Trình bay ngắn gọn vì trị và phong cách nghệ thuật của nhà thơ Quang Dũng

Cuộc trường kì kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã để lại dấu ấn sâu sắc trong nền thơ văn Việt Nam. Cùng với các nhà văn cùng thời, Quang Dũng đã dùng ngòi bút riêng biệt của mình để khắc họa một thời đại đau thương nhưng huy hoàng của lịch sử dân tộc qua các bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây và Đôi bờ.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ

Nhà thơ Quang Dũng sinh năm 1921 và mất năm 1988. Tên khai sinh của ông là Bùi Đình Dậu nhưng đến khi đi học, do thiếu tuổi nên ông đổi giấy tờ cho người anh con nhà bác là Bùi Đình Diệm. Sau này, khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác nghệ thuật, nhà thơ đã lấy tên con trai cả của mình là Quang Dũng làm bút danh.

Chân dung nhà thơ Quang Dũng

Nhà thơ xuất thân trong một gia đình nhà nho, có cha là cụ Tú Bùi Đình Khuê. Ông học đến bậc trung học tại trường Thăng Long. Đây là tổ chức của những trí thức tiến bộ, có lòng yêu nước bao gồm những tên tuổi lớn như Hoàng Minh Giáp, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Bùi Kỷ, Xuân Diệu, Huy Thông và Vũ Đình Liên.

Được học tập trong môi trường tiến bộ và ảnh hưởng tích cực từ những con người sống giàu lý tưởng như thế nên sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam rồi trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.

Quang Dũng là một trong những hồn thơ lãng mạn ấn tượng của nền văn học Việt Nam

Năm 1947, Quang Dũng được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khóa học, ông gia nhập trung đoàn Tây Tiến mới được thành lập với nhiệm vụ cùng bộ đội Lào để bảo vệ biên giới và đánh tiêu hao lực lượng quân Pháp. Trong thời gian này, ông còn được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào – Việt.

Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng Tiểu ban Tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.

Chân dung nhà thơ Quang Dũng những năm tháng tuổi già

Có thể nói, quãng đời lính gian khổ nhưng huy hoàng đã để lại trong Quang Dũng nhiều ấn tượng sâu đậm. Những tháng ngày với trung đoàn Tây Tiến đã tạo nên nguồn cảm hứng lớn để nhà thơ sáng tạo những bài thơ hay bậc nhất cho thời đại thơ ca kháng chiến chống Pháp cứu quốc.

Quang Dũng đến với Tây Tiến như một cái duyên ngẫu nhiên là vậy, thế nhưng cái hồn sống động của đoàn binh này đã thông qua các bài thơ của ông mà còn lại đến ngày hôm nay. Đọc thơ Quang Dũng, ta cảm nhận được tất cả sự son trẻ, trong trắng, chân thành của thế hệ thanh niên sống trong một thời đại đau thương nhưng huy hoàng, bất hạnh nhưng chan chứa tình người.

Những người lính trong Trung đoàn 52 Tây Tiến

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, bên cạnh tư cách là một nhà thơ, ông còn viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Ông từng tham gia triển lãm tranh sơn dầu cùng các họa sĩ nổi danh khác và sáng tác bài hát Ba Vì, ca khúc nổi tiếng được trình bày nhiều lần trong khu kháng chiến.

Đời sống tinh thần phong phú ấy đã khiến cho các tác phẩm thơ của Quang Dũng có được sự hòa quyện đầy lãng mạn giữa chất thơ, chất nhạc và chất họa, phong cách thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu và tài hoa.

Tuyển tập thơ và tranh của Quang Dũng do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành

Người ta hay nhắc đến chủ nghĩa xê dịch kiểu Nguyễn Tuân ở ông. Nhà thơ không chịu được cuộc sống quẩn quanh, tù túng mà thích ngao du sơn thủy như những hiệp sĩ và trượng phu xưa. Điều đó khiến cho hồn thơ của ông rộng mở với những cảnh thiên nhiên choáng ngợp và những bóng hình giai nhân đầy cuốn hút.

Dù mang trong mình cốt cách tài tử, hào hoa là thế nhưng nhà thơ vẫn chưa lúc nào quên trách nhiệm đối với đất nước trong giai đoạn sôi sục ý chí chiến đấu của lịch sử dân tộc. Điều sâu sắc nhất ở ông là lòng thương người, tình quê hương và tinh thần sẵn sàng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh mà thế hệ thanh niên lúc bây giờ ai cũng mang theo.

Bên cạnh bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng còn viết hồi ký về những ngày ở Trung đoàn 52 Tây Tiến

Là một nhà thơ chân chính, Quang Dũng luôn tỉ mỉ trong từng con chữ của mình. Điển hình như việc thay đổi tựa đề từ Nhớ Tây Tiến thành Tây Tiến mà nhà thơ đã phải trăn trở, suy ngẫm và xem xét bài thơ biết bao ngày mới quyết định bỏ đi từ “nhớ”. Vì chỉ Tây Tiến thôi đã đủ bao hàm biết bao kỉ niệm về mảnh đất, con người và tinh tế bộc lộ cả nỗi nhớ thương tha thiết.

Nhà thơ trân trọng con chữ, coi trọng sứ mệnh cao quý của nghệ thuật văn chương nên rất mẫn cảm với hạng nhà giàu muốn đánh đổi tác phẩm văn chương bằng tiền bạc. Khi nhận được thư của một đại gia mời mình đến tận nhà sáng tác thơ và ngỏ ý sẽ hậu đãi nếu viếng thăm, Quang Dũng không ngại từ chối và chua chát cảm thán “Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư?”

