Cách chữa bệnh rối loạn tiêu hóa ở chó

Nếu bạn đang nuôi chó thì hẳn tình trạng chó bị tiêu chảy không còn quá xa lạ với bạn phải không? Và nếu bạn đang đọc bài viết này hẳn là bé cún của bạn đang gặp vấn đề tiêu hóa. Tiêu chảy ở chó có thể nhẹ không cần điều trị mà vẫn tự khỏi, nhưng cũng có những trường hợp tình trạng tiêu chảy diễn ra nghiêm trọng uy hiếp đến tính mạng của bé và cần điều trị càng sớm càng tốt. Vì vậy bác sĩ Trung sẽ cùng các bạn tìm hiểu các bước xử trí khi thú cưng của các bạn gặp tình trạng tiêu chảy nhé.

Các nguyên nhân khiến chó bị tiêu chảy?

Trên thực tế rất khó để xác định chính xác được ngay các nguyên nhân khiến cún bị tiêu chảy, đặc nhiều nguyên nhân để phát hiện được cần đến chuyên môn của các bác sĩ thú y. Mình cùng điểm qua các nguyên nhân phổ biến nhất khiến chó bị tiêu chảy các bạn nhé:

  1. Chó ăn phải các thực phẩm không tốt như thức ăn ôi thiu, chất bẩn, các loại thực phẩm nhiều chất phụ gia kích ứng đường tiêu hóa,… tình trạng này còn hay được gọi là Rối loạn tiêu hóa
  2. Nhiễm khuẩn tiêu hóa do các loại Vi khuẩn, nấm hoặc vi sinh vật đơn bào. Bệnh nhiễm trùng đường ruột lây bệnh chủ yếu qua đường ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm, nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh.
  3. Nhiễm virus gây tiêu chảy như Parvo virus, bệnh Care do Distemper virus, Corona virus….
  4. Nhiễm các loại ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun móc, sán dây….
  5. Ngộ độc do ăn phải các chất độc như bả chó, các loại hóa chất như nước lau sàn, nước tẩy rửa hoặc ăn phải các loại thức ăn không dung nạp được
  6. Dị ứng thức ăn do đường ruột bị kích thích bởi một loại thực phẩm nào đó, thường là thịt động vật
  7. Các vấn đề khác trong cơ thể như Viêm tử cung, suy gan, lồng tắc ruột… cũng dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở chó

Việc phân loại nguyên nhân khiến chó bị tiêu chảy là bước quan trọng và bắt buộc phải làm để có thể tiến hành xử lý điều này tốt nhất nên được tiến hành bởi các bác sĩ thú y là tốt nhất hoặc ít nhất bạn cần xin ý kiến của các bác sĩ thú y nếu không có điều kiện cho thú cưng bị tiêu chảy đi khám bệnh. Dưới đây mình sẽ chia sẻ một số mẹo quan trọng giúp bạn nhanh chóng phân loại và đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh đối với thú cưng:

  1. Thường rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng thức ăn sẽ gây tiêu chảy nhẹ đến vừa, có thể kèm theo nôn ít (1 – 2 lần/ngày). Phân chó bị lỏng nhưng không có mùi tanh do không bị xuất huyết tiêu hóa, thú cưng không bị mệt và vẫn thèm ăn. Đôi khi tình trạng tiêu chảy do Rối loạn tiêu hóa sẽ tự khỏi sau 1-2 ngày mà không cần điều trị, hoặc chỉ cần điều trị trong 1 thời gian ngắn. Dị ứng thức ăn sẽ khó phân biệt hơn, sẽ chỉ khỏi nếu đổi hẳn sang cho ăn thức ăn khác không còn gây dị ứng nữa.
  2. Viêm ruột do nhiễm virus gây tiêu chảy thư Parvo, Care… Cún của bạn sẽ mệt đi rất nhanh và sẽ có 2 trong 3 hoặc cả 3 dấu hiệu sau đây. Chó bị bỏ ăn, nôn nhiều (trên 3 lần/ngày), tiêu chảy phân lỏng nhiều lần, phân ban đầu có thể chưa có máu nhưng sẽ chuyển dần sang màu nâu đỏ do xuất huyết đường ruột, phân mùi rất tanh.
  3. Viêm ruột do vi khuẩn đôi khi nghiêm trọng, đôi khi lại nhẹ. Chó có thể tiêu chảy nhiều, phân có lẫn ít máu nhưng không bị mệt nhiều như nhiễm virus và có thể điều trị tại nhà bằng thuốc uống nếu các triệu chứng nôn và tiêu chảy không quá nghiêm trọng
    Cách chữa bệnh rối loạn tiêu hóa ở chó
    Chó bị tiêu chảy do Parvo virus

