Tại sao argentina bị khủng hoảng tài chính

Thủ đô Buenos Aires của Argentina đã gần như tê liệt trong ngày 25 và 26-6, khi hàng trăm nghìn công nhân lao động các ngành nghề đã đổ xuống đường tuần hành phản đối chính sách kinh tế của Tổng thống Mauricio Macri.

  • Nghẹt thở cứu vớt con tàu đắm Argentina
  • Liên minh châu Âu: Nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế
  • Hội nghị thượng đỉnh G20 tìm lối thoát cho khủng hoảng kinh tế

Hãng thông tấn Reuters ngày 26-6 đưa tin, Argentina một lần nữa có khả năng đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng khi các chính sách kinh tế mới của Tổng thống Mauricio Macri đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân nước này. 

Từ sáng sớm 25-6, hàng trăm ngàn người, đa số là công nhân, đã đổ xuống các tuyến đường ở thủ đô Buenos Aires theo lời kêu gọi của Tổng liên đoàn Lao động Argentina (CGT) nhằm phản đối những chính sách kinh tế của Chính phủ Tổng thống Macri, đặc biệt là thỏa thuận tín dụng trị giá 50 tỷ USD mà nước này vừa đạt được với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). 

Các cuộc tuần hành đã làm tê liệt nhiều tuyến đường tại thủ đô của Argentina, buộc giới chức địa phương phải triển khai nhiều nhân viên thực thi pháp luật tới duy trì trật tự.

Ngoài đường bộ, các tuyến đường sắt, tàu điện và đường không cũng không thể hoạt động bình thường trong nhiều giờ tại thành phố có hơn 3 triệu người sinh sống. 

Tại sao argentina bị khủng hoảng tài chính
Đoàn người giơ biểu ngữ phản đối thỏa thuận giữa Chính phủ Argentina và IMF. Ảnh: Reuters.

Theo số liệu thống kê hôm 26-6, tổng cộng 594 chuyến bay tới Buenos Aires từ khắp nơi trên thế giới đã bị hủy vì cuộc tuần hành, làm ảnh hưởng trực tiếp đến ít nhất 71.000 hành khách.

Nguồn cơn của cuộc đình công và tuần hành bùng nổ trong bối cảnh Chính phủ Argentina hôm đầu tháng tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với IMF để nhận được gói tín dụng dự phòng trị giá 50 tỷ USD trong vòng 3 năm nhằm “hạ nhiệt” những biến động của thị trường tài chính tiền tệ trong nước.

Ngày 24-6, Ngân hàng Trung ương Argentina bất ngờ thông báo đã nhận 15 tỷ USD trong đợt giải ngân đầu tiên từ IMF. Trong khi Tổng thống Mauricio Macri khẳng định nguồn tiền của IMF chính là giải pháp duy nhất vào lúc này giúp Argentina tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế đã đề ra nhằm mục tiêu cân bằng tài chính thì nhiều phe phái ở quốc gia Nam Mỹ cho rằng một khoản nợ như vậy sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp. 

Họ lo ngại khoản tín dụng khổng lồ từ IMF nếu không đưa được Argentina ra khỏi khủng hoảng thì sẽ đẩy quốc gia Nam Mỹ vào tình trạng nợ nần chồng chất. Khi đó, để trả nợ, Argentina sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu công vốn nhắm thẳng vào các nguồn tín dụng cho phúc lợi xã hội và vì thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những người lao động. Hơn nữa, mối quan hệ giữa Argentina và IMF đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong những thập kỷ gần đây và không được đa số người dân quốc gia Nam Mỹ ủng hộ.

Mặc dù đã từng hỗ trợ Argentina nhiều gói tài chính, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng ở thập niên 1990 và đầu năm 2000 nhưng đổi lại tổ chức này cũng đặt ra những điều kiện mà dư luận Argentina cho là mang tính can thiệp và áp đặt đối với nền kinh tế nước này. 

Nhiều người thậm chí nói rằng sự can dự của IMF khi Argentina bị vỡ nợ vào năm 2001 đã kéo dài cuộc khủng hoảng, trong khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà IMF yêu cầu Argentina thực thi khi đó là nguyên nhân khiến cuộc sống của người dân quốc gia Nam Mỹ thêm nhiều phần khắc nghiệt. 

Điều này đã thể hiện rõ trong kết quả của một cuộc thăm dò dư luận vừa được công bố, khi có tới 75% người Argentina được hỏi phản đối mọi thỏa thuận giữa chính phủ và IMF. "IMF luôn đem đến những khó khăn cho người dân Argentina", Giám đốc CGT Carlos Schmid tuyên bố với báo giới tại cuộc tuần hành.

Ở thời điểm hiện tại, Argentina là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và cao thứ nhì khu vực Mỹ Latinh sau Venezuela. 

Argentina cũng đang “vật lộn” trong giai đoạn kinh tế khó khăn với việc đồng Peso đã mất giá khoảng 23% so với đồng USD chỉ trong nửa đầu năm 2018, buộc chính phủ phải điều chỉnh tăng lãi suất lên mức kỷ lục 40%, cũng như bán tháo ra thị trường 10 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối. 

Trong tháng 6, chính quyền của Tổng thống Mauricio Macri đã áp dụng thêm nhiều biện pháp mạnh khác để cứu vãn tình hình như thay thế Thống đốc Ngân hàng Trung ương và sáp nhập làm một Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế, song chưa mang lại kết quả gì đáng kể. 

Chuyên gia Ilya Yakimenko của tờ Gazeta nhận định, khi mà Argentina đang luẩn quẩn trong vòng xoáy thâm hụt ngân sách và không kiềm chế được lạm phát thì khoản vay khổng lồ từ IMF có thể là “liều thuốc thần” giúp vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba ở Nam Mỹ. 

Tuy nhiên, nếu các biện pháp đi kèm khoản vay này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân, cũng như nếu khoản vay không được phân bổ một cách có hiệu quả thì nguy cơ bùng phát cuộc khủng hoảng mới về tài chính và tiền tệ ở nền kinh tế mới nổi này là khó tránh khỏi, với hậu quả là suy thoái kinh tế hoặc thậm chí là kéo theo cuộc khủng hoảng chính trị.