Phong cách thơ khác lạ so với âm hưởng văn học kháng chiến cùng thời

Cách mạng tháng Tám mở ra trên đất nước ta một thời kì lịch sử, thời kì độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với sự kiện ấy, một nền văn học mới đã ra đời, đó là nền văn học phục vụ cách mạng, cỗ vũ chiến đấu và hướng về đại chúng đồng thời mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn sâu sắc.

Nếu như trước đó, các tác phẩm Thơ mới chủ yếu viết về nỗi buồn cá nhân của một thế hệ cô đơn, loay hoay đi tìm lẽ sống và không biết ngày mai ra sao thì từ ngày Cách mạng về, văn học dưới sự soi sáng của lí tưởng Đảng đã chuyển từ những nốt trầm sang bản hòa ca tràn đầy niềm vui ra trận và nhiệt huyết chiến đấu.

Hình ảnh minh họa cho đoàn binh Tây Tiến

Văn học thời đại bấy giờ làm nhiệm vụ cao cả là vực dậy tinh thần người chiến sĩ và mang đến động lực chiến đấu cho những người lính trên những chặng đường hành quân gian khổ. Ấy vậy mà, giữa bản hòa ca đầy tươi sáng, lạc quan hướng về cuộc chiến của dân tộc ấy, ta bắt gặp một nốt lặng từ nhà thơ Quang Dũng.

Thơ ông nói nhiều đến sự hi sinh, nỗi buồn và niềm nhung nhớ thầm kín mà nền văn học cách mạng rất kiêng kỵ, trong đó bài thơ Tây Tiến là một ví dụ điển hình. Bài thơ được lưu truyền rộng rãi, nhất là trong bộ đội thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

” Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm cọp trêu người.” 

– Tây Tiến

Thế nhưng về sau, trong một thời gian dài, bài thơ ít được nhắc đến vì bị coi là còn rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản. Phải đến thời kì đổi mới, bài thơ Tây Tiến nói riêng và các tác phẩm của Quang Dũng nói chung mới được khôi phục vị trí xứng đáng trong nền thơ hiện đại.

Bạn đọc hôm hay đọc lại những vần thơ Quang Dũng mới thấy nét trầm buồn trong thơ ông không cốt làm nhụt chí người chiến sĩ mà ngược lại nó thể hiện giá trị nhân văn cao cả mà tác phẩm hàm chứa.

“Xa quá rồi em người mỗi ngả
đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?”

– Đôi bở

Quang Dũng không viết về người lính thông qua lăng kính của một người quan sát hay một kẻ xa lạ, chính ông cũng từng là một người chiến sĩ và thể nghiệm sâu sắc những gian khổ đời lính. Thế nên ông đồng cảm với thế giới tâm tư tình cảm vốn rất phong phú của những chàng thanh niên Hà Thành nay phải đối mặt với những khía cạnh bạo tàn của cuộc chiến.

Những tình cảm đó giúp ông nhận thức được nỗi buồn, nỗi nhớ là điều không thể tránh khỏi và rồi nhà thơ cứ tự nhiên và thành thật viết về chúng như một cách bày tỏ tiếng lòng thầm kín của  mình. 

Trên những chặng đường hành quân gian khổ, nỗi nhớ là phút giây trầm lắng để xoa dịu những thời khắc căng thẳng, mệt mỏi. 

“Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?”

– Đôi mắt người Sơn Tây

Còn vào những ngày tháng hòa bình, nỗi nhớ trở thành một lời nhắc nhở, một tiếng thì thầm để người chiến sĩ đã từng đi qua một thời trận mạc không lãng quên những ân nghĩa thủy chung trong quá khứ.

“Bến đò Chi Nê ai đi qua
Có nhớ đường đây về chiến khu
Hồng Phú mang tên Phủ Lí
Tàu qua ba chuyến một ngày
Giọng nói miền Nam trên những đường ray
Động cánh chim rừng tiếng còi xe lửa
Nắng đỏ phố cờ rực rỡ
Hoà bình nắng ấm Châu Giang
Hồng Phú mười năm
Nhớ một chặng đường.”

– Hồng Phú Châu Giang

Ông viết những điều không ai dám viết, bày tỏ những đoạn tình cảm không ai dám bày tỏ, chính vì lẽ đó mà những vần thơ của Quang Dũng đã cỏ sức ảnh hưởng rất lớn đối với thế hệ người lính trẻ lúc bấy giờ và mang đến cho họ sự bầu bạn sâu sắc.

Sự đối cực âm dương trong thơ Quang Dũng

Là nhà thơ lãng mạn với phong cách phóng khoáng, hồn hậu và tài hoa, Quang Dũng bị chi phối mạnh mẽ bởi cảm thức về sự đối cực âm dương trong cách tạo dựng hình ảnh thơ. Cảnh vật và con người hiện lên trong sự nối tiếp và đan xen của những mặt đối lập, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa hào hùng vừa hào hoa, mới khốc liệt dữ dội đã lại tình tứ thanh bình. 

Đọc thơ Quang Dũng, ta thấy hiện lên trước mắt một thời đại đau thương bị mưa bom bão đạn đọa đày. Chiến tranh mang đến bao mất mát, chia lìa đồng thời để lại sau lưng những yêu thương chưa kịp bày tỏ, những hẹn ước không định ngày gặp lại và cả những ngày tháng chờ đợi mỏi mòn.

“Anh đi đầu tháng tám
Đầu tháng tám năm sau
Qua đò về làng cũ
Còn bóng dáng anh đâu
Một tờ tin báo tử

Sông Đáy nhớ người con


Chuối đôi bờ ủ rũ
Bóng làng thiếu bóng anh
Bến cát càng mông mênh”

Video liên quan

Chủ đề