Sụt cân bất thườdd là vì sao

Nếu vẫn ăn uống và hoạt động như bình thường, nhưng sao lại giảm cân? Vậy giảm cân đó là bình thường hay bất thường?

Thế nào là giảm cân?

Trọng lượng cơ thể được xác định bởi lượng calo của một người đưa vào, khả năng hấp thụ, tỷ lệ trao đổi chất, và tiêu hao năng lượng do vận động thể lực. Sụt cân có thể phản ánh do giảm lượng thức ăn, giảm sự hấp thụ thức ăn, tăng yêu cầu trao đổi chất, hoặc sự kết hợp của ba yếu tố trên. Về lý thuyết, khi bạn đưa năng lượng vào nhiều nhưng năng lượng tiêu hao (do vận động thể lực, do chuyển hóa cơ bản) thấp thì bạn sẽ có chiều hướng tăng cân. Nếu năng lượng đưa vào bằng năng lương tiêu hao thì sẽ đứng cân. Còn khi năng lượng đưa vào thấp hơn năng lượng tiêu hao thì bạn sẽ giảm cân.

Ý nghĩa lâm sàng giảm cân có thể được định nghĩa là mất khoảng 4,5 kg hoặc giảm 5% so với của trọng lượng cơ thể bình thường trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng là bất thường. Trọng lượng mất mát này có thể là do chủ động hay không do chủ động. Do chủ động nghĩa là bạn cố ý giảm cân vì lý do thẩm mỹ hay do vì sức khỏe mà bạn thay đổi cách thức, chế độ ăn uống hoặc chế độ vận động… Giảm cân không do chủ động là dấu hiệu thường xuyên gặp phải, là dấu hiệu phổ biến hơn ở người lớn tuổi, và thường là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hoặc rối loạn tâm thần. Do đó, giảm cân không chủ động nên cần được chú ý.

 Sụt cân nhanh có thể là biểu hiện của bệnh lý nào đó.

Những nguyên nhân phổ biến nào gây ra giảm cân không chủ động?

Giảm cân đi kèm tăng cảm giác ăn ngon miệng: cường giáp, đái tháo đường không kiểm soát, giảm hấp thu thức ăn, bướu tuyến thượng thận.

Giảm cân đi kèm mất cảm giác ăn ngon miệng: ung thư, bệnh nhiễm trùng mãn tính, bệnh nội tiết, bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh lý tâm thần kinh, bệnh thần kinh, bệnh tổ chức liên kết, do thuốc…

Dấu hiệu sụt cân gợi ý bệnh?

Giảm cân với sự thèm ăn bình thường hoặc tăng:

- Cường giáp có thể hiện diện với cảm giác trong người nóng, ra mồ hôi, rụng tóc, đánh trống ngực, tăng sự thèm ăn, căng thẳng, mất ngủ, nuốt nghẹn mắt lồi, run tay, bướu cổ và vô kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt như thiểu kinh…

- Đái tháo đường: thường biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều và khát nước nhiều. Đó là những dấu hiệu thường dẫn bệnh nhân đến khám nhưng nhiều khi không đầy đủ các dấu hiệu như vậy.

- Kém hấp thu thường được thể hiện với giảm cân, tiêu chảy kéo dài với mùi phân hôi thối và kéo theo có sự liên quan đến giảm sự hấp thụ protein, chất béo, vitamin, và các chất điện giải.

- Bướu tuyến thượng thận: xuất hiện với cơn cao huyết áp kèm theo lo lắng, nhức đầu, cảm giác hồi hộp vùng tim, diaphoresis và xanh xao. Một số bệnh nhân (BN) có thể có dấu hiệu biểu hiện tăng chuyển hóa như: nóng, đổ mồ hôi, và giảm cân. Bướu tuyến thượng thận cũng có thể không có triệu chứng và phát hiện tình cờ.

Giảm cân với sự giảm cảm giác ngon miệng:

- Ung thư thường biểu hiện với triệu chứng không đặc hiệu như: mệt mỏi, giảm cân, ra mồ hôi ban đêm, sốt nhẹ và giảm sự thèm ăn. Nhiều dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể sẽ phụ thuộc vào địa điểm chính của ung thư.

