Bóc lột giá trị thặng dư là gì

Việt Nam, sau hơn 15 năm đổi mới, đã đạt được những thành tựu hết sức lớn lao: Xã hội ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, số người nghèo giảm xuống với tốc độ nhanh,... Tuy nhiên, có thể cho rằng, việc gì có thể làm được trên cơ sở “Đổi mới 1986” đã làm rồi. Để có thể tiếp tục phát triển tốt, Việt Nam cần có những cải cách mới, chiến lược mới, chính sách mới,... có tính chất đường lối. Vì vậy, về mặt kinh tế, đã đến lúc không thể không làm rõ hơn vấn đề cốt lõi: về “Quy luật giá trị thặng dư” trong bối cảnh hiện nay.

Vốn là một kỹ sư, người viết không có tham vọng trả lời những câu hỏi trên chủ yếu qua suy luận kinh tế học nói chung hay kinh tế học chính trị. Người viết chỉ mong muốn xem xét một vài khía cạnh thực tế của vấn đề trong bối cảnh của Việt Nam cũng như của thế giới ngày nay, từ đó đưa ra một số nhận xét, và đôi khi dựa vào cái mà “theo mình là sự thật”, chứ chưa phải là những kết luận có đủ cơ sở khoa học. Người viết cũng không có ý muốn nói: “mọi tri thức đều không có kết thúc” như đã có nhiều minh chứng trong lịch sử khoa học. Mặt khác, để tránh việc sử dụng những tư duy phức tạp, nội dung sẽ được trình bày qua một ví dụ được đơn giản hóa đến mức không làm cho sự phân tích bị lệch lạc. Đương nhiên, điều đó sẽ làm hạn chế khả năng “quy nạp” để khái quát vấn đề.

Giả sử ông A có 1.000 triệu Đ, ông có thể có những phương án (PA) sử dụng như sau:

+ Tự thực hiện việc kinh doanh: X;

+ Mua cổ phiếu của một công ty cổ phần: Y;

+ Gởi tiền vào ngân hàng (NH) hay mua trái phiếu: Z;

+ Để tiền ở Nhà hoặc đem gởi NH ở nước ngoài: O (PA không)

Trước hết chúng ta xét PA X. Để kinh doanh, ngoài 1.000 triệu Đ vốn có, ông A vay thêm NH 1.000 triệu Đ nữa (các doanh nghiệp thường có cấu trúc vốn như vậy) với lãi suất là 10% năm. Giả sử việc kinh doanh chỉ xảy ra trong 1 năm. Ông A mua “máy móc thiết bị” (MMTB) giá 500 triệu Đ và cuối năm thiết bị cũng hao mòn hết, mua nguyên vật liệu (NVL) giá 1.200 triệu Đ và mua “sức lao động” (SLĐ - trả lương, phúc lợi,... cho công nhân cũng như tiền công để thuê người quản lý điều hành hoặc tiền công trả cho việc tự điều hành) là 300 triệu Đ. Cuối năm ông A bán các sản phẩm hàng hóa làm ra (giả sử không có chi phí lưu thông) được 2.300 triệu Đ.

C. Mác gọi giá trị của hao mòn MMTB và NVL là “tư bản bất biến” và ký hiệu bằng c, đựợc người công nhân chuyển vào sản phẩm mới mà không làm giá trị tăng lên hay giảm đi. C. Mác cũng gọi: Giá trị mua SLĐ là “tư bản khả biến” và ký hiệu bằng v; Tổng giá trị k = c + v gọi là “chi phí sản xuất” và chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và k gọi là “giá trị thặng dư”, ký hiệu là m. Đó là “giá trị mới do lao động của người công nhân tạo ra ngoài giá trị sứclao động, là kết quả lao động không công của công nhân cho Nhà tư bản”(1)

Theo đó, trong việc kinh doanh X của ông A:

c = 1.700 triệu Đ = 500 triệu Đ MMTB + 1.200 triệu Đ NVL, là tư bản bất biến;

v = 300 triệu Đ, mua SLĐ, là tư bản khả biến;

k = 2.000 triệu Đ = 1.700 triệu Đ + 300 triệu Đ, là chi phí sản xuất;

m = 300 triệu Đ = 2.300 triệu Đ – 2.000 triệu Đ, là giá trị thặng dư.

