Một số câu hỏi về danh xưng thanh hóa

Chiều 11-4, tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, Liên ngành Tỉnh đoàn - Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thi rung chuông vàng tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa cho học sinh khối THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên.

Các em học sinh trả lời câu hỏi.

Tại hội thi, trên 100 học sinh đến từ các Trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trong tỉnh sẽ trả lời 30 câu hỏi tìm hiểu về 990 năm Danh xưng Thanh Hóa; về lịch sử, con người; quá trình phát triển và các kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Qua hội thi giúp các em học sinh có thêm kiến thức về các lĩnh vực lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa… của Thanh Hóa; đồng thời cũng là hoạt động bổ ích giúp các em thể hiện sự hiểu biết, tài năng, trí tuệ của mình qua đó bổ sung thêm kiến thức, phục vụ tốt cho việc học tập và trong cuộc sống.

Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương"

Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương"

Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương" (Kèm theo Kế hoạch số 01-KH/BTC, ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh).

Đồng hành cùng với lịch sử phát triển của dân tộc, tỉnh Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng và có những đóng góp mang dấu ấn lịch sử to lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc. Việc xác định năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định bề dày truyền thống lịch sử hào hùng của con người và miền đất xứ Thanh anh hùng, cách mạng, giàu truyền thống nhân văn, khoa bảng. Cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương" nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu biết, tự hào về miền đất, con người và sự ra đời của 990 năm (1029 - 2019) Danh xưng Thanh Hóa, qua đó tạo nên động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Thanh Hóa vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu”.

  1. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI

1. Đối tượng

Là người Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài tỉnh, người ngoài tỉnh và nước ngoài đang sinh sống và công tác tại Thanh Hóa.

2. Nội dung

Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

3. Hình thức thi

Thi viết và thi trắc nghiệm (trong một bài dự thi).

II. QUY ĐỊNH VỀ BÀI DỰ THI, CHẤM THI, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM NHẬN BÀI DỰ THI

1. Quy định về bài dự thi

- Bài dự thi hợp lệ:

+ Bài dự thi chỉ sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Việt, hình thức viết tay hoặc đánh máy vi tính rõ ràng, sạch sẽ, dễ đọc, dễ hiểu. Không hạn chế việc sử dụng hình ảnh để minh họa thêm bài dự thi viết (chú ý ghi rõ nguồn trích dẫn, tác giả của ảnh).

+ Bài dự thi phải ghi rõ ở trang đầu các thông tin cá nhân: Họ và tên, tuổi (ngày, tháng, năm sinh), giới tính, nghề nghiệp, thành phần dân tộc, tôn giáo, đơn vị học tập, công tác, nơi thường trú; số điện thoại liên hệ.

+ Tranh, ảnh, các tài liệu minh họa cho bài dự thi phải phù hợp với nội dung cuộc thi.

+ Cách thức trả lời các câu hỏi trắc nghiệm như sau: Đồng ý với phương án nào thì khoanh tròn vào phương án đó.

- Bài dự thi không hợp lệ, gồm:

+ Bài thi trả lời không đúng nội dung câu hỏi.

+ Bài thi được sao chép lẫn nhau bằng các hình thức.

+ Bài thi lợi dụng cuộc thi để tuyên truyền dụng ý xấu.

2. Chấm thi

- Thang điểm chấm thi:

+ Phần câu hỏi trắc nghiệm: 4 điểm (0,25 điểm/01 câu hỏi trắc nghiệm).

+ Phần câu hỏi tự luận: 6 điểm.

- Tổ chức các vòng chấm thi:

+ Vòng I:

Do Ban Tổ chức cuộc thi cấp cơ sở thành lập Ban Giám khảo, tổ chức chấm, lựa chọn các bài dự thi đạt kết quả tốt (số lượng cụ thể do Ban Tổ chức cuộc thi cấp huyện quy định) gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp huyện.

+ Vòng II:

Do Ban Tổ chức cuộc thi cấp huyện, thị, thành phố và tương đương thành lập Ban giám khảo, tổ chức chấm, lựa chọn tối đa 10 bài dự thi đạt kết quả tốt gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có trách nhiệm tham mưu cho Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh tổ chức chấm bài dự thi do các đối tượng là người tỉnh ngoài và nước ngoài đang sinh sống và công tác tại Thanh Hóa để lựa chọn bài thi đạt kết quả cao đưa vào chấm ở vòng III.

