Chủ đề ngày quốc tế phụ nữ 2022

Thích ứng, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm

Năm 2022, UBND TX An Nhơn tiếp tục đặt hàng các cấp hội LHPN thị xã thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Tính đến nay đã gần 3 năm, phụ nữ thị xã được lãnh đạo tin tưởng, giao phó việc “làm sạch”, “làm đẹp” bộ mặt phố phường. “Chị em rất vui và tự hào, tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, cây hoa, với mong muốn góp phần xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp”, Chủ tịch Hội LHPN TX An Nhơn Lê Vũ Vân Kiều cho biết.

Chủ đề ngày quốc tế phụ nữ 2022

LĐLĐ TX Hoài Nhơn biểu dương, khen thưởng nữ công nhân, lao động tiêu biểu năm 2022, sáng 7.3. Ảnh: LĐLĐ TX Hoài Nhơn

Trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19, mỗi ngày, chị em phụ nữ ở nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức nấu cơm, tiếp nước giải khát cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân thực hiện cách ly, làm giúp việc đồng áng, chăm sóc hộ con cái cho F0, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, trẻ mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19.

Ở thôn 3 (xã An Trung, huyện An Lão), bà con xem chị Đinh Thị Pưm - Chi hội trưởng phụ nữ thôn 3 là “chỗ dựa đáng tin cậy”. Thôn có 38 hộ với 129 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông, thu nhập không ổn định, lại thêm dịch Covid-19 nên đời sống càng bấp bênh. Bà con khó khăn tìm đến chị, chị giúp tiền, hướng dẫn cách làm ăn tạo thu nhập. Bà con nghe lời chị thực hiện tốt 5K, tham gia vào mô hình thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Số tiền tiết kiệm được sẽ cho chị em mượn không lãi, những chị khó khăn hơn sẽ được vay mượn trước. Chị Pưm còn xây dựng hũ gạo tình thương, vận động tặng sổ tiết kiệm, xây mái ấm tình thương, kêu gọi chị em thi đua nhau xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”…

Nguồn: BTV

“Bản thân tôi phải làm tốt trước thì nói chị em mới nghe. Phụ nữ bây giờ phải có kiến thức, hiểu biết pháp luật, chịu khó học hỏi, làm kinh tế, cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình. Nhờ vậy, chuyện vợ chồng mâu thuẫn nhau trong thôn giảm hẳn, ai cũng lo làm để nuôi con. Chị em thôn 3 luôn động viên nhau thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, cùng cộng đồng trách nhiệm, góp sức vào phong trào Phụ nữ An Trung chung tay xây dựng nông thôn mới”, chị Pưm chia sẻ.

Hướng đến phát triển bền vững

Có thể nói, thời gian qua, các kế hoạch, chương trình liên quan đến bình đẳng giới đã được triển khai hiệu quả, đặc biệt công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của chị em phụ nữ.

Chủ đề ngày quốc tế phụ nữ 2022

Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 năm 2022 có chủ đề “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững”, nhằm tôn vinh nỗ lực của phụ nữ trong công tác thích ứng, giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: - Hội LHPN tỉnh tổ chức trồng hoa, cây xanh trên đảo Cù Lao Xanh (TP Quy Nhơn). Ảnh: Hội LHPN tỉnh

Năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 2 lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho trên 200 đại biểu là nữ ứng cử viên HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và cơ quan dân cử. Đồng thời, phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh thực hiện các hoạt động bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Tháng hành động vì bình đẳng giới thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Chủ đề xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới luôn được ngành LĐ-TB&XH chú trọng và triển khai với nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, phụ nữ chiếm 50,7% dân số toàn tỉnh và chiếm 52,4% lực lượng lao động. Giai đoạn 2016 - 2021, đội ngũ nữ doanh nhân tiếp tục phát triển về số lượng, trong đó có 8 HTX do nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý. Phụ nữ khu vực nông thôn là lực lượng đóng góp đáng kể vào xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 ở cấp cơ sở là 27,9%, cấp huyện 15,8%, cấp tỉnh 16,6%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 28,6% (tăng 16,1% so với nhiệm kỳ trước), HĐND tỉnh đạt 26,3% (tăng 6,3%)...

Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trên thực tế, vẫn còn một vài nơi khó khăn chưa đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng. Năm 2022, tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 tại các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, các địa phương, đơn vị.

“Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình ở những địa bàn, lĩnh vực còn tình trạng bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ xảy ra bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, chủ động bố trí kinh phí, khuyến khích huy động các nguồn lực để duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả”, ông Hùng thông tin.

