Thủ đô hà nội giải phóng vào thời gian nào năm 2024

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, đánh dấu một trong những ngày quan trọng và tự hào trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây cũng là thời điểm người Việt Nam chứng kiến một trang lịch sử hào hùng khi thủ đô Hà Nội chính thức giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân.

Thủ đô hà nội giải phóng vào thời gian nào năm 2024

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Để đạt được chiến thắng này, người dân và Đảng bộ Hà Nội đã phải trải qua những thử thách vô cùng khó khăn, gian khổ. Cuộc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội là một minh chứng điển hình về tinh thần hy sinh cao cả và quyết tâm vượt qua khó khăn của người Việt Nam. Cuộc kháng chiến ở Hà Nội tiêu biểu cho tinh thần cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ[1].

Cuộc kháng chiến ở Hà Nội không chỉ là một cuộc chiến tranh bình thường mà còn là một biểu đạt sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Đây là một minh chứng về sự đoàn kết của toàn bộ dân cư trên mặt trận đô thị. Để đưa cuộc kháng chiến ở Thủ đô đến thắng lợi, xuất phát từ vị trí, đặc điểm và những điều kiện cụ thể của chiến trường Hà Nội - một căn cứ quân sự, một địa bàn chiến lược quan trọng. Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách, chủ trương kháng chiến, đặc biệt là phương châm nhiệm vụ công tác trong vùng bị địch tạm chiếm. Đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân đánh giặc, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng lực lượng trong suốt quá trình kháng chiến, trước hết là lực lượng chính trị quần chúng, trên cơ sở đó tổ chức lực lượng vũ trang (bao gồm bộ đội địa phương và dân quân, du kích, tự vệ). Kết hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh kinh tế, chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao; vừa đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tầng lớp Nhân dân, vừa tuyên truyền vận động ngay trong hàng ngũ địch tạo nên sức mạnh tổng hợp giành chiến thắng.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử, trong thời điểm kết thúc cuộc chiến Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, chiến thắng vang dội của quân đội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương, chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới. Ngày 30/9/1954 và 2/10/1954, các hiệp định về việc chuyển giao Thủ đô Hà Nội được ký kết trong không khí phấn khích của người dân thủ đô. Điều này bao gồm việc tiếp quản thành phố từ quân đội Pháp sang quân đội Việt Minh. Trước kẻ thù xâm lược có quân đội được trang bị hiện đại, có bộ máy thống trị với những thủ đoạn đàn áp tàn bạo, Nhân dân Hà Nội chỉ với vũ khí thô sơ trong tay, đã dũng cảm đứng lên quyết chiến và quyết thắng. Biết bao người con ưu tú của Thủ đô đã chiến đấu kiên cường bất khuất, lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên, quyết tâm đánh bại kẻ thù xâm lược. Cuộc hành trình tới sự giải phóng bắt đầu từ sáng 8/10/1954, đơn vị quân đội Việt Minh bắt đầu tiến vào ngoại thành Hà Nội. Sáng 9/10/1954, Bộ đội Việt Minh tiến vào nội thành Hà Nội và phân tán đến các cửa ô chính của thành phố. Ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức được giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân [ 2].

Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để đưa Thủ đô từng bước phát triển. Cùng với Nhân dân miền Bắc, Hà Nội lần lượt thực hiện các nhiệm vụ cách mạng: Khôi phục kinh tế (1954-1957), cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960); thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965). Đến cuối năm 1965, diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển phong trào thi đua lao động sản xuất ngày càng sâu rộng, ra sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Giai đoạn 1965-1968 và 1968-1972, quân dân Hà Nội đã anh dũng, kiên cường lần lượt chiến đấu, chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Sau khi Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973, Nhân dân Thủ đô bước vào giai đoạn khôi phục, phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội; đồng thời tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Đi qua những thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Hà Nội đang thay đổi từng ngày, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh và hạnh phúc.

Thủ đô Hà Nội không chỉ vinh dự được Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Thành phố Vì hòa bình, năm 1999, mà còn là điểm đến an toàn, bình yên và thân thiện, được bạn bè trong nước, quốc tế yêu mến. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới đã đề cử Hà Nội là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018 [3].

Sự kiện tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội, 10/10/1954, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội của Dân tộc Việt Nam.

Đỗ Hồng Thanh

1. NXB Hà nội, Ý nghĩa lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Lịch sử Đảng bộ Thành phố HàNội 1930-2000, Nhân dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 10/10/2022.

2. Thu Hằng, Quá trình tiếp quản, giải phóng thủ đô 10/10/1954, Bảo tàng Hà nội, 10/10/2023.

3. TTXVN, 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022): Tự hào quá khứ, vững bước tương lai, Trang thông tin điện tử, Hội đồng lý luận Trung ương, 09/10/2022.