Bài văn lớp 10 đề tài món ăn tết năm 2024

(Thanhuytphcm.vn) - Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống thì Tết cổ truyền còn có văn hóa ẩm thực ngày Tết với hương vị đặc trưng, món ăn cực kỳ phong phú và bắt mắt. Dù cuộc sống hiện đại đã phần nào làm cho Tết có nhiều thay đổi, thế nhưng những món ăn truyền thống như bánh chưng - bánh tét, thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, dưa kiệu tôm khô… vẫn là những món ngon không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết để mỗi người đều có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị quê nhà. Vậy điều gì đã tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực ngày Tết?

Nét đặc trưng độc đáo từng vùng miền

Theo Thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, khi nói về ẩm thực ngày Tết thì chúng ta thấy được tấm lòng của những người con đất Việt thể hiện sự trân quý, ghi tạc về công ơn của những người đổ mồ hôi trên những đồng ruộng. Hình ảnh của những chiếc bánh chưng, bánh dày, bánh tét trên mâm cúng hoặc là trên mâm cơm để đãi khách thể hiện trong đó một triết lý đó chính là trời tròn đất vuông, thể hiện về sự dung hòa của trời đất, của nắng mưa đối với đời sống của con người và cũng là đạo hiếu của con cái đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Bài văn lớp 10 đề tài món ăn tết năm 2024
Các món ăn đặc trưng ngày Tết ở miền Trung. (Ảnh: nguồn internet)

Ẩm thực ngày Tết của Việt Nam thể hiện thống nhất trong đa dạng. Đi dọc hết đất nước Việt Nam mỗi một vùng miền khi chúng ta dừng lại thì chúng ta sẽ được đón chào bằng những món ngon trong ngày Tết. Chẳng hạn như cái Tết của miền Bắc thì luôn luôn không thể thiếu đó là chiếc bánh chưng xanh ăn kèm với dưa hành. Bên cạnh đó ở miền Bắc còn có thịt đông rất đặc biệt, giò heo hầm với măng lưỡi lợn hoặc là miến nấu với lòng gà. Còn khi về miền Trung thì ẩm thực miền Trung ngày Tết chuộng sự cầu kỳ tỉ mỉ, cho nên những món Tết của miền Trung được chăm chút rất kỹ lưỡng. Miền Trung thì không có bánh chưng, nhưng thay vào đó là bánh tét do sự giao thoa văn hóa với người Chăm và bánh tét hình trụ tròn cũng là thể hiện cho trời tròn. Trong văn hóa của người miền Trung thì ngày Tết bánh tét sẽ được ăn kèm với dưa món. Món ăn đặc trưng của miền Trung ngày Tết chẳng hạn như chả nem chua, tré hoặc gỏi.

Còn xuôi về miền Nam thì ẩm thực ngày Tết của miền Nam hết sức phong phú, có nhiều loại bánh tét như bánh tét nhân mặn, bánh tét nhân ngọn, bánh tét thập cẩm, bánh tét lá cẩm, bánh tét lá gấc, bánh tét ngũ sắc. Ở miền Nam một món không thể không nhắc đến đó là thịt kho nước dừa và ăn cùng với dưa giá. Cũng không thể không nhắc đến món khổ qua mong những đau khổ và những điều tai ương trong một năm sẽ trôi qua.

“Như vậy là mỗi một vùng miền có một cung bậc khác nhau về những món ẩm thực. Dẫu cho ngày nay có rất nhiều những món ăn mới, những món ăn hiện đại, nhưng ẩm thực tết truyền thống vẫn luôn luôn được người Việt Nam trân quý, bảo vệ và luôn đặt dấu ấn văn hóa Việt trong mỗi gia đình, trong cộng đồng văn hóa Việt” - Thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang chia sẻ thêm.