+ Vòng III: Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh thành lập Ban giám khảo, tổ chức chấm theo tiêu chí, thang điểm đã được Ban Tổ chức cuộc thi quy định để trao giải cuộc thi cấp tỉnh.

3. Thời gian, địa điểm nhận bài dự thi

* Thời gian thi viết: Bắt đầu tính từ khi Ban Tổ chức cuộc thi công bố Thể lệ cuộc thi.

* Thời gian nộp bài dự thi: cấp huyện, thị, thành uỷ và các đảng ủy trực thuộc tổ chức thu, chấm, xét chọn 10 bài dự thi chất lượng nhất và báo cáo đánh giá kết quả tổ chức cuộc thi của đơn vị mình về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) trước ngày 10-4-2019. Ban Tổ chức không nhận các bài dự thi quá thời hạn nêu trên.

* Nơi nhận bài dự thi:

- Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tiếp nhận bài thi của người dự thi đang sinh sống, học tập và công tác thuộc phạm vi quản lý của địa phương, đơn vị mình.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tiếp nhận bài thi của các huyện, thị thành phố, đảng bộ trực thuộc tỉnh; bài dự thi của những người tỉnh ngoài, nước ngoài đang sinh sống và công tác trên địa bàn tỉnh theo Thể lệ cuộc thi.

Địa chỉ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa - số 04, Hà Văn Mao, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa.

Điện thoại: 0373.751.968; 0373.720.128.

III. GIẢI THƯỞNG CUỘC THI

1. Giải tập thể: gồm Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh kèm theo tiền thưởng các giải như sau:

- 01 giải Nhất: 20.000.000 đồng

- 03 giải Nhì, mỗi giải: 10.000.000 đồng

- 05 giải Ba, mỗi giải: 5.000.000 đồng

- 10 giải Khuyến khích, mỗi giải: 3.000.000 đồng

2. Giải cá nhân: gồm Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh kèm theo tiền thưởng các giải như sau:

- 01 giải Nhất: 10.000.000 đồng.

- 03 giải Nhì, mỗi giải: 7.000.000 đồng.

- 05 giải Ba, mỗi giải: 4.000.000 đồng.

- 15 giải Khuyến khích, mỗi giải: 2.000.000 đồng

- 03 giải khác (giải cho người ít tuổi nhất, giải cho người cao tuổi nhất và giải đặc thù), mỗi giải: 2.000.000 đồng.

IV. THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÀ TRAO GIẢI

Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức chấm, công bố kết quả vào trao giải cuộc thi cấp tỉnh, cụ thể như sau:

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chuyển bài dự thi do các huyện, thị, thành phố, đảng bộ trực thuộc tỉnh cho Ban giám khảo cuộc thi cấp tỉnh trước ngày 20-4-2019.

- Ban giám khảo cuộc thi bàn giao kết quả chấm thi cho Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh trước ngày 25-4-2019.

- Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh tổ chức Lễ tổng kết và trao giải (dự kiến ngày 03, 04 tháng 5 năm 2019).

Lưu ý: Thể lệ cuộc thi này có hiệu lực kể từ ngày ký và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung Thể lệ cuộc thi chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI CẤP TỈNH

CÂU HỎI CUỘC THI

“Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương"

Phần I: 16 câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Thanh Hóa là nơi đầu tiên phát hiện ra di vật (trống đồng) của nền văn hóa Đông Sơn vào thời gian nào?

  1. Năm 1922.
  1. Năm 1923.
  1. Năm 1924.
  1. Năm 1925.

Câu 2: Tỉnh lỵ Thanh Hóa thời nhà Lý được đặt ở địa phương nào dưới đây?

  1. Tư Phố (hiện nay thuộc xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa).
  1. Duy Tinh (hiện nay thuộc xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc).
  1. Vạn Lại (hiện nay thuộc xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân).
  1. Hạc Thành (hiện nay thuộc thành phố Thanh Hóa).

Câu 3: Vị tướng nào là người Thanh Hóa có công dẹp loạn "Tam vương" thời Lý?

  1. Đào Cam Mộc.
  1. Lê Phụng Hiểu.
  1. Lý Thường Kiệt.
  1. Tô Hiến Thành.

Câu 4: Đền Đồng Cổ (thờ thần Trống Đồng) hiện nay thuộc địa phương nào của tỉnh Thanh Hóa?

