Tại sao BH Media có bản quyền Quốc ca

Mới đây, Báo điện tử VTV và chương trình Chuyển Động 24h đã lên án việc đơn vị truyền thông BH Media đã nắm giữ bản quyền nhiều ca khúc trái phép. Đặc biệt, trong số đó là Quốc Ca Việt Nam - Tiến Quân Ca.

Báo điện tử VTV cho rằng, ca khúc Tiến Quân Ca - Quốc Ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc nhưng lại bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền trên Youtube.

Còn phía BH Media cho rằng, họ đăng ký bản quyền với bản ghi bài Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio thưjc hiện.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết, theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả hay tác quyền, bản quyền là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Bản quyền bản ghi tác phẩm được coi là quyền liên quan đến quyền tác giả. Đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. 

Sự khác nhau của hai loại quyền này là quyền tác giả bảo hộ tác phẩm của tác giả; quyền liên quan là quyền được trao cho một, một vài nhóm người vì vai trò quan trọng của họ đối với việc truyền bá và phổ biến một số loại hình tác phẩm đến với công chúng. 

Theo luật sư Tuấn Anh, việc Hồ Gươm Audio thực hiện quyền liên quan đối với tác phẩm, đó là sản xuất bản ghi Tiến Quân Ca thì Hồ Gươm Audio có quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 đối với bản ghi này.

Tại sao BH Media có bản quyền Quốc ca

BH Media cho biết, họ chỉ bật chế độ theo dõi với ca khúc "Tiến quân ca" chứ không hề kiếm tiền từ ca khúc này. (Ảnh: BH Media).

Tại khoản 2 của điều này quy định rõ, chủ sở hữu bản ghi có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện một trong những việc như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

"Trong trường hợp BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca này trên nền tảng Youtube thì BH Media có quyền sử dụng và đăng ký bản quyền đối với bản ghi này", luật sư Tuấn Anh nói.

Có được phép sử dụng tác phẩm đã tặng Nhà nước không?

Trong vụ việc nêu trên, nhiều người đặt câu hỏi, ca khúc Tiến Quân Ca đã được cố nhạc sĩ Văn Cao tặng cho Nhà nước. Như vậy, đây là tài sản của Nhà nước. Hồ Gươm Audio bỏ tiền ra sản xuất ghi lời và ủy quyền cho BH Media có đúng quy định không?

Luật sư Tuấn Anh cho hay, trong trường hợp này, để nhận định việc thực hiện quyền liên quan tác phẩm Tiến Quân Ca của Hồ Gươm Audio hay việc ủy quyền của Hồ Gươm Audio cho BH Media khai thác bản ghi có đúng quy định hay không cần phải làm rõ việc cố nhạc sĩ Văn Cao tặng ca khúc Tiến quân ca cho "Nhà nước" hay là "Nhà nước và Nhân dân". 

Bởi trong trường hợp tác phẩm được hiến tặng cho Nhà nước thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có trách nhiệm quản lý về vấn đề bản quyền, mọi hoạt động thực hiện quyền liên quan bao gồm việc sản xuất bản ghi Tiến Quân Ca của Hồ Gươm Audio đối với tác phẩm cần phải có sự cho phép của cơ quan này.

Còn trong trường hợp hiến tặng cho "Nhà nước và Nhân dân" việc cho tặng này là chung chung và có thể được hiểu là tài sản thuộc về toàn dân, không có một cá nhân, tổ chức cụ thể nắm quyền sở hữu và ai cũng có quyền sử dụng. 

Tại sao BH Media có bản quyền Quốc ca

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch.

Như vậy, việc sản xuất bản ghi tác phẩm của Hồ Gươm Audio đối với tác phẩm cũng không cần phải xin phép.

Đối với vụ việc này, cơ quan chức năng cần thiết phải vào cuộc để xác minh, làm rõ hiện tại tác phẩm Tiến Quân Ca thuộc quyền sở hữu của ai, của Nhà nước hay của toàn dân. Nếu BH Media xác nhận quyền sở hữu phải đưa ra bằng chứng về mối quan hệ của họ với sản phẩm này. 

