Phòng tuyến sông Như Nguyệt ở đầu

TP - Di vật thuộc về trận đánh giữa quân của Lý Thường Kiệt với giặc Tống xưa kia còn nằm lại rất nhiều dưới đáy sông. Chuyện “sa tặc” hút cát, hút lên những mũi tên đồng, lá chắn, thậm chí cả gươm đồng đã không còn là hiếm.

Phòng tuyến sông Như Nguyệt ở đầu
Hệ thống lò gạch đang ngày càng tàn phá khu di tích

Phòng tuyến sông Như Nguyệt - địa danh lịch sử gắn với những chiến công hiển hách trong cuộc chống quân Tống xâm lược (1075 - 1077) giành lại non sông Đại Việt.

Ngót ngàn năm đã đi qua, địa danh lịch sử ấy tưởng chừng sẽ mãi bền vững như chính giá trị lịch sử của nó. Nhưng không, tại địa phận Bắc Ninh, quần thể di tích này đang phải chịu sự tàn phá ghê gớm của chính những người dân nơi đây.

Phòng tuyến sông Như Nguyệt được xây dựng dựa vào thế núi, sông, đồng trũng, ruộng lầy kéo dài từ Tam Đảo đến Lục Đầu Giang của tỉnh Hải Dương.

Tại địa phận của tỉnh Bắc Ninh, quần thể di tích Phòng tuyến sông Như Nguyệt chạy qua huyện Yên Phong gồm các xã Tam Đa và Tam Giang, có tổng chiều dài hơn 10 km chạy dọc đê sông Cầu.

Địa danh này là một trong những điểm diễn ra các trận đánh quyết liệt nhất giữa các cánh quân của ta dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, góp phần tạo lên chiến thắng oanh liệt trước giặc Tống, đặt dấu mốc quan trọng cho thời kỳ thịnh trị, tự chủ của triều đình phong kiến sau gần một ngàn năm Bắc thuộc.

Hai xã Tam Đa và Tam Giang của huyện Yên Phong, có trên cả chục di tích lịch sử nằm trong quần thể di tích Phòng tuyến sông Như Nguyệt, nhưng thật không dễ để có thể nhận thấy những di tích ấy đang hiện hữu tại nơi đây.

Ngay từ những mét đường đầu tiên dẫn vào địa danh lịch sử này, không tìm thấy nổi một tấm bảng chỉ đường hay đề dẫn tên của quần thể di tích Phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Miếu Thọ Đức, điểm quan trọng số một trong phòng tuyến sông Như Nguyệt. Cánh quân tại đây có nhiệm vụ như các mũi trinh sát chặn những mũi tiến công đầu tiên của giặc. Vậy mà giờ đây, miếu Thọ Đức chỉ nằm gỏn gọn, hoang tàn tại khu đất hoang vu, bao quanh là hệ thống các lò gạch.

Người ta dùng chính nguồn đất thuộc phòng tuyến xưa làm chất liệu để sản xuất. Trên hai chục lò gạch hoạt động ngày đêm, nên toàn thể khu di tích đã tan tành, nham nhở như những hố bom.

Ông Phạm Ngọc Tư, một người dân địa phương ngậm ngùi kể lại: “Có nhiều đoàn người nước ngoài, trong đó có cả những đoàn chuyên gia, về đây tham quan và muốn tìm hiểu trận địa dưới nước của Lý Thường Kiệt, nhưng họ đều tỏ ra buồn tiếc trước sự mai một của địa danh lịch sử này”.

Nạn hút cát trái phép cũng là những nguyên nhân không nhỏ khiến cho toàn bộ khu di tích này bị xuống cấp trầm trọng. Ông Hoàng Đắc Tư, Chủ tịch xã Tam Đa cho biết “sa tặc” còn ngang nhiên chống lại cả lực lượng của xã, thậm chí chúng manh động đánh lật cả thuyền của lực lượng xã khi truy cản.

Ông Tư cho biết thêm, hiện tại những di vật thuộc về trận đánh giữa quân của Lý Thường Kiệt với giặc Tống xưa kia còn nằm lại rất nhiều dưới đáy sông. Chuyện những “sa tặc” hút cát, thường xuyên hút lên những mũi tên đồng, lá chắn, thậm chí là cả những thanh gươm đồng đã không còn là hiếm.

Chính quyền xã đã tịch thu được rất nhiều những mũi tên đồng và cả những cây giáo còn nguyên hình, chưa bị mục nát vì bị chôn sâu dưới lòng sông qua hàng chục mét cát.

