Tấm cám chuyện chưa kể review năm 2024

“Đủ, dư và thiếu” vốn là tiêu đề của bài review hồi đó mình viết cho Thiên mệnh anh hùng, hôm nay xem xong phim bỗng dưng lại nhớ ra cái cụm này, cảm thấy muốn viết theo format này vì lâu lắm rồi mình mới xem xong một phim Việt cho mình cái cảm giác như Thiên mệnh anh hùng ngày đó, tuy có nhiều cái đáng chê mà lại làm mình bị high như thế này, xem xong cứ cười hềnh hệch như bị ngộ đường rồi lên cơn tăng động vậy.

Trước tiên nói về đủ. Bối cảnh, bối cảnh, bối cảnh. Sau khi xem Bộ tứ hoàn hảo phục trang thì đẹp mà bối cảnh thì bé bé nhỏ nhỏ cùi cùi, xoay sang xem Tấm Cám thấy khá đã mắt. Ừ thì biết Việt Nam ngày xưa cũng chả hoành tráng mấy, lo đánh giặc thấy mẹ lấy đâu ra thời gian mà xây thành xây quách, nhưng ai mà chả muốn cho rằng cung điện của ông bà ta ngày xưa cũng lộng lẫy, cũng hoành tráng, cũng xa hoa? Vì cung điện của vua chúa là giấc mơ về sự sang trọng và cao quý đã ngấm sâu vào máu của bất cứ một đất nước nào từng có Hoàng tộc rồi. Vậy nên dù rất thích Khát vọng Thăng Long (xin lỗi phim này đã trở thành tường thành trong lòng mình để đem ra so sánh mỗi khi đụng đến phim cổ trang rồi) với phong cách chân thật và dân dã hơn phù hợp với phim chính kịch, thì cái sự đẹp đẽ hào nhoáng của Hoàng cung trong Tấm Cám là vừa đủ cho một phim có yếu tố thần thoại. Điều mình ưng nhất là tuy tạo nên bối cảnh Hoàng cung hoành tráng vậy đó, nhưng những tòa nhà cung điện lộng lẫy đó vẫn được đặt giữa núi non trùng điệp, rừng xanh phủ quanh, giống như kinh thành Hoa Lư của hơn nghìn năm trước thủ mình phòng giặc. Cái chất Việt Nam nằm ở chỗ đấy, thay cho một kinh đô sầm uất của Thăng Long mà nếu làm theo thì bối cảnh ắt sẽ lại bị đem ra so sánh với phim Trung Quốc. Đủ, ở đây là cái tâm của Ngô Thanh Vân cho một nền móng đẹp đẽ về bối cảnh cho dòng phim cổ trang của Việt Nam.

Đủ ở mạch phim. Có mở, có dẫn, có đi vào hồi kết. Có những trường đoạn đẩy mạnh cảm xúc của khán giả như cảnh Tấm liên tiếp hoàn thành công việc nhà, hay cảnh Thái tử đánh giặc ở biên cương còn Thừa tướng ở nhà lũng đoạn triều chính. Cảnh này nối tiếp cảnh kia, dụng ý có đủ, kết hợp với âm nhạc dồn dập khiến ta có thể quên đi điện ảnh Việt từng có những phim xem hơn nửa tiếng vẫn không hiểu đạo diễn cho mình xem những cảnh kia để làm cái quần què gì và điện ảnh Việt cũng có những phim biết mình đang chiếu cái gì cho khán giả. Có những chi tiết nhỏ nhỏ ánh lên nét văn hóa Việt Nam rất hay, như lúc Dì ghẻ lo sợ nhìn về phía bàn thờ cha của Tấm. Chuyển cảnh hay và mượt mà, nên đáng tiếc thay bản thân câu chuyện lại rời rạc và thiếu kết nối trong các chi tiết.

