Trường hợp đặc biệt là ai

Theo danh sách Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII vừa được Đại hội XIII công bố tối muộn hôm qua, 30.1, có 10 ủy viên T.Ư khóa XIII thuộc trường hợp đặc biệt (quá tuổi).

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là 1 trong 10 trường hợp đặc biệt của T.Ư khóa XIII

Ảnh Ngọc Thắng

Cụ thể, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là 2 trường hợp “đặc biệt” ủy viên Bộ Chính trị tái cử. Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, năm nay 77 tuổi và là ủy viên T.Ư từ khóa VII tới nay. Ông Trọng cũng được bầu làm Tổng bí thư tại khóa XI, XII. Trong nhiệm kỳ khóa XII, ông Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước từ cuối năm 2018 sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là trường hợp "đặc biệt" ủy viên Bộ Chính trị tái cử thứ 2 của khóa XIII lần này

Ảnh Ngọc Thắng

Trường hợp thứ 2 là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc sinh năm 1954, năm nay 67 tuổi. Ông Phúc quá 2 tuổi so với quy định độ tuổi tái cử của ủy viên Bộ Chính trị là 65. Ông Phúc tham gia Ban Chấp hành T.Ư từ khóa X và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa XI. Trong nhiệm kỳ XII, ông Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ.

4 trường hợp "đặc biệt" ủy viên T.Ư tái cử

Ngoài 2 trường hợp “đặc biệt” ủy viên Bộ Chính trị tái cử, có 4 trường hợp “đặc biệt” ủy viên T.Ư tái cử, gồm: ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao; ông Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư và ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.

Cả 4 trường hợp này đều sinh năm 1960, năm nay 61 tuổi, quá 1 tuổi so với quy định độ tuổi tái cử của ủy viên T.Ư là không quá 60 tuổi.

4 trường hợp "đặc biệt" ủy viên T.Ư tái cử (từ trái qua): ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư; ông Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

Ảnh Ngọc Thắng

\n

Ông Trí từng là Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (từ 2009-2013) sau đó làm Phó trưởng ban Nội chính T.Ư. Từ 4.2016, ông được Quốc hội bầu làm Viện trưởng VKSND tối cao.

Ông Phan Văn Giang từng là Tư lệnh Quân đoàn 1 (2010), sau đó trở thành Phó tổng tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Quân khu 1. Từ nhiệm kỳ khóa XII, sau khi trở thành ủy viên T.Ư khóa XII, ông Giang được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông Võ Văn Dũng, xuất thân là cán bộ tại tỉnh Bạc Liêu. Ông được bầu làm ủy viên T.Ư dự khuyết tại khóa X, sau đó trở thành Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Từ 10.2015, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Nội chính T.Ư và từ 1.2016 tới nay, ông là ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư.

Ông Nguyễn Chí Dũng, từng là Thứ trưởng Bộ KH-ĐT (2008-2009) sau đó làm Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận rồi Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận. Từ khóa XI, ông được bầu làm Ủy viên T.Ư. Và từ nhiệm kỳ XII, sau khi được bầu làm ủy viên T.Ư khóa XII, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.

4 trường hợp đặc biệt tham gia T.Ư lần đầu

4 trường hợp "đặc biệt" lần đầu tham gia T.Ư (từ trái qua): ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư; ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau

Ảnh Ngọc Thắng

Có 4 trường hợp “đặc biệt” tham gia Ban Chấp hành T.Ư lần đầu gồm: ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư; ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an và ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.

Các trường hợp trên đều quá 55 tuổi theo quy định đối với trường hợp tham gia T.Ư lần đầu. Cụ thể, ông Nguyễn Duy Ngọc sinh năm 1964, năm nay 57 tuổi. Các trường hợp còn lại đều sinh năm 1965, năm nay 56 tuổi.

Như vậy, trong số 10 trường hợp "đặc biệt" vào T.Ư có 2 trường hợp ủy viên Bộ Chính trị tái cử, 2 trường hợp của ngành công an, 2 trường hợp của Ban Nội chính T.Ư, 1 trường hợp của bộ, ngành T.Ư và 1 trường hợp của địa phương.

Tin liên quan

Theo thông lệ, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Trung ương sẽ xem xét một số vấn đề còn lại, trong đó có công tác nhân sự để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng. Cũng như một số nhiệm kỳ trước đây, Hội nghị sẽ xem xét và cho ý kiến về “trường hợp đặc biệt” là các đồng chí tham gia lần đầu, các đồng chí Ủy viên Trung ương quá tuổi theo quy định, tái cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

Ông Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương (Ảnh: Thi Uyên)

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, đây là công việc bình thường trong hoạt động của Đảng cầm quyền, đảm bảo cho Đảng ta có đủ sức mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cho đến nay, mọi công việc đã được chuẩn bị hết sức công phu, kỹ lưỡng, từ các văn kiện Đảng, cũng như công tác nhân sự của Đảng trong một giai đoạn tiếp theo.

Vì sao cần có “trường hợp đặc biệt”?

Vì sao Đảng lại cần có “trường hợp đặc biệt”, tham gia lần đầu hoặc tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị? Có phải vì chúng ta thiếu cán bộ hay vì lý do nào khác?

