Nghị định hướng dẫn luật ban hành văn bản 2023 năm 2024

Theo quy định tại khoản 2 Điều 170 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Điều 164 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020) thì văn bản quy phạm pháp luật phải được định kỳ hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa 05 năm một lần. Do vậy, năm 2023, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 thống nhất trong cả nước (thời điểm ấn định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa để công bố là ngày 31/12/2023).

Để việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo định kỳ bảo đảm tiến độ, chất lượng, Tài liệu hướng dẫn triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2019-2023 đã được xây dựng với các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Xây dựng kế hoạch hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023 tại Bộ Thông tin và Truyền thông

- Vụ Pháp chế chủ trì giúp Bộ trưởng xây dựng và làm đầu mối tổ chức thực hiện kế hoạch hệ thống hóa.

- Kế hoạch hệ thống hóa văn bản phải thể hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 166 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, bao gồm: Mục đích, yêu cầu hệ thống hóa; đối tượng, phạm vi hệ thống hóa; thời gian, tiến độ thực hiện nhiệm vụ; phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; việc bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch; tổ chức thực hiện.

2. Thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL

Trên cơ sở kế hoạch hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023 đã được ban hành, các cơ quan/đơn vị (gồm: đơn vị đầu mối; đơn vị trực tiếp thực hiện hệ thống hóa văn bản) giúp Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm hệ thống hóa tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản theo kế hoạch với các nội dung công việc cụ thể như:

Thứ nhất, xác định đầy đủ và chính xác các văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của cơ quan, đơn vị: Trước khi tiến hành hệ thống hóa văn bản theo trình tự quy định tại Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), các cơ quan/đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hệ thống hóa văn bản căn cứ quy định về trách nhiệm hệ thống hóa văn bản tại Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) xác định chính xác các văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của cơ quan mình, cụ thể như sau:

- Thông tư do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;

- Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì soạn thảo;

- Văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thủ trưởng các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của đơn vị mình.

Thứ hai, tập hợp đầy đủ các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hoá, bao gồm:

- Các văn bản trong Tập hệ thống hóa của kỳ 2014-2018 thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của đơn vị;

- Các văn bản được ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023, cụ thể là các văn bản được ban hành từ ngày 01/01/2019 đến hết ngày 31/12/2023 thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của đơn vị (gồm cả văn bản được ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023 nhưng chưa có hiệu lực).

Các văn bản để hệ thống hóa phải được tập hợp từ nguồn văn bản để rà soát, hệ thống hóa quy định tại Điều 141 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).

Thứ ba, Tập hợp đầy đủ kết quả rà soát văn bản để hệ thống hóa

Kết quả rà soát văn bản để hệ thống hóa được tập hợp từ cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản của các cơ quan với thành phần là kết quả của nhiều hoạt động như: Rà soát theo căn cứ là văn bản; rà soát theo căn cứ là tình hình phát triển kinh tế - xã hội; rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn,...

Thứ tư, kiểm tra lại kết quả rà soát văn bản và rà soát bổ sung

- Kết quả rà soát văn bản để hệ thống hóa phải được kiểm tra lại để bảo đảm tính chính xác về hiệu lực của văn bản tính đến thời điểm hệ thống hóa là ngày 31/12/2023;

- Trường hợp kết quả rà soát văn bản phản ánh không cập nhật tình trạng pháp lý của văn bản hoặc phát hiện văn bản chưa được rà soát theo quy định tính đến thời điểm hệ thống hóa thì cơ quan/đơn vị thực hiện hệ thống hóa phải tiến hành rà soát (bổ sung) theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (Mục 3 Chương IX).

Thứ tư, lập các danh mục văn bản

Các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa kỳ 2019-2023 sau khi được kiểm tra lại và rà soát bổ sung, các đơn vị tiến hành lập các danh mục văn bản theo quy định tại khoản 4 Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), bao gồm: Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực trong kỳ hệ thống hoá 2019-2023; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023 (theo các mẫu tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).