Dư ở tham vọng của Ngô Thanh Vân. Vì muốn kể một “chuyện chưa kể” mà cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ, để rồi “thiếu” rất nhiều thứ. Dư cái màn biến hình cuối phim, dư luôn cả màn “Người đẹp và quái vật”, dư màn tâm sự “Cám ơn nàng đã luôn bên ta” khiến 100% khán giả phá lên cười như được mùa phí hết cả cảm xúc chấn động vì sự hoành tráng có-cố-gắng trong kĩ xảo fantasy (nhấn mạnh “có-cố-gắng” mà lẽ ra không cần phải cố-gắng).

Dư ở cái cách diễn như diễn kịch của mẹ con Tấm Cám. Ngô Thanh Vân bảo là đã bắt Lan Ngọc “phá vỡ” vòng an toàn của mình ra sao mà mình thấy vai Cám là một bước đi lùi của một cô gái vốn có nét diễn xuất tinh tế? Là “phá vỡ” vẻ ngoan hiền để có kiểu đọc thoại lên lên xuống xuống như kịch Ngày xửa ngày xưa, là cái vẻ mặt như đóng phim phim kinh dị mà một nhân vật được xây dựng hời hợt như Cám vốn không có đủ mâu thuẫn nội tâm để biểu lộ? Dư ở sự hề chèo không cần thiết của Ngọc Trai. Mà Ngọc Trai sau bao nhiêu năm lăn lộn trong nghề vẫn có đúng cái kiểu mồm mép tép nhảy đó, vẫn cái vẻ mặt chưng hửng hề chèo đó, hổng lẽ giờ mình phải đi đổ lỗi cho cái cung Ma Kết hệ Thổ thể thức Thống Lĩnh cứng-nhắc không-biết-thay-đổi của ảnh?

Dư cô Tấm. Là vì cô Tấm bị xây dựng quá hời hợt, thiếu chỉn chu, và “thiếu” ở mặt diễn xuất. Thành ra nguyên cái vai của cô nó dư thừa. Gái gì đâu vô dụng hết sức hà. Cinderella 2015 còn có màn cho nữ chính thuyết giảng nam chính, lại còn cả cái lời răn “Have courage and be kind” để tô điểm thêm cho cái sự tốt đẹp cổ tích của nữ chính thôi chứ cái màn tình yêu sét đánh của Thái tử x Tấm đơn thuần là một màn bắn điện của những kẻ có nhan sắc. Nhìn Tấm mà thấy phí ông Bụt, phí nhiệm màu. Nhìn Tấm được đối tốt mà thấy đời dư thừa bất công. Nhìn Hạ Vi diễn mà thấy Ngô Thanh Vân dành nhiều thời gian “phá vỡ” Lan Ngọc, “phá vỡ” cách diễn cũ của NSND Ngọc Giàu làm chi trong khi người cần nghiêm khắc chính là cô nữ chính này, mà nói ra xong lại thấy lòi ra một cái “thiếu” nữa trong cái “tâm” làm nghề mà mấy nay cũng nghe ai ai khen tụng chị Vân, vì chị cũng chấp nhận cast ngay một cô bình bông chả ra bình bông (vì nhiều cảnh mặt Vi lên hình trông cứ kì quái) vào vai chính. Vì cái gì? Vì cái danh Mỹ-nữ-vạn-người-mê ư? Hay vì fame yêu anh đại gia của cô ấy?

Thiếu sự đầu tư về kịch bản. Chấm hết. Thiếu nhiêu đó là thấy thiếu một nùi rồi.

