Nghị định lương tối thiểu vùng 2023

Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có phiên họp đầu tiên để bắt đầu thảo luận các chính sách liên quan đến việc tăng lương tối thiểu vùng, song phương án cụ thể chưa được tiết lộ.

Chia sẻ với VnEconomy, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác nhận tổ chức công đoàn đã có đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022, nhưng chưa đưa ra mức tăng cụ thể là bao nhiêu.

Theo ông Quảng, trước đây theo định kỳ, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hằng năm, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay tiền lương tối thiểu vẫn đang được áp dụng theo Nghị định 90 của Chính phủ.

“Từ năm 2020 đến nay, tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh là khoảng thời gian khá dài, nếu đến ngày 1/1/2023 mới tăng thì người lao động phải chờ đợi quá lâu trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, chỉ số giá tiêu dùng tăng, tiền lương thực tế giảm sút và nhiều yếu tố khác nữa”, ông Quảng lý giải.

Trong bối cảnh đó, để giải quyết tình thế cấp bách cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7 của năm nay.

 “Phía giới chủ thì muốn việc tăng lương thực hiện từ đầu năm 2023, còn đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là xuất phát từ thực tiễn và nguyện vọng của người lao động do thời gian qua họ rất khó khăn. Tình hình tiền lương thực tế giảm sút, dịch bệnh cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề bất cập”, ông Quảng nhấn mạnh.

Để chuẩn bị các cơ sở cho việc đề xuất tăng lương, tổ chức công đoàn đã thực hiện khảo sát về tình hình đời sống, tiền lương, việc làm và thu nhập của người lao động, dự kiến sẽ công bố vào giữa tháng 4 tới đây.

Ông Quảng cũng cho biết thêm, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Hội đồng mới chỉ bàn bạc các căn cứ và giao cho các bên tiếp tục nghiên cứu, thống nhất để chuẩn bị các phương án đưa ra Hội đồng thảo luận.

Còn với riêng đề xuất của tổ chức công đoàn, ông Quảng cho rằng, để kịp tăng lương vào thời điểm tháng 7 năm nay thì cần tổ chức họp trong thời gian sớm, song chưa tiết lộ cụ thể thời gian sẽ diễn ra phiên họp lần hai. 

“Đề xuất phải trải qua các khâu họp Hội đồng, thống nhất phương án, sau đó khuyến nghị cho Chính phủ, trường hợp nếu Chính phủ đồng ý với phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì mới ra nghị định điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Tất cả các quy trình này để xong trước 1/7 thì phải họp sớm”, Tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng chưa rõ thời gian tổ chức phiên họp tiếp theo”, ông Quảng nói và cho hay, phương án họp cụ thể sẽ do Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định theo quy chế họp của Hội đồng.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia trước đó cũng cho rằng, nếu năm 2022 lương tối thiểu vùng tiếp tục không tăng thì đời sống của người lao động sẽ càng khó khăn sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Mặt khác, nếu chờ đến năm 2023 mới tăng lương tối thiểu thì phải tính toán làm sao bù đắp được cho người lao động phần của các năm không tăng, song nếu mức tăng quá cao cũng sẽ vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. 

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, cũng như phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hiện mức mức lương tối thiểu vùng vẫn đang áp dụng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể vùng 1 là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 128/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình, giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động.

Thông báo nêu rõ, những tháng đầu năm 2022, thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc; người lao động đã trở lại làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ vẫn xảy ra; chủ yếu tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; nhiều nhất trong thời gian cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2022.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do dịch bệnh Covid-19, người lao động phải tạm thời nghỉ việc để điều trị, cách ly và chăm sóc người thân. Việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động phải được tiến hành tổng thể trên cơ sở các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Trước mắt, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Chỉ thị số 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện các quy định tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cùng tham gia quy hoạch, phát triển nhà ở cho người lao động trong nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và các văn bản liên quan khác.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các biện pháp giúp doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, tổ chức hoạt động thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng (bao gồm nội vùng, các vùng) và cả nước nói chung.

Về lâu dài, để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt lao động, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu bảo đảm phù hợp và sử dụng tối đa các yếu tố thuận lợi của thị trường lao động trong quá trình xây dựng các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. Đặc biệt lưu ý phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có chương trình phù hợp để mở thêm các chuyên ngành mới liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khẩn trương thực hiện chuyển đổi số để tăng cường kết nối cung - cầu lao động qua nền tảng số.

Bên cạnh đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, bảo đảm hạn chế tình trạng người lao động vì lợi ích trước mắt mà rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trước đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng với mức 6% từ ngày 1/7/2022 để trình Chính phủ quyết định. Nếu được thông qua, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng 260.000 đồng; vùng 2 tăng 240.000 đồng; vùng 3 tăng 210.000 đồng và vùng 4 tăng 180.000 đồng.