Cán bộ chính trị trong quân đội là gì

(Bqp.vn) - Trong lịch sử xây dựng, phát triển của quân đội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức của Đảng; coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị của quân đội. Đội ngũ cán bộ chính trị đã hình thành, phát triển và có những cống hiến quan trọng, trong sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị đảm bảo cho quân đội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn này là tranh thủ thời gian để xây dựng, củng cố quân đội nhằm bảo vệ vững chắc miền Bắc, tích cực chuẩn bị lực lượng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị trong giai đoạn này, tháng 3/1958, Trường Lý luận chính trị trực thuộc Tổng cục Chính trị đã phát triển thành Trường Chính trị trung cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam, với nhiệm vụ là tổ chức các khóa đào tạo cơ bản, tập trung dài hạn 3 năm cho cán bộ chính trị trung cấp. Đến năm 1964, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng tăng về số lượng, chất lượng cán bộ chính trị ở các đại đội, tiểu đoàn, Trường Sỹ quan Chính trị sơ cấp đã được thành lập trên cơ sở tách các lớp chính trị khỏi Trường Sỹ quan Lục quân và Sỹ quan Pháo binh. Về sau, Trường Sỹ quan Chính trị sơ cấp đã trở thành hệ đào tạo sỹ quan chính trị sơ cấp thuộc Học viện Chính trị. Như vậy, đến thời điểm này hệ thống đào tạo cán bộ chính trị trong quân đội trở lên hoàn chỉnh, thống nhất hơn. Gắn đào tạo với bồi dưỡng trên cơ sở nắm vững tiêu chuẩn cán bộ công tác bố trí, sắp xếp cán bộ luôn được quan tâm để cán bộ phát huy được năng lực sở trường; luôn có phương án dự trữ hình thành hai hoặc ba lớp kế tiếp nhau để kịp thời đề bạt, cất nhắc, điều động khi cần thiết. “Trong hơn 10 năm từ sau chiến dịch Điện Biên phủ, Đảng bộ Quân đội đã có bước trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng... Đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị và cơ quan trong toàn quân có 8.700 người, chiếm khoảng 25% tổng số cán bộ; chính ủy, chính trị viên xếp đủ biên chế từ cấp chiến dịch xuống đến đơn vị cơ sở là Đại đội và tương đương” [1].

Trong giai đoạn từ 1965 - 1975 xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang lúc này vô cùng nặng nề phức tạp đòi hỏi công tác tư tưởng, tổ chức phải có phát triển nhằm giáo dục, rèn luyện cho bộ đội ý chí chiến đấu đặc biệt là tinh thần dám đánh, quyết đánh, đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng sẵn sàng chịu đựng hy sinh, gian khổ. Vì thế, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cũng có bước phát triển mới, có những điều chỉnh lớn nhằm phù hợp với nhu cầu nhiệm vụ trong chiến tranh.

Trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị ở các trường, trong đó có Học viện Chính trị đã chuyển từ chương trình huấn luyện tương đối cơ bản, có hệ thống sang hướng đào tạo ngắn; nội dung được rút gọn theo tinh thần “làm gì học nấy”, “chiến trường cần gì học nấy”. Về biện pháp thì lấy “ngắn, nhẹ, gọn, thiết thực, linh hoạt là chính (thời gian ngắn, tổ chức gọn nhẹ, chương trình gọn, nội dung thiết thực, biện pháp linh hoạt)” [2]. Một phương thức bồi dưỡng cán bộ chính trị cực kỳ quan trọng trong chiến tranh là phương thức tập huấn cho cán bộ trước mỗi chiến dịch và kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm sau mỗi nhiệm vụ nhằm phục vụ các chiến dịch tiếp theo. Đối với công tác kiện toàn, sắp xếp cán bộ đã chú trọng đáp ứng yêu cầu kịp thời của chiến đấu, trong đó tăng cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu nắm đơn vị, có dự trữ kịp thời thay thế. Đối với đề bạt, bổ sung theo yêu cầu của thời chiến ngày 24/3/1965, Tổng Cục chính trị có tờ trình phương hướng, nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị chuyển hướng cho phù hợp với tình thế và nhiệm vụ cấp bách mới đã chỉ rõ: “Nguồn chủ yếu đề bạt từ dưới lên, qua chiến đấu và công tác; Rút ở trường và cơ quan (trường 1/2, cơ quan 1/3); Đề nghị cho động viên dự bị, một số cán bộ, dân, chính, Đảng, một số cán bộ kỹ thuật chuyên môn ở ngoài vào, một số tỉnh ủy viên và huyện ủy viên để đào tạo thành cán bộ chính trị Tiểu đoàn và Đại đội” [3].