Nói riêng về diễn xuất của dàn nhân vật chính phụ được xuất hiện nhiều nhất trên phim. Hạ Vi mới chê xong rồi. Isaac cần cố gắng hơn, đặc biệt là về đài từ. Mà tội quá, mặt sắc cạnh nam tính vậy mà cho cái bộ tóc công túa hết sức à, tóc của Will và S.T còn đẹp hơn nhiều. Will và Jun diễn tốt ngoài mong đợi. Trời ơi cắt cái cô Tấm đi để tôi ship Thái tử với Trần Bằng của Will coi nè, tuy có hơi cliché nhưng chemistry còn xịn hơn nam chính nữ chính má ơi chẳng lẽ đó là số phận của những chàng đẹp mã. À mà cho bias Thuận Nô của Jun chút xíu. (đọc bằng giọng Huế nha~) Trời ơi người mô mà đanh đá mà dễ thương mà có duyêng quá trời quá đất hè~ Mà ưng cái là không có xuất hiện nhiều nè, xuất hiện nhiều là thành vô duyêng liềng cho coi nè~ Hổng lẽ đi xem lại chỉ vì Thuận Nô hè?

Đọc đến đây ắt hẳn tất cả mọi người đều quên rằng khúc mào đầu mình có nói mình bị high sau khi xem phim. Xin lỗi vì cái sự buê đuê của mình, nhưng mình biết sao được, mình sinh ra là đã được chòm sao Buê Đuê chiếu mệnh rồi. Ừ, phim có rất rất rất nhiều cái để chê, nhưng mình vẫn cực kì phấn khích. Đã bao lâu rồi chúng ta không có những phim mang tham vọng nhiều như vậy và có thể thấy được sự cố gắng đạt đến tham vọng ấy, để rồi đem lại cho khán giả cả một nguồn cảm hứng tranh cãi bất tận như vậy? Mà lại còn là phim cổ trang. Hồi chiều mình có viết một status đại ý mình tin rằng mọi tác phẩm trên đời đều phản ánh con người làm ra chúng, dù có dùng bao nhiêu thứ để bao biện và lấp liếm đi nữa. Ở Tấm Cám: Chuyện chưa kể, mình nhìn thấy một sự tham vọng và rất nhiều cố gắng, kèm theo cả sự hoang mang và bất lực khi chưa đem lại được một sản phẩm hoàn hảo. Những hình ảnh phản chiếu đó khiến mình dành nhiều sự yêu quý cho phim, như mình đã từng yêu quý Thiên mệnh anh hùng, và phát cuồng vì Khát vọng Thăng Long. Chính vì thế mà mình lại cảm thấy cực kì cực kì khó chịu với những lùm xùm gần đây mà mình tin là một chiêu trò PR, vì phim không cần những thứ lùm xùm đó. Bản thân nó đã đủ để là một cột mốc đáng nhớ và đáng yêu trong con đường của điện ảnh Việt, mà không cần phải phủ lên một đống trách nhiệm to tát và ảo tưởng về cái gọi là phát triển điện ảnh Việt, đại diện cho điện ảnh Việt chống áp bức cường hào ác bá. Bản thân nội dung, chất lượng của nó đã đủ rồi. Tiếc thay…

Nếu xét về đánh giá lí trí, mình chỉ cho 6.5/10. Cộng thêm yếu tố phấn khích rất buê đuê để cho ai có gu buê đuê giống mính mà căn cứ đánh giá, mình cho 8/10. Nhìn lại lùm xùm, nhìn vào cái màn hình “Cám ơn bạn đã ủng hộ phim Việt” mà BHD đã cho hiện lên trước xuất chiếu để quàng xiên cái vai trò anh hùng đéo-liên-quan “người Việt xem phim Việt” lên người khán giả, mình cho 4/10 (em đây đi xem phim vì thích ô kê, không phải để làm anh hùng dân tộc ô kê?)

(Mình có cần nhấn mạnh lần thứ ba rằng mình là một đứa buê đuê không hè?)

Đăng bởi Cổ Nguyệt

"Người đàn bà đẹp cũng như một bông hoa, hoa đẹp mấy cũng có lúc tàn, nhưng nếu hoa có hương thơm, cũng như người đàn bà có trí tuệ, dẫu có tàn cũng có thể dùng để ướp trà, hoặc là làm nước hoa." - Nguyễn Hoàng Quy. Xem tất cả bài viết bởi Cổ Nguyệt