Phát biểu khai mạc lớp học văn hóa đạo đức năm 2024

(TVU) – Sáng ngày 25/5, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng văn hóa học đường – Thực trạng và giải pháp”, thu hút đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự. TS. Thạch Thị Dân, Ủy viên thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục: đồng chí Nguyễn Thanh Nhã, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Trà Vinh; Ni sư Thích Nữ Huệ Dâng, Phó phân ban Ni giới Trung ương; Ni sư TS. Thích Nữ Như Nguyệt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; TS. Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Đạo đức Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.Hồ Chí Minh).

Phía Trường Đại học Trà Vinh có sự tham dự của PGS.TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; TS. Thạch Thị Dân, Ủy viên thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn; TS. Võ Hoàng Khải, nguyên Phó Hiệu trưởng; TS. Mai Mỹ Duyên, Cố vấn Khoa học Trường Đại học Trà Vinh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường và học sinh, sinh viên.

PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTV phát biểu khai mạc Hội thảo (ảnh Báo Trà Vinh)

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết: Hội thảo tạo diễn đàn khoa học để đánh giá, tổng hợp các kết quả nghiên cứu thực tiễn và đề xuất các giải pháp xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kiến tạo một nền văn hóa học đường tiên tiến, hài hòa với bản sắc văn hóa dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.

Thông tin từ Ban tổ chức, Hội thảo tiếp nhận gần 200 bài tham luận. Trong đó có 58 tham luận tiêu biểu được chọn đăng kỷ yếu và 05 tham luận được chuyên gia trình bày trực tiếp tại hội thảo, nội dung đa dạng với nhiều chủ đề và góc nhìn khác nhau với 03 phần: Hệ thống lý luận xây dựng văn hóa học đường; Thực trạng và giải pháp xây dựng văn hóa học đường; Mô hình và các nghiên cứu trường hợp xây dựng văn hóa học đường.

Nội dung trình bày tại hội thảo gồm các chủ đề “Một số vấn đề lý luận về xây dựng văn hóa trường đại học ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số”; “Sự biến đổi của văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục đại học dưới sự tác động của chuyển đổi số ở nước ta hiện nay”; “Văn hóa ứng xử của học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long – thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”; “Vai trò giảng viên trong xây dựng văn hóa học đường tại Trường Đại học Trà Vinh: Mô hình lớp học ngoại ngữ trải nghiệm tích hợp kiến thức ngôn ngữ học và các giá trị văn hóa đạo đức của sinh viên Việt Nam” và “Vai trò của Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trong xây dựng văn hóa học đường tại Trường Đại học Trà Vinh”.

Tại tham luận “Một số vấn đề lý luận về xây dựng văn hóa trường đại học ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số”, TS. Nguyễn Thanh Đạt, Phó trưởng Khoa Kiến thức cơ bản, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh chỉ ra những cơ hội và thách thức trong xây dựng văn hóa trường đại học ở Việt Nam trước bối cảnh chuyển đổi số. Diễn giả cho rằng, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội quan trọng trong việc xây dựng văn hóa trường học, tạo điều kiện thuận lợi giảng viên và sinh viên gia tăng khả năng tích hợp công nghệ trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập.

Trình bày tham luận “Sự biến đổi của văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục đại học dưới sự tác động của chuyển đổi số ở nước ta hiện nay”, ThS. Nguyễn Trung Hiếu, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang nhận định: Văn hóa học đường là một trong những nội dung cơ bản tạo nên chất lượng của một cơ sở giáo dục. Việc nhận thức đầy đủ và đúng đắn những biến đổi đang diễn ra trong bức tranh văn hóa học đường hiện nay sẽ rất hữu ích đối với công tác đề xuất phương hướng, xác định các giải pháp phù hợp nhằm phát huy những tác động tích cực của chuyển đổi số đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa học đường trong tương lai.

Với tham luận “Văn hóa ứng xử của học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long – thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”, em Lê Quang Minh, học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) đề xuất giải pháp trong việc góp phần xây dựng văn hóa ứng xử của học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long.

Theo diễn giả, xây dựng và phát triển văn hóa từ gốc là khâu then chốt, mang tính quyết định, đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu góp phần hình thành thói quen, tạo môi trường rèn luyện cho thế hệ học sinh Việt Nam.

Em Nguyễn Khánh Bảo Thúy Vy, Ủy viên BTK Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ về vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trong xây dựng văn hóa học đường tại Trường ĐHTV.

Chia sẻ về “Vai trò của Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trong xây dựng văn hóa học đường tại Trường Đại học Trà Vinh”, em Nguyễn Khánh Bảo Thúy Vy, Ủy viên BTK Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Hội Sinh viên Trường thực hiện mục tiêu tập hợp, đoàn kết rộng rãi sinh viên vào tổ chức Hội thông qua các hoạt động, tạo môi trường giúp sinh viên vun đắp lý tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa học đường của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh.

Tham dự hội thảo, đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi thẳng thắn, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh giáo dục hội nhập quốc tế, giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo có thêm nguồn dữ liệu định hướng nâng cao chất lượng công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập.

Chủ đề