bạn vượt qua được triệu chứng đau bụng kinh dễ dàng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân