Tại sao coi chất lượng của dân quân tự vệ la chính

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm về lưc lượng dân quân tự vệ
  • 2. Chính sách pháp luật của Nhà nước đối với xây dựng lực lượng dân quân tự vệ
  • 3. Vị trí, chức năng nhiệm vụ của lực lượng Dân quân tự vệ
  • 4. Thành phần tổ chức và nguyên tắc hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ
  • 5. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn
  • 6. Hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ

1. Khái niệm về lưc lượng dân quân tự vệ

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, là một thành phần của Lực lượng Vũ trang nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý điều hành của Chính phủ và của uỷ ban nhân dân các cấp, sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương, có trách nhiệm bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước ở cấp xã, cơ quan, tổ chức.

Trong thời bình, dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ vừa lao động sản xuất, vừa đóng vai trò xung kích trong bảo vệ sản xuất, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch hoạ và các sự cố nghiêm trọng khác, đồng thời phối hợp với lực lượng an ninh cơ sở giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện góp phần xây dựng khu vực phòng thủ địa phương ngày càng vững chắc. Ở biên giới, biển, đảo, dân quân tự vệ phối hợp với Bộ đội Biên phòng giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới của Tổ quốc.

Trong thời chiến, dân quân tự vệ là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ địa phương, đơn vị theo kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ. Dân quân tự vệ có trách nhiệm thực hiện phòng thủ dân sự trong thời bình và thời chiến theo qui định của pháp luật.

2. Chính sách pháp luật của Nhà nước đối với xây dựng lực lượng dân quân tự vệ

Nhà nước chủ trương xây dựng DQTV vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Đối với luật Dân quân tự vệ

+ Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với DQTV.

+ Thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ để hoàn thiện hệ thống pháp luật về DQTV, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn.

+ Khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định còn phù hợp của pháp luật về DQTV hiện hành; thu hút, nâng cao hiệu lực pháp lý một số quy định trong văn bản dưới luật; bổ sung quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm thấy phù hợp vào Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

+ Nghiên cứu những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các nhóm giải pháp, kiến nghị, đề xuất rút ra từ tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ; tiếp thu những ý kiến hợp lý của cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình soạn thảo, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, khả thi.

+ Nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc việc tổ chức dân quân, dân binh của một số nước trên thế giới, vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta.

3. Vị trí, chức năng nhiệm vụ của lực lượng Dân quân tự vệ

- Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ là ngày 28 tháng 3 hằng năm.

- Vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ: Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

- Dân quân tự vệ có nhiệm vụ:

+ Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.

+ Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

+ Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.

+ Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.

+ Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.

+ Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Thành phần tổ chức và nguyên tắc hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ

- Căn cứ Điều 6 Luật Dân quân tự vệ 2019, thành phần của Dân quân tự vệ, gồm: Dân quân tự vệ tại chỗ; Dân quân tự vệ cơ động; Dân quân thường trực; Dân quân tự vệ biển; Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.

+ Dân quân tự vệ tại chỗ là lực lượng làm nhiệm vụ ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là thôn) và ở cơ quan, tổ chức.

+ Dân quân tự vệ cơ động là lực lượng cơ động làm nhiệm vụ trên các địa bàn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

+ Dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.

+ Dân quân tự vệ biển là lực lượng làm nhiệm vụ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam.

- Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ:

Căn cứ Điều 4 Luật Dân quân tự vệ năm2019 quy định về nguyên tắc hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ như sau:

“1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy đơn vị quân đội.

2. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ.

3. Xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp; tổ chức, biên chế của Dân quân tự vệ phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với địa bàn và nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, tổ chức; thuận tiện cho lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý và phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ quan, tổ chức.”

- Các hành vi bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ:

+ Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức, huấn luyện, điều động, sử dụng Dân quân tự vệ trái pháp luật.

+ Trốn tránh, chống đối, cản trở việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

+ Giả danh Dân quân tự vệ.

+ Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được giao xâm phạm lợi ích của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Sản xuất, vận chuyển, mua bán, thu gom, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái pháp luật vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trang phục, sao mũ, phù hiệu, tài sản của Dân quân tự vệ.

+ Phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ.

5. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn

- Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn trong trường hợp sau đây:

+ Dân quân tự vệ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Dân quân tự vệ nam một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

+ Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;

+ Hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất không có điều kiện tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác nhận;

+ Có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; có quyết định tuyển dụng vào công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an;

+ Có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; người có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

- Đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:

+ Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích, đã chết;

+ Bị khởi tố bị can;

+ Bị tước danh hiệu Dân quân tự vệ;

+ Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

+ Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ.

6. Hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ

- Dân quân tự vệ đã phục vụ đủ thời hạn theo quy định được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ (Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi nêu trên).

- Công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhưng còn trong độ tuổi tham gia DQTV trong thời bình (Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ) thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đăng ký, quản lý để sẵn sàng mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ.

- Dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công nhận công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)