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhằm đảm bảo sự lãnh đạo thường xuyên của các tổ chức đảng, việc tiến hành đại hội đảng các cấp (chủ yếu là cơ sở) vẫn được tiến hành thường xuyên có nền nếp góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong những chiến dịch lớn, lúc khó khăn ác liệt. Các cấp ủy thực sự là hạt nhân lãnh đạo; là chỗ dựa cho người chỉ huy và niềm tin của quần chúng. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ chính trị thường xuyên được quan tâm, củng cố và kiện toàn. Kết quả trong thời gian này: “So với lúc kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, tổng số cán bộ chính trị tăng 4,1 lần. Các chính ủy và chủ nhiệm chính trị làm việc tương đối có bài bản, đã phát huy được trách nhiệm của mình cả trong xây dựng và chiến đấu, hầu hết được tín nhiệm” [4].

Từ những thành tựu xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị phải chấp hành nghiêm chỉnh quan điểm, đường lối, tiêu chuẩn cán bộ, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; tăng cường hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu và phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đây là kinh nghiệm có vai trò quan trọng hàng đầu, bao trùm, xuyên suốt quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực tiễn chiến đấu của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chỉ rõ: để vượt qua những thử thách khốc liệt, ngặt nghèo của chiến tranh, phải có một đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chính trị nói riêng được lựa chọn từ trong công nông; được bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu mới có thể đứng vững được trước mọi khó khăn thử thách và mới hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho. Xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội phải quán triệt, vận dụng tiêu chuẩn cán bộ của Đảng, Quân ủy Trung ương đã xác định về phẩm chất và năng lực. Cũng như những cán bộ khác, cán bộ chính trị phải được chăm lo giáo dục, rèn luyện lập trường của giai cấp công nhân, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, kiến thức, năng lực thì mới hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh. Tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ chính trị phải tuân theo yêu cầu có tính nguyên tắc là: lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân; hoàn toàn nhất trí với đường lối chính trị, quân sự của Đảng; có khả năng tổ chức thực hiện đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết; có tinh thần quốc tế vô sản cao cả; có lối sống lành mạnh. Những tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực đó của cán bộ chính trị phải được biểu hiện ở việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ phụ trách công tác đảng, công tác chính trị.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội ta thực hiện chế độ tập thể đảng ủy lãnh đạo, thủ trưởng quân chính phân công phụ trách thực hiện. Chế độ lãnh đạo, chỉ huy này đòi hỏi người thủ trưởng quân sự (tư lệnh) và chính ủy phải đề cao tính đảng, có phẩm chất, năng lực và phong cách công tác, bảo đảm sự phối hợp thống nhất hành động theo chức trách, thường xuyên giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Quán triệt và chấp hành cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đặc biệt coi trọng việc bố trí, sắp xếp đội ngũ chính ủy, chính trị viên, chủ nhiệm chính trị có đức, tài, đi đôi với củng cố kiện toàn tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp. Người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên đã thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp công tác, thường xuyên nghiên cứu, trao đổi những chỉ thị, nghị quyết của Đảng và mệnh lệnh của cấp trên, phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; bàn bạc thống nhất đề xuất phương án thực hiện sát với tình hình đơn vị để đảng uỷ ra nghị quyết lãnh đạo và đề cao trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thực hiện. Nhờ đó đã phát huy mạnh mẽ hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong các đơn vị quân đội.