Các vấn đề khác khiến chó bị tiêu chảy như suy gan, tắc ruột, uống phải hóa chất, nhiễm giun sán… sẽ cần bác sĩ thú y kiểm tra kĩ lưỡng bằng biện pháp siêu âm khi khám bệnh và các xét nghiệm chuyên sâu khác.

Các bạn cần lưu ý, khi thú cưng tiêu chảy nhưng vẫn nhanh nhẹn tỉnh táo và thèm ăn bạn có thể xin lời khuyên bác sĩ và cho cún uống thuốc tại nhà. Tuy nhiên nếu thú cưng bị tiêu chảy kèm theo chó bị bỏ ăn thì nên cho bé đi khám bác sĩ thú y luôn thay vì cho uống thuốc vì chỉ có các vấn đề nghiêm trọng cún rất mệt thì mới bỏ ăn.

Đặc biệt với các bé cún dưới 1 tuổi và chưa tiêm phòng vaccine đầy đủ mà bị tiêu chảy thì cần nghĩ đến vấn đề bé bị bệnh truyền nhiễm như bệnh Parvo, bệnh Care,… và nên cho thú cưng đi khám sớm để được điều trị kịp thời các bạn nhé.

Cách điều trị chó bị tiêu chảy?

Nếu thú cưng tiêu chảy nhẹ, ít hơn 3 lần một ngày, không nôn hoặc chỉ nôn từ 1-2 lần mỗi ngày và vẫn thèm ăn thì bạn có thể thử tiến hành điều trị tại nhà, điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đưa bé đi khám bệnh. Bạn có thể cho thú cưng uống thuốc tại nhà theo đơn thuốc dưới đây và cho uống liên tục 7 ngày các bạn nhé (đây là các thuốc bạn có thể mua rất dễ dàng tại các hiệu thuốc tây, chi phí thuốc không đắt đâu bạn nha):

  1. Augmentin 250mg (dạng gói bột pha): một gói dùng cho cún từ 10 – 15kg (nếu cún bạn 5kg thì uống khoảng 1/3 gói/ngày), cho uống 2 lần sáng tối. Đây là thuốc dạng bột pha nên mỗi lần uống bạn chỉ cần pha thuốc với khoảng 5-10ml (khoảng cỡ 1 chén rượu) và bơm cho cún uống bằng xilanh.
  2. Metronidazole 250mg (dạng viên nén): một viên dùng cho cún 10kg (bạn bẻ thuốc theo đúng cân nặng tránh quá hoặc thiếu liều), cho uống ngày 2 lần bằng cách nhét trực tiếp vào họng cho cún uống hoặc giã nát và trộn với cơm.
  3. Thuốc bao niêm mạc ruột Smecta (dạng bột pha nước): bạn có thể dùng nếu thấy cún tiêu chảy nhiều lần, phân loãng hoặc lẫn máu. Một gói cho cún 10kg, ngày uống 2 – 3 lần tùy mức độ nặng nhẹ, bơm cho cún bị tiêu chảy uống bằng xilanh
  4. Thuốc cầm nôn Pantoprazone 40mg (chỉ dùng nếu cún bị nôn nhiều hoặc nôn dịch màu nâu đỏ): một viên cho cún 30 – 40kg (liều cao nên không thích hợp cho các cún bé), ngày chỉ uống 1 lần trước bữa ăn.