- Bệnh lý nhiễm trùng như: bệnh lao, bệnh nấm, nhiễm ký sinh trùng, và virút suy giảm miễn dịch của con người (nhiễm HIV) có thể gây ra tình trạng giảm cân, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, đau khớp và giảm sự thèm ăn.

- Suy thượng thận: biểu hiện chán ăn, thờ ơ, giảm cân, buồn nôn, nôn mửa, yếu cơ và tiêu chảy như là kết quả của sự thiếu hụt cortisol. BN suy thượng thận tiên phát có thể có những biểu hiện của sự thiếu hụt aldosterone chẳng hạn như hạ huyết áp tư thế đứng, và có hiện thượng tăng sắc tố, đặc biệt ở vùng khuỷu tay, đầu gối, niêm mạc miệng, và vết sẹo sau phẫu thuật. Ở phụ nữ, mất androgen thượng thận dẫn đến giảm lông mu.

- Suy tim sung huyết: thường biểu hiện với mệt mỏi và khó thở lúc nghỉ ngơi hoặc gắng sức, đi kèm phù, tím tái, gan to và cổ trướng… Chính tình trạng sức khỏe kém nên thường là biểu hiện giảm cân và giảm sự thèm ăn.

- Bệnh phổi thường biểu hiện với khó thở lúc nghỉ ngơi hoặc gắng sức tối thiểu, ho và khạc đàm. BN có bệnh phổi thường xuyên thể hiện một cơ thể suy nhược, thở nhanh, thở khò khè, xanh tím, biến dạng lồng ngực, đầu ngón tay…

- Rối loạn tâm thần kinh luôn được xem xét khi không xác định một nguyên nhân thực thể nào đó là nguyên nhân gây ra việc giảm cân. Giảm trọng lượng và giảm đi sự thèm ăn được tìm thấy khoảng 70 - 80% BN trầm cảm có mức độ từ trung bình đến nặng.

- Chứng phụ thuộc thuốc và chất gây nghiện, đặc biệt là nghiện rượu, thuốc lá, opioid, cocaine, thuốc kích thích, thường dẫn đến chứng biếng ăn và giảm cân.

Các BS sẽ tìm hiểu nguyên nhân ra sao?

Các BS đánh giá với một bệnh sử toàn diện, thăm khám lâm sàng với sự quan tâm đặc biệt đến chế độ ăn uống và các yếu tố tâm lý xã hội. Điều quan trọng là xem xét sử dụng thuốc, vì có những loại thuốc có thể gây chán ăn. BN cũng sẽ được kiểm tra có liên quan đến chứng bệnh trầm cảm hay lo âu nào đó hay không? Các xét nghiệm hoặc cận lâm sàng khác thích hợp sẽ được BS chỉ định khi cần đánh giá sâu hơn hoặc để loại trừ dựa vào bệnh sử và những phát hiện trên lâm sàng.

- Một số xét nghiệm máu cơ bản có thể được thực hiện: như công thức máu đầy đủ để tìm nhiễm trùng, thiếu máu xét nghiệm sinh hóa để tìm bằng chứng của bệnh đái tháo đường, chứng tăng canxi huyết, rối loạn chức năng thận (ure, creatinine, BUN). SGOT, SGPT và bilirubin để đánh giá cho các rối loạn chức năng gan. Xét nghiệm bệnh lý tuyến giáp thông qua T3, T4, TSH… tốc độ lắng máu và CRP để tìm bệnh lý mô liên kết hoặc nhiễm trùng mãn tính, và xét nghiệm nước tiểu để tìm bằng chứng của nhiễm trùng, bệnh thận, hoặc mất nước.

- Hiện nay có xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư cũng có thể hỗ trợ phần nào trong chẩn đoán và theo dõi.

- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân xét được chú ý để loại trừ các bệnh ác tính đường tiêu hóa.

- Chụp X-quang ngực có thể được xem xét để đánh giá khả năng ung thư phổi, bệnh phổi, suy tim sung huyết, bệnh lao và áp-xe phổi.

- Chứng kém hấp thu chất béo được đề xuất bởi xác định chất béo trong phân bằng nhuộm Sudan và khẳng định chất béo trong phân trong 72 giờ. Sinh thiết ruột non là một thử nghiệm có giá trị trong chẩn đoán phân biệt các rối loạn kém hấp thu.