Hai là, chủ động, tích cực tạo nguồn, lựa chọn, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu và phát triển lực lượng trong chiến tranh.

Đây là kinh nghiệm rất quan trọng, bảo đảm quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tình hình chiến đấu diễn biến rất khẩn trương, ác liệt, đội ngũ cán bộ chính trị, nhất là ở đơn vị cơ sở có biến động lớn, do bị tổn thất, thương vong. “Có nhiều đại đội trong một chiến dịch phải bổ sung đến ba, bốn lần chính trị viên, đại đội trưởng. Có tiểu đoàn, trung đoàn phải bổ sung một nửa cán bộ. Có cán bộ chưa làm thành thạo chức trách đang phụ trách, đã được giao nhiệm vụ ở vị trí cao hơn” [5]. Nguồn cán bộ chính trị trong chiến tranh chủ yếu là tại chỗ, ở các đơn vị chiến đấu trên chiến trường, song không thể có được một cách tự nhiên mà phải chủ động, tích cực; có kế hoạch toàn diện, lựa chọn, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị đã kịp thời sắp xếp, bổ nhiệm, đề bạt, bảo đảm sự ổn định đội ngũ cán bộ chính trị. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong chiến tranh đã quán triệt cơ chế lãnh đạo của Đảng, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu như: đã mạnh dạn đề bạt cán bộ theo nhu cầu chiến đấu, không lệ thuộc theo niên hạn và độ tuổi quy định. Cấp ủy, cơ quan chính trị các đơn vị ở chiến trường đã tích cực, chủ động chuẩn bị nguồn; lựa chọn hàng ngàn Dũng Sỹ diệt Mỹ, Chiến Sỹ thi đua, anh hùng quân đội... để bồi dưỡng, bố trí làm cán bộ chính trị. Mạnh dạn đề bạt, sử dụng cán bộ mới, cán bộ trẻ, trưởng thành qua chiến đấu đã được rèn luyện, thử thách; tích cực bồi dưỡng cán bộ kế cận, kế tiếp trong thực tiễn chiến đấu; thực hiện có nền nếp kết hợp cán bộ cũ với cán bộ mới; cán bộ già với cán bộ trẻ; cán bộ được đào tạo cơ bản với cán bộ trải qua chiến đấu tích lũy được nhiều kinh nghiệm; đoàn kết, dìu dắt bổ sung cho nhau, cùng hoàn thành nhiệm vụ, nên đã tạo thành sức mạnh để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa không bị hẫng hụt cán bộ chính trị một cách nghiêm trọng. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ chính trị từ phía sau ra phía trước, cơ quan, học viện, nhà trường ở hậu phương ra chiến trường, nên đã kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ chính trị cho yêu cầu chiến đấu.