Theo ông Phạm Văn Linh, đây là công việc bình thường trong hoạt động của một đảng cầm quyền, dựa trên nhiều quy định đối với công tác nhân sự của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cũng như những quy định về công tác quy hoạch cán bộ chuẩn bị tham gia cấp ủy các cấp. Ông Phạm Văn Linh cũng nêu rõ, công việc này nhằm thực hiện mục tiêu làm sao để Đảng ta có được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhiệm kỳ mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng cả về phẩm chất lẫn năng lực, cũng như đòi hỏi mới của sự phát triển đất nước.

“Việc chúng ta xem xét trường hợp đặc biệt, ở một số vị trí cụ thể, trường hợp cụ thể trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, hoặc mới tham gia lần đầu vào Ban Chấp hành Trung ương trong điều kiện hiện nay, được đặt ra từ yêu cầu phát triển đất nước, từ nhu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Những vị trí, trường hợp đặc biệt này, đã có sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, chu đáo, xem xét trên nhiều khía cạnh, đảm bảo sự ổn định, yêu cầu phát triển, tính kế thừa, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, nhất là những vị trí then chốt, những lĩnh vực đặc biệt”.

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh như vậy, đồng thời cho biết, thực tiễn công tác cán bộ, cũng có những vị trí, những trường hợp cụ thể, không chỉ xem xét, cân nhắc theo những quy định thông thường, đó là trường hợp đặc biệt. Ở đây cũng không đặt vấn đề vì thiếu cán bộ hoặc lý do nào khác, tất cả cũng vì sự lớn mạnh của Đảng, đảm bảo cho Đảng ta thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển trong giai đoạn mới.

"Việc xem xét trường hợp đặc biệt không đặt vấn đề vì thiếu cán bộ hoặc lý do nào khác, tất cả cũng vì sự lớn mạnh của Đảng, đảm bảo cho Đảng ta thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển trong giai đoạn mới".(Ảnh: Thi Uyên)

Những trường hợp được xếp vào diện “đặc biệt”

Theo ông Phạm Văn Linh, đối với công tác cán bộ, chúng ta đã có những quy định rất chặt chẽ trong hệ thống các văn bản của Đảng, từ điều lệ Đảng, cho đến các quy định khác của Đảng về vấn đề này. Những trường hợp đặc biệt có thể là những nhân sự đã tham gia một vài khóa mà tái cử trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, hoặc tham gia Ban Chấp hành Trung ương lần đầu.

Theo quy định của Trung ương đối với các trường hợp đặc biệt, Ủy viên Trung ương tái cử nhìn chung không quá 60 tuổi, thì "trường hợp đặc biệt" là quá 60 tuổi vẫn có thể giới thiệu để bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Tương tự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là không quá 65 tuổi, còn quá 65 tuổi là "trường hợp đặc biệt".

Kỳ vọng gì ở những “trường hợp đặc biệt”?

Bày tỏ sự kỳ vọng vào những “trường hợp đặc biệt”, ở vị trí của một đảng viên, ông Phạm Văn Linh cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng ở sự sáng suốt, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi cân nhắc những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vấn đề xem xét “trường hợp đặc biệt”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lợi ích của đất nước, yêu cầu phát triển đất nước luôn được đặt lên mục tiêu hàng đầu. Cho nên việc cân nhắc, xem xét các “trường hợp đặc biệt” cũng xuất phát từ yêu cầu đảm bảo cho sự phát triển của đất nước, ổn định liên tục và đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.

“Bởi vậy, khi Trung ương đã bỏ phiếu, tán thành những trường hợp được coi là đặc biệt, cũng có nghĩa thể hiện sự đánh giá có trách nhiệm, sự xem xét kỹ lưỡng của Đảng khi quyết định một vị trí nào đó, một cá nhân nào đó là trường hợp đặc biệt”.

Ông Phạm Văn Linh nhấn mạnh như vậy và cho rằng, nhiệm kỳ tới đây chúng ta thấy, sẽ có những điều kiện mà trước đây chưa có được. Trước hết, thời điểm Đại hội XIII cũng là thời điểm đất nước đã trải qua chặng đường 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 91, rồi chúng ta triển khai hàng loạt chiến lược, trong đó có chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, đặc biệt chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2045 - 100 năm thành lập nước.

Như vậy có thể thấy, yêu cầu mới của đất nước là hết sức to lớn, là một giai đoạn đòi hỏi chúng ta tiếp tục sự phát triển của cả chặng đường trước đây, phấn đấu để đến năm 2030, với mục tiêu nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Quan trọng là làm sao tiếp tục giữ được sự ổn định của đất nước, trong điều kiện cạnh tranh rất khốc liệt, tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mới, cũng như nhiều yếu tố bất định, khó lường khác. Vì vậy bộ máy lãnh đạo mới, những đồng chí giữ trọng trách phải đáp ứng được những yêu cầu mới, cao hơn, trách nhiệm lớn hơn.

“Với những nhân sự được Trung ương chấp nhận, cũng có nghĩa là đặt lên vai họ những trách nhiệm rất lớn, làm sao phải tiếp tục phát huy được những thành quả của những chặng đường, giai đoạn đã qua, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhất là những mục tiêu đã đặt ra”, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh./.

 

Video liên quan

Chủ đề