  1. Làng Trịnh Lộc, xã Yên Phú, huyện Yên Định.
  1. Làng Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định.
  1. Làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định.
  1. Làng Đồng Phang, xã Định Hòa, huyện Yên Định.

Câu 5: Bộ sử nào dưới đây ghi chép về việc đổi tên " Trại Ái Châu" thành "Phủ Thanh Hóa"?

  1. Đại Việt sử ký.
  1. Đại Việt sử ký toàn thư.
  1. Đại Việt sử ký tiền biên.
  1. Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Câu 6: Năm 1029, Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương được đặt tên dưới triều vua nào của nhà Lý?

  1. Lý Thái Tổ.
  1. Lý Thái Tông.
  1. Lý Thánh Tông.
  1. Lý Nhân Tông.

Câu 7: Trong triều đại nhà Lý, Thái úy Lý Thường Kiệt được cử làm Tổng trấn Thanh Hóa vào thời gian nào?

  1. Từ năm 1082 đến năm 1101.
  1. Từ năm 1069 đến năm 1072.
  1. Từ năm 1072 đến năm 1082.
  1. Từ năm 1102 đến năm 1109.

Câu 8: Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) là bộ luật chính thức của Nhà nước Đại Việt thời Hậu Lê được ban hành dưới triều vua nào?

  1. Lê Lợi (Lê Thái Tổ).
  1. Lê Thái Tông.
  1. Lê Nhân Tông.
  1. Lê Thánh Tông.

Câu 9: Trong lịch sử Việt Nam, những vị vua, chúa, danh nhân, công thần nào dưới đây là người Thanh Hóa?

  1. Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lê Lợi.
  1. Mai Thúc Loan, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Đào Cam Mộc, Nguyễn Kim.
  1. Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng.
  1. Triệu Thị Trinh, Đào Duy Từ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi.

Câu 10: Năm 1841, tên gọi tỉnh Thanh Hóa được đặt dưới triều vua nào của nhà Nguyễn?

  1. Gia Long.
  1. Minh Mệnh.
  1. Thiệu Trị.
  1. Tự Đức.

Câu 11: Thanh Hóa là nơi phát tích của các vương triều và dòng chúa nào trong lịch sử Việt Nam?

  1. Tiền Lê, Lý, Hồ, Hậu Lê, Mạc; chúa Trịnh, chúa Nguyễn.
  1. Hồ, Hậu Lê, Mạc, Nguyễn; chúa Nguyễn.
  1. Tiền Lê, Lý, Mạc, Nguyễn; chúa Trịnh, chúa Nguyễn.
  1. Tiền Lê, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn; chúa Trịnh, chúa Nguyễn.

Câu 12: Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, những lãnh tụ nào dưới đây là người Thanh Hóa?

  1. Trần Xuân Soạn, Phạm Bành, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước.
  1. Trần Xuân Soạn, Cao Thắng, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân.
  1. Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước.
  1. Phạm Bành, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Cao Thắng.

Câu 13: Ngày 29/7/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập tại địa điểm nào?

  1. Làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn.
  1. Làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa.
  1. Làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân.
  1. Làng Cự Đà, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa.

Câu 14: Trong lần về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: "... Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó...", câu nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong thời gian và địa điểm nào?

  1. Năm 1947, tại rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  1. Năm 1957, tại trụ sở Tỉnh ủy Thanh Hóa.
  1. Năm 1960, tại Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  1. Năm 1961, tại sân vận động tỉnh Thanh Hóa.

Câu 15: Thành Nhà Hồ được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày, tháng, năm nào?

  1. Ngày 27/6/2010.
  1. Ngày 27/6/2011.
  1. Ngày 16/6/2012.
  1. Ngày 16/6/2013.

Câu 16: Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành bao nhiêu kỳ Đại hội?

  1. 16 kỳ Đại hội.
  1. 17 kỳ Đại hội.
  1. 18 kỳ Đại hội.
  1. 19 kỳ Đại hội.

Phần II: Câu hỏi tự luận (Bài viết không quá 7.000 từ)

Bạn hãy trình bày những hiểu biết của mình về sự ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1029? Theo bạn, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần làm gì để giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng trong việc xây dựng Thanh Hóa trở thành "Tỉnh kiểu mẫu" như Bác Hồ hằng mong muốn.

Chủ đề