Trong việc đánh giá cán bộ đã quán triệt quan điểm thực tiễn và phát triển, do yêu cầu nhiệm vụ củng cố tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, nên đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chính trị, nhất là ở cấp cơ sở nói riêng thường được giao trọng trách nặng nề trong điều kiện chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm ở cương vị được bổ nhiệm, đề bạt. Vì vậy, khi xem xét, đánh giá cán bộ nói chung, cán bộ chính trị nói riêng phải xem xét cả quá trình, không thể lấy một việc, căn cứ vào một nhiệm vụ mà quyết định việc nhận xét, đánh giá một cách phiến diện, một chiều. Thực tế cho thấy, có nhiều cán bộ chính trị khi mới nhận nhiệm vụ còn bỡ ngỡ, nhưng được sự dìu dắt, giúp đỡ của cấp ủy, tổ chức đảng, cấp trên, trải qua thực tiễn chiến đấu, nên sau một thời gian ngắn đã có sự trưởng thành nhanh. Sắp xếp cán bộ chính trị cần phù hợp với chuyên môn của từng đơn vị, với chiến trường, binh chủng mà cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm, tránh chéo ngành, chéo nghề... Những nhận thức sai lệch, “điều đi không cho, điều đến không nhận”, hoặc nhận nhưng không tích cực bồi dưỡng và sử dụng; không tin cán bộ chính trị ở nhà trường ra, hoặc ở chiến trường khác đến đã được chấn chỉnh khắc phục kịp thời” [6]. Công tác bồi dưỡng, bảo vệ đội ngũ cán bộ chính trị trong chiến tranh đã được cấp ủy, cơ quan chính trị các cấp coi trọng, từ việc bảo vệ cán bộ về chính trị, bảo đảm an toàn, tránh thương vong không cần thiết trong chiến đấu đến việc chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến gia đình hậu phương cán bộ chính trị nói riêng và đội ngũ cán bộ quân đội nói chung. Chính nhờ tích cực, chủ động tạo nguồn, lựa chọn, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ chính trị nên đã đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phát triển lực lượng rất khẩn trương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ba là, có hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện chiến tranh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được chia ra các giai đoạn. Từ tháng 8/1954 đến hết năm 1964, quân đội ta lấy tập trung đào tạo, bổ túc cán bộ nói chung và cán bộ chính trị nói riêng ở các học viện, nhà trường là chính. Hầu hết cán bộ chính trị trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp đều đã được lần lượt cử về học tập ở các học viện, nhà trường. Nhờ đó trình độ mọi mặt được nâng lên, thực hiện được yêu cầu thời bình chuẩn bị cho thời chiến, giai đoạn trước chuẩn bị cho giai đoạn sau. Từ tháng 3/1965 đến hết năm 1975, chúng ta chủ trương chuyển công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời chiến, lấy bồi dưỡng ngắn hạn là chính để đáp ứng yêu cầu của chiến trường. Đồng thời mở các lớp đào tạo dài hạn theo hướng cơ bản, toàn diện với tỷ lệ thích hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng.

Thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, muốn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị phải biết vận dụng nhiều hình thức, biện pháp, vừa bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ chính trị trong thực tế chiến đấu, công tác, vừa đào tạo, bồi dưỡng tại trường, để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu và xây dựng, phát triển lực lượng.

Trong chiến tranh, lực lượng quân đội phát triển nhanh, yêu cầu về số lượng cán bộ chính trị rất lớn. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị đã kịp thời chuyển hướng, được tiến hành bằng nhiều hình thức, biện pháp, lấy việc bồi dưỡng, rèn luyện trong chiến đấu làm chính. Các đơn vị trên chiến trường đã sử dụng linh hoạt các hình thức bồi dưỡng năng lực công tác Đảng, công tác chính trị cho cán bộ chính trị như: thông qua các cuộc tập huấn, tổng kết chiến dịch, chiến đấu; các cơ quan đơn vị tự bồi dưỡng, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới...; khuyến khích, tạo điều kiện, động viên cán bộ tự bồi dưỡng, tự học tập để nâng cao trình độ của mình. Việc học tại chức, tại trường được tổ chức ở các cấp với nội dung thiết thực và thời gian ngắn theo yêu cầu của chiến đấu.

Năm 1960, quân đội ta đã tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị trong kháng chiến chống Pháp, rút ra những kinh nghiệm có tính nguyên tắc về sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị và những vấn đề cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị mà cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy cần nắm vững để tiến hành có hiệu quả. Tiếp đó ban hành dự thảo Điều lệ công tác chính trị, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy, chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chính trị. Tổng cục Chính trị đã biên soạn các tài liệu về sổ tay công tác chính trị của chính trị viên đại đội; hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu... Đó là những tài liệu có giá trị thiết thực, kịp thời bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm công tác đảng, công tác chính trị cho đội ngũ cán bộ chính trị.

