Cách ngâm nấu chè dưỡng nhan

Từ lâu, chè dưỡng nhan được xem như sự kết hợp độc đáo giữa các dược liệu quý báu. Không chỉ gồm các thực phẩm bổ dưỡng mà theo ghi chép của các tài liệu cổ, loại chè này còn là “thần dược” cho phái đẹp, giúp bảo dưỡng nhan sắc, da dẻ láng mịn, hồng hào… Bây giờ, cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai khám phá về bí ẩn của món ăn này, cũng như cách nấu chè dưỡng nhan thơm ngon nhé.

Nội dung bài viết

Chè dưỡng nhan là gì?

Từ xa xưa, dân gian thường biết đến chè dưỡng nhan với nhiều tên gọi khác nhau như trà dưỡng nhan, chè tuyết yến nhựa đào…

Theo ghi chép của sách cổ, chè dưỡng nhan có nguồn gốc từ cung đình Trung Quốc. Tại đây, các mỹ nữ và phi tần đều khao khát mãnh liệt về vẻ đẹp rạng rỡ, nhan sắc trường tồn. Chính vì nhu cầu đó mà các ngự y trong cung đã phải mất nhiều công sức nhằm nghiên cứu các liệu pháp bảo dưỡng sắc đẹp và chè dưỡng nhan là một trong số đó. Dần theo thời gian, cách nấu chè dưỡng nhan được lưu hành trong dân gian, nhận được sự ưa chuộng và lưu hành đến ngày nay.

Trong nhiều tài liệu ghi chép về cách nấu chè dưỡng nhan, phiên bản đầu tiên gồm 15 thành phần. Tuy nhiên, không phải loại thảo dược nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm ở một số địa phương, thậm chí vài thứ còn khá đắt đỏ. Chính vì vậy, một vài nơi, trong đó có Việt Nam, đã biến tấu chúng, sao cho phù hợp với tình hình thực tế, vừa vẫn giữ được giá trị của món ăn này.

Hầu hết, thực khách sau khi thưởng thức món chè này đều cảm nhận được sự hài lòng đến từ nhiều giác quan. Từ sự bắt mắt, hài hòa của nguyên liệu đến vị ngọt thanh, dễ ăn, ngon miệng của hương vị.

Chè dưỡng nhan gồm nguyên liệu nào?

Hiện nay, ở nước ta, nhân dân thường làm chè dưỡng nhan với 7 thảo dược chính gồm: tuyết yến, nhựa đào, táo đỏ, câu kỷ tử, tuyết liên tử, long nhãn, quế hoa…

Bên cạnh đó, tùy vào khẩu vị từng cá nhân mà có thể gia giảm thêm một số nguyên liệu như hạt chia, hạt é, hạt sen, bạch quả, nấm tuyết… nhằm làm tăng thêm giá trị dinh dưỡng và sự ngon miệng.

Thực tế, hàm lượng của các nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan thay đổi linh hoạt, theo từng sở thích. Có thể tham khảo công thức với nguyên liệu và hàm lượng sau:

  • Tuyết yến: 10-15 g.
  • Nhựa đào: 10-15 g.
  • Táo đỏ khô: 10-15 g.
  • Câu kỷ tử: 15-20 g.
  • Tuyết liên tử (còn gọi là hạt bồ mễ): 10-15g.
  • Long nhãn: 15-30 g.
  • Quế hoa: 10-15 g.

Ngoài ra, có thể gia thêm:

  • Bạch quả 15 g.
  • Hạt sen tươi: 50 g.
  • Hạt é hay hạt chia: 10 g.
  • Nấm tuyết: 1 tai.
  • Đường phèn: 100-300 g (tùy khẩu vị).
  • Lá dứa: 10-15 g (nếu có).
Cách ngâm nấu chè dưỡng nhan
Một số nguyên liệu thường gặp trong chè dưỡng nhan

Cách nấu chè dưỡng nhan

Sơ chế

Đây là bước khá quan trọng, nhằm loại bỏ đi các tạp chất cũng như độc tính của dược liệu.

Đối với tuyết yến, nhựa đào và nấm tuyết nên ngâm trong nước khoảng 12 giờ, hoặc để qua đêm. Cho đến khi chúng nở bung, mềm ra hay sờ tay thấy không còn cứng nữa là được. Sau đó, đem chúng đi rửa sạch, loại bỏ tạp chất, bụi bẩn (nếu có), để khô ráo.

Với táo đỏ, nên ngâm nước trước, có thể để nguyên trái hay cắt thành phần nhỏ.

Tuyết liên tử (bồ mễ) cần được ngâm trong nước khoảng 10-15 phút cho đến khi nở ra, chuyển dần thành trắng đục mờ, dính là được. Tương tự hạt é, hạt chia cũng nên đem xả dưới vòi nước rồi ngâm khoảng 5 phút, cho chúng nở ra.

Nếu có sử dụng hạt sen tươi, bạch quả và không thích vị đắng, có thể bỏ phần tim ra. Mặt khác nếu dùng hạt sen khô nên ngâm trước khi nấu.

Các nguyên liệu còn lại như long nhãn, câu kỷ tử đem rửa sạch, riêng đường phèn nên giã thành từng miếng nhỏ.

Chế biến

Có thể tham khảo cách nấu chè dưỡng nhan, theo các bước sau đây:

  • Đổ khoảng 1-1,5 lít nước vào nồi và nấu với lửa vừa. Tiếp theo cho lần lượt các nguyên liệu sau vào hạt sen, táo đỏ, tuyết liên tử, nấu sôi trong 15 phút.
  • Khi hạt sen bắt đầu mềm cho câu kỷ tử, đường phèn, lá dứa, long nhãn, bạch quả, nấm tuyết… vào nồi, tiếp tục nấu khoảng 3-5 phút.
  • Trong quá trình nấu, không nên để nước quá sôi, dễ trào ra ngoài, đồng thời cần vớt bọt và chỉ trong đường phèn.
  • Tiếp tục vớt lá dứa ra rồi cho tuyết yến, nhựa đào, hạt chia hoặc hạt é…đến khi sôi và thành phần nở ra.
  • Cuối cùng, trước khi tắt bếp, ta có thể cho thêm quế hoa, nhằm làm tăng hương vị món ăn.
Cách ngâm nấu chè dưỡng nhan
Cách nấu chè dưỡng nhan khá đơn giản và dễ làm

Công dụng của chè dưỡng nhan

Các nguyên liệu trong chè dưỡng nhan có công dụng gì?

1. Tuyết yến

Là phần dịch từ lõi cây Gum Tragacanth, nguyên liệu khá đặc biệt, được xem là tổ yến thực vật. Theo các ghi chép, chúng xuất hiện ở phía Bắc và Tây Nam của châu Á, phía Đông Địa Trung Hải, cùng với một số nơi như Ấn Độ, Việt Nam, Lào…

Dược liệu khô có màu trắng trong, vị chua, nhưng nếu ngâm trong nước thì sẽ không còn chua nữa. Sau một thời gian, tuyết yến bị oxi hóa sẽ chuyển dần sang màu đỏ, với dạng sợi dài.

Giá trị dinh dưỡng: giàu acid tự nhiên, vitamin và các chất như D-galactose, D-xylose, D-galacturonic, L-arabinose và L-rhamnose… Chính vì gồm nhiều hoạt chất có lợi mà tuyết yến giúp ổn định mỡ máu, giảm các nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp, thanh lọc cơ thể, tăng sản sinh collagen, làm săn chắc da, hỗ trợ giấc ngủ…

Nên sơ chế tuyết yến trước khi nấu bằng cách ngâm chúng trong nước khoảng 12 giờ.

2. Nhựa đào

Là chất nhựa từ vỏ cây đào tiết ra, thường thu hoạch vào mùa hè. Sau khi rửa sạch và sấy khô, chúng có hình tròn, màu vàng trong suốt và hầu như không mùi.

Giá trị dinh dưỡng: amino acid, rhamnose, α-glucuronic acid, collagen, galactose, carbohydrate, chất béo, protein…

Thực tế khi nói đến công dụng của nguyên liệu này, vẫn còn khá nhiều tranh cãi.

  • Theo ghi chép trong các tài liệu xưa, nhựa đào có lợi cho nhan sắc, tăng độ đàn hồi, giúp da sáng mịn, ngừa nếp nhăn. Không chỉ như vậy chúng còn hỗ trợ đường tiểu, lợi tiêu hóa, giảm sỏi, mát gan, thải độc cơ thể…1
  • Ngược lại, cũng có một số ý kiến của chuyên gia cho rằng, nhựa đào có độc tính, không có tác dụng làm đẹp thần thánh. Hơn nữa, khi sử dụng lâu dài hoặc dùng trên các đối tượng như trẻ em, lớn tuổi, suy nhược, thai phụ, có bệnh lý đường tiêu hóa nặng… sẽ dẫn đến khó tiêu, dị ứng, tích tụ nhiều rủi ro khác gây hại cho sức khỏe.2

Như vậy, có lẽ cần phải có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa về tác dụng của dược liệu này đối với sức khỏe con người. Hiện tại, người dùng nên cân nhắc khi sử dụng chúng trong chế biến. Có thể loại bỏ hoặc thay thế nhựa đào bằng các nguyên liệu khác vừa có lợi ích tương tự, không ảnh hưởng xấu đến cơ thể, đồng thời vẫn giữ được hương vị món ăn trọn vẹn.

