Quy định về tỷ giá xuất hóa đơn ngoại tệ năm 2024

– Căn cứ khoản 4, Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cụ thể:

“4. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:

“Điều 27. Đồng tiền nộp thuế và xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước.

…3. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:

– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.

– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.

– Các trường hợp cụ thể khác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014”

– Căn cứ Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp:

  • Tại Điều 3 quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán, như sau:

“Điều 3. Đơn vị tiền tệ trong kế toán

“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán”.

+ Tại Điều 4 quy định về lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán:

“Điều 4. Lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán

1. Doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

2. Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:

  1. Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ và thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán; và
  1. Được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó…”

+ Tại điểm 1.3a, điểm 1.5, khoản 1, Điều 69 hướng dẫn về tỷ giá hối đoái và chênh lệch tỷ giá hối đoái.

“1.3. Nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế:

  1. Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:

….

+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh;

+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh

….

1.5. Nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong kế toán

  1. Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm giao dịch phát sinh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với:

– Các tài khoản phản ánh doanh thu, thu nhập khác. Riêng trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc thu nhập có liên quan đến doanh thu nhận trước hoặc giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập).

– Các tài khoản phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí khác. Riêng trường hợp phân bổ khoản chi phí trả trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ thì chi phí được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận chi phí)…”

– Ngoài ra, trường hợp Công ty trả thu nhập cho người lao động nước ngoài bằng ngoại tệ thì phải quy đổi thu nhập đó thành Đồng Việt Nam để khấu trừ, kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ giá thực tế mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi Công ty mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch. Tham khảo Điều 13 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính như sau:

“Điều 5. Quy đổi thu nhập chịu thuế ra Đồng Việt Nam

1. Doanh thu, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được tính bằng Đồng Việt Nam.

Trường hợp doanh thu, thu nhập chịu thuế nhận được bằng ngoại tệ phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế mua vào của ngân hàng cá nhân mở tài khoản giao dịch tại thời điểm phát sinh thu nhập.

Trường hợp người nộp thuế không mở tài khoản giao dịch tại Việt Nam thì phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ mua vào của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm phát sinh thu nhập.

Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam.

2. Thu nhập chịu thuế nhận được không bằng tiền phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ đó hoặc sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh thu nhập.”