Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra bao nhiêu ngày

68 năm trước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đập tan cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!  

Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Từng trực tiếp làm việc ở Sở Chỉ huy của mặt trận từ khi chuẩn bị chiến dịch tới ngày chiến thắng, Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam không thể nào quên những quyết định biến khó khăn thành thuận lợi, khơi dậy được quyết tâm quyết đánh và quyết thắng .

Từ khi chưa bắt đầu chiến dịch, năm 1953 Trung tướng Đặng Quân Thụy khi đó mới 25 tuổi được giao nhiệm vụ nắm tình hình của địch ở Điện Biên Phủ. Ông cho biết ông được nhân dân địa phương che chở, đùm bọc chỉ đường, dẫn lối. Lúc này, thực dân Pháp tập trung quân hình thành cứ điểm Điện Biên Phủ với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là "một tập đoàn cứ điểm đáng sợ", "một pháo đài bất khả xâm phạm" án ngữ miền Tây Bắc nước ta, kiểm soát liên thông với Thượng Lào, thách thức quân chủ lực Việt Minh vào tấn công để tiêu diệt.

Trung tướng Đặng Quân Thụy nhớ lại, trước tình huống khó khăn đó, Bộ Chính trị, Bác Hồ đã chủ trương phân tán địch ra để đánh: “Bác Hồ xòe bàn tay ra để mà anh em hiểu được phân tán địch. Thực tế như thế trong chiến dịch Đông Xuân, ta hình thành 5 hướng đánh, Điện Biên Phủ là trọng điểm rồi nhưng hướng quan trọng là Đồng bắng sông Hồng, thứ 3 là Tây Nguyên, Thứ tư là Trung Lào, Hạ Lào, thứ 5 là Nam Bộ. Như vậy là địch muốn tập trung nhưng ta mở ra 5 hướng như thế thì buộc họ phải phân tán ra đối phó với 5 hướng đó. Đó cũng là cơ sở tạo điều kiện chiến thắng.

Trước thực tế địch tăng cường lực lượng, vũ khí và xây dựng công sự vững chắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy mặt trận đã kịp thời thay đổi phương châm tác chiến chuyển từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc".

Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh  Tư liệu/ TTXVN phát 

Theo Trung tướng Đặng Quân Thụy, đây là một quyết định khó khăn nhưng là quyết định đúng đắn, phù hợp, sát thực tế, nhằm bảo toàn lực lượng và chuẩn bị chắc chắn hơn cho chiến thắng: “Từ thay đổi chủ trương "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc" thì bao nhiêu chuyện nào là kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, lại kéo pháo vào. Rồi đào hầm ngày đêm hàng trăm km giao thông hào như thế trước sự ném bom ác liệt ... quyết định đó thể hiện quyết tâm của người tư lệnh mặt trận, tạo ra sự tin tưởng của người cán bộ, chiến sỹ cấp dưới rất lớn.”

Đã từng vào sinh ra tử tham gia nhiều chiến dịch từ chống Pháp, chống Mỹ chiến tranh biên giới phía Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, trong ký ức Trung tướng Đặng Quân Thụy, điều ông không thể quên ở Điện Biên Phủ đó là Đảng ủy Bộ tư lệnh Mặt trận đã có phương pháp làm xoay chuyển tình thế khó khăn. Sau khi thắng lợi giòn giã tại Him Lam, đồi Độc Lập, bản Kéo, còn lại 2 cứ điểm của quân địch mà quân ta đã tiến công nhưng không tiêu diệt hết được là cao điểm kiên cố đồi A1 và C1, một số người có dao động trong tư tưởng lo ngại nguy cơ không thực hiện được chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nắm chắc được diễn biến tư tưởng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh mặt trận đã nhanh chóng quyết định Tổ chức cuộc họp kiểm điểm. Tư lệnh Mặt trận Võ Nguyên Giáp đã tổng kết, đánh giá những mặt ưu điểm, đồng thời phê phán nghiêm khắc những tư tưởng giảm quyết tâm, ngại khó khăn, gian khổ. Phê phán những tư tưởng đó là trở ngại cho thắng lợi chiến dịch và xu hướng phải giải quyết tư tưởng cho tốt. Đồng thời xác định phải tổ chức thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để củng cố quyết tâm.

"Trong tình hình đó là chủ trương rất đúng đắn, sau khi hội nghị, về các đơn vị tổ chức lại sinh hoạt, kiểm điểm lại, đánh giá lại những mặt chưa làm được, những vấn đề mình còn thiếu sót như thế nào và ảnh hưởng đến quyết tâm như thế nào để củng cố nâng cao quyết tâm cho tốt và tìm ra giải pháp. Từ sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn cho đến cán bộ cơ sở đều có sinh hoạt chính trị như là sinh hoạt ở trên theo chỉ thị của Đại tướng ở hội nghị” - Trung  tướng Đặng Quân Thụy nhớ lại. 

Ngay sau đó đợt sinh hoạt chính trị đã diễn ra ở tất cả các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn cho đến cán bộ cơ sở trên toàn mặt trận, đã củng cố, nâng cao thêm một bước ý chí quyết tâm chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn cho cả chỉ huy và chiến sỹ. Để rồi quân ta lập lên chiến công huyền thoại với chiến thắng cao điểm đồi A1, C1 ngày 6/5/1954, ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trận địa phòng không của quân đội ta ở Điện Biên Phủ đã hoạt động hiệu quả trong việc ngăn chặn việc tiếp tế bằng đường hàng không của Pháp cho tập đoàn cứ điểm. Ảnh Tư liệu/TTXVN phát

Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết: “Rõ ràng sinh hoạt đó đã có tác dụng thực tế ngay ở chiến trường. 26: 18 Các đơn vị tích cực cắt sân bay Điện Biên Phủ. Điện Biên phủ dựa vào sân bay để tiếp tế lương thực để bổ sung quân số ... bây giờ bị cắt sân bay, tàu bay không xuống được thì nguy lắm. Cho nên đó là một biểu hiện quyết tâm còn không phải cắt dễ đâu. Nó đánh, nó mang chiến xa ra phản kích nhưng anh em đánh lại và cắt được sân bay và đã đã đào đường hầm từ chân núi lên để đưa bộc phá gần 1 tấn đi vào và bổ sung thêm hướng tác chiến ngày 6 ta giải quyết được A1 và C1."  

Ở tuổi 94, với nhiều chiêm nghiệm, Trung tướng Đặng Quân Thụy khẳng định, chiến thắng được làm nên bởi sự lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết được toàn dân, đã phát huy được tinh thần quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ và quan trọng là trong những thời khắc khó khăn, những đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng rộng khắp đã thực sự tạo thành sức mạnh to lớn, đây cũng là bài học kinh nghiệm đã được phát huy trong nhiều giai đoạn của đất nước./.

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm; hệ thống hỏa lực mặt đất có 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tướng Na-va coi như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Na-va.

Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 người. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên để bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta đã ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác hơn nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, như là việc tổ chức, bố trí hệ thống hỏa lực chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, pháo của ta kéo vào tập trung tại trận địa, nay lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo. Với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã vượt qua thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.   

Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã diễn ra 3 đợt:

Đợt 1: Từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí dũng cảm tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 01 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; đại tá Pirốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ, bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Na-va hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt, tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 06/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Tên chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.

Nguồn: Tổng hợp.