Cách ngâm nấu chè dưỡng nhan
Có thể loại bỏ hoặc thay thế nhựa đào bằng các nguyên liệu khác có hiệu quả tương tự

3. Táo đỏ

Là dược liệu phổ biến trong y học cổ truyền, có vị ngọt, sắc đỏ, nhiều lợi ích. Với nhiều tác dụng phong phú như kiện tỳ vị, ích khí, tăng cường hệ miễn dịch, săn chắc da, chống oxy hóa…

Giá trị dinh dưỡng: giàu acid béo, protein, polysacarit, vitamin A, B, C, khoáng chất như calcium, sắt…1 3

4. Câu kỷ tử

Dược liệu là quả khô có vỏ nhăn, thường màu đỏ, kích thước nhỏ như hạt đậu, vị ngọt. Câu kỷ tử là một trong các vị thuốc bổ Can, Thận âm, bổ khí huyết, mạnh mẽ,… Bên cạnh đó, vị thuốc còn tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cơ thể, hỗ trợ trí nhớ, thị lực, an thần, tăng độ đàn hồi của da, chậm quá trình lão hóa, lợi thị lực, giảm đường huyết…

Giá trị dinh dưỡng: giàu các loại đường, polysacarit, carotene, betaine, khoáng chất, axit amin, vitamin B1, B2,… trong đó hàm lượng vitamin C là 42 mg/100g.

5. Tuyết liên tử

Còn có tên gọi khác là hạt bồ mễ, tạo giác mễ, là hạt của cây bồ kết… Bình thường hạt nhỏ, có màu vàng nhạt, trong. Sau khi được ngâm vào nước sẽ nở ra, chuyển dần thành trắng đục mờ, vị ngọt, độ dính cao, nhiều dinh dưỡng. Tuyết liên tử được xem là một trong những thành phần không thể thiếu của chè dưỡng nhan. Với nhiều lợi ích như bổ dưỡng tâm, an thần, bổ khí, nhuận tràng, ổn định huyết áp…

Giá trị dinh dưỡng dồi dào gồm cacbohydrat, acid amin, chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất béo ít…1

6. Long Nhãn

Long nhãn là phần thịt của quả nhãn được sấy khô, có vị ngọt, bổ dưỡng. Không ai có thể phủ nhận được công dụng của vị thuốc như bổ Tâm, dưỡng Tỳ, an thần, bổ khí huyết, hỗ trợ trí nhớ, lợi tiêu hóa, thanh lọc cơ thể…

Giá trị dinh dưỡng gồm nước 0,85%, độ tro 3,36%, đường sacarose, glucose, sắt, vitamin C, adenine, choline…3

7. Quế hoa

Còn có tên gọi khác là đan quế, hoa mộc, với sắc vàng nhạt, trắng,…và hương thơm quyến rũ. Trong thời cung đình xưa, đây là nguyên liệu chính của các món tráng miệng mà vua chúa, phi tần yêu thích, đặc biệt là các món chè dưỡng nhan, bánh quế hoa… Không chỉ mang đến vẻ đẹp độc đáo để trang trí mà đây còn là thực phẩm bổ dưỡng, hỗ trợ hệ miễn dịch, cải thiện kết cấu da, trợ hô hấp, thư giãn tinh thần, lợi răng miệng, tiêu hóa…1

Các nguyên liệu khác

Hạt chia được công nhân là loại hạt giàu đạm, vitamin, khoáng chất, chất béo, chất xơ,… Có thể kể đến như canxi, photpho, omega-3, omega-6, omega-9, selenium, vitamin B1, vitamin B3… Loại hạt nhỏ nhắn này vừa hỗ trợ hệ tiêu hóa, nhuận tràng, vừa làm chậm quá trình lão hóa, chống oxy hóa cao.