BH Media có được sử dụng tác phẩm không? Người tổ chức bản ghi âm, ghi hình có mối quan hệ gì với họ không? Lúc này, chỉ xem xét quyền của họ với bản ghi âm, ghi hình chứ không phải nội dung bài hát.

Nếu Hồ Gươm Audio là đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình này, cần xem xét đơn vị này nắm giữ quyền với bản ghi này ra sao. Bản ghi sản xuất trên đĩa CD sẽ là hành vi phân phối, còn đưa lên mạng là hành vi truyền tải tác phẩm tới công chúng qua mạng internet. Cần xem Hồ Gươm Audio có quyền truyền tải hay không.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn luật sư TPHCM cũng cho rằng, chủ sở hữu bản ghi âm có toàn bộ và đầy đủ quyền đối với bản ghi do mình tạo ra, mà một trong số đó là cho phép hoặc từ chối việc người khác được sử dụng tác phẩm của họ. 

Nói cách khác, chủ sở hữu bản ghi có quyền cảnh báo vi phạm hoặc thậm chí là yêu cầu xử phạt đối với các hành vi xâm phạm trên môi trường số nói chung và Youtube nói riêng. 

Việc thực thi quyền này được quy định theo pháp luật Việt Nam, chứ không phụ thuộc vào quy định của Youtube hay bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào trên môi trường mạng internet.

Ngoài ra, với việc hiến tặng lại tác phẩm cho Nhà nước và nhân dân, tác phẩm Tiến Quân Ca không còn là của riêng bất cứ bên nào. 

Do đó, việc Hồ Gươm Audio sản xuất bản ghi không phải là hành vi xâm phạm, vi phạm quy định. Cũng bởi vậy, Hồ Gươm Audio có đầy đủ quyền liên quan theo quy định của pháp luật đối với bản ghi âm này.

"Hồ Gươm Audio có quyền liên quan đối với bản ghi âm, nên việc ủy quyền cho một bên khác giúp mình bảo vệ quyền là chính đáng. 

Quyền ở đây không phải chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là thu lợi nhuận hay thương mại hóa. Quyền ở đây rất rộng, bao gồm cả việc có cho phép người khác đăng lại tác phẩm của mình hay không", luật sư Hòa chia sẻ.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết thêm, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản, người xâm phạm đến quyền này phải bồi thường cho bên sở hữu loại tài sản đó.

Cụ thể, tại Điều 589 Bộ luật này quy định, các khoản phải bồi thường bao gồm: Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Ngoài ra, trong vụ việc trên, nếu như có hành vi "nẫng tay trên" bản quyền của các tác phẩm sẽ khiến  danh dự, uy tín của tác giả, đơn vị sở hữu, phân phối, phát sóng tác phẩm bị ảnh hưởng. Do vậy, họ còn có quyền yêu cầu bồi thường thêm những khoản sau đây: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút…

Xâm phạm đến quyền tác giả, trục lợi có thể bị phạt tù

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho hay, hành vi lợi dụng cơ chế Content ID (một hệ thống quét bản quyền) để "nẫng tay trên" bản quyền của người khác là hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và có thể phải chịu chế tài hành chính, hình sự, dân sự tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả gây ra.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định, hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong môi trường kỹ thuật số đó thể bị phạt tiền đến 25.000.000 đồng nếu không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ quyền hữu quyền liên quan theo luật định.

Đối với trường hợp xâm phạm đến quyền tác giả, trục lợi từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện việc sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình thì sẽ bị phạt tiền đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Đối với trường hợp vi phạm các trường hợp sau đây có thể bị phạt tù 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên.

Người vi phạm tội còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 03 năm. Ngoài ra, bên bị thiệt hại có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc bồi thường thiệt hại.

Tối 6/12, khán giả theo dõi trận Việt Nam - Lào tại giải AFF Cup 2020 trên nền tảng Youtube đã không nghe được bài "Tiến quân ca" trong khi người xem qua truyền hình vẫn có thể nghe rõ ca khúc này. Lý do được thông báo trên màn hình là: "Vì lý do bản quyền âm nhạc".

Nhiều khán giả phẫn nộ đã cho rằng việc đánh bản quyền quốc ca "là một sự sỉ nhục", và tên đơn vị đánh bản quyền Quốc ca trước đó bị lôi vào vụ việc – BH Media.