NGỌC TÚ - Nguồn Báo Bình Định

Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ XIX. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.

Chủ đề ngày quốc tế phụ nữ 2022

I. LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3

1. Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương họ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899 nữ công nhân Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ công nhân ngành dệt và ngành may tại thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bọn tư bản ra tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức. Phong trào đấu tranh đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc đó là bà Cla-ra-zét-kin (người Đức) và bà Lô-ra Lúc-xăm-bua (người Ba Lan). Nhận thức sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907 hai bà đã phối hợp với Crup-xcai-a vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Cla-ra-zét-kin được cử làm Bí thư.

Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ” – Ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu:

  • Ngày làm 8 giờ.
  • Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau.
  • Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động toàn thế giới.

2. Ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ

Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ trên toàn thế giới có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống.

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.

Ở một số nước trên thế giới, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được coi là ngày lễ chính trong năm và tổ chức rất lớn. Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái…

Tại một số quốc gia, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới, ở các vấn đề thực tiễn như mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo và thăng tiến trong nghề nghiệp hay điều kiện an sinh xã hội, chống mại dâm và bạo lực đối với phụ nữ…

Ở nước ta, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.

Để thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ, một nửa thế giới, các cơ quan, đoàn thể, gia đình thường tổ chức kỷ niệm ngày 8/3 rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.

II. NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ Ở VIỆT NAM

Thực hiện cam kết đó, ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ nước ta đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu “Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình” của hội nghị Bắc Kinh.

Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.

Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương “Thành đồng” hạng nhất.

Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”. Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95% và tiến sĩ 25,96%.

Vào ngày 8/3 hàng năm, những người phụ nữ trong cả nước thường được tặng hoa, tặng quà hoặc tổ chức những buổi lễ kỷ niệm để thể hiện sự quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày bù đắp cho những vất vả của những người mẹ tảo tần cho gia đình và xã hội, những người vợ đảm đang, vun vén dựng xây tổ ấm gia đình.

III. CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra vào năm 40 đầu Công nguyên, cách chúng ta gần hai nghìn năm. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc người phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, xưng Vương dựng nước cũng là phụ nữ. Chưa một dân tộc nào, một quốc gia nào lại có được niềm vinh quang như vậy.

Sử cũ còn ghi, vào giữa mùa xuân năm Kiến Vũ thứ 16 (tháng 3/40), mở đầu cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giao Châu chống lại áp bức bóc lột của nhà Đông Hán là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giao Chỉ cùng với nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng.

Hai Bà Trưng (chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị) là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách bị viên Thái thú Tô Định giết hại. Nợ nước, thù nhà, trước sự bóc lột tàn ác của chính quyền đô hộ, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã được phát động từ cửa sông Hát (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây). Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa của các địa phương trong nước thống nhất thành một phong trào quần chúng ở khắp nơi. Trước sự tấn công mạnh mẽ của quần chúng khởi nghĩa, chính quyền đô hộ tan rã sụp đổ nhanh chóng. Nền độc lập dân tộc lại được phục hồi, Trưng Trắc được suy tôn làm vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là trang sử bất hủ của dân tộc ta ở đầu Công nguyên. Nhưng chẳng bao lâu, nghe tin Trưng Trắc xưng Vương, vua Quang Vũ nhà Hán đã cử Mã Viện đem quân sang đàn áp. Trưng Vương cùng các tướng lĩnh lại phát quân từ Mê Linh đến đánh địch ở vùng Lãng Bạc. Tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa quân của Trưng Vương và quân của Mã Viện. Quân của Trưng Vương gồm rất nhiều nữ tướng kiên cường chiến đấu rất anh dũng, xong vì thế cùng lực tận bị thua rút về Cấm Khê. Quân Mã Viện đuổi theo, cuộc chiến đấu diễn ra oanh liệt sau gần một năm trời, quân Trưng Vương hy sinh rất nhiều, Hai Bà Trưng về Hát Môn rồi gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cuối cùng thất bại, đất nước và nhân dân ta lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ, nhưng tiếng vang của nó đời đời bất diệt. Nó đã gieo hạt giống tốt cho chủ nghĩa anh hùng Việt Nam là không sợ địch dù mạnh đến đâu, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không chỉ biểu thị được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn nói lên khả năng hết sức lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngày nay, cứ mỗi mùa xuân đến, các thế hệ phụ nữ chúng ta lại kỷ niệm chiến công và sự hy sinh lẫm liệt của Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng cách đây đúng 1978 mùa xuân.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gửi đến những người Phụ nữ Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực để luôn xứng đáng với bốn phẩm chất đạo đức của Phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”.

Trung tâm TTTV