Các nguyên tắc kế toán và đạo đức năm 2024

Theo Quyết định 87/2005/QĐ-BTC, Bộ Tài Chính ban hành và công bố các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán việt nam bao gồm 7 nguyên tắc cơ bản sau:

1. Độc lập:

Độc lập là nguyên tắc hành nghề cơ bản của kiểm toán viên. Tính độc lập bao gồm:

  1. Độc lập về tư tưởng – Là trạng thái suy nghĩ cho phép đưa ra ý kiến mà không chịu ảnh hưởng của những tác động trái với những đánh giá chuyên nghiệp, cho phép một cá nhân hành động một cách chính trực, khách quan và có sự thận trọng nghề nghiệp.
  1. Độc lập về hình thức – Là không có các quan hệ thực tế và hoàn cảnh có ảnh hưởng đáng kể làm cho bên thứ ba hiểu là không độc lập, hoặc hiểu là tính chính trực, khách quan và thận trọng nghề nghiệp của nhân viên công ty hay thành viên của nhóm cung cấp dịch vụ đảm bảo không được duy trì.

2. Chính trực:

Người làm kiểm toán phải thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng. Tính chính trực còn nhấn mạnh đến sự công bằng và sự tín nhiệm.

3. Khách quan:

Người làm kiểm toán phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị. Cần tránh các mối quan hệ dẫn đến sự thành kiến, thiên vị hoặc bị ảnh hưởng của những người khác có thể dẫn đến vi phạm tính khách quan, không nên nhận quà hoặc tặng quà, dự chiêu đãi hoặc mời chiêu đãi đến mức có thể làm ảnh hưởng đáng kể tới các đánh giá nghề nghiệp hoặc tới những người mình cùng làm việc.

4. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng:

Người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, với sự thận trọng cao nhất và tinh thần làm việc chuyên cần. Kiểm toán viên có nhiệm vụ duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý và các tiến bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc

5. Tính bảo mật:

Người làm kiểm toán phải bảo mật các thông tin có được trong quá trình kiểm toán; không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào khi chưa được phép của người có thẩm quyền, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp của mình.

6. Tư cách nghề nghiệp:

Người làm kiểm toán phải trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được gây ra những hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp.

7. Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn:

Người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán theo những kỹ thuật và chuẩn mực chuyên môn đã quy định trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam quy định của Hội nghề nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được nhất quán và duy trì theo nguyên tắc nghề nghiệp đề ra thì Kiểm toán viên luôn phải trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ để có thể đáp ứng được:

– Yêu cầu về học vấn, đào tạo và kinh nghiệm làm nghề kiểm toán.

– Các yêu cầu về cập nhật chuyên môn liên tục.

– Các quy định về bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp.

– Các chuẩn mực nghề nghiệp và quy định về thủ tục soát xét.

– Các quy trình kiểm soát của Hội nghề nghiệp hay của cơ quan quản lý nhà nước và các biện pháp kỷ luật.

Kiểm soát từ bên ngoài do một bên thứ ba được ủy quyền hợp pháp đối với các báo cáo, tờ khai, thông báo hay thông tin do người làm kiểm toán lập. Thông qua đó mới có thể đáp ứng được yêu cầu của 7 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp nói trên.

Tuy nhiên, năm 2015, sau khi Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ra đời, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 70/2015/TT-BTC quy định chung về các nguyên tắc đạo đức cơ bản áp dụng cho kế toán, kiểm toán viên hành nghề như sau:

1. Tính chính trực:

Phải thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh;

2. Tính khách quan:

Không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc bất cứ ảnh hưởng không hợp lý nào chi phối các xét đoán chuyên môn và kinh doanh của mình;

3. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng:

Thể hiện, duy trì sự hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cần thiết nhằm đảm bảo rằng khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chuyên môn có chất lượng dựa trên những kiến thức mới nhất về chuyên môn, pháp luật và kỹ thuật, đồng thời hành động một cách thận trọng và phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng;

4. Tính bảo mật:

Phải bảo mật thông tin có được từ các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh, vì vậy, không được tiết lộ bất cứ thông tin nào cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của bên có thẩm quyền, trừ khi có quyền hoặc nghĩa vụ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật hoặc cơ quan quản lý hoặc tổ chức nghề nghiệp, và cũng như không được sử dụng thông tin vì lợi ích cá nhân của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp hoặc của bên thứ ba;

5. Tư cách nghề nghiệp:

Phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.