"Ngồi không cũng dính đạn", Facebook của BH Media và BH Music bị cư dân mạng liên tục công kích, buộc đơn vị này phải lên tiếng giải thích vụ việc, dù không liên quan.

Vì đâu Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên Youtube?

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam khán giả xem tường thuật trận đấu trên nền tảng xã hội không được xem các cầu thủ hát Quốc ca.

Tuy nhiên, không phải chỉ có riêng Quốc ca Việt Nam bị tắt, mà Quốc ca các nước đều bị tắt trong nhiều trận đấu AFF Cup 2020 phát trên nền tảng Youtube.

Tại sao BH Media có bản quyền Quốc ca

Trong trận Singapore gặp Myanmar, khán giả xem YouTube cũng không nghe được Quốc ca 2 nước cùng chung lý do: BẢN QUYỀN.


Tại sao lại đánh bản quyền Quốc ca một nước?

Theo YouTube, bản quyền là một hình thức của luật sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ các tác phẩm nguyên gốc có quyền tác giả. Bản quyền có vai trò quan trọng trong việc xác định ai có thể sử dụng bản nhạc do bạn hoặc người khác sáng tác, đồng thời xác định cách bạn kiếm tiền từ nhạc của mình trên và ngoài YouTube.

Trong ngành âm nhạc, có 2 loại bản quyền chính:

- Bản ghi âm là nội dung ghi lại âm thanh thực, kể cả được thực hiện trong nhà để xe hay phòng thu âm. Loại bản quyền này có thể do nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất âm nhạc hoặc kỹ sư thu âm cùng sở hữu.

- Bản sáng tác nhạc là nội dung bao gồm bản nhạc và lời bài hát, có thể được viết trên giấy hay được ghi lại bằng thiết bị điện tử. Loại bản quyền này có thể thuộc về một hoặc nhiều nghệ sĩ soạn nhạc và nghệ sĩ viết lời.

Tức, bản "Tiến quân ca" sẽ có 2 bản quyền:

1- Bản sáng tác nhạc mà gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao tặng lại lại nhân dân năm 2016.

2- Bản ghi âm: Nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu.

Ví dụ bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio bỏ tiền ra sản xuất và Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube. Đồng nghĩa khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube nếu có kênh đăng tải video sử dụng bản ghi này sẽ bị YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.

Nếu các kênh tự sản xuất bản ghi Tiến quân ca của riêng mình sẽ không bị YouTube nhận diện bản quyền.

Vì sao tháng trước tôi vẫn nghe được Quốc ca Việt Nam khi xem đội tuyển thi đấu trên Youtube?

Trước đó, trong trận Việt Nam - Ả Rập Saudi diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã phát "Tiến quân ca" do Hãng đĩa Marco Polo sản xuất.

Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.

Tại sao BH Media có bản quyền Quốc ca

Vô tư phát "Tiến quân ca" có bản quyền, kênh Youtube của FPT trận đó không kiếm được tiền.

Rút kinh nghiệm của FPT, trận đấu Việt Nam – Lào vốn không hề có bên nào "đánh bản quyền" Tiến quân ca, nhưng đơn vị tiếp sóng chủ động tắt tiếng phần Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu.

Fan không được nghe quốc ca khi xem đá bóng trên Youtube. Lỗi tại ai?

Chia sẻ trên Người Lao động, BH Media cho biết: Việc phát "Tiến quân ca" không bản quyền dẫn đến mất doanh thu không phải do lỗi của kênh YouTube của FPT.

"Họ chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi "Tiến quân ca" của Hãng đĩa Marco Polo", đại diện BH Media chia sẻ.

Đơn vị này cũng cho rằng bản quyền âm nhạc trên môi trường số ngày càng chặt chẽ. Do đó, tất cả các bên đều cần phải nâng cao ý thức bản quyền. Khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu thì phía Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các bản ghi "Tiến quân ca" có bản quyền nộp cho bản tổ chức sân, như vậy có thể đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tiếp sóng.

Facebook của BH Media và BH Music bị cư dân mạng công kích sau khi trận đấu của đội tuyển Việt Nam bị tắt quốc ca trên YouTube