Vai trò của thanh niên trong xây dựng văn hóa tư tưởng

BÁC Hồ đã từng nói: “…Thanh niên là rường cột nước nhà, đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên......."

…” Điều đó khẳng định vai trò của thanh niên là vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin bàn về vấn đề “vai trò của thanh niên trong việc xây dựng nếp sống văn hóa”, một vấn đề khá thiết thực và nhạy cảm đang diễn ra trong sự phát triển của xã hội hiện nay.Con người là chủ thể của văn hóa, là tác nhân chính tạo nên các giá trị văn hóa thông qua quá trình phát triển của mình, vì vậy con người có vai trò quy định bản sắc của nền văn hóa. Trong bài viết này chúng ta chỉ đề cập tới một phạm trù nhỏ trong cái ý nghĩa rộng lớn của khái niệm văn hóa: đó là nếp sống văn hóa. Nếp sống văn hóa chính là những ứng xử văn hóa được coi là phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục, đạo lý của dân tộc,… giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Trong mối quan hệ giữa con người với con người hay con người với thiên nhiên thì thanh niên vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng bản sắc văn hóa nói chung và xây dựng nếp sống văn hóa nói riêng. Hơn nữa thanh niên vốn là lực lượng tiên phong trong các hoạt động, trong đó có các hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng. Chính vì tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa – xã hội nên họ là tác nhân trực tiếp tác động tiêu cực hoặc tích cực đến bản sắc văn hóa mà trong bài viết này ta có thể hiểu là nếp sống văn hóa. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi chúng ta đang tiến hành hội nhập để phát triển kinh tế – văn hóa, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận sự hòa nhập, giao thoa văn hóa. Cùng với đó là thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các phương tiện thông tin ngày càng phong phú, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ internet. Tất cả sự thay đổi trên đã tác động rất lớn đến bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh những tác động tích cực thì hiện nay những luồng văn hóa ngoại lai đang xâm nhập vào trong xã hội Việt Nam, nó đã và đang tác động đến nền văn hóa truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm. Đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất chính là thanh niên, bởi họ là những người trẻ tuổi, năng động và rất nhạy bén trong việc tiếp thu các loại hình văn hóa. Thanh niên là đối tượng dễ tiếp thu văn hóa từ đó dễ thay đổi nếp sống văn hóa đã có sẵn, vì vậy có thể nói thanh niên giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và xây dựng nếp sống văn hóa. Không chỉ là các hoạt động văn hóa – xã hội tại cộng đồng mà trong gia đình, thanh niên cũng có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa gia đình - một trong những yếu tố quan trọng của nếp sống văn hóa đang bị thay đổi mạnh mẽ hiện nay. Quả thật, kết cấu gia đình của người Việt Nam xưa và nay đã có những khác biệt. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi của tình hình xã hội cộng với sự “lai căng” của văn hóa phương tây tức là coi trọng chủ nghĩa cá nhân, nhân quyền dẫn đến sự tự do tới mức quá thái. Vì vậy mà kiểu gia đình “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường” thường xuất hiện nhiều trong xã hội xưa thì nay trở nên hiếm thấy, hậu quả là nhiều bậc con cháu để mặc cha mẹ mình phải sống trong cảnh cô đơn không nơi nương tựa. Thêm nữa, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng khác xưa, những tôn ty, trật tự trong gia phong truyền thống xưa đã phần nào bị sáo trộn, tình trạng xưng hô “bằng vai phải lứa”, con không nghe lời cha mẹ, ông bà đã bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, cách nói năng, ăn mặc, đi đứng của một bộ phận thanh niên hiện nay cũng đang đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục, ngược lại với nét văn hóa của dân tộc. Đây là biểu hiện rõ nhất của sự xuống cấp nếp sống văn hóa. Hơn nữa nó là nhãn quan trực tiếp để người ta đánh giá sự thay đổi trong nếp sống văn hóa hiện nay bởi nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại bất kỳ đâu. Những dẫn chứng xác thực nêu trên để khẳng định một điều: với vị trí là tầng lớp kế thừa, phát huy, thanh niên thời nay có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn nếp sống văn hóa. Xác định vai trò là vậy, nhưng làm thế nào để thực hiện vai trò đó là điều không phải ai cũng biết để thực hiện. Trước tiên, bản thân người thanh niên phải có nhận thức sâu sắc, đúng đắn về vai trò của mình trong việc xây dựng nếp sống văn hóa. Muốn vậy cần phải học tập, rèn luyện đạo đức, tạo cho mình một lập trường, tư tưởng vững vàng, đồng thời có lối sống trong sạch, lành mạnh. Đặc biệt là trong việc tiếp thu văn hóa: cần giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được xã hội thừa nhận, đó là nề nếp gia phong, ý thức về lối sống, cách ứng xử, xã giao, quan hệ gia đình… Trong việc giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới cần dựa trên cơ sở hòa nhập chứ không hòa đồng và phải tiếp thu có chọn lọc. Xu thế hội nhập là tất yếu, nó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Tuy nhiên bên cạnh nhưng mặt tích cực của quá trình hội nhập thì luôn tiềm ẩn những mặt tiêu cực đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo và cảnh giác, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Là một phạm trù nhạy bén nên văn hóa rất dễ thâm nhập và hòa đồng hoặc “lai căng”. Có thể ở đất nước đó, khu vực đó, bộ tộc đó thì yếu tố văn hóa đó là bản sắc là chính thống nhưng cũng yếu tố văn hóa đó đối với một đất nước khác, một khu vực khác thì có thể nó sẽ bị từ chối và bị coi là phản văn hóa. Vì vậy chúng ta, đặc biệt là tầng lớp thanh niên - đối tượng dễ chịu tác động nhất cần phải biết phân biệt đâu là nét văn hóa mang tính chất văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, được người Việt Nam chấp nhận; đâu là những nét văn hóa không phù hợp để từ chối tiếp nhận. Nếu cần có thể áp dụng sự tiếp biến văn hóa - một cách thức mà nhân dân ta đã sử dụng trong hàng ngàn năm đô hộ của người Hán hay lần người Pháp đưa nền văn hóa phương tây vào Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX. Sự tiếp biến văn hóa ở đây hiểu nôm na có nghĩa là ta tiếp thu một yếu tố văn hóa nào đó, sau đó thay đổi, sửa chữa để nó phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, truyền thống văn hóa của mình. Đây là cách thức rất sáng tạo mà nhân dân ta đã áp dụng trong suốt quá trình giao lưu văn hóa của mình để đến hôm nay chúng ta có một nền văn hóa rất đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt hiện nay, các thế lực thù địch đang dùng nhiều thủ đoạn nhằm chống phá cách mạng, chia rẽ dân tộc và một trong những thủ đoạn đó là chúng lợi dụng sự giao lưu văn hóa để tuyên truyền xuyên tạc. Vì vậy chúng ta phải càng thận trọng và cảnh giác để không bị mắc mưu của kẻ thù. Thực hiện nếp sống văn hóa phải bắt đầu từ bản thân, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội và phải thực hiện từ những việc đơn giản nhất. Riêng bản thân thanh niên cần phải có một lối sống lành mạnh, sống có lý tưởng, luôn rèn luyện, trao dồi đạo đức để trở thành người sống có ích cho xã hội.