C. Mác cũng dùng “tỷ suất giá trị thặng dư” là m’ = m/v (%) để phản ánh mức độ bóc lột của Nhà tư bản đối với công nhân. Và nếu hàng hóa bán ra đúng giá trị của nó thì “lợi nhuận” p = m và “tỷ suất lợi nhuận” p’ = p/k (%) = m/k (%). Trong trường hợp của ông A:

+ Mức độ bóc lột: m’ = m/v = 300 triệu Đ/ 300 triệu Đ = 100%;

+ Tỷ suất lợi nhuận: p’ = p/k = m/k = 300 triệu Đ / 2.000 triệu Đ = 15% (cho toàn bộ việc kinh doanh).

Trong việc tự kinh doanh này, ông A còn sử dụng “tư bản cho vay“ 1.000 triệu Đ của NH. Cuối năm, ông A phải trả “lợi tức” là 10% x 1000 triệu Đ = 100 triệu Đ. Lợi tức đó chính là chi phí để được quyền tạm thời sử dụng khoản tư bản cho vay, là giá sử dụng tư bản cho vay. Theo C. Mác, lợi tức là “một hìnhthức biến tướng của giá trị thặng dư”. “Tư bản cho vay trở nên thần bí và được sùng bái nhất vì nó tạo nên bề ngoài là lợi tức do bản thân tiền tệ đẻ ra, tiền đẻ ra tiền”2). Do vậy, lợi tứccũnglà giá trị thặng dư bị bóc lột.

Nội dung trên là nét chủ yếu nhất của Quy luật giá trị thặng dư, quy luậtkinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Nó phản ánh quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư qua quá trình vận động Tiền – Hàng – Tiền và quá trình người bóc lột người với nhiều hình thái khác nhau (nông nghiệp, thương nghiệp, cho vay, v.v...)

T – H – T’, trong đó T’ = T + m

Chúng ta thử phân tích thu nhập của ông A. Trong việc tự kinh doanh X, sau khi trả cho NH nợ gốc 1.000 triệu Đ và tiền lãi 100 triệu Đ, ông A còn lại 1.000 triệu Đ vốn gốc và lãi 200 triệu Đ. Như vậy tỷ suất lợi nhuận cho riêng phần vốn 1.000 triệu Đ của ông A là: 200 triệu Đ/1.000 triệu Đ = 20%. Nhưng đây là lợi nhuận trước thuế. Giả sử ông A phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 30% là: 30% x 200 triệu Đ = 60 triệu Đ thì ông A còn 140 triệu Đ và tỷ suất lợi nhuận sau thuế cho riêng phần vốn 1.000 triệu Đ của ông A sẽ là 140 triệu Đ/1.000 triệu Đ = 14%.

Trong tỷ suất 14% này thực ra có một phần là “phần bù đắp rủi ro” có tính chất “thưởng” (Risk premium) cho ông A do ông dám kinh doanh có rủi ro. Vì sao lại rủi ro? Đầu tư là việc bỏ tiền ra hôm nay để hy vọng thu được một khoản tiền lớn hơn trong tương lai. Mà tương lai thì không có gì chắc chắn cả. Giá trị hàng hóa 2.300 triệu Đ nói trên chỉ là “giá trị kỳ vọng” có tính bình quân trong những tình huống khác nhau ở tương lai, sau này giá bán có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Vậy mức bù đắp đó là bao nhiêu ? “Mức bù đắp”, về trung bình, phụ thuộc mức độ rủi ro của việc kinh doanh và có thể xác định qua “Mô hình định giá tài sản vốn” (Capital Asset Pricing Model) thường dùng trong thị trường chứng khoán hay thị trường vốn. Theo mô hình này, rủi ro càng lớn thì tỷ suất lợi nhuậnyêu cầu phải càngcao, tính trung bình cho cả thị trường. (Đương nhiên, việc ông A chấp nhận mức rủi ro nào còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và thái độ đối với rủi ro của ông A). Có thể minh họa thêm qua ví dụ trên như sau:

Giả sử, từ đầu ông A đã xác định được, chỉ có 3 khả năng có thể xảy ra trong tương lai. Một là, tình hình kinh tế chung thuận lợi, hàng hóa của ông có thể bán được đến 2.700 triệu Đ, nghĩa là lời 700 triệu Đ, nhưng xác suất xảy ra khả năng này chỉ có 25%. Hai là, tình hình bình thường, hàng hóa của ông bán được 2.300 triệu Đ, lãi 300 triệu Đ, xác suất xảy ra 50%. Ba là, tình hình kinh tế chung trì trệ, hàng hóa của ông chỉ có thể bán được 1.900 triệu Đ, nghĩa là lỗ 100 triệu Đ (chưa kể phải trả lãi NH 100 triệu Đ) và xác suất xảy ra sẽ là (100% - 25% - 50%) = 25%. Vậy “giá trị lợi nhuận kỳ vọng” của việc kinh doanh X là: 25% x 700 triệu Đ + 50% x 300 triệu Đ + 25% x (-100 triệu Đ) = 300 triệu Đ (Đây cũng là con số bình quân dùng trong quy luật “Lợi nhuận bình quân” của C.Mác. Từ đó, ông A có lãi ròng là 140 triệu Đ hay tỷ suất lợi nhuận sau thuế 14% như đã nói ở trên. Theo con số đó, ông A cũng tính được mức rủi ro tương ứng là Cv # 0,94 (gọi là hệ số biến hóa và Cv càng lớn thì rủi ro càng cao).

Lại giả sử, NH nói trên có lãi suất nhận gởi và lãi suất cho vay đều là 10 % năm, như là lãi suất trái phiếu ngắn hạn kho bạc Nhà nước , lãi suất không có rủi ro (risk-free). Nếu ông A gởi 1.000 triệu Đ của mình vào NH này theo PA Z thì chắc chắn là được khoản lãi 10% x 1.000 triệu Đ = 100 triệu Đ, trong khi tự kinh doanh thì có thể được 140 triệu Đ, nhưng không chắc chắn, có mức độ rủi ro là 0,94. Ông A (là người ít sợ rủi ro) thấy 2 PA này tương đương. Nhưng cuối cùng ông quyết định kinh doanh, nghĩa là ông thấy “độ đánh đổi” (trade-off) vừa phải và chấp nhận mức độ rủi ro 0,94 đó để được “bù đắp” có tính chất “thưởng” là 40 triệu Đ, hay thêm 4% tỷ suất lợi nhuận, làm tỷ suất từ 10% là chắc chắn lên 14% nhưng không chắc chắn (Trước đây, hình như người ta chưa phân tích rủi ro như vậy).

Trong nền kinh tế có cạnh tranh “hoàn hảo”, về trung bình, tỷ suất lợi nhuận của các dạng đầu tư(dù là tự kinh doanh, kể cả việc đầu tư vào bất động sản, hay gởi NH, v.v...) đều xấp xỉ bằng nhau nếu cùng mức rủi ro (được phản ánh trong quy luật “Lợi nhuận bình quân” của C. Mác, nhưng C. Mác chưa nêu vấn đề “cùng mức rủi ro”). Để có tỷ suất lợi nhuận cao hơn phải chấp nhận mức rủi ro cao hơn. Đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn kho bạc Nhà nước được xem là không có rủi ro (chắc chắn) nên tỷ suất lợi nhuận thấp nhất. Tỷ suất lợi nhuận cao hơn ở đây, do vậy, không phải là giá trị thặng dư hay lợi nhuận “siêu ngạch” (loại nầy luôn phải “di chuyển” giữa các Nhà tư bản do cạnh tranh) hoặc là loại giá trị thặng dư “không ngang giá”. Rõ ràng, việcthu lợi nhuận cao hơn trong đầu tư có rủi ro cao hơn có thể xem là “chính đáng”.

Chúng ta thử vận dụng khái niệm “bù đắp rủi ro” cho trường hợp cho vay nặng lãi ở các chợ hiện nay. Ở các chợ, lãi suất “vay nóng”, nếu tính theo năm, có khi đạt đến trên 100%, trong khi lãi suất không có rủi ro giả định chỉ khoảng 10%. Vậy đây có phải là bóc lột kiểu “không ngang giá”?. Việc cho vay ở đây không có thế chấp, không có pháp luật bảo vệ... nên mức độ rủi ro hết sức cao, có khi 10 người vay đã có đến 3 – 4 người quỵt nợ. Nếu người cho vay không giữ độc quyền bằng quyền lực mafia ở các chợ này thì phần chênh lệch 100% và 10% nói trên cũng chính là phần “bù đắp rủi ro”. Nếu không, ắc sẽ có hàng trăm người nhảy vào cho vay và làm cho lãi suất cho vay nhanh chóng giảm xuống. Vì vậy, bóc lột ở đây là vấn đề “độc quyền mafia”, nếu có. Nếu không, lãi suất rất cao ở đây cũng không phải là dạng bóc lột “không ngang giá” mà là “bù đắp rủi ro” và có thể xem là “chính đáng”.