Kinh nghiệm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chỉ rõ: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trước hết phải nắm vững yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng quân đội; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao; khẩn trương kiện toàn, củng cố tổ chức lãnh đạo và tổ chức chỉ huy, tăng cường hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu và phát triển lực lượng. Trong chiến tranh, chiến trường là nơi bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ chính trị; nơi kiểm nghiệm, đánh giá kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị của các cấp và nhà trường. Trong mọi tình huống phải nắm vững đối tượng đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là cán bộ chính trị chủ trì - những chính ủy, chính trị viên, chủ nhiệm chính trị các cấp. Tích cực, chủ động bồi dưỡng cán bộ hiện có, tạo nguồn cán bộ trong thực tiễn chiến đấu, làm cho đội ngũ cán bộ chính trị có lực lượng kế cận, kế tiếp hùng hậu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu và xây dựng lực lượng của quân đội.

Bốn là, giữ vững sự lãnh đạo của cấp ủy và tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cấp trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã quán triệt và chấp hành nghiêm túc, chặt chẽ nguyên tắc, các quy định của Đảng về lãnh đạo công tác cán bộ. “Tiến hành công tác cán bộ về mọi mặt là trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo các cấp, do tập thể đảng ủy quyết định. Từ Quân ủy Trung ương đến cấp ủy cơ sở trực tiếp lãnh đạo công tác cán bộ theo phạm vi, quyền hạn được phân công, phân cấp” [7]. Do yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu rất khẩn trương, để kịp thời củng cố tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, Quân ủy Trung ương đã mở rộng quyền hạn cho các cấp trong công tác quản lý, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, nên đã tạo điều kiện cho các cấp phát huy đầy đủ trách nhiệm, kịp thời giải quyết những nhu cầu khẩn trương về cán bộ [8]. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp đã coi việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chính trị nói riêng là khâu then chốt nhất. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương về công tác cán bộ và kế hoạch công tác cán bộ của Tổng cục Chính trị đều được các đơn vị quán triệt và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Công tác nhận xét cán bộ hàng năm, qua các nhiệm vụ, qua những đợt hoạt động và chiến dịch đã được các cấp ủy thường xuyên coi trọng. Cấp ủy và thủ trưởng cấp trên trực tiếp nhận xét cán bộ cấp dưới về hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chi bộ đảng nhận xét ý thức đảng, mối liên hệ với quần chúng và lối sống của cán bộ. Nhờ vậy, trong điều kiện chiến tranh, sự chỉ đạo có khó khăn, nhưng toàn quân đã bảo đảm lựa chọn, sử dụng đúng và phát huy phẩm chất, tài năng của cán bộ chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở giữ vững sự lãnh đạo của các cấp ủy đã thực hiện tốt việc đề cao trách nhiệm của thủ trưởng về công tác cán bộ. Người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên đã đề cao trách nhiệm trong việc nắm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ đề xuất các phương án về công tác cán bộ để cấp ủy thảo luận và quyết định, sau đó tổ chức thực hiện.

Từ kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị hiện nay phải đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội thời bình và chuẩn bị cho thời chiến. Hiện nay, quân đội ta thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên. Vì vậy, phải khẩn trương đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính ủy, chính trị viên theo phương châm toàn diện, cơ bản, hệ thống, thống nhất, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức toàn diện, năng lực công tác đảng, công tác chính trị giỏi, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

[1] - Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam: Lịch sử Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, (1955 - 1975), Nxb. QĐND, Hà Nội, 2010, t.2, tr.324.

[2] - Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Cục chính trị - Quá trình hình thành tổ chức và chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội (Biên niên sự kiện và tư liệu), Nxb QĐND, Hà Nội, 1998, Quyển 2 (1965 - 1975), t.2, tr.33.

[3] - Sđd, tr.14.

[4] - Tổng cục Chính trị: Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội, 1990, tr.99.

[5] - Sđd, tr.232.

[6] - Sđd, tr.235.

[7] - Sđd, tr.239 - 240.

[8] - Sđd, tr.240.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh, Giám đốc Học viện Chính trị