Ngày 24/11, Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội). T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gửi tới hội nghị tham luận với chủ đề: “Phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Nhiều kết quả nổi bật

Trong tham luận gửi tới Hội nghị, T.Ư Đoàn cho biết: Quán triệt, thực hiện mục tiêu, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kết luận, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện trong các đối tượng thanh niên, lĩnh vực công tác.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11.

Quan điểm coi trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi, chung tay cùng hệ thống chính trị và toàn xã hội xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, góp phần gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được xác định xuyên suốt trong các Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc, nhất là Đại hội lần thứ IX (2007-2012), lần thứ X (2012-2017) và lần thứ XI (2017-2022).

Đồng thời, quan điểm trên cũng được thể hiện trên các mặt công tác, đặc biệt là công tác giáo dục, trong các chương trình, phong trào hành động cách mạng của thanh niên.

Một là, Đoàn xây dựng lớp thanh niên phát triển toàn diện. T.Ư Đoàn đã triển khai cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, với 3 tiêu chí nền tảng “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi được đẩy mạnh triển khai, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, danh nhân của địa phương: “Em yêu lịch sử Việt Nam”, cuộc thi trực tuyến “Tự hào Việt Nam”; “Hành trình đến các địa chỉ đỏ”, “Liên hoan tuyên truyền các ca khúc cách mạng”…

Phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng; phong trào Tuổi trẻ sáng tạo” được tổ chức rộng rãi, thành sân chơi khơi nguồn, thúc đẩy đam mê sáng tạo của thanh niên, góp phần hình thành nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho đất nước.

Hai là, Đoàn tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh thiếu niên. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản của Đoàn đã góp phần quan trọng tạo ra môi trường thông tin lành mạnh, lan tỏa và định hướng những giá trị tốt đẹp trong đời sống đến với thanh thiếu nhi.

Các cấp bộ Đoàn duy trì tổ chức các cuộc vận động sáng tác và biểu diễn nhằm định hướng thẩm mỹ nghệ thuật trong thanh thiếu nhi: Cuộc vận động đọc sách như “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”; các chương trình: “Tuổi 20 hát”, “Hành trình bài ca sinh viên”, “Liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng”... Đoàn các cấp triển khai sâu rộng cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong khởi xướng, tổ chức là một trong những sự kiện văn hoá có uy tín lớn tại Việt Nam

Ba là, Đoàn tham gia phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật. T.Ư Đoàn và nhiều tỉnh, thành Đoàn đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đại hội Đoàn, Hội LHTN, Hội Sinh viên, Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, chương trình “Tôi yêu tổ quốc tôi” về biển đảo, về hình mẫu thanh niên thời kỳ mới…; tổ chức nhiều giải thưởng, cuộc thi, liên hoan về văn học, nghệ thuật. Các cơ quan báo chí của Đoàn đã phát triển nhiều chương trình văn hóa có tính giáo dục và nghệ thuật cao, như: “Hoa hậu Việt Nam”, “Duyên dáng Việt Nam”, “Khát vọng trẻ”.