Như đã nêu ở trên, theo C. Mác, lợi tức (lãi cho vay) chỉ là một phần của lợi nhuận trung bình mà Nhà tư bản thu được (nghĩa là thặng dư) phải trả cho Nhà tư bản cho vay. Do đó lợi tức trong cho vay cũng là giá trị thặng dư từ người lao động. Nếu vận dụng khái niệm rủi ro nói trên ta thấy, trong việc kinh doanh của ông A, tỷ suất lợi nhuận đạt được 14% nhưng ông A chỉ trả cho NH có 10%. Vì sao vậy ? Vì đầu tư kiểu cho vay của NH là đầu tư ít rủi ro hay không có rủi ro nên tỷ suất lợi nhuận của NH chỉ có 10%. Ông A có thêm 4%, đó là “phần bù đắp rủi ro”.

Chúng ta xét tiếp PA Y. Nếu ông A mua cổ phiếu của một công ty cổ phần nào đó theo phương án Y và làm chủ sở hữu một phần đối với công ty đó thì cũng tương đương như tự đầu tư. Chỉ có khác là, bây giờ ông A thu lợi nhuận (nghĩa là thặng dư) từ công nhân của công ty đó. Nếu mức rủi ro ở đây cũng xấp xỉ Cv # 0,94 thì ông A cũng đã kỳ vọng có tỷ suất lợi nhuận đối với công ty là 14%. Đương nhiên, nếu rủi ro ở đây cao hơn thì ông A cũng như mọi người chỉ mua cổ phiếu của công ty khi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận cao hơn, và ngược lại. Về mặt sử dụng “tư bản”, mua cổ phiếu của công ty cũng là việc giao “tư bản” cho công ty sử dụng, tương tự như việc công ty sử dụng tư bản cho vay. Cổ tức, do đó, cũng là giá trị thặng dư.

Rõ ràng, theo C. Mác, dù ông A tự đầu tư theo PA X, mua cổ phiếu theo PA Y hay mua trái phiếu / gởi NH theo PA Z ... để thu lợi nhuận thì lợi nhuận đó đều là giá trị thặng dư bóc lột từ người lao động. Như vậy, không có dạng đầu tư nào là không có bóc lột giá trị thặng dư trong “kinh tế tư bản”. Tuy nhiên, việc C. Mác gắn giá trị thặng dư với bóc lột trong “kinh tế tư bản” còn có liên quan đến việc “tích lũy tư bản nguyên thủy”. Đó là thời kỳ dùng bạo lực để tạo tiền đề cho CNTB ra đời với 3 hình thái mà lịch sử ghi nhận được: Buôn bán nô lệ da đen, khai thác Châu Mỹ và mậu dịch thuộc địa.... Trong các trường hợp khác, C. Mác dùng nhóm từ “sản phẩm thặng dư” chứ không là giá trị thặng dư. Và khi xuất hiện công ty cổ phần, C. Mác còn dùng đến khái niệm “sự thủ tiêu tư bản” (Xem sau).

Còn về mức độ bóc lột, biểu thị qua tỷ suất giá trị thặng dư m’= m/v, nếu ông A tự kinh doanh thì ông A có thể tính được m’=100% như nói ở trên. Nhưng nếu ông A đem gởi NH theo PA Z thì 1.000 triệu Đ của ông A sẽ được NH đem cho vay khắp nơi, có thể ở nhiều công ty khác nhau với tỷ suất m’ khác nhau mà cả ông A cũng như NH đều không xác định được. Tiếp theo, giả sử ông A không tự kinh doanh theo cách cũ với chi phí mua SLĐ: v = 300 triệu Đ (giả sử có 30 công nhân với lương bình quân một công nhân là 10 triệu Đ / năm) mà theo cách mới với v = 900 triệu Đ (thâm dụng lao động với 90 công nhân và lương bình quân một công nhân vẫn là 10 triệu Đ / năm), còn phần tư bản bất biến chỉ có c = 1.100 triệu Đ và giả sử giá trị hàng hóa làm ra bình quân vẫn là 2.300 triệu Đ. Khi đó, mức độ bóc lột theo nghĩa tỷ suất giá trị thặng dư chỉ là m =300 triệu Đ / 900 triệu Đ = 33%. Như vậy, cùng một quy mô kinh doanh, nếu sử dụng lao động nhiều hơn thì mức độ bóc lột sẽ thấp hơn.

