Nghiên cứu con người là nghiên cứu cái gì năm 2024

Trong số những vĩ nhân của lịch sử, C. Mác là nhà khoa học thiên tài và là nhà tư tưởng vĩ đại có những cống hiến to lớn, mang ý nghĩa thời đại đối với sự phát triển của tư tưởng nhân loại, nhất là tư tưởng về sự phát triển con người. Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của C. Mác, có thể khẳng định vấn đề con người là điểm xuất phát và sự phát triển con người là mục đích cao nhất của học thuyết Mác.

Nghiên cứu con người là nghiên cứu cái gì năm 2024

Ảnh minh họa

Vượt qua các phương pháp tiếp cận duy tâm, siêu hình về con người một cách tư biện và trừu tượng, học thuyết Mác nghiên cứu vấn đề con người mang tính hiện thực, xuất phát từ phương diện quan trọng nhất là “con người thực tiễn” – con người hoạt động với tư cách là chủ thể sáng tạo và là giá trị cao nhất của sự vận động phát triển của lịch sử. Con người là một thực thể tự nhiên - xã hội, tồn tại và phát triển trong sự gắn bó hữu cơ với giới tự nhiên và xã hội loài người, chịu tác động của tự nhiên và các quan hệ xã hội, nhưng không phải là sản phẩm thụ động mà là chủ thể sáng tạo giữ vai trò quyết định đối với sự vận động, phát triển của thế giới và của chính bản thân mình thông qua các hoạt động thực tiễn.

Không phủ nhận con người là một thực thể tự nhiên, đời sống con người luôn gắn bó với giới tự nhiên, song C. Mác nhấn mạnh: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”1. Một nhân cách tư duy và hành động trong hiện thực là một con người đã phát triển về mặt xã hội, thông qua quá trình xã hội hóa. Chỉ có trong xã hội, con người mới có thể phát triển bản tính và năng lực thực sự của mình. Cũng với cách tiếp cận khoa học này, C. Mác đã phân tích sâu sắc sự tha hóa của người lao động trong xã hội tư bản, tìm ra con đường giải phóng và phát triển con người, trước hết và chủ yếu là xóa bỏ những điều kiện kinh tế - xã hội dẫn đến sự tha hóa của con người và “tạo ra những hoàn cảnh hợp tính người”. Lý tưởng nhân văn đã xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ các công trình khoa học và hoạt động xã hội của C. Mác, làm cho chủ nghĩa Mác thực sự là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực mà vấn đề cốt lõi là con người được giải phóng khỏi sự tha hóa, phát triển những “năng lực nhân tính” của mình, nhận thức và vận dụng được cái tất yếu để vươn tới tự do, chủ động tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo lịch sử và chính bản thân mình, thực sự trở thành động lực đồng thời là mục đích và là giá trị cao nhất của sự phát triển lịch sử. Giáo sư, tiến sĩ triết học Michel Vadée (thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) đã nhận xét rất sâu sắc: “Chủ nghĩa Mác có một ý nghĩa triết học; nó là một triết học: một “chủ nghĩa nhân bản”… chủ yếu nó là triết học về sự giải phóng và của tự do”2.

Thế mà trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, thực dụng ra sức công kích, bài xích chủ nghĩa Mác – Lê-nin và CNXH. Chúng tập trung vào vấn đề hệ trọng và nhạy cảm nhất là vấn đề con người và cho rằng: “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là lý luận không có con người”, “Sai lầm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và CNXH là có tính chất nhân loại học, coi con người cá nhân đơn thuần là một phân tử trong cơ thể xã hội, không coi nguyện vọng cơ bản của con người là tự do cá nhân, phủ nhận khái niệm cá nhân như là một chủ thể độc lập”, v.v.. Chúng ta thừa nhận trong quá trình xây dựng CNXH hiện thực có những yếu kém, hạn chế về sự phát triển con người; có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích cá nhân và năng lực cá nhân của con người. Song không thể vì thế mà phủ nhận tính nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và CNXH khoa học. Bởi lẽ, với quan điểm duy vật biện chứng, học thuyết Mác coi con người là một thực thể thống nhất các yếu tố xã hội và bản sắc cá nhân, trong đó yếu tố xã hội giữ vai trò chủ đạo, chi phối những phẩm chất nhân cách và hành vi của con người. Con người bao giờ cũng hợp thành xã hội, tồn tại và phát triển trong những quan hệ xã hội nhất định. Mặt khác, mỗi người có tính độc lập tương đối với bản lĩnh, trách nhiệm, cá tính và năng lực cá nhân của mình, được phát triển và thể hiện trong quá trình xã hội hóa. Lịch sử nhân loại đã chứng minh mỗi bước tiến bộ của nền văn minh là mỗi bước giải phóng con người về mặt cá nhân, đồng thời là bước phát triển mới của quan hệ cá nhân và xã hội. CNTB đã thực hiện bước tiến rất quan trọng trong giải phóng con người về mặt cá nhân, xác định vai trò, trách nhiệm, lợi ích và năng lực cá nhân trong đời sống xã hội, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ những sáng tạo khoa học - công nghệ và sự phát triển của xã hội. Nhưng, cá nhân trong xã hội tư bản được khẳng định trong sự đối lập với xã hội, phủ nhận yếu tố xã hội nên đã chứa đựng mầm mống để phủ định chính nó. Về bản chất, xã hội XHCN là một xã hội kiểu mới - xã hội của những cá nhân phối hợp hoạt động chặt chẽ với nhau trong cuộc sống cộng đồng, trên cơ sở sự thống nhất biện chứng lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, làm cho “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”3.