Hạt sen với các thành phần đa dạng như glucozid, vitamin B, C, enzyme chống oxy hóa… Không chỉ giúp an thần, hỗ trợ giấc ngủ mà chúng còn giúp ngăn ngừa nếp nhăn, phục hồi các protein bị tổn thương của da… Khi thưởng thức hạt sen có vị ngọt thanh, giòn, tươi mát,… Theo một số kinh nghiệm, khi sử dụng hạt sen khô thì màu nước chè sẽ trong hơn hạt tươi.4

Nấm tuyết (bạch mộc nhĩ, tuyết nhĩ…) là thực phẩm với nhiều dưỡng chất đa dạng như cacbohydrat, protein, vitamin A, vitamin B, khoáng chất như đồng, canxi, kẽm… Điều này có công dụng hiệu quả đối với làn da xỉn màu, nhiều nếp nhăn… Hơn nữa, chúng còn hỗ trợ hệ tim mạch, tiêu hóa, đồng thời tăng sức đề kháng cơ thể…

Bạch quả là loại quả có vị ngọt, giúp tăng tuần hoàn máu, tốt cho hệ tim mạch, tăng cường trí nhớ… Đồng thời, theo đông y, dược liệu này còn hỗ trợ ích khí, ích Phế, tiêu đờm, hoạt huyết…1 3

Cách ngâm nấu chè dưỡng nhan
Ngoài các nguyên liệu chính, ta có thể sử dụng thêm các loại hạt chia, hạt sen, bạch quả…

Công dụng của chè dưỡng nhan

Như vậy, mỗi nguyên liệu trong món ăn đều mang giá trị dinh dưỡng và khả năng trị bệnh cao. Vì vậy, khi kết hợp chúng với nhau thành chè dưỡng nhan, thì công dụng được tăng thêm nhiều lần.

  • Bổ sung collagen, tăng độ đàn hồi da, tạo mô liên kết… từ đó chậm quá trình lão hóa và hình thành nếp nhăn, giữ nhan sắc tươi trẻ…
  • Thanh nhiệt, thanh lọc cơ thể, lợi tiểu, hỗ trợ giấc ngủ, thư giãn tinh thần.
  • Giàu chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất có lợi cho sức đề kháng của cơ thể.
  • Hỗ trợ hệ tim mạch do giảm lượng cholesterol xấu. Bên cạnh đó, món ăn này khiến người dùng no lâu hơn, từ đó làm giảm lượng thức ăn cũng như chất béo nạp vào cơ thể.
  • Các nguyên liệu chứa nhiều chất xơ, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, nhuận tràng, giảm tích trữ mỡ thừa…
Cách ngâm nấu chè dưỡng nhan
Chè dưỡng nhan cung cấp lượng collagen dồi dào, tăng độ đàn hồi da, chống lão hóa…

Một số lưu ý và cách bảo quản chè dưỡng nhan

Các đối tượng không nên sử dụng chè dưỡng nhan

Phụ nữ đang mang thai, đặc biệt trong 5 tháng đầu của thai kỳ. Bởi một số nguyên liệu có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mẹ và bé như nhựa đào, bạch quả…

Người già, suy kiệt, trẻ em nhỏ (dưới khoảng 1 tuổi).

Do chè dưỡng nhan thiên về tính hàn nên người có triệu chứng tiêu hóa như lạnh bụng, tiêu chảy… không nên sử dụng.

Liều lượng

Không nên ăn quá nhiều món này, mỗi tuần không nên ăn quá 3 chén. Cụ thể, mỗi lần khoảng 100 ml/ngày, bởi dùng quá nhiều dễ gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa…

Các lưu ý khác

Lựa chọn các nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt.

Cả 2 loại đường phèn và đường cát đều có thể sử dụng để nấu chè. Tuy nhiên, đường phèn vẫn là sự lựa chọn tối ưu hơn với nhiều lợi ích hơn đường cát.

Bên cạnh đó, năng lượng của chè dưỡng nhan phụ thuộc lớn vào hàm lượng đường cho vào. Chính vì vậy, đối với các đối tượng cần giảm cân, béo phì, đái tháo đường… nên điều chỉnh lượng thành phần này. Điều này nhằm tránh tình trạng tăng đường huyết, cũng như tích trữ mỡ xấu do thừa năng lượng.

Bảo quản

Sau khi dùng, nên để chè dưỡng nhan trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong 3 – 5 ngày sau đó. Bằng cách này, ta sẽ bảo quản được hương vị của chè lâu hơn. Mặt khác, nếu để ở nhiệt độ thường, mát mẻ, thì có thể để chè được khoảng 1 ngày.

Có thể nói rằng, chè dưỡng nhan là sự hòa quyện hài hòa của nhiều loại dược liệu, thỏa mãn nhiều giác quan khi thưởng thức. Hơn nữa, chúng vừa có giá trị dinh dưỡng, đồng thời hiệu quả tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, món ăn còn đa dạng cách nấu, có thể biến tấu để phù hợp với từng đối tượng. Hi vọng bài viết đã cung cấp một số kiến thức về công dụng và cách nấu chè dưỡng nhan để bạn đọc tham khảo và ứng dụng.

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Nhiều tác giả (2004). Phần Cây thuốc, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, trang 154, 245, 362, 730, 744, 923.