Trong “kinh tế tư bản”, ngay thời kỳ còn cạnh tranh tự do, khi xuất hiện các công ty cổ phần, C. Mác đã cho rằng, “các công ty cổ phần với việc xã hội hóa sở hữu, huy động vốn từ mọi tầng lớp xã hội, với việc tách rời quyền sở hữu và quyền quản lý - sử dụng ... là sự thủ tiêu tư bảnvới tư cách là sở hữu tư nhân ở trong những giới hạn của bản thân phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”3) và là “điểm quá độ tất nhiên để tư bản lại chuyển thành sở hữu của những người sản xuất, nhưng không phải với tư cách là sở hữu tư nhân của những người sản xuất riêng lẻ nữa, mà với tư cách là sở hữu của những người sản xuất liên hiệp, thành sở hữu xã hội trực tiếp” (4). Điều đó có nghĩa, C. Mác đã nhìn thấy dấu hiệu của “sự thủ tiêu tư bản” và “tư bản lại chuyển thành sở hữu của những người sản xuất”. Theo C. Mác, “tư bản” là “quan hệ người bóc lột người”. Vì vậy, “sự thủ tiêu tư bản” ở đây có nghĩa: “sản phẩm thặng dư” từ phần vốn góp của các tầng lớp xã hội có thể xem là không còn mang tính chấtbóc lột nữa. Nhưng cùng lúc đó lại xuất hiện tư bản độc quyền (qua các cacten, xanhđica, tờrốt, côngxoócxiom) và tư bản độc quyền Nhà nước với sự liên kết về nhân sự giữa các tổ chức độc quyền và Nhà nước tư sản để tạo ra lợi nhuận độc quyền. Đặc trưng của “tích lũy nguyên thủy tư bản” là dùng bạo lực, còn đặc trưng của tích lũy tư bản ở giai đoạn này là dùng quyền lực để thu lợi nhuậnđộc quyền. Quyền lực ở đây, trong quan hệ quốc tế là thế lực nước giàu, trong quan hệ quốc nội là thế lực Nhà nước , chính trị, đảng phái, tập đoàn cùng nhiều hình thức ẩn tàng khác (mặc dù kinh tế tư bản vẫn có chính sách chống độc quyền). Chính vì vậy, Lênin nói: “Phản động về mặt kinh tế là độc quyền”. Từ đó có thể cho rằng, giá trị thặng dư có tính bóc lột, theo quá trình xã hội hóa sở hữu, không còn nằm trong những lợi nhuận từ cổ phiếu, trái phiếu của “tư bản đã chuyển thành sở hữu của những người sản xuất”, của phần vốn huy động từ mọi tầng lớp xã hội nữa mà đã từng bước chuyển sang dạng lợi nhuận độc quyền của những tổ chức hay Nhà nước độc quyền.

Tuy nhiên cần phân biệt, tỷ suất lợi nhuận cao trong các công ty kinh doanh có rủi ro cao và tỷ suất lợi nhuận cao do độc quyền. Ở các công ty có rủi ro cao, phần lợi nhuận cao hơn lãi suất không có rủi ro chính là “phần bù đắp” để cổ đông có thể chấp nhận rủi ro cao như đã nói ở trên. Tình trạng của phần lớn các “công ty dot.com” vừa qua là như vậy. Có công ty, giá trị tính theo giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cao đến hàng chục lần giá trị tài sản vật chất của họ, giá cổ phiếu cao gấp trên 100 lần lợi nhuận cổ phiếu hàng năm (P / E thường chỉ khoảng 15 – 20 lần). Nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, giá trị cổ phiếu của họ giảm còn không đến 50%, các cổ đông có cảm giác như “ngủ dậy thấy tài sản của mình đã mất đi một nửa”, nghĩa là tỷ suất lợi nhuận ở đây rất cao nhưng rủi ro cũng rất cao. Việc phá sản rất phổ biến đối với những công ty này cũng là vì vậy. Do đó tỷ suất lợi nhuận cao ở đây không phải là do độc quyền. Ngoài ra, việc “độc quyền” sản phẩm trong một thời gian nào đó (rất cần thiết) trong “sở hữu trí tuệ” cũng không phải là loại lợi nhuận cao do độc quyền. Ở đây giá sản phẩm rất cao so với giá sản xuất là để bù đắp chi phí nghiên cứu, có khi đến hàng chục triệu Đô-la cho một sản phẩm.

