Sử dụng và chế biến như thế nào để không bị mất chất iốt trong thực phẩm

Thiếu vi chất I-ốt gây nên những rối loạn nội tiết tuyến giáp (nhược giáp), tuyến giáp to lên, phì đại, chèn ép vùng cổ gây khó nuốt, dần dần làm suy giảm trí tuệ và rối loạn phát triển dinh dưỡng, trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em và phụ nữ (nhất là phụ nữ có thai). Điều đáng lo ngại là những rối loạn nội tiết và tổn thương do thiếu I-ốt đã gây ra không thể hồi phục được. Thiếu I-ốt ở bà mẹ mang thai dễ gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non; nếu thiếu I-ốt nặng trong giai đoạn mang thai, trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và có thể có các dị tật bẩm sinh khác.

I-ốt là nguyên liệu chính trong việc sản xuất hormon tuyến giáp. Hormon tuyến giáp có vai trò điều hoà nhiều chức năng của cơ thể như: Giúp cơ thể phát triển, điều hòa dinh dưỡng, tham gia  hoạt động của một số men; làm tăng co bóp cơ tim và tăng lưu lượng tim, tác động trực tiếp đến tần số của tim và mức tiêu thụ oxy của cơ tim; tác động đến sự sản sinh hồng cầu; quá trình sinh sản các tế bào; làm tăng khả năng lọc của thận; điều hoà nhiệt độ cơ thể; ảnh hưởng đến sự co cơ; kích thích tổng hợp và phân giải chất mỡ; tăng chuyển hoá chất đường; tăng tổng hợp protein khi nồng độ bình thường và phá hủy protein ở nồng độ cao; chuyển hoá sắt và phần lớn các chuyển hóa khác trong cơ thể... Thiếu I-ốt ở trẻ em gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, kém trí nhớ...

Có 03 loại bướu giáp cơ bản:

1. Bướu tuyến giáp là bướu cổ đơn thuần: 80% bướu tuyến giáp là bướu cổ đơn thuần (lành tính), kích thước tuyến giáp tăng lên bất thường (thể tích thùy tuyến giáp >8cm3). Nguyên nhân gây bệnh: chế độ ăn thiếu I-ốt, rối loạn nội tiết tố nữ ở giai đoạn dậy thì, mang thai, sinh con, tiền mãn kinh, do chất kháng giáp, sự bất thường trong tổng hợp hormone tuyến giáp, tiêu chảy kéo dài, thận hư,...

Nhìn cổ người bệnh thấy:

- Sờ thấy một khối u ở giữa cổ, có ranh giới rõ ràng, không dính vào da, không đau, di động theo nhịp nuốt, khi bướu cổ to có thể gây nên tình trạng chèn ép khó chịu.

- Với bướu tuyến giáp đa nhân lành tính, nhận thấy có nhiều khối tròn đường kính từ 0.5 cm đến vài cm.

- Cảm giác khó thở do khối u chèn ép, gây khó nói, giọng nói khàn.

- Nặng hơn có thể bị phù mặt, phù cổ, lồng ngực căng phồng do khối u chèn ép tĩnh mạch chủ.

- Uống thuốc rất hiệu quả giai đoạn đầu, càng muộn điều trị càng kém hiệu quả, đôi khi phải phẫu thuật.

2. Bướu tuyến giáp do bệnh cường giáp:

Thường gặp ở phụ nữ từ 20 – 45 tuổi, là bệnh có liên quan đến hoạt động tiết hormone tuyến giáp (tuyến giáp tiết quá nhiều hormone T3, T4), bệnh nặng và nguy hiểm hơn bướu cổ thông thường… Dấu hiệu thường gặp:

- Người bệnh luôn có cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, căng thẳng kèm tức ngực và khó thở.

- Thân nhiệt cao hơn bình thường, chịu nóng kém, sợ thời tiết nóng bức.

- Run tay mất kiểm soát,run tay với biên độ nhỏ, tần số cao.

- Ra nhiều mồ hôi tay, chân, cả người ngay cả khi ngồi yên một chỗ.

- Lồi mắt, cổ sưng to, sụt cân nhanh mặc dù ăn nhiều, cảm giác thèm ăn tăng lên.

- Cảm giác mệt mỏi, khó chịu, cáu gắt không rõ nguyên nhân.

- Tiêu chảy do nhu động ruột tăng thường xuyên.

- Rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ ngắn.

Điều trị dùng thuốc kháng giáp tổng hợp (thời gian điều trị 18 tháng – 20 tháng).

3. Bướu tuyến giáp do ung thư tuyến giáp:

Ở giai đoạn đầu tương tự như bướu cổ đơn thuần, khó phân biệt, người bệnh cần khám ở Bác sĩ chuyên khoa ung bướu giàu kinh nghiệm. Ở giai đoạn cuối của bệnh, người bệnh gặp phải tình trạng khàn tiếng và không thể phục hồi ngay cả sau khi điều trị. Bệnh thường gặp ở đối tượng phụ nữ, tuổi trung niên và lớn tuổi. Nguy hiểm nếu là ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc ung thư tuyến giáp không biệt hóa.