Để việc sắp xếp các văn bản trong các danh mục văn bản thể hiện kết quả hệ thống hóa được thống nhất, khoa học thì các văn bản trong các danh mục phải được sắp xếp đáp ứng đồng thời các tiêu chí quy định tại Điều 168 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, bao gồm: Lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan hoặc lĩnh vực do cơ quan hệ thống hóa quyết định; Thứ tự văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đến văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn; Thứ tự thời gian ban hành văn bản từ văn bản được ban hành trước đến văn bản được ban hành sau; Tiêu chí khác phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước.

Thứ sáu, sắp xếp các văn bản còn hiệu lực thành Tập hệ thống hóa văn bản

Hiện nay, các biểu mẫu phục vụ công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản ban hành kèm theoNghị định số 34/2016/NĐ-CP không bao gồm biểu mẫu về Tập hệ thống hóa văn bản. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì căn cứ vào Danh mục văn bản còn hiệu lực, người thực hiện hệ thống hóa văn bản sắp xếp các văn bản (toàn văn của văn bản không chỉ là số, ký hiệu, tên gọi của văn bản) thành Tập hệ thống hóa văn bản. Tiêu chí sắp xếp (thứ tự, bố cục sắp xếp) được giữ nguyên như Danh mục văn bản còn hiệu lực, bảo đảm khoa học, thống nhất theo tiêu chí quy định tại Điều 168 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Thứ bảy, công bố kết quả hệ thống hóa văn bản: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc thẩm quyền (trách nhiệm) của mình.

Kết quả hệ thống hóa văn bản, gồm các danh mục văn bản và Tập hệ thống hóa văn bản.

Hình thức văn bản công bố kết quả hệ thống hoá văn bản là văn bản hành chính.

Hồ sơ hệ thống hóa văn bản trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố nên bao gồm: (i) Dự thảo Quyết định công bố; (ii) Các danh mục văn bản và Tập hệ thống hóa văn bản kèm theo Quyết định công bố; (iii) Hồ sơ rà soát văn bản bổ sung và các tài liệu khác có liên quan; (iv) Dự thảo Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản của cơ quan có trách nhiệm hệ thống hóa văn bản (để xem xét, ký ban hành gửi đến các cơ quan theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 169 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP để tổng hợp).

Thời hạn công bố: Kết quả hệ thống hóa văn bản phải được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chậm nhất là ngày 01/02/2024.

Thứ tám, đăng tải kết quả hệ thống hóa văn bản

Theo quy định tại khoản 7 Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) thì kết quả hệ thống hóa văn bản phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trường hợp cần thiết, phải phát hành Tập hệ thống hóa văn bản bằng hình thức văn bản giấy để phục vụ nhu cầu thực tiễn (không phải yêu cầu bắt buộc).

- Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực của Bộ Thông tin và Truyền thông phải được đăng Công báo.

- Trường hợp sau khi công bố, phát hiện các danh mục văn bản và Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực có sai sót thì tiến hành rà soát lại và đính chính.

3. Xây dựng và gửi báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản

- Vụ Pháp chế xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023 thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông. Dự thảo Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông có thể được trình, ký đồng thời với Quyết định công bố kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023 (cũng có thể trình, ký sau khi Quyết định công bố kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 được người có thẩm quyền ký ban hành).

- Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023 bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Quá trình tổ chức thực hiện: Việc ban hành kế hoạch tổ chức hệ thống hóa, công văn triển khai, hướng dẫn thực hiện,...

+ Kết quả hệ thống hóa văn bản: Thống kê số liệu về văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa kỳ 2019-2023; Thống kê số liệu về văn bản còn hiệu lực (bao gồm cả văn bản chưa có hiệu lực) trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023; Thống kê số liệu về văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023; Thống kê số liệu về văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023; Thống kê số liệu về văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023; Vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị (nếu có): Vướng mắc xuất phát từ tổ chức thực hiện, bất cập từ thể chế, quy định, hướng đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc, bất cập,...

- Thời hạn gửi Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản: Theo đó, thời hạn Bộ Thông tin và Truyền thông gửi báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản về Bộ Tư pháp chậm nhất là ngày 20/02/2024 để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là một số hướng dẫn triển khai công tác hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023. Chuyên mục Chính sách pháp luật xin phép được chia sẻ thông tin./.