Ngày pháp luật việt nam năm 2021

Ngoài những nội dung thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã linh hoạt, chủ động hướng dẫn tập trung phổ biến, giáo dục những lĩnh vực, vấn đề nóng thuộc phạm vi quản lý nhà nước được dư luận xã hội quan tâm; tổ chức phổ biến nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực năm 2021, 2022; các nội dung đã được xác định trong Quyết định 1521/QĐ-TTg; tăng cường truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...

Bên cạnh các hình thức truyền thống như tổ chức hội nghị, hội thảo, biên soạn tài liệu về Ngày Pháp luật Việt Nam, năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng đến việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử; truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam qua mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (thi sân khấu, thi trực tuyến), tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL (Bộ Công an và gần 30 địa phương); tổ chức phát động thi đua và khen thưởng hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 (Bộ Giao thông vận tải); tổ chức lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cà Mau, Tây Ninh, Bến Tre, Cao Bằng, Đồng Nai…); xây dựng phóng sự truyền hình về Ngày Pháp luật Việt Nam.

Nhiều địa phương tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, PBGDPL tại vùng sâu, vùng xa; tổ chức đối thoại chính sách với người dân và doanh nghiệp; tổ chức trình diễn văn nghệ, tiểu phẩm pháp luật; PBGDPL trong nhà trường; tổ chức triển lãm hình ảnh, tài liệu về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức sự kiện truyền thông pháp luật tại cộng đồng, nhóm nòng cốt; tổ chức làm điểm Ngày Pháp luật Việt Nam tại một số đơn vị cấp xã và cấp huyện; lồng ghép hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thể hiện sự sáng tạo trong khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật và công tác hòa giải và chuẩn tiếp cận pháp luật…

Để đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, tạo sức lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến đông đảo người dân theo tinh thần hướng mạnh về cơ sở, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương chỉ đạo phối hợp với Ủy ban nhân dân 03 địa phương làm điểm tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (tổ chức tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú vào ngày 17/10/2022); tỉnh Nam Định (tổ chức tại huyện Hải Hậu vào ngày 27/10/2022); tỉnh Nghệ An (tổ chức tại huyện Đô Lương vào ngày 31/10/2022); đồng thời tổ chức sự kiện hưởng ứng tại Trường Cao đẳng Luật miền Bắc (ngày 01/11/2022). 

Tại các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại cơ sở, các đại biểu đã trao đổi các mô hình, cách làm hiệu quả trong tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, thi hành pháp luật, PBGDPL; tổ chức trợ giúp pháp lý cho người dân (Hải Hậu, Nam Định) và các hoạt động thiện nguyện xã hội (trao Tủ sách pháp luật, trao quà cho các học sinh nghèo vượt khó). Qua đó, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bảo đảm thực chất, hiệu quả hơn.

Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 từ 19h30 - 21h45 ngày 06/11/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1).

Ở nước ta, ngày 09-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được ban hành. Sau Hiến pháp 1946, đất nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.
Chính vì vậy, ngày 09-11, ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01-01-2013). Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam
Việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, cán bộ công chức trong thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước là vô cùng cần thiết.
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Trên cơ sở tìm hiểu, vận dụng pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, góp ý, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân…
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.