Khu di tích đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong là một trong 6 công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh, được khởi công xây dựng năm 2017 nhằm tôn vinh công lao to lớn của Thái úy Lý Thường Kiệt, cùng quân dân nhà Lý trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược Tống năm 1077 tại phòng tuyến sông Như Nguyệt (tức sông Cầu). Chiến thắng Như Nguyệt của quân dân Đại Việt là một trong những trang sử hùng thiêng nhất trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Theo thư tịch cổ và tài liệu nghiên cứu cho biết: Năm 1076, đứng trước âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt đã thể hiện đường lối thiên tài về quân sự là “tiên phát chế nhân” - nghĩa là ngồi đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để làm suy yếu và lung lạc tinh thần của chúng. Ông đã thống lĩnh quân sang đất Tống đánh phá các căn cứ quân sự của chúng ở châu Ung, châu Khâm và châu Liêm, rồi chủ động rút quân về nước lập phòng tuyến quân sự bên bờ Nam sông Như Nguyệt để kháng chiến chống giặc Tống. Lý Thường Kiệt đã chọn bờ Nam sông Như Nguyệt để xây dựng phòng tuyến quân sự, bởi mọi con đường tiến công bằng đường bộ của quân Tống từ phía Bắc xuống kinh đô Thăng Long đều phải vượt qua sông Như Nguyệt. Mặt khác, để chặn quân Tống tiến quân từ phía Bắc xuống bằng đường biển và đường sông vào chiếm Kinh đô Thăng Long, ông đã cho một cánh quân thủy chặn ở cửa sông Bạch Đằng và một cánh quân thủy chặn ở Vạn Xuân vùng sông Lục Đầu. Thuộc phòng tuyến sông Như Nguyệt, những nơi hiểm yếu mà quân giặc có thể vượt sông sang, Thái úy Lý Thường Kiệt đều cho quân lập cứ điểm quân sự, tập kết quân để đánh phục kích, đó là những nơi có bến đò ngang và đường bộ ngắn nhất về Kinh đô Thăng Long, thuộc các xã như: Tam Giang, Dũng Liệt, Tam Đa (Yên Phong), Hòa Long, Thị Cầu, Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh), Đại Xuân, Việt Thống, Vạn Xuân (Quế Võ). Trong số những làng xã trên thì bến đò Như Nguyệt (Tam Giang Yên Phong) và bến đò Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) được xây dựng là hai cứ điểm quân sự quan trọng nhất vì có bến đò ngang và con đường giao thông huyết mạch ngắn nhất về Thăng Long chưa đầy 30km. Về phía Phả Lại để chặn quân Tống từ Lục Đầu Giang theo sông Đuống vào sông Hồng và kinh đô Thăng Long, ông cho đóng một căn cứ thủy quân ở Vạn Xuân do hai Hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy với hàng trăm chiến thuyền và thủy quân. Để kết hợp đánh chặn giặc Tống ở các cứ điểm quân sự thuộc phòng tuyến sông Như Nguyệt, còn là các đội dân binh địa phương của hàng loạt các làng xã dọc bờ Nam sông Như Nguyệt và các lộ (tỉnh) phía Bắc, đặc biệt là Chi Lăng - Lạng Sơn, Xương Giang - Bắc Giang nơi có đường giao thông huyết mạch về Thăng Long. Nếu như chiến tuyến được xây dựng ở các làng xã sát sông Như Nguyệt thì đại bản doanh của quân đội nhà Lý gồm có Bộ chỉ huy, lực lượng quân chính quy và hậu cần lại được thiết lập ở xã Yên Phụ (huyện Yên Phong). Dấu ấn của đại bản doanh quân đội nhà Lý còn để lại tên các địa danh ở xã Yên Phụ như: Núi Đồn, núi Tuần Phiên, Cánh Dinh, Cổng Trại, Cầu Gạo, Điếm Trung Quân, Đường Bổ Quân, Bãi Tập Trận… Sở dĩ Lý Thường Kiệt chọn Yên Phụ làm nơi đóng Đại bản doanh của cả phòng tuyến, bởi dãy núi này nằm án ngữ trên con đường giao thông huyết mạch Như Nguyệt - Thăng Long khoảng hơn 20 km, rất thuận lợi cho việc chỉ huy chiến trận, cũng như điều quân và vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các trận địa quan trọng thuộc phòng tuyến. Cuối năm 1076, dưới sự lãnh đạo của Thái úy Lý Thường Kiệt, phòng tuyến quân sự sông Như Nguyệt được thiết lập xong và cả dân tộc Đại Việt trong tư thế chủ động đánh bại quân xâm lược Tống.

