Hướng dẫn cách mua xe ở campuchia

Những ngày đầu năm Đinh Hợi, tôi được một người bạn, được xem là dân có “máu mặt” trong giới chuyên “kiếm tiền quanh vùng biên giới” ở Long An, đưa lên biên giới Đức Huệ tìm mua một chiếc xe Campuchia nhằm lấy phụ tùng để thay thế vào chiếc xe già cỗi của mình.

“Ve sầu lột xác”

Sau gần 3 giờ phóng xe gắn máy, chúng tôi đến chợ Tho Mo, một thị tứ nhỏ nằm sát biên giới Campuchia, thuộc xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ. Vùng này trước đây từng nổi tiếng về buôn bán xe Campuchia, nhộn nhịp nhất so với các cửa khẩu khác. Bởi đây là con đường ngắn nhất để đưa xe từ Campuchia về TPHCM tiêu thụ. Qua người bạn “bảo kê”, tôi được M., người làm nghề mua bán xe Campuchia nhiều năm ở đây, tiếp đón tử tế. Anh ta hứa tìm cho tôi một chiếc xe chất lượng để về TP khoe với bạn bè. “Anh mày cần ngay một con Wave chạy chưa tới 300 km!”. M. móc điện thoại di động gọi cho một đàn em. Một lát sau, một thanh niên có nước da đen nhẻm, đến thông báo: “Hôm nay còn Tết, xe không về. Đại ca thử gọi đến chỗ thằng V. hoặc T... sẽ có!”. M. quay sang tôi nhăn nhó: “Tụi nó khác hệ, chắc giá cao hơn vài “xị”, anh chịu không?”. “Một “xị” là bao nhiêu”- tôi giả vờ hỏi. M. cười xòa: “Phá hoài đại ca, dân TP các bác mà không biết cách gọi giá cả của tụi em sao?”.

Trong thời gian chờ đàn em đi “săn” hàng, M. huyên thuyên giới thiệu với tôi về giá cả và cách thức đổi phụ tùng. “Dạo này “hút hàng” không đủ xe bán nên giá hơi đắt, một “con” Wave đời 2003 giá từ 6-7 triệu đồng. Sau khi xe cũ đã “lột xác” thành xe mới, ông có thể bán xác xe cũ cho dân vận chuyển thuốc lá lậu với giá 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Tính ra, để nâng đời một xe Wave chỉ tốn khoảng hơn 4 triệu đồng”. M. hướng dẫn nhiều cách để nâng đời một con xe: Nếu chỉ giữ lại khung và lốc số, dân trong nghề gọi là “ve sầu lột xác”. Làm cách này rất dễ nhưng cũng mất nửa ngày, có thể mướn thợ sửa xe làm tại Tho Mo hoặc sang bên kia biên giới. Trường hợp muốn thay luôn khung xe mới thì có hai cách. Thứ nhất gọi là “đột”, tức là phải tẩy sạch phần số khung cũ, sau đó đóng lại số mới đúng với giấy tờ xe. Cách thứ hai gọi là “tháp”, tức là cắt nguyên phần khung xe có chứa số khung, tháp vào xe mới và sơn lại như ban đầu. “Cả hai cách này đều mất khoảng 2 ngày, vì phải tìm thợ chuyên nghiệp và thực hiện toàn bộ trên đất Campuchia!” - M. nói.

Chợ xe Việt trên đất Campuchia

20 phút sau, M. nhận điện của đàn em báo hiện có 3 “con” mới về, nhưng không còn ở đây mà đã được đưa vào bãi. M. bảo: Nếu phải vào bãi mua thì đắt hơn ngoài này khoảng hai “xị”. Tôi không so đo giá cả nhưng thắc mắc: Trước nay xe nhập lậu bao giờ bên Camphuchia cũng rẻ hơn, sao giờ ngược lại? M. bật cười: “Đã lâu rồi khái niệm xe Campuchia không còn nữa. Bên đó bây giờ chỉ toàn là xe “đá” từ VN đưa sang!”. Tôi tỏ vẻ lo sợ về chuyện mua tài sản phạm pháp. M. liền trấn an: “Chuyện nhỏ! Lâu nay nhiều người đến đây mua xe “đá” để lấy phụ tùng là chuyện thường ngày. Xe “đá” đưa sang Campuchia tiêu thụ hàng trăm chiếc mỗi ngày vẫn trót lọt kia mà. Vả lại, sau khi “ve sầu lột xác”, chiếc xe của anh vẫn giữ hồ sơ cũ (giấy tờ hợp lệ), vô tư chạy về TP!”.

  1. dẫn tôi đi đường tắt vượt biên giới sang chợ Sóc Chếch, thuộc lãnh thổ Campuchia, mà không gặp bất kỳ sự kiểm soát nào. Đó là một khu chợ trời nhỏ, cách trạm hải quan VN chừng 300 m, thuộc huyện Chanh-Tia, tỉnh Svây Riêng. Bên ngoài là trạm biên phòng và hải quan Campuchia, vào trong có vài chục căn nhà lụp xụp, phần lớn là hàng quán, kho chứa hàng hóa. Anh bạn tôi nói nhỏ: “Đây là điểm tập kết hàng hóa trước khi nhập lậu vào VN. Mấy năm gần đây, giới buôn xe “đá” dùng nơi này làm trạm trung chuyển”. Đi một vòng quanh chợ, tôi vô cùng kinh ngạc. Đó là một chợ trời xe gắn máy bị ăn cắp từ VN đưa sang, hầu hết còn mới, nhiều chiếc chạy chưa đến 1.000 km. Nhiều nhất là các loại Wave và Future Neo, Yamaha. Các loại xe tay ga như Nouvo, Mio, Attila, Spacy, Dylan, SH, @ cũng có nhưng rất ít vì dân Campuchia chê đắt tiền, hư không có phụ tùng thay thế. Chỉ mới qua ba nhà kho, tôi đã đếm được hơn 40 chiếc. Đó là chưa kể khoảng 20 chiếc dựng tại bãi để chào mời khách hàng. Theo M., lúc đầu toàn bộ xe “đá” từ VN đưa sang đều bày ra hết ở bãi, nhưng sau này mấy ông trùm ở TPHCM bảo phải cất bớt vào nhà vì sợ tai mắt của mấy “cốm” VN trà trộn sang đây để triệt phá đường dây tiêu thụ xe gian liên quốc gia mà họ đã dày công gầy dựng.

Tôi hỏi Thênh, một đàn em của Ly (một người buôn xe có thế lực), vừa đến Sóc Chếch: “Vì sao phải mua xe “đá” từ VN? Phải chăng là do giá rẻ?”. Anh ta đáp: Trong vòng hai năm trở lại đây, xe gắn máy do Thái Lan sản xuất không thể sang Campuchia bằng cả hai đường hợp pháp lẫn bất hợp pháp là do tình hình biên giới phía Nam của họ bất ổn. Thứ hai, nếu mua xe nhập khẩu hợp pháp từ VN giá bao giờ cũng cao hơn xe “đá” ít nhất là 300 USD do tiền thuế và chi phí đăng ký biển số.

Xe “đá” giá bao nhiêu?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết giá xe tại Sóc Chếch là giá bán buôn. Nếu bán cho người có nhu cầu sử dụng tại chỗ thì mỗi chiếc đắt hơn 1 triệu đồng. Ở vùng nông thôn tỉnh Svây Riêng, xe máy chạy không cần biển số kiểm soát. Toàn bộ xe “đá” ở Sóc Chếch đều bán lại cho một người tên Ly ở thị xã Svây Riêng. Theo dân chợ trời sở tại, Ly là nhân vật có thế lực ở tỉnh Svây Riêng. Dưới trướng người này có đội ngũ bảo kê hàng lậu rất hùng hậu. Sau khi mua xe ở Sóc Chếch, Ly đưa về Phnom Penh và các tỉnh khác tiêu thụ với giá chênh lệch từ 20% đến 30%. Một xe Wave Alpha đời 2006 được bán tại Phnom Penh với giá 890 USD (khoảng 14 triệu đồng).