Bốn là, Đoàn tham gia bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Các cấp bộ Đoàn phối hợp triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Tổ chức liên hoan sử ca, quảng bá nghệ thuật truyền thống, đưa cải lương, hát bội, âm nhạc dân tộc vào trường học; tổ chức các hội diễn, liên hoan, festival tiếng hát học sinh, sinh viên, thiếu nhi.

Năm là, Đoàn tham gia xây dựng và triển khai các chính sách văn hóa đối với tôn giáo. Các cấp bộ Đoàn, Hội trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo. Vận động thanh niên tín đồ tôn giáo phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo”… Đoàn Thanh niên các cấp luôn tạo điều kiện để thanh niên tôn giáo tham gia sinh hoạt, thực hiện các nghi lễ tôn giáo, phục vụ lễ hội và học tập giáo lý của tôn giáo; thường xuyên tổ chức các ngày hội thanh niên tôn giáo, liên hoan các ca đoàn, tuyên dương thanh niên tôn giáo tiêu biểu…

Sáu là, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế thanh niên về văn hóa. Hiện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thường xuyên duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức thanh niên, sinh viên, tổ chức thuộc chính phủ, tổ chức phi chính phủ cấp quốc gia, khu vực và quốc tế... Việc mở rộng quan hệ, đa dạng hóa đối tác, loại hình và quy mô hoạt động, chú trọng tính mục đích và tính thực chất, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là thành công nổi bật của công tác quốc tế thanh niên trong thời gian qua.

Nhận diện những tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa, sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet, các mạng xã hội đã tạo điều kiện để giới trẻ hiện nay dễ dàng tiếp nhận những loại hình văn hóa du nhập từ nước ngoài, như: âm nhạc, sách báo, xu hướng thời trang… Tuy nhiên, đáng lưu ý có không ít nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, đi ngược lại đạo lý truyền thống của dân tộc, khiến giới trẻ dễ sa vào các tệ nạn xã hội, chạy theo lối sống đua đòi, buông thả.

Khi “giang hồ mạng" được giới trẻ chào đón như ngôi sao thì đó là vấn đề rất đáng quan tâm chấn chỉnh, là sự cảnh báo về lệch lạc thần tượng trong giới trẻ.

Dẫu vậy, vai trò dẫn dắt, định hướng cho thanh niên của Đoàn còn chậm; công tác khảo sát, đánh giá tình hình thanh niên nói chung, các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ nói riêng chưa thường xuyên…

Bên cạnh đó, kỹ năng nhiều mặt của thanh niên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đời sống văn hoá tinh thần của phần lớn thanh niên, nhất là thanh niên công nhân, nông thôn, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực trẻ nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tham mưu tạo cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng tài năng trẻ…

Thứ ba, vai trò của Đoàn tham gia bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là của các dân tộc thiểu số, thực hiện các chính sách đối với thanh niên tôn giáo chưa rõ nét.

Phát huy vai trò của thanh niên

Để phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới, tuổi trẻ Việt Nam cần thực hiện nhiều nội dung, giải pháp.

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh, thiếu nhi.

Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường dân tộc; có đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình, có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội.

Xây dựng, phát huy và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong tuyên truyền, giáo dục, định hướng thanh thiếu nhi…

Hai là, tăng cường tuyên truyền nội dung học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng, của Đoàn, lý luận chính trị, giáo dục kiến thức pháp luật bằng các hình thức sân khấu hóa, hội thi trực tuyến, hội diễn để thu hút đông đảo thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tham gia…

Đấu tranh với các hành vi, biểu hiện phản văn hóa, văn hóa phẩm độc hại. Triển khai các công cụ truyên truyền trên mạng xã hội, góp phần tạo không gian và môi trường lành mạnh, thúc đẩy, nhân rộng những giá trị tốt đẹp cho thanh thiếu niên.

Chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá.

Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã tôn vinh nhiều thanh thiếu nhi tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực; góp phần phát hiện tài năng trẻ, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Ba là, tổ chức các hoạt động nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thanh niên; tổ chức các câu lạc bộ, đội nhóm về văn hoá dân gian, văn học nghệ thuật trong cộng đồng, trường học… Vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan.

Bốn là, đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí lành mạnh cho thiếu nhi, trong đó phát huy vai trò của hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi… Các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn tăng cường các tuyến tin, bài giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá, thúc đẩy thói quen đọc sách theo hướng trẻ trung, hiện đại, bắt nhịp với thị hiếu, xu hướng mới của giới trẻ.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; quan tâm tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh thiếu nhi; đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa tại địa phương, cơ sở; có cơ chế gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc...

Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo… Tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai Đề án “Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” nhằm thu hút, ưu đãi đối với đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa.

Video liên quan

Chủ đề