Gỡ khó cho việc nhán nhãn hàng hóa năm 2024

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) - Bộ KHCN Nguyễn Nam Hải cho biết, Nghị định 43 với nhiều điểm mới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu; được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa…

Gỡ khó cho việc nhán nhãn hàng hóa năm 2024
Một trong những sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt hiện đang được bày bán tại MINISO. (Ảnh: L.L)

Thông tin tại Hội nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về nhãn hàng hóa theo nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa do Tổng cục TĐC tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Nguyễn Nam Hải cho biết, Nghị định 43 có nhiều điểm mới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp như: miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong dịch vụ sửa chữa, bảo hành, không nhằm mục đích mua bán; miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ, không nhằm mục đích mua bán.

Hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa. Cho phép doanh nghiệp tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và các Hiệp định Việt Nam tham gia; cho phép doanh nghiệp có hàng hóa được sản xuất tại nhiều cơ sở khác nhau có cùng tiêu chuẩn chất lượng thì được ghi tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không phải ghi tất cả các địa chỉ sản xuất như quy định cũ.

Ngoài ra, Nghị định 43 cũng có những quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng lậu, hàng giả và bảo vệ an ninh quốc phòng như: quy định bắt buộc phải công khai thông tin đối với những hàng hóa là thực phẩm, hóa chất gia dụng dạng rời, đóng gói đơn giản không có bao bì thương phẩm và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể việc gắn nhãn phụ đối với hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu tiêu thụ nội địa tránh gian lận; quy định việc ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng đối với hàng hóa sang chia, sang chiết tránh gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Đồng thời, Nghị định 43 quy định việc ghi nhãn hàng hóa đối với nhiều nhóm hàng hóa mới phát sinh và tích hợp nội dung của các văn bản quản lý chuyên ngành có liên quan đến nhãn hàng hóa nhằm đảm bảo tính mới, tính thống nhất của văn bản pháp luật. “Kể từ ngày 01/6/2017, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) có hiệu lực và thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP (Nghị định 89) của Chính phủ về Nhãn hàng hóa. So với Nghị định 89 Nghị định 43 có nhiều điểm mới thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng” - ông Hải cho hay.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Theo đó, nội dung được quan tâm nhiều nhất là quy định ghi nhãn với hàng hóa xuất khẩu chuyển sang lưu thông trên thị trường. Dự thảo đề xuất bãi bỏ quy định hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại và được đưa ra lưu thông trên thị trường cần phải dán nhãn phụ và phải bỏ nhãn chính bằng tiếng nước ngoài để thay thế bằng nhãn tiếng Việt như nhãn với hàng hóa lưu thông trong nước, nhằm hạn chế cơ hội gian lận thương mại.

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, việc quy định như vậy cần cân nhắc đến chi phí có thể tạo ra cho doanh nghiệp. Mục đích của việc đưa hàng hóa không xuất khẩu được về tiêu thụ tại thị trường nội địa là để tránh việc tiêu hủy các hàng hóa này. Trong khi hàng hóa vẫn có khả năng sử dụng, nhằm giúp doanh nghiệp giảm tổn thất về doanh thu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI cho biết, theo quy định mà dự thảo đề ra, doanh nghiệp sẽ phải bóc bỏ nhãn cũ, thậm chí thay cả bao bì bên ngoài để in nhãn mới bằng tiếng Việt sẽ tốn thêm nhiều chi phí về nhân công và thời gian để thực hiện việc này. Thậm chí, còn làm tăng chi phí để chuyển đổi hàng hóa khi bán nội địa.

Do đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bỏ quy định này, tránh việc gia tăng chi phí có thể làm đội giá thành và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa khi đưa về tiêu thụ ở thị trường trong nước.

VCCI còn góp ý về nội dung dự thảo khi bổ sung quy định mới về việc ghi nhãn dinh dưỡng với thực phẩm. Đây là yêu cầu cần thiết song việc quy định phải có tính thực tiễn và phù hợp với hiệu lực thi hành. Việc ghi nhãn dinh dưỡng sẽ được thực hiện khi Nghị định sửa đổi này có hiệu lực, vậy lộ trình, nội dung ghi nhãn và các trường hợp miễn giảm lại phải chờ Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn. Khi đó, doanh nghiệp có thể gặp vướng mắc do không biết phải thực hiện như thế nào nên đại diện VCCI khuyến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định việc ghi nhãn dinh dưỡng sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Nghị định 43/2017/Nđ-CP là văn bản chung quy định về nhãn hàng hóa. Song các bộ quản lý chuyên ngành còn ban hành thêm các quy định ghi nhãn khác với một số loại sản phẩm hàng hóa dẫn đến việc doanh nghiệp liên tục phải thay mới nhãn hàng hóa, gây tốn kém chi phí và công sức của doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định bổ sung đã thêm quy định mới cho phép doanh nghiệp sử dụng nhãn cũ để in ấn và gắn lên hàng hóa song pháp luật chuyên ngành khác thường không có quy định chuyển tiếp tương tự. Do đó, VCCI khuyến nghị, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời gian chuyển tiếp cho bất kỳ quy định thay đổi về nhãn hàng hóa theo hướng nói trên.

Dự thảo bổ sung quy định cho phép Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Nghị định trong một số trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát kể cả khi có vắc xin, tùy tình hình thực tế khó khăn của doanh nghiệp trong việc đáp ứng một số quy định về ghi nhãn hàng hóa như số lượng nhãn đã in từ trước có thể vượt quá so với khả năng sản xuất của doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng bỏ phí số lượng nhãn này.

Theo VCCI, đây là quy định rất cần thiết và phù hợp với thực tế khách quan. Tuy nhiên, nội hàm quy định quá rộng và không rõ thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tới đâu, được hướng dẫn những nội dung gì.

Do đó, VCCI cho rằng, Nghị định cần làm rõ nội dung này theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, có thể ghi rõ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tùy tình hình thực tế hướng dẫn doanh nghiệp được miễn, giảm một số nghĩa vụ trong nghị định này theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.../.