Nói về nét đặc sắc của ẩm thực Việt trong ngày Tết, ông Chiêm Thành Long, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam cho rằng, có rất nhiều món mà đặc trưng của ba miền, một điều chung mà chúng ta thấy rằng nó rất tiện, nghĩa là mình lúc ăn uống nào cũng được, như thịt kho dưa giá chỉ cần có khách tới múc ra hâm lên là có ăn ngay. Tôi thấy rằng chuyện giữ truyền thống thì mỗi vùng miền đều có nét riêng. Mặc dù bây giờ thời đại mới thức ăn sẵn, thức ăn tiện rất nhiều nhưng trong nhà phải có nồi thịt kho, bánh tét, bánh chưng, để làm sao lúc nào cũng phải vui vẻ, lúc nào cũng phải thuận lợi trong ba ngày Tết, đó là nét văn hóa của người Việt Nam chúng ta.

Giữ gìn nét đặc trưng ẩm thực ngày Tết

Theo ông Chiêm Thành Long, ngành ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, và mang sắc thái của mỗi vùng miền có sự đặc trưng riêng. Muốn bảo tồn được ẩm thực này thì phải ghi nhận lại, có nghĩa là gìn giữ lại truyền thống trước. Phải ghi nhận lại những nét đặc trưng của vùng miền, từ đó chúng ta mới giữ gìn được. Đã bảo tồn thì phải phát triển, phải chấp nhận giao thoa cùng với hiện tại bây giờ, nhưng không bỏ cái gốc. Chúng ta phải để cho các thế hệ kế tiếp, nối tiếp để các thế hệ trẻ có tinh thần dân tộc và coi như đó là nhiệm vụ, sứ mệnh của mình.

Bài văn lớp 10 đề tài món ăn tết năm 2024
Các món ăn đặc trưng ngày Tết ở miền Nam. (Ảnh: nguồn internet)

Còn theo ông Trần Hùng Việt, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, TPHCM may mắn là một thành phố hàng trăm năm qua có tất cả người dân ở mọi miền đất nước về sinh sống. Do vậy, sự giao thoa về văn hóa, ẩm thực của tất cả vùng miền đều có ở TP. Hầu như các món ăn ngày Tết ở TP đều có đủ, bởi vì có đủ người dân ở mọi miền đất nước hội tụ về đây và sinh sống. Ngày Tết rất thiêng liêng, ai có bận bịu gì đi nữa cũng thu xếp để chúng ta về quê, còn lại là không đi về quê được thì cũng ở lại TP để hưởng một mùa xuân trọn vẹn. Ông Trần Hùng Việt cho rằng tất cả các món ăn ngày Tết thì đều thể hiện, thậm chí không chỉ trong gia đình, mà còn nằm trong tất cả khách sạn, bởi vì những món ăn ngày Tết cũng đưa thực đơn ngày Tết trong những ngày Xuân về và giới thiệu những món ăn ngày Tết của Việt Nam đến với du khách nước ngoài. Khách nước ngoài đến Việt Nam để người ta xem cái Tết Việt Nam như thế nào, thì các khách sạn cũng giới thiệu các món ăn ngày Tết đặc trưng ở miền Bắc -Trung - Nam đó là cách giới thiệu quảng bá văn hóa ẩm thực Tết Việt đến với du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, trong thời gian qua ngành du lịch cũng có tổ chức chương trình “Tây ăn Tết ta”, để người nước ngoài đến Việt Nam trong mấy ngày Tết biết được rằng trong một gia đình Việt ăn Tết như thế nào, các phong tục cúng và thưởng thức món ăn, đó là quá trình góp sức trong ngành du lịch để giữ gìn truyền thống này.

Truyền thống gia đình của người Việt Nam khi nói đến những ngày Tết cổ truyền thì hầu như gia đình nào cũng có nét riêng để gìn giữ, trong gia đình nếu con em chúng ta có vui vẻ đi đâu, dự lễ hội ở đâu thì cũng quay về bữa cơm gia đình, để các em, các cháu sau này vẫn thấy tự hào về món ăn của Việt Nam.

Gìn giữ, nuôi dưỡng tình cảm với kho tàng văn hóa ẩm thực của dân tộc, đặc biệt là ẩm thực ngày Tết vô cùng độc đáo và mang nhiều tầng lớp màu sắc, ý nghĩa. Mong rằng, chính từ hương vị những món ăn truyền thống ngày Tết giúp mọi người cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc cũng như sức mạnh niềm tin vào sự khởi đầu tốt đẹp hơn trong năm mới.