Ở nước ta, trên thực tế, có một số người có nhiều vốn do lũy tích tiết kiệm dài hạn qua 2 – 3 đời người, có một số người tài năng, lương làm thuê rất cao, mỗi năm có thể tích lũy tiết kiệm hàng trăm triệu Đ và cũng có một số người giàu lên nhanh chóng trong những năm qua do gặp may trong đầu tư có rủi ro cao. Ví dụ, nếu ông A gặp may, có thể bán hàng với giá cao 2.700 triệu Đ, (với khả năng xảy ra là 25%) ông sẽ có lợi nhuận 700 triệu Đ, trả NH 100 triệu Đ, đóng thuế 30% x 600 triệu Đ = 180 triệu Đ, còn lại lãi sau thuế 420 triệu Đ, tỷ suất lợi nhuận đến 42%. Nếu ông gặp may trong 5 năm như vậy thì số vốn 1.000 triệu Đ của ông sau 5 năm sẽ là: 1.000 triệu Đ (1 + 0,42)5 # 5.800 triệu Đ. Với những người này, có thể xem nguồn vốn của họ là chính đáng. Đương nhiên, nguồn vốn này phải được huy động để đầu tư, kinh doanh phát triển đất nước và tạo ra công ăn việc làm, có tính chất như là “sở hữu của những người sản xuất”, “sở hữu xã hội trực tiếp”. Sản phẩm thặng dư ở đây, như đã phân tích ở trên, là không có tính chất bóc lột.

“Quy luật giá trị thặng dư”, đồng nghĩa giá trị thặng dư với bóc lột, là quy luật kinh tế cơ bản của CNTB chứ có lẽ không phải là quy luật kinh tếcó thể áp dụng phổ biến cho mọi nền kinh tế khác. Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, quy luật này, theo nghĩa gắn giá trị thặng dư với bóc lột, chỉ nên áp dụng đối với lợi nhuận do độc quyền và chỉ có tác dụng chừng mực nào đó đối với “Tư bản tư nhân”. Nếu chúng ta đồng nhất giá trị thặng dư với bóc lột cho mọi nguồn vốn thì gởi tiền vào NH lấy lãi cũng là bóc lột và để không có bóc lột thì mọi đồng tiền tiết kiệm trong dân chúng chỉ được phép đem ra tiêu dùng hoặc đầu tư phát triển ở quy mô gia đình. Và như vậy thì đất nước sẽ bị tàn lụi về mặt kinh tế. Trong một giai đoạn nào đó, ví dụ một năm, một quốc gia có hệ thống tài chính tốt thì “tổng tiết kiệm phải xấp xỉ bằng tổng đầu tư”, nghĩa là mọi đồng tiền tiết kiệm cần phải được đem ra đầu tư để phát triển. Ngoài ra, khi đã chấp nhận “cơ chế thị trường” thì trên thực tế chúng ta cũng đã chấp nhận “giá trị theo thời gian của đồng tiền” (cost of capital - biểu hiện đơn giản nhất của nó là lãi suất gởi NH). Đó chính là “động cơ để con người giảm bớt tiêu dùng ngày hôm nay để có tiêu dùng nhiều hơn trong tương lai, là động cơ đầu tư để nâng cao hiệu quả lao động của mình” 5)

Về “tư bản tư nhân” ở nước ta, khi một số Nhà tư bản vừa mới xuất hiện thì Cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ. Tiếp theo là chiến tranh liên miên, kèm theo là những đợt “cải tạo tư sản”. Vì vậy, trên thực tế có thể nói, ở Việt Nam hiện nay hoặc không còn Nhà tư bản tích lũy tư bản bằng cách bóc lột giá trị thặng dư dựa vào bạo lực hay quyền lực hoặc chỉ còn một số rất ít (kể cả một số người có nguồn thu bất chính), ít đến mức có thể bỏ qua, không ảnh hưởng đến việc xây dựng đường lối chính sách chung. Hiện nay Nhà nước đã có chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần. Điều đó cũng gián tiếp nói rằng, Nhà nước chấp nhận không xét lại nguồn gốc vốn tích lũy. Trong bối cảnh đó, có thể cho rằng, “tư bản tư nhân” ở Việt Nam cũng có ít nhiều màu sắc của “sở hữu của những người sản xuất”. Hơn nữa, hiện nay chúng ta cũng đang chấp nhận đầu tư trực tiếp của nước ngoài, nghĩa là có chấp nhận sự bóc lột giá trị thặng dư của tư bản tư nhân nước ngoài. Do vậy, nếu cần phải có một sự hạn chế nào đó đối với “sở hữu tư bản” của “tư bản tư nhân” trong nước để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, chúng ta cũng cần phải xét đến sự thiệt thòi về “quy mô kinh tế” (Economies of scale- Quy mô nhỏ, hiệu suất thấp) trong tương quan so sánh. Vậy phải chăng, để giải quyết vấn đề này, con đường tốt hơn là cải tiến biểu thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là chọn một biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần với mức thuế rất cao ở phần trên, ví dụ 70% chẳng hạn?. Nói riêng, về “tư bản tư nhân” trong các công ty cổ phần, cần lưu ý là, ngày nay “quyền kiểm soát” có khi còn quan trọng hơn là “quyền sở hữu”. Vì vậy ở đây cần phải đưa ra một số hạn chế về tỷ lệ cổ phiếu để chống sự “kiểm soát độc quyền”, chống bất công. Ngoài ra, không nên xét quy mô tư bản tư nhân theo số lượng công nhân. Như đã nói ở trên, cùng một quy mô vốn, sử dụng công nhân càng nhiều thì mức độ bóc lột công nhân m’ = m/v càng thấp, như C. Mác đã nói trong kinh tế tư bản. Tạo thêm công ăn việc làm cũng luôn là một mục tiêu hàng đầu trong phát triển kinh tế.