Bệnh cảnh chính do thiếu I-ốt gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp (nhược giáp): Ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi… Mỗi người, mỗi gia đình chúng ta cần phải ăn muối I-ốt để bổ sung lượng I-ốt thiếu hụt trong thức ăn hàng ngày. Các loại thức ăn có nhiều iốt là:

- Cá biển: Các loại cá biển béo và nhiều dầu như,cá hồi, cá trích… là nguồn dồi dào cung cấp vitamin A, I-ốt rất có lợi cho bệnh nhân bướu cổ.

- Hải sản: Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân bướu cổ cần tăng cường hấp thụ I-ốt từ muối và các hải sản chứa hàm lượng I-ốt cao như tôm, cua, sò, nghêu, rong biển…

- Các loại sữa, pho mát: Sữa chua, pho mát cũng như các sản phẩm khác từ sữa bò cung cấp cho cơ thể hàm lượng cao I-ốt, canxi, vitamin B và protein.

- Các loại đậu: Nhiều loại đậu như đậu tây, đậu xanh, đậu hà lan.

- Khoai tây: là một trong những loại rau củ chứa nhiều I-ốt nhất, chọn kỹ khoai tây chưa mọc mầm và không bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu nhé.

- Các loại củ quả có màu vàng và rau xanh sẫm: Các loại củ quả có màu vàng như cam quýt, cà rốt, khoai lang rất giàu vitamin A, giúp cải thiện bướu cổ hiệu quả. Các loại rau sẫm màu như rau diếp, cải xoong chứa nhiều vitamin và hoạt chất senevol, cũng được khuyên dùng trong điều trị bướu cổ.Tuy nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên có chứa I-ốt ngày càng giảm hàm lượng đi do chất lượng thực phẩm kém, hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, xói mòn… làm giảm đi rất nhiều lượng I-ốt có trong thực phẩm tự nhiên. Do đó, các bà nội trợ, các bà mẹ, các đầu bếp nấu ăn, các nhà chế biến thực phẩm cần phải sử dụng muối iốt trong chế biến nấu ăn hàng ngày.

Bổ sung I-ốt bằng cách dùng muối I-ốt: Chế phẩm muối I-ốt (MI) được sản xuất bằng cách trộn thêm I-ốt vào muối biển theo một hàm lượng cho phép. Hiện nay MI đảm bảo chất lượng được qui định tại nơi sản suất là 40 ± 5 mcg/10g MI. Tỉnh Bạc Liêu hiện có 02 nhà máy muối I-ốt đạt tiêu chuẩn, được kiểm tra hàng tháng và được giám sát chặt chẽ là Nhà máy muối I-ốt Bạc Liêu (Long Thạnh, Vĩnh Lợi) và Nhà máy muối I-ốt Đông Hải (Điền Hải, Đông Hải).

Cách lựa chọn mua MI: Phải xác định muối đó có phải là MI hay không để tránh không mua phải MI giả, không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Người sử dụng muối cần nắm rõ các lưu ý khi mua MI:

+ Bao muối đề ngoài là muối I-ốt;

+ Cảm quan bên trong muối mịn, trắng, sạch không lẫn tạp chất;

+ Có hàm lượng I-ốt cụ thể;

+ Có bao bì nguyên vẹn, muối phải khô, sạch;

+ Có nhãn mác nơi sản xuất, ngày tháng sản xuất, còn hạn sử dụng;

+ Cơ sở sản xuất có quy tín, có đăng ký chất lượng MI rõ ràng.

Cách bảo quản và sử dụng MI như thế nào:

+ Để trong lọ có nắp đậy kín hoặc túi nilon buộc kín.

+ Để lọ, túi đựng MI xa bếp, tránh ánh sáng, tránh nguồn nhiệt.

+ Dùng xong mỗi lần rửa lọ sạch, phơi khô rồi lại dùng tiếp đợt khác.

+ Dùng như muối I-ốt trong mọi hình thức nấu ăn chế biến cả khi muối dưa, muối cà, làm mắm, làm gia vị…

+ Dùng thường xuyên, liên tục ngay cả những vùng, khu vực khi đã thanh toán được các tình trạng rối loạn I-ốt.

MI không làm thay đổi mùi vị thức ăn mà hoàn toàn như muối thường, được dùng để cho vào thức ăn và làm cho thức ăn trở nên ngon hơn. Lượng I-ốt được trộn vào muối an toàn cho tất cả mọi người (kể cả người thiếu và không thiếu I-ốt, kể cả người bệnh bướu giáp đơn thuần hay cường giáp). Việc nâng cao ý thức sử dụng MI trong cộng đồng hiện tại cần được đẩy mạnh hơn nữa bằng việc tuyên truyền về tác hại của thiếu I-ốt tới các bà mẹ, các bà nội trợ, các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh trong trường học, các tầng lớp nhân dân, về tầm quan trọng của việc sử dụng muối I-ốt trong các bữa ăn hàng ngày tại gia đình hoặc trường học hay những nơi công cộng./.

Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG