Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa vô hình năm 2024

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú, thành phố đã xây dựng đề án “Phát triển xuất khẩu TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, đề án lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số...); đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, tận dụng cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào những thị trường chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do; nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu, chuyên môn hóa theo lợi thế so sánh của thành phố, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng cạnh tranh; phát triển ngành logistics, quy hoạch lại hệ thống cảng biển, cảng sông và cơ sở hạ tầng; tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất để TPHCM trở thành trung tâm logistics (Logistic Hub) và dịch vụ xuất khẩu vùng.

Một trọng tâm khác, đó là phát triển nguồn nhân lực, cải tiến dịch vụ hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu liên thông và dùng chung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Thực hiện chiến lược trên, thành phố sẽ tập trung vào 8 giải pháp:

(1) Nâng cao trình độ kỹ thuật ngành cơ khí, tạo nền tảng chuyển dịch sang những ngành có mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa cao hơn. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước...

(2) Nâng cao năng lực xuất khẩu sản phẩm dịch vụ phần mềm, nội dung số, tài chính, du lịch...

(3) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); phát triển công nghiệp hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Thu hút và hỗ trợ dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ cho sản phẩm điện - điện tử. Xây dựng và triển khai Đề án Mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Saigon Innovation Network trong Khu Công nghệ cao thành phố.

(4) Nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu truyền thống thâm dụng lao động. Phát triển thị trường cung ứng đầu vào bao gồm cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và các dịch vụ giá trị gia tăng.

(5) Hoàn thiện chiến lược phát triển cụm ngành logistics của thành phố.

(6) Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và thương mại gắn với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu tiêu biểu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

(7) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và rút ngắn quy trình để giảm chi phí bằng với các nước trong khu vực; thực hiện các giải pháp tiếp tục cắt giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan; giảm 50% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.

(8) Phối hợp các cơ quan nghiên cứu trường, viện... đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xuất nhập khẩu là một hoạt động thương mại quan trọng đối với mỗi quốc gia và đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Xuất nhập khẩu góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân.

Việc gia nhập tổ chức thương mại, ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam phát huy những thế mạnh, tháo gỡ hạn chế về thị trường xuất khẩu và tạo lập môi trường thương mại mới. Sự tăng trưởng xuất khẩu và đóng góp của nó vào sự phát triển kinh tế trong thời gian qua như một minh chứng cho thấy Việt Nam đã biết tận dụng các cơ hội này một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mới chỉ thiên về bề nổi, còn xét về mặt chất thì hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, những sản phẩm thô, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao. Đây là những vấn đề tuy không mới, song việc tìm ra lời giải cho nó vẫn còn là một bài toán cho các nhà lập chính sách, các nhà nghiên cứu, cũng như những ai quan tâm.

Cơ sở lý thuyết

Theo Nguyễn Thị Lệ, Huỳnh Thanh Nhã, Nguyễn Thiện Phong (2020) với nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy hải sản vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã cho kết quả: có 4 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy hải sản trong vùng, bao gồm: i) năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ii) đặc điểm và khả năng của doanh nghiệp, iii) yếu tố quan hệ của doanh nghiệp và iv) khả năng xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Kết quả của nghiên cứu là căn cứ đề xuất các khuyến nghị góp phần nâng cao kết quả hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy hải sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngô Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Viết Bằng (2020) đã nghiên cứu “Mô hình các nhân tố tác động đến thành tựu xuất khẩu của doanh nghiệp xuất khẩu gạo và cà phê Việt Nam”, nhằm đề xuất các hàm ý quản trị giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và cà phê gia tăng thành tựu xuất khẩu. Kết quả nghiên cứu cho thấy: thứ nhất, thành tựu xuất khẩu chịu tác động bởi: i) chiến lược marketing, ii) đặc điểm quản lý, iii) đặc điểm thị trường nước ngoài, iv) đặc điểm thị trường trong nước, và v) rào cản xuất khẩu; thứ hai, chiến lược marketing chịu tác động bởi: vi) đặc điểm quản lý, vii) đặc điểm thị trường nước ngoài.

Albertina Paula Monteiro và cộng sự (2019) đã thực hiện nghiên cứu “Liên kết các nguồn lực vô hình và định hướng kinh doanh với hiệu suất xuất khẩu: Tác động trung gian của các năng lực động” nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các nguồn lực vô hình và định hướng kinh doanh trong hoạt động xuất khẩu, bằng cách xem xét tác động trung gian của các năng lực động như: i) Khả năng tiếp cận nguồn tài chính, ii) Các nguồn thông tin, iii) Các nguồn lực quan hệ, iv) Khả năng năng động, v) Định hướng kinh doanh.

Hashen Madushanka và Vilani Sachitra (2021) đã thực hiện nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Sri Lanka: Quan điểm dựa trên nguồn lực”. Mục đích của nghiên cứu này là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tham gia xuất khẩu của các DNVVN ở Sri Lanka. Phương pháp định lượng được sử dụng trong nghiên cứu này dựa trên tài liệu, i) khả năng tài chính, ii) khả năng quản lý, iii) chính sách của chính phủ và iv) thông tin tiếp thị được lựa chọn là các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia xuất khẩu của các DNVVN.

Mô hình nghiên cứu

Dựa trên những nghiên cứu trước của nước ngoài cũng như tại Việt Nam, tác giả kế thừa, hiệu chỉnh và đưa ra mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa vô hình năm 2024

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính, phương pháp nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính trình bày các bước từ lược khảo các công trình nghiên cứu thực nghiệm đến thảo luận chuyên gia. Nghiên cứu định lượng điều tra khảo sát tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm để đo lường tác động đối với hoạt động xuất khẩu.

Thông tin thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS. Thang đo được kiểm định, phân tích bằng phương pháp tính giá trị trung bình, hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi quy đa biến.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả: Kết quả thống kê mô tả mẫu nghiên cứu cho thấy trong 137 phiếu thu về, có 29 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (liên doanh và 100% vốn) chiếm 21,2%, 11 doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước chiếm 8,0%, 23 công ty cổ phần chiếm 16,8%, 62 công ty TNHH tư nhân chiếm 45,3% và 12 công ty hợp danh, hộ gia đình chiếm 8,8%. Về lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính, các lĩnh vực kinh doanh với mức độ giảm dần như sau: dịch vụ 29,9%, công nghiệp 29,9%, thương mại 26,3%, dịch vụ logistics 16,1%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 13,9%, lĩnh vực khác 13,1% và thấp nhất là xây dựng 7,3%.

Về quy mô của doanh nghiệp, có 42 doanh nghiệp có quy mô dưới 10 lao động (chiếm 30,7%), 45 doanh nghiệp có quy mô từ 10-50 lao động (chiếm 32,8%), 34 doanh nghiệp có quy mô từ 51-100 lao động (chiếm 24,8%), 13 doanh nghiệp có quy mô từ 101-200 lao động (chiếm 9,5%) và 03 doanh nghiệp có quy mô từ 101-200 lao động (chiếm 2,2%). Xét theo vốn điều lệ của doanh nghiệp, có 41 doanh nghiệp có quy mô dưới 3 tỷ đồng (chiếm 29,9%), 58 doanh nghiệp có quy mô từ trên 3-20 tỷ đồng (chiếm 42,3%), 23 doanh nghiệp có quy mô từ trên 20-50 tỷ đồng (chiếm 16,8%), 11 doanh nghiệp có quy mô từ trên 50-100 tỷ đồng (chiếm 8,0%) và 4 doanh nghiệp có quy mô từ trên 100 tỷ đồng (chiếm 2,9%).

Kiểm định độ tin cậy của thang đo: Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy giá trị Cronbach’s Alpha của các thang đo này đều cao hơn giá trị yêu cầu tối thiểu là 0,6. cụ thể thang đo có giá trị Cronbach’s Alpha nhỏ nhất là chiến lược Marketing xuất khẩu (0,852), còn thang đo hoạt động xuất khẩu có giá trị Cronbach’s Alpha cao nhất (0,951). Trong khi đó, hệ số tương quan biến tổng của tất cả các biến quan sát đều tương đối cao và giá trị đều lớn hơn mức tối thiểu được chấp nhận là 0,3.

Phân tích nhân tố khám phá: Kết quả kiểm định Bartlett với sig = 0,000 và chỉ số KMO = 0,901 > 0,5 đều đáp ứng được yêu cầu. Tại các mức giá trị Eigenvalues lớn hơn 1, phân tích nhân tố đã trích được 4 yếu tố từ 19 biến quan sát và với tổng phương sai trích là 72,292% (> 50%) đạt yêu cầu. Dựa trên phân tích của bảng ma trận xoay nhân tố, kết quả thang đo có tổng cộng 4 yếu tố được rút trích từ 19 biến quan sát có hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0.5 đạt yêu cầu.

Phân tích hồi quy: Căn cứ vào phân tích EFA, ta có phương trình hồi quy tuyến tính bội diễn tả các yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu

của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là:

HDXK = β0 + β1*NLDN + β2*CLM + β3*QH + β4*KNDN

Trong đó: Các biến độc lập (Xi): Năng lực của doanh nghiệp (NLDN), Chiến lược Marketing xuất khẩu (CLM), Mối quan hệ (QH), Khả năng của doanh nghiệp (KNDN). Biến phụ thuộc (Y): Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (HDXK). Βk là hệ số hồi quy riêng phần (k = 0…4).

Bảng 1. Kết quả hồi quy

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa vô hình năm 2024

Nguồn: Phân tích của nhóm tác giả, 2022

Kết quả hồi quy cho thấy, giá trị sig của các biến độc lập NLDN, QH, KNDN đều nhỏ hơn 0.05, tức là các biến độc lập có tác động đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các nhân tố có mức độ tác động xếp theo thứ tự giảm dần lần lượt là: Năng lực của doanh nghiệp (0,583); Khả năng của doanh nghiệp (0,201); Mối quan hệ (0,142).

Từ kết quả hồi quy ở trên, tác giả đưa ra phương trình hồi quy như sau:

HDXK = 0,583*NLDN + 0,201*KNDN + 0,142*QH

Hệ số hồi quy của các biến độc lập QH, KNDN, NLDN có giá trị dương, có nghĩa là các nhân tố Năng lực của doanh nghiệp, Mối quan hệ, Khả năng của doanh nghiệp có tác động thuận chiều đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Kết luận và hàm ý quản trị

Phân tích hồi quy cho thấy rằng, giá trị Sig. của các biến độc lập đều nhỏ hơn 0,05, điều này chứng tỏ rằng, các biến độc lập đều có tác động đến biến phụ thuộc. Các nhân tố có mức độ tác động xếp theo thứ tự giảm dần lần lượt là: Năng lực của doanh nghiệp (0,583); Khả năng của doanh nghiệp (0,201); Mối quan hệ (0,142). Hệ số hồi quy của các biến độc lập QH, KNDN, NLDN có giá trị dương, có nghĩa là các yếu tố Năng lực của doanh nghiệp (NLDN), Mối quan hệ (QH), Khả năng của doanh nghiệp (KNDN) có tác động thuận chiều đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (HDXK). Kết quả kiểm định F trong bảng phân tích ANOVA có giá trị Sig= 0,000 nhỏ hơn mức ý nghĩa 5%. Như vậy, mô hình hồi quy là phù hợp. Giá trị R2 hiệu chỉnh = = 0,683 cho biết rằng các biến độc lập tác động đến đến biến phụ thuộc và giải thích được 68.3% sự biến thiên của biến phụ thuộc là hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu này đã gợi lên một số hàm ý quản trị mà các đơn vị kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nên xem xét nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Doanh nghiệp cần cải thiện các yếu tố Năng lực của doanh nghiệp, Khả năng của doanh nghiệp, Mối quan hệ. Theo đó:

Một là, nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Các nhà quản lý doanh nghiệp xuất khẩu cần coi việc đầu tư để tăng cường năng lực quản trị, năng lực đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh sáng tạo cho quản lý các cấp là giải pháp tiên quyết để nâng cao thành tựu xuất khẩu. Trong đó, cần nhấn mạnh vào các điểm trọng tâm sau: am hiểu kỹ các thị trường nước ngoài để xây dựng chiến lược marketing quốc tế cho phù hợp với đặc điểm hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh bắt đầu bằng việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm với chi phí cạnh tranh so với đối thủ và đảm bảo các đơn hàng với số lượng lớn, cũng như đảm bảo thời gian giao hàng đúng yêu cầu của khách hàng. Muốn thực hiện tốt điều này, các DN nên chú trọng nhiều hơn nữa việc lập và thực hiện chiến lược xuất khẩu, loại bỏ tư tưởng làm theo thói quen, theo kinh nghiệm, theo cái mình có, mà phải dựa trên nhu cầu thị trường. Một chiến lược xuất khẩu hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở vững chắc để phản ứng linh hoạt với các mối đe dạo từ thị trường và từ đối thủ.

Hai là, nâng cao khả năng của doanh nghiệp.

Về mặt thực hành quản lý, các nhà quản lý nên tuyển dụng nhân viên có kinh nghiệm quốc tế, tổ chức các chương trình đào tạo về xu hướng thị trường toàn cầu của nhân viên hiện tại. Với kinh nghiệm quốc tế, doanh nghiệp sẽ có thể đạt được vị thế chiến lược toàn cầu mạnh mẽ hơn góp phần gia tăng kết quả xuất khẩu. Doanh nghiệp nên tích lũy thêm kinh nghiệm xuất khẩu thông qua hình thức xuất khẩu trực tiếp, thay vì việc lựa chọn xuất khẩu gián tiếp hay ủy thác như hiện nay. Việc xuất khẩu trực tiếp sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp hình thành và xây dựng được cho mình một thương hiệu có giá trị, qua đó góp phần vào thực hiện việc xây dựng thương hiệu hiệu quả. Thêm đó, doanh nghiệp phải luôn chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án hay kế hoạch xuất khẩu để tăng khả năng linh hoạt và chủ động trong việc ứng phó các thay đổi từ thị trường.

Ba là, nâng cao mối quan hệ của doanh nghiệp.

Việc xây dựng và củng cố các mối quan hệ nên được tập trung đầu tiên vào khách hàng thông qua việc vận dụng các công cụ của quản trị quan hệ khách hàng (CRM) hiệu quả. Luôn chú trọng vào việc tìm kiếm để thiết lập, duy trì và mở rộng quan hệ với khách hàng. Doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ với nhà cung ứng để thiết lập một chuỗi cung ứng đảm bảo cả về chất lượng và số lượng. Chất lượng cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được giá trị thương hiệu của mình. Số lượng cung ứng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên quy mô để đáp ứng các đơn hàng của nhà nhập khẩu. Ngoài ra, cũng phải thực hiện xây dựng quan hệ với các trung gian phân phối trong kênh phân phối, một mối quan hệ bền vững trong kênh sẽ giúp doanh nghiệp có thể lắng nghe nhu cầu thị trường, giảm áp lực chi phí trung gian và đảm bảo sự chắc chắn trong đầu ra của sản phẩm. Thêm vào đó, doanh nghiệp nên tích cực tham gia vào hiệp hội và các tổ chức có liên quan, thiết lập các kênh thông tin để tăng cường trao đổi và nắm bắt các thông tin hữu ích từ hiệp hội cũng như chính phủ.

Cuối cùng, cần nâng cao xây dựng chiến lược marketing xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Việc xây dựng chương trình marketing thích nghi phù hợp giúp doanh nghiệp có sự khác biệt so với các doanh nghiệp cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng nước ngoài, nhờ đó gặt hái những kết quả xuất khẩu tốt hơn. Các nhà quản lý doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường hoạt động marketing hiện đại hướng tới con người (khách hàng và cả nội bộ doanh nghiệp), quy trình sản xuất và cung ứng chính xác, linh hoạt theo sự biến động của thị trường, các chương trình marketing và đạt hiệu suất nhằm tăng sự nhận biết, thấu hiểu khách hàng, giữ khách hàng và mở rộng thị trường.