Mặt khác, nếu trước đây người ta cho rằng, có 4 yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh cho một quốc gia, một cộng đồng, một công ty, một cá nhân... là: (1) nguồn vốn, (2) tài nguyên, (3) công nghệ và (4) con người, thì ngày nay người ta nói: “hai yếu tố đầu đã rút khỏi phương trình”, yếu tố công nghệ cũng đã giảm bớt vai trò, chỉ còn có yếu tố con người là then chốt nhất để tạo nên lợi thế đó. Tất nhiên, con người ở đây là con người có lợi thế về tri thức và sáng tạo. Nói cách khác, ngày nay không phải là yếu tố vốn (tức có TLSX) hay “sở hữu tài sản” mà là yếu tố tri thức hay “sở hữu tri thức” mới có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển. (Bill Gate là một trường hợp như vậy, ở giai đoạn đầu, ông ta giàu lên nhanh xuất phát và chủ yếu từ tri thức, từ việc chấp nhận rủi ro cao, chứ không phải chủ yếu từ vốn hay TLSX). Ngoài ra, ngày nay người ta còn mua nhiều loại hàng hóa chứng khoán mà không mua quyền sở hữu, hay nói cách khác, chỉ có sở hữu cái “quyền” mà trong nhiều trường hợp, “quyền” này trở thành không có giá trị gì cả và tất nhiên người mua sẽ không sử dụng. (Những yếu tố này còn “ảo” hơn là”tư bản ảo”).

Tiếp theo, giả sử ông A là một đảng viên và thử xem xét cách sử dụng 1.000 triệu Đ của ông với giả định là ông đã có được một cách chính đáng.

  1. Nếu ông A tự kinh doanh theo PA X nói trên, ông sẽ tạo ra được 30 công ăn việc làm cho người lao động, đóng thuế cho Nhà nước được 60 triệu Đ một năm (để đơn giản, còn chưa tính đến việc ông đóng thêm thuế thu nhập cá nhân), ông còn lợi 140 triệu Đ có dạng sản phẩm thặng dư. Giả sử ông chi tiêu cho gia đình 40 triệu Đ một năm còn 100 triệu Đ lại mở rộng đầu tư góp phần phát triển kinh tế đất nước và tạo thêm công ăn việc làm mới.
  2. Nếu ông A mua cổ phiếu của một công ty cổ phần qua thị trường chứng khoán (ông A là cổ đông của công ty nói chung) theo PA Y và giả sử cổ phiếu có cùng mức rủi ro như PA tự kinh doanh thì ông cũng nhận bình quân lợi nhuận là 140 triệu Đ. 140 triệu Đ này cũng có dạngsản phẩm thặng dư. Các lợi ích khác bị “ẩn tàng” qua kết quả của công ty này.

(3) Nếu ông A gởi NH hay mua trái phiếu theo PA Z, ông nhận được 100 triệu Đ tiền lãi hàng năm, cũng có dạng sản phẩm thặng dư (lợi nhuận thấp hơn vì kinh doanh an toàn hơn). Ông không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước 60 triệu Đ, không trực tiếp tạo được 30 công ăn việc làm. Nếu gia đình ông chi tiêu hết 40 triệu Đ thì chỉ còn có 60 triệu Đ để mở rộng đầu tư.

Như vậy, cả 3 cách sử dụng 1.000 triệu Đ nói trên của ông A để sinh ra lợi nhuận đều có dạng giá trị thặng dư, nhưng đó là những sản phẩm thặng dư không có tính chất bóc lột. Nếu không có độc quyền, “sản phẩm thặng dư” chính là khái niệm lợi nhuận thông thường ngày nay.