Phòng tuyến sông Như Nguyệt ở đầu

Khu di tích Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt xã Tam Giang, huyện Yên Phong.


Trong các trận chiến giữa quân dân nhà Lý với quân Tống dọc phòng tuyến sông Như Nguyệt, thì bến đò Như Nguyệt thuộc thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong là nơi diễn ra hai trận quyết chiến lừng lẫy của quân dân nhà Lý, đánh bại hàng chục vạn quân Tống và kết thúc cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Trận thứ nhất là vào đầu năm 1077, khi quân Tống do phó tướng Miêu Lý chỉ huy hùng hổ dùng bè mảng tấn công sang bờ Nam hy vọng chọc thủng phòng tuyến của ta để tiến về Thăng Long. Lý Thường Kiệt đã cho quân mai phục ở Như Nguyệt và Yên Phụ, khi quân Tống vừa vượt sông sang bờ Nam thuộc thôn Như Nguyệt thì bị quân của nhà Lý ở đây đổ ra chặn đánh, khiến quân Tống chết la liệt khắp cánh đồng và đến nay vẫn gọi là “Bờ xác”... Trận thứ hai, sau khi quân Tống thất bại liên tiếp tại phòng tuyến quân sự sông Như Nguyệt, Thái uý Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy quân, lợi dụng một đêm tối trời, từ bến đò Như Nguyệt vượt sông sang bờ Bắc đánh thẳng vào đại bản doanh của Triệu Tiết đóng ở xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang), khiến hàng vạn quân Tống không kịp trở tay chết la liệt khắp bãi sông, nơi ấy dân địa phương gọi là “Bãi xác”, “Gò xác” và nhân dân địa phương đã lập một ngôi chùa thờ các vong quân Tống chết trận gọi là chùa “Âm hồn”. Trận này đã được sử sách ghi lại như sau: “Lý Thường Kiệt biết quân Tống sức đã khốn, ban đêm sang sông đại phá được quân Tống mười phần chết năm, sáu”. Đây là những trận đánh có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt vào năm 1077 của quân dân Đại Việt. Khi quân Tống ở thế thất bại liên tiếp ở cả phía Tây và phía Đông phòng tuyến sông Như Nguyệt, vào một đêm tối trời, Thái úy Lý Thường Kiệt đã cho người vào đền Xà thờ “Thánh Tam Giang” nơi ngã ba sông thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, đọc vang bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, khiến hàng vạn quân Tống đang thua trận khiếp vía kinh hồn tháo chạy về nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống.
Nhận thức rõ được giá trị to lớn sự kiện lịch sử chiến thắng Như Nguyệt của quân dân nhà Lý dưới sự chỉ huy thiên tài của Thái úy Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược Tống năm 1077, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong đã thực hiện dự án khu di tích đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt tại xã Tam Giang, có Quy mô với hơn 20 hạng mục công trình như: đền thờ chính, tượng đài Thái úy Lý Thường Kiệt, Tả vu, Hữu vu, các nhà chức năng, nhà phụ trợ, dịch vụ, công viên cây xanh, hồ cảnh quan, giao thông và hạ tầng kĩ thuật. Trong quá trình thực hiện thi công xây dựng khu di tích, bên cạnh nguồn kinh phí do Nhà nước đầu tư, Chủ đầu tư bằng nhiều kênh thông tin đã tuyên truyền, động viên huy động các nguồn kinh phí “xã hội hóa” tài trợ, công đức... của các tầng lớp xã hội. Dự án khởi công vào ngày 7-2-2017 đến ngày 1-4-2018 tổ chức lễ khánh thành công trình. Đồng thời với việc quy hoạch, xây dựng công trình, các hiện vật, đồ thờ tự được bài trí một cách đồng bộ, có định hướng, đã tạo diện mạo khang trang, tố hảo và linh thiêng.
Với giá trị to lớn, nhiều mặt của khu di tích đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, đã được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp tỉnh Quyết định số 745/QĐ - UBND ngày 16-5-2019 và được công nhận là Điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo Quyết định số 2067/QĐ - UBND ngày 18-12-2019 của UBND tỉnh. Hiện khu di tích đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, trở thành trọng điểm di tích văn hóa tâm linh, thu hút đông đảo các đoàn khách trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, tham quan, chiêm bái; đặc biệt thường xuyên được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cả nước đến dâng hương, tưởng niệm, tri ân với một bậc danh nhân dân tộc có công lao to lớn với dân với nước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.