Chúng ta không phủ nhận những giá trị nhân bản trong lý luận tư sản về con người, nhưng cần chú ý trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, các thế lực thù địch và những phần tử chống đối với tư duy chủ quan, phiến diện và những toan tính cơ hội, thực dụng về chính trị đang ra sức đề cao chủ nghĩa cá nhân với triết lý “cá nhân hóa cuộc sống”, ngoảnh mặt với cộng đồng, quay lưng lại với những giá trị xã hội. Sự thiếu vắng ý thức xã hội của các cá nhân là một hiểm họa lớn nhất và sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân cực đoan đang dẫn tới nguy cơ “không thể kiểm soát” trong thế giới đương đại. Không ít học giả tư sản đã rung chuông báo động về nguy cơ này. Chính Z. Brzezinxki (cố vấn an ninh thời Tổng thống Mỹ Carter) đã phải thừa nhận và cảnh báo: nước Mỹ rõ ràng cần xem xét lại triết lý sống và văn hóa của mình, một cộng đồng chỉ khuyến khích sự thỏa mãn cá nhân, không tạo ra những ràng buộc xã hội vững chắc là một cộng đồng có nguy cơ bị tan rã4.

Trung thành và phát triển sáng tạo học thuyết Mác, Đảng ta luôn khẳng định, phát triển con người là vấn đề chiến lược quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Trong hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân ta đã kiên cường đấu tranh giành được những thắng lợi vĩ đại và có ý nghĩa lịch sử. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đập tan ách thống trị của thực dân và phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với thể chế chính trị dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Nhân dân ta đã đánh thắng những kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và tiềm lực quân sự, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và toàn thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên CNXH. Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX, mặc dù “cơn lốc lớn” làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng Đảng và nhân dân ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo được thế và lực mới để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Những thắng lợi đó đã tạo nên sự tiến bộ rõ nét của con người và xã hội Việt Nam, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, ổn định và phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;… con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;…”5 và nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”6. Chúng ta đã có những cố gắng lớn trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã hoàn thành sớm một số mục tiêu, như: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; phổ cập giáo dục tiểu học; cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở “ngưỡng cửa” hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em… Các mục tiêu đó đều là những mục tiêu phát triển con người. Năm 2011, cho dù còn nhiều khó khăn, song ngân sách Nhà nước chi cho công tác an sinh xã hội vẫn tăng khoảng 20%, tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách xã hội tăng khoảng 17%, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,5% so với năm 2010... Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Nếu năm 2000, HDI của Việt Nam đạt 0,683 điểm (thuộc nhóm trung bình), thì năm 2010 là 0,733 điểm (xếp trong nhóm trung bình cao của thế giới) và trong 20 năm qua, HDI của Việt Nam đã tăng thêm 37%. Dù còn không ít khó khăn và hạn chế, song những thành tựu của Việt Nam về phát triển con người đã được thực tiễn chứng minh và khẳng định, không thể phủ nhận.

Trong thời đại ngày nay, khi đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc tiếp tục diễn biến phức tạp, thì sự phát triển của con người phải gắn liền với giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội khỏi những quan hệ áp bức, bóc lột và nô dịch, thông qua cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội theo định hướng XHCN, tạo ra những điều kiện xã hội mang tính nhân văn. Qua đó, để con người có thể “sáng tạo ra bản thân mình bởi chính mình”, để mỗi dân tộc và toàn nhân loại thực hiện sự chuyển hóa từ “vương quốc của tất yếu” lên “vương quốc tự do” theo tư tưởng về sự giải phóng con người trong học thuyết Mác.

Trung tướng, PGS,TS. NGUYỄN TIẾN BÌNH

_____________

1 - C. Mác - Ph. Ăng-ghen - Tuyển tập (bộ 6 tập), Tập 1, Nxb Sự thật, H. 1980, tr. 257.

2 - Michel Vadée - C. Mác nhà tư tưởng của cái có thể, Viện Thông tin KHXH, H. 1996, Tập II, tr. 336.

3 - C. Mác - Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 628.

4 - Z. Brzezinxki - Ngoài vòng kiểm soát - Sự rối loạn toàn cầu bên thềm thế kỷ XXI, Nxb Macmillan Publishing Company New York. 1993, tr. 162-165.