Thông tư 203 xử lý hàng tồn đọng

Hàng nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.C

Đã xử lý hơn 1.000 container hàng

Theo Cục Hải quan TPHCM, hiện cảng Cát Lái có lượng hàng tồn đọng nhiều nhất trong hệ thống cảng biển TPHCM. Hơn 1.000 container hàng tồn đọng đã được Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái xử lý từ đầu năm 2021 đến nay.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Phó Chủ Hội đồng xử lý hàng tồn đọng cảng Cát Lái, hiện đơn vị đã thực hiện xong kiểm kê chi tiết, phân loại đối với trên 700 container hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái. Số hàng hóa tồn đọng kiểm kê lần này chủ yếu là hàng bách hóa tổng hợp, vải và phụ kiện may; hóa chất, phân bón, hàng gia dụng, hàng thực phẩm... Hiện đơn vị đang thực hiện các bước để hoàn thiện việc xử lý số hàng tồn đọng này.

Mới đây, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tiếp tục thống kê, lên danh sách hơn 100 container hàng tồn đọng quá 90 ngày tại cảng Cát Lái để thông tin tìm chủ hàng theo quy định trước khi xử lý. Sau khi đăng thông tin tìm chủ hàng trên phương tiện thông tin truyền thông, nếu không có người nhận, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng cảng Cát Lái sẽ thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.

Đáng chú ý, hiện tại cảng Cát Lái có trên 300 container hàng hóa tồn đọng thuộc diện giám sát trọng điểm đang được Cục Hải quan TPHCM xử lý rốt ráo. Theo Cục Hải quan TPHCM, phần lớn là do tên người nhận hàng trên manifest là các doanh nghiệp đã, đang bị điều tra của cơ quan chức năng. Sau khi có thông tin điều tra vụ án, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã chủ động yêu cầu giám sát trọng điểm các container hàng hóa này trong nhiều năm qua. Hiện nay, các container nêu trên, Chi cục đã có công văn gửi lần 3 cho các đơn vị liên quan đề nghị cho ý kiến xử lý, tuy nhiên vẫn chưa có ý kiến phản hồi của C03- Bộ Công an và PC03 - Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Để xử lý số container nêu trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đề xuất, số hàng này do Chi cục chủ động giám sát trọng điểm, không phải yêu cầu của cơ quan chức năng, để đảm bảo tính khách quan trong việc xử lý hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, Chi cục tiếp tục rà soát và có công văn gửi các cơ quan có liên quan thêm một lần nữa (lần 4) nếu tiếp tục vẫn không nhận được ý kiến phản hồi, Chi cục sẽ kiểm kê phân loại và thực hiện theo Thông tư 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Kiến nghị xử lý nhiều trường hợp

Trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển đã phát sinh nhiều trường hợp đặc thù do ảnh hưởng của dịch bệnh, Cục Hải quan TPHCM đã chủ động kiến nghị để xử lý cụ thể.

Hiện Cục Hải quan TPHCM đang kiến nghị xem xét xử lý hàng chục container hàng tồn đọng do doanh nghiệp có công văn xin được làm thủ tục nhập khẩu. Theo Cục Hải quan TPHCM, tất cả các lô hàng trên là hàng hóa thuộc danh sách hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã thông báo tìm chủ hàng hoá tồn đọng và đã hết thời hạn đến nhận hàng theo quy định, các lô hàng đã được kiểm kê phân loại theo trình tự xử lý hàng hoá tồn đọng quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn trong việc nhận hàng hoá chậm so với quy định. Các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp đã thanh toán toàn bộ tiền hàng cho người bán, đã thanh toán toàn bộ chi phí lưu container, lưu bãi, đã nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, mục đích cuối cùng của việc xử lý hàng hóa tồn đọng là nhằm nhanh chóng giải phóng kho bãi cho cảng, giải phóng container để hãng tàu sớm đưa vào khai thác, tránh kéo dài thời gian gây ô nhiễm cho môi trường đối với hàng hoá dễ hư hỏng và giảm bớt các chi phí lưu container, lưu bãi,... phát sinh.

Bên cạnh đó, việc xử lý hàng tồn đọng là phế liệu tại Cục Hải quan TPHCM cũng đã phát sinh một số vướng mắc. Chẳng hạn như việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp vướng mắc từ hãng tàu. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hãng tàu về hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc trường hợp không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, 3 lần mời hãng tàu đến thực hiện ký biên bản vi phạm nhưng hầu hết các hãng tàu không đồng ý thực hiện. Chi cục đã đề nghị Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn ký biên bản vi phạm với tư cách là người chứng kiến và đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo thẩm quyền.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, việc nhập khẩu hàng hóa là phế liệu không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào lãnh thổ Việt Nam phát sinh tại địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I được các hãng tàu thực hiện từ thời điểm 2/8/2014 đến 2/8/2018.

Như vậy, tính đến thời điểm lập biên bản xử phạt, hành vi vi phạm trên đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp hàng hóa tồn đọng là phế liệu phát sinh tại chi cục thuộc diện không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Các vướng mắc liên quan đến việc xử lý hàng tồn đọng đã được Cục Hải quan TPHCM báo cáo Tổng cục Hải quan xin ý kiến để tập trung xử lý, tạo thuận lợi cho các cảng biển tiếp nhận hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm.

Chủ đề