Trình trạng nạo phá thai thuộc top của thế giới năm 2024

Cho dù là ở độ tuổi nào, nao phá thai cũng mang lại những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người phụ nữ. Nhưng ở trẻ vị thành niên, chưa đủ trưởng thành về thể chất, lý trí, tình cảm để sẵn sàng làm mẹ thì hậu quả của nạo phá thai sẽ nặng nề hơn, nguy cơ tai biến sản khoa cũng cao hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ sau này

Trình trạng nạo phá thai thuộc top của thế giới năm 2024

Cho dù là ở độ tuổi nào, nao phá thai cũng mang lại những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người phụ nữ. Nhưng ở trẻ vị thành niên, chưa đủ trưởng thành về thể chất, lý trí, tình cảm để sẵn sàng làm mẹ thì hậu quả của nạo phá thai sẽ nặng nề hơn, nguy cơ tai biến sản khoa cũng cao hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ sau này. Theo y học, độ tuổi sinh đẻ lý tưởng nhất của phụ nữ là từ 21 đến 35 tuổi vì cơ thể đã phát triển hoàn thiện, tâm lý ổn định, sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ, khi đó, đứa trẻ chào đời sẽ khỏe mạnh hơn. Nhưng trong thực tế, ngày càng nhiều trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên - độ tuổi chuyển tiếp từ thiếu niên thành người lớn, hình thành nhân cách thông qua hiện tượng dậy thì.

Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trong năm 2022, tổng số trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) đến xin bỏ thai ngoài ý muốn là 708 trường hợp. Trong đó, 223 trường hợp có tuổi thai 16 - 22 tuần. Có 25 trường hợp phải nhập viện làm thủ thuật phá thai ngoại khoa. Tại Bệnh viện Hùng Vương, năm 2021, số trẻ vị thành niên mang thai chiếm 0,74% trong tổng số lượt khám kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở này. Đến năm 2022, tỷ lệ này giảm còn 0,59%.

Bước vào tuổi dậy thì, trẻ có những chuyển biến về tâm lý, tò mò về thể xác, muốn tìm tòi, khám phá về giới tính của mình và của người khác giới nên dễ bị ảnh hưởng của phim ảnh, sách báo, bạn bè hoặc người lớn về các vấn đề tình dục. Một số ít - nhất là ở những vùng nông thôn, trẻ thiếu hẳn sự hiểu biết về thụ thai và không có một nhận thức gì về sinh sản cũng như việc tránh thai. Các khảo sát cho thấy những trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục trước tuổi thường xuất thân từ những gia đình có nhiều xáo trộn, giáo dục thiếu sót, nên trẻ dễ nghe theo lời dụ dỗ của người khác để "thử cho biết". Dẫn đến hậu quả là trẻ mang thai ngoài ý muốn.

Thực tế, việc gia tăng số lượng các ca nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên đang là thực trạng đáng báo động. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mang thai và gia tăng tình trạng nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên. Đó là do nhiều phụ huynh thiếu quan tâm, chăm sóc, ngại chia sẻ kiến thức giới tính cho con cái, chưa trở thành người đồng hành để chia sẻ. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con trẻ có thai thì đã muộn. Hoạt động truyền thông sức khỏe, giáo dục giới tính tại trường học chưa thực sự hiệu quả. Nhiều trẻ vị thành niên thiếu kiến thức, hoặc không làm chủ được mình, hoặc thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả, không tôn trọng các chuẩn mực đạo đức của cộng đồng. Việc nạo phá thai còn có thể do gia đình ép buộc, bạn trai ép buộc, trẻ còn đi học, chưa có điều kiện nuôi con… Bên cạnh đó, tâm lý coi phá thai là “chuyện bình thường” cũng là nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, PGS. Vũ Bá Quyết nhìn nhận, việc phá thai đặc biệt là ở tuổi vị thành niên rất dễ dẫn đến các tai biến như: Chảy máu, viêm nhiễm mạn tính ở tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng. Có trường hợp, hậu quả còn nghiêm trọng hơn là tắc ống dẫn trứng, dính tử cung khiến nhiều người mất đi thiên chức làm mẹ về sau. Ngoài ra, có thai sớm và nạo, phá thai sẽ làm giảm cơ hội học tập, phát triển của trẻ vị thành niên. Đặc biệt, việc nạo phá thai còn thường đi cùng với những ảnh hưởng lớn về tâm lý, làm cho trẻ vị thành niên không những bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm, hoang mang. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng thêm các gánh nặng về kinh tế và sức khoẻ đối với cá nhân, gia đình và cả xã hội.

Để hạn chế tình trạng nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên trên cơ sở phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Theo các chuyên gia, đời sống phát triển, chế độ dinh dưỡng đầy đủ nên trẻ thường có xu hướng dậy thì sớm. Vì vậy, gia đình, người thân trực tiếp là các bậc phụ huynh cần thường xuyên gần gũi và đồng hành cùng trẻ trong giải đáp các thắc mắc, băn khoăn về sức khỏe sinh sản, giới tính và quan hệ tình dục… Cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, tránh nguy cơ mang thai sớm. Phụ huynh cần quan tâm để phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện khác thường ở trẻ vị thành niên, kịp thời động viên, hỗ trợ khi trẻ có thai ngoài ý muốn.

Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông sức khỏe, giáo dục giới tính đối với trẻ vị thành niên. Nội dung truyền thông, giáo dục cần có sự lựa chọn trên cơ sở phù hợp đặc điểm tâm lý, nhận thức của từng nhóm lứa tuổi cụ thể.

Đối với trường hợp trẻ vị thành viên có thai ngoài ý muốn, thì nên đến các cơ sở y tế có chất lượng để được bác sĩ được tư vấn, hỗ trợ kịp thời, phù hợp./.