(4) Nếu theo PA O (không), ông A đem 1.000 triệu Đ gởi NH nước ngoài thì ông góp phần làm cho nguồn vốn của một nước nghèo bị chảy ngược. Nếu ông để tiền ở Nhà thì vừa thiệt hại cho gia đình ông, vừa thiệt hại cho đất nước vì đồng tiền “tiết kiệm” của quốc gia không biến được thành “đầu tư”

Rõ ràng, ông A phải đem nguồn vốn chính đáng của mình ra kinh doanh mới là người có trách nhiệm đối với đất nước, cất vốn ở Nhà là “làm hại” cho đất nước.

Vấn đề tiếp theo là, được phép kinh doanh ở dạng nào? Như trên đã nêu, “tư bản” theo C. Mác, là “mối quan hệ xã hội người bóc lột người” trong phương thức sản xuất TBCN chứ không phải là vốn, mặc dù “Capitalist” xuất phát từ “Capital” cũng có nghĩa là tiền vốn. Nếu vận dụng quy luật giá trị thặng dư của “Kinh tế tư bản” cho đồng vốn đem ra kinh doanh của ông A, thì lợi nhuận từ việc tự kinh doanh (PA X) ở dạng “Tư bản tư nhân”, mua cổ phiếu (PA Y) hay gởi NH hoặc mua trái phiếu (PA Z) cũng đều là giá trị thặng dư bóc lột cả; nghĩa là khi đó, lãi gởi NH cũng là bóc lột như lãi từ kinh doanh ở dạng “Tư bản tư nhân”. Do đó, phải xem đồng vốn đem ra kinh doanh của ông A đã có tính chất “sự thủ tiêu tư bản” như C. Mác nói, chứ không phải là việc được kinh doanh ở dạng này mà không được kinh doanh ở dạng khác. Hơn nữa, xét về hiệu quả kinh tế cho đất nước cũng như tạo ra công ăn việc làm thì PA X còn tốt hơn PA Y, PA Y còn tốt hơn PA Z như đã phân tích ở trên nhờ việc dám chấp nhận rủi ro cao hơn trong kinh doanh.

“Tư bản tư nhân” là gì, ở Việt Nam hiện nay còn chưa được xác định rõ. Nếu hiểu “Tư bản tư nhân” là chủ của “công ty một chủ sở hữu” như ở dạng kinh doanh theo PA X nói trên thì sự “bóc lột”, nếu hiểu như vậy, cũng hoàn toàn tương tự như trường hợp gởi tiền vào NH để lấy lãi. Còn việc người chủ này có trực tiếp quản lý hay thuê giám đốc quản lý thực ra không có mấy ý nghĩa trong hoạt động của công ty ngày nay. Nếu gắn thêm vào đây “quy mô kinh doanh” thì một mặt, rất khó tìm được một cơ sở để phải quy định như vậy cũng như cách xác định “quy mô cho phép”, mặt khác gây ra sự thiệt thòi về “quy mô kinh tế” như đã nêu. Vậy phải chăng, hợp lý hơn nên đặt vấn đề này trong bài toán “công bằng xã hội” với biện pháp là các chính sách thuế. Đảng ta là một Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo toàn diện, những quy định đối với đảng viên là một “mực thước” mà toàn xã hội hướng nhìn vào.

Quy luật giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của CNTB, phải chăng nó không phải là quy luật kinh tế có thể áp dụng phổ biến cho mọi nền kinh tế. Trong thực tế của Việt Nam hiện nay, sản phẩm thặng dư từ phần vốn góp của các tầng lớp xã hội, từ “sở hữu của những người sản xuất”, trong khung cảnh của “sự thủ tiêu tư bản” nên xem là không có tính chất bóc lột. Với thành phần “Tư bản tư nhân”, nhằm giữ được một khoảng cách giàu nghèo hợp lý, có thể nghiên cứu để xác định một biểu thuế thích hợp và một số hạn chế khác về sở hữu tài sản hơn là hạn chế về quy mô. Ngày nay “sở hữu trí tuệ” còn có ý nghĩa nhiều hơn.

Vậy phải chăng, vấn đề cơ bản hiện nay là: bóc lột giá trị thặng dư siêu cao do độc quyền. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa tỷ suất lợi nhuận siêu cao do độc quyền và tỷ suất lợi nhuận cao do dám chấp nhận rủi ro của người kinh doanh cũng như “độc quyền” trong một thời gian nhất định ở quyền “sở hữu trí tuệ”.