Bóng chuyền bãi biển nữ thế giới 2023

28 Tháng Chín 2009

Bóng chuyền bãi biển Việt Nam phấn đấu duy trì vị trí tốp 3 nước đứng đầu khu vực

Bóng chuyền bãi biển (BCBB) Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố nhằm giữ vững vị trí nằm trong tốp 3 nước đứng đầu của khu vực Đông Nam Á (hiện nay, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đứng sau Thái Lan và Indonesia). Để thực hiện được mục tiêu đó và phát triển hơn nữa Bóng chuyền bãi biển tại Việt Nam, Bộ môn đang tiến hành xây dựng đề án phát triển Bóng chuyền đến năm 2020 (trong đó có cả Bóng chuyền bãi biển).

Mặc dù chưa được phát triển rộng rãi ở khắp các tỉnh, thành của Việt Nam, nhưng BCBB của Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể tại các giải trong khu vực. Đầu tháng 2/2006, đội tuyển BCBB nam Việt Nam đã giành được HCV tại giải BCBB U - 20 Châu Á (diễn ra từ ngày 10-13/2/2006 tại Thái Lan với sự góp mặt của 11 quốc gia). Phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban Thể dục Thể thao đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Phấn - Trưởng Bộ môn Bóng chuyền Uỷ ban Thể dục Thể thao về các vấn đề xung quanh công tác phát triển BCBB.

* Theo ông, thực trạng của BCBB hiện nay của Việt Nam như thế nào?

Hiện nay, trong khu vực Đông Nam Á, BCBB của Việt Nam đang đứng sau Thái Lan và Indornesia. Thực tế mà nói thì BCBB của chúng ta mang tính tự phát hơn là tự giác. Tại SEA Games 22, BCBB nam Việt Nam đã giành HCB nhưng đến SEA Games 23, vẫn cặp đôi đó nhưng họ đã thi đấu không thành công. Một phần là vì chúng ta đã không có bước phát triển mạnh mẽ còn các nước bạn đã tiến bộ hơn. Tấm HCV của BCBB nam Việt Nam tại giải BCBB U - 20 Châu Á là điều đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần cố gắng nhiều hơn nữa để đưa BCBB lên một bước mới.

* Thưa ông, trong quá trình phát triển BCBB, hiện nay có gặp những khó khăn, thuận lợi gì?

Đó là khó khăn từ các địa phương. Hiện nay, mục tiêu đầu tư phát triển của các địa phương là Bóng chuyền trong nhà. Họ ít đầu tư cho BCBB có thể vì nó được du nhập, phát triển muộn hơn và điều kiện cơ sở vật chất yêu cầu khác với Bóng chuyền trong nhà. Mặt khác, BCBB đòi hỏi sân tập bằng cát mà không phải địa phương nào cũng đáp ứng được. Một khó khăn nữa hiện nay là nhà tài trợ Lipton Icetea đã ngừng tài trợ cho các giải thi đấu BCBB. Điều đó cũng phần nào tạo ra sự khó khăn trong các công tác tổ chức thi đấu. Điều này buộc chúng tôi sẽ phải tìm kiếm nhà tài trợ khác. Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn gặp phải, BCBB lại có cơ hội tham gia nhiều giải mời quốc tế nên có điều kiện cọ sát nhằm nâng cao trình độ và kinh nghiệm thi đấu.

* Với cương vị Trưởng Bộ môn, xin ông cho biết định hướng phát triển BCBB trong thời gian tới?

Bóng chuyền bãi biển sẽ tiếp tục củng cố nhằm giữ vững vị trí nằm trong tốp 3 nước đứng đầu của khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện được mục tiêu đó và phát triển hơn nữa Bóng chuyền bãi biển tại Việt Nam, Bộ môn đang tiến hành xây dựng đề án phát triển Bóng chuyền đến năm 2020 (trong đó có cả Bóng chuyền bãi biển).

Ngoài các giải trong nước, hàng năm, BCBB đều tham gia 3 giải quốc tế chính của Đông Nam Á và một số giải mời quốc tế. Chúng tôi vẫn duy trì các giải thi đấu do Bộ môn và Liên đoàn tổ chức theo đúng quy định của quốc tế, đảm bảo chất lượng các trận đấu. Trong thời gian tới, cơ sở vật chất sẽ được trang bị đảm bảo tập trung trọng điểm vào một số tỉnh, thành có phong trào phát triển mạnh (Quận Tân Bình - TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Vũng Tàu và Hải Dương). Ngoài ra, Bộ môn còn tập trung đầu tư cho một số địa phương gần biển như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Kiên Giang.

* Còn các vấn đề về VĐV, HLV và trọng tài thì sao, thưa ông?

Năm 2003, Ủy ban Thể dục Thể thao đã cho phép đào tạo VĐV trẻ Bóng chuyền bãi biển tại Trung tâm HLTTQG III. Đến nay, các VĐV trẻ vẫn được tiếp tục đào tạo. Việc chuyển VĐV Bóng chuyền trong nhà sang tập luyện và thi đấu chỉ là giải pháp tình thế khi chúng ta chưa tuyển chọn được để đào tạo VĐV Bóng chuyền bãi biển. Công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV của chúng ta hiện nay đang tiến tới chuyên môn hóa.

HLV của Bóng chuyền bãi biển cũng được chuyển từ Bóng chuyền trong nhà ra. Thực tế thì một phần lý do cũng là vì HLV của chúng ta không có ngoại ngữ nên chưa có đội ngũ HLV Bóng chuyền bãi biển được đi đào tạo ở nước ngoài mà chỉ có chuyên gia nước ngoài sang huấn luyện. Đó cũng là một khuyết điểm và cũng là thiệt thòi cho đội ngũ HLV.

Thực tế trọng tài Bóng chuyền bãi biển lại ngược lại với HLV và VĐV. Bởi đội ngũ này hiện đang làm rất tốt công việc của mình và đảm bảo đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn. Tính đến thời điểm này, chúng ta có 1 trọng tài quốc tế, 3 trọng tài quốc gia, 6 trọng tài cấp I và 23 trọng tài mới được đào tạo.

Xin chân thành cảm ơn!

HX

Cùng chuyên mục

  • VNPAY đồng hành, tài trợ cho Bóng đá Việt Nam
  • World Cup nữ 2023: Việt Nam cùng bảng với đương kim vô địch và á quân thế giới
  • Tuyển Việt Nam đá giao hữu với đội bóng hàng đầu của Đức vào cuối tháng 11
  • Họp báo trận giao hữu CLB Becamex Bình Dương & Kawasaki Frontale
  • HLV Park Hang-seo chia tay tuyển Việt Nam sau 5 năm gắn bó