Trung tâm thông tin tỉnh bình định năm 2024

Công đoàn Cơ sở thành viên Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định giới thiệu Ấn phẩm mới: “CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN – DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI” (The Nguyen Dynasty Imperial Archives-World Documentary Heritage) do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho ra mắt cuốn sách, nhân dịp Khai mạc Không gian Trưng bày “Châu bản

Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII - năm 2024 (diễn ra từ ngày 5 - 7.6 tại huyện Vân Canh) đã tiếp tục góp phần lan tỏa, quảng bá những nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của đồng bào dân tộc Chăm H’roi, Bana, H’re sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Rộn ràng, đa dạng sắc màu

Hơn 500 nghệ nhân, diễn viên, VĐV đến từ 6 đoàn VH-TT các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát, An Lão đã góp phần tạo nên Ngày hội đậm đà bản sắc văn hóa, thắm tình đoàn kết của các dân tộc.

Nhịp điệu rộn rã của cồng chiêng, cùng thanh âm độc đáo của các loại nhạc cụ dân tộc hòa trong niềm vui của các chàng trai, cô gái qua điệu múa xoang trong các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trình diễn lễ hội dân gian, giao lưu cồng chiêng, văn hóa ẩm thực… đã tạo nên những ngày hội rộn ràng, lung linh sắc màu, để lại nhiều ấn tượng cho người tham dự.

Lung linh sắc màu văn hóa tại Ngày hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Đến Ngày hội, mọi người còn được dịp tham quan các nhà trại, nhạc cụ truyền thống, dụng cụ lao động, sản xuất, sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương; xem trưng bày ảnh, giao lưu cồng chiêng, múa xoang, thưởng thức ẩm thực cùng bà con để hiểu hơn về cuộc sống, tâm tư, tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chị Quách Thị Thùy Liên, ở xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ:

“2 năm trước, Ngày hội tổ chức ở huyện Vĩnh Thạnh quê tôi, nhưng đến tham quan Ngày hội năm nay, tôi vẫn rất thích thú với nhiều hoạt động vui tươi; các đoàn có sự đầu tư bài bản, chỉn chu từ lều trại, đến phần thi văn hóa, thể thao đầy ấn tượng”.

Mặc dù thời tiết diễn biến không thuận lợi, phần thi Người đẹp miền núi đã phải dời lịch tổ chức, nhưng vẫn không kém phần hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. Thí sinh Mai Thị Kim Oanh (huyện Vân Canh) xuất sắc giành giải nhất tại phần thi này, tâm sự: “Lần đầu tiên tham gia Ngày hội, đại diện cho huyện thi và đạt giải người đẹp, tôi rất vui và hạnh phúc, nhưng niềm vui lớn nhất là được giao lưu với nhiều bạn đến từ các đơn vị khác để thế hệ trẻ như tôi cảm thấy tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.

Bên cạnh đó, 6 đoàn tham gia Ngày hội đã tạo nên những cuộc cạnh tranh hấp dẫn, ấn tượng ở nội dung thi đấu các môn thể thao mang đậm dấu ấn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, như bắn nỏ, đẩy gậy.

Nhờ có sự đầu tư nghiêm túc về chuyên môn, năm nay, huyện An Lão giành được nhiều thành tích ấn tượng ở các môn thi đấu thể thao. VĐV Đinh Văn Xôm (cùng đội An Lão vô địch môn kéo co), phấn khởi cho biết: “Chúng tôi rất vui vì đạt được kết quả như hiện tại, bởi huyện An Lão đã chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, lựa chọn VĐV có sức bền tốt, sắp xếp đội hình thi đấu phù hợp”.

Bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống

Ngày hội không chỉ tạo sân chơi bổ ích đáp ứng đời sống tinh thần cho bà con vùng cao, mà còn là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ngày hội khép lại với nhiều cảm xúc sâu lắng. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Ông Đinh Đang, ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) - nghệ nhân tham gia trình diễn lễ hội dân gian của đồng bào Bana huyện Tây Sơn, xúc động nói: “Ngày hội năm nay đã giúp người Bana huyện Tây Sơn có dịp kết nối với những dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác khiến tôi rất vui. Tôi mong rằng những nét đẹp văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục được lưu giữ và phát triển, nhất là lớp trẻ được kế thừa thực hành”.

Cùng chung cảm xúc, ông Đinh Diên, ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) - nghệ nhân đóng vai người già trong lễ cúng kết nghĩa anh em khi trùng tên của người Bana K’riêm huyện Vĩnh Thạnh, tâm tình: “Không chỉ để các dân tộc thiểu số trong tỉnh có cơ hội giao lưu, kết nối, thắt chặt thêm tình đoàn kết, điều khiến tôi vui nhất là năm nay các đoàn có khá đông lực lượng người trẻ cùng tham gia, giúp các cháu hiểu hơn về truyền thống dân tộc mình”.

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội năm nay đã có sự tiếp nối giữa những sinh hoạt vừa có tính văn hóa truyền thống vừa có tính hiện đại, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, khuyến khích sự sáng tạo văn hóa, văn nghệ, thể thao trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT - Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, đánh giá: Mỗi kỳ tổ chức ngày hội đều mang lại những kết quả rất đáng trân trọng. Với Ngày hội lần này, các địa phương có sự quan tâm, đầu tư chỉn chu theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, lực lượng nghệ nhân, diễn viên, VĐV của các dân tộc đã nhiệt tình cống hiến công sức để góp phần làm cho Ngày hội thành công tốt đẹp.

Chủ đề