Các biện pháp hỗ trợ chó bị tiêu chảy?

  1. Nhịn ăn 12 – 18 tiếng để ruột nghỉ ngơi sau đó cho ăn nhẹ bằng cháo và chia làm nhiều bữa nhỏ, không cho ăn nhiều 1 lúc, có thể cho ăn cháo bí ngô để tốt cho hệ tiêu hóa (cả trong trường hợp táo bón và tiêu chảy).
  2. Men tiêu hóa Enterogemina hoặc các loại men tiêu hóa tương tự: bạn nhỏ trực tiếp vào miệng cho cún uống hoặc nhỏ vào thức ăn của cún.

Mình xin lưu ý với tư cách một bác sĩ thú y mình không khuyến cáo các bạn tự điều trị cho thú cưng tại nhà khi không có lời khuyên hoặc chỉ dẫn của các bác sĩ thú y, đơn thuốc trên sẽ giúp điều trị thành công các tình trạng tiêu chảy từ nhẹ đến vừa do các nguyên nhân rối loạn tiêu hóa, nhiễm vi khuẩn đường ruột nhưng không hiệu quả trong tất cả các trường hợp, không được dùng khi thú cưng đã tiêu chảy và nôn ói nặng.

Chó bị tiêu chảy nặng phải làm sao?

Trường hợp CHÓ BỊ TIÊU CHẢY NẶNG, đặc biệt chó con tiêu chảy bạn nên cho thú cưng đến khám bác sĩ thú y càng sớm càng tốt vì tiêu chảy nhiều sẽ khiến cún bị mất nước, và cần phải truyền dịch. Nếu khám và điều trị chậm trễ thú cưng có thể sẽ tử vong hoặc tình trạng tiêu chảy sẽ nghiêm trọng hơn. Trên thực tế có rất nhiều khách hàng của mình vì cố điều trị cho chó bị tiêu chảy tại nhà mà làm trậm trễ thời gian tốt nhất để cứu chữa cho các bé dẫn đến hậu quả đáng buồn.

Cách chữa bệnh rối loạn tiêu hóa ở chó
Chó nôn ói và tiêu chảy ra giun

Ngoài ra các nguyên nhân khác như dị ứng thức ăn, tiêu chảy do suy gan, viêm đại tràng,… uống thuốc sẽ không có hiệu quả, nếu cún của bạn uống thuốc 3 – 5 ngày không đỡ thì nên khám bác sĩ để xác định lại nguyên nhân để điều trị hiệu quả hơn bạn nhé.

Và đó là những điều cơ bản nhất bạn cần biết về nguyên nhân cũng như hướng xử trí khi thú cưng của bạn, đặc biệt là chó con bị tiêu chảy. Nếu như bạn cần được tư vấn cụ thể hơn về vấn đề thú cưng bị tiêu chảy bạn có thể liên lạc với bác sĩ Trung qua Zalo: 0987.90.1221 hoặc 0397.97.1221 (hoàn toàn miễn phí). Bạn cũng có thể Theo dõi Fanpage của bác sĩ Trung và Kênh Youtube của bác sĩ Trung để liên tục cập nhật thêm kiến thức chăm sóc – điều trị và các thông tin thú vị về chó mèo các bạn nhé.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về bệnh trên thú cưng qua trang Web uy tín số một Thế Giới về sức khỏe thú cưng tại đây: https://vcahospitals.com/

Bạn có thể xem thêm về cách dạy chó đi vệ sinh đúng chỗ qua bài viết dưới đây: https://eravet.vn/cach-de-day-cho-con-di-ve-sinh-dung-cho-de-dang/