- Ung thư đường tiêu hóa nên được đánh giá bằng nội soi đại tràng và nội soi dạ dày thực quản. Siêu âm bụng có thể được chỉ định để đánh giá gan, thận, tuyến tụy. Chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp CT, chụp cộng hưởng từ được sử dụng để chẩn đoán khối u rắn hoặc tổn thương di căn. X-quang thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh di căn xương. Sinh thiết tủy xương phải được thực hiện khi một bệnh ác tính nghi ngờ.

- Suy tim sung huyết được xác nhận bởi đo điện tim, siêu âm tim.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được phát hiện bởi thử nghiệm chức năng phổi và khí máu động mạch.

- Việc đánh giá các bệnh mô liên kết bao gồm chụp X-quang, phân tích dịch khớp, xét nghiệm máu tìm yếu tố dạng thấp (nếu viêm khớp dạng thấp là nghi ngờ), các globulin miễn dịch huyết thanh, kháng thể kháng nhân và subtypes (nếu nghi ngờ lupus ban đỏ hệ thống).

BS. NGÔ HỮU LỘC


Bạn không nên xem sụt cân nhanh là một tín hiệu đáng mừng cho sức khỏe. Bởi vì, cân nặng giảm quá nhanh có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Sụt cân có thể chỉ đơn thuần là do ăn uống thiếu chất, nhưng cũng có thể liên quan đến bệnh về nội tiết, tiêu hóa, thậm chí có thể là ung thư.

>> Thức uống không đường có thực sự tốt cho bệnh nhân Đái tháo đường?
>> Ăn gạo lứt có làm giảm nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường hay không?

Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu 7 nguyên nhân khiến bạn sụt cân nhanh chóng cũng như cách xử trí hợp lý ngay sau đây nhé!

7 lí do khiến bạn sụt cân nhanh chóng

1. Bệnh Đái tháo đường

Đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa của cơ thể, khiến cho lượng đường huyết tăng cao. Tỉ lệ mắc bệnh Đái tháo đường đang ngày càng gia tăng và trở thành một căn bệnh phổ biến ở người lớn. Về lâu dài, bệnh gây biến chứng trầm trọng ở nhiều cơ quan như não, mắt, tim, thận, mạch máu… Bệnh cũng có thể gây những biến chứng nguy cấp đe dọa tính mạng như hạ đường huyết, nhiễm toan ceton.

Triệu chứng điển hình của bệnh có thể tóm tắt ngắn gọn bằng “4 nhiều”. Đó là:

  • Ăn nhiều
  • Uống nhiều
  • Tiểu nhiều
  • Sụt cân nhiều

Nếu bạn cảm thấy cơ thể luôn mệt mỏi cùng các dấu hiệu trên thì bạn có thể đang có nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường. Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời. Kiểm soát đường huyết tốt giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm của Đái tháo đường. Lưu ý là nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị bệnh đái tháo đường rất đơn giản mà lại có hiệu quả cao.

Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sụt cân nhanh

2. Bệnh đường tiêu hóa

Nhiều bệnh đường tiêu hóa sẽ gây cản trở việc hấp thu dinh dưỡng của cơ thể, vì vậy có thể khiến bạn sụt cân nhanh chóng.

Các bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày có thể khiến bạn bị đau bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa… gây sụt cân. Trong khi đó, bệnh viêm tụy mạn tính, chứng ỉa phân mỡ có thể gây giảm hoặc không hấp thu được thức ăn nên dù ăn uống bình thường nhưng người bệnh vẫn bị gày đi nhanh chóng.

Bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease – IBD) là tình trạng viêm mạn tính của đường tiêu hóa, bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Các nguyên nhân chính là do chán ăn (vì cứ ăn vào là bị đau bụng), mất cảm giác đói hoặc giảm hấp thu … khiến cho khoảng 40 – 80% các bệnh nhân viêm ruột này có gày sút cân.

3. Bệnh về gan

Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, đào thải độc tố, sản xuất mật để hấp thu thức ăn. Người mắc bệnh gan thường có nhiều triệu chứng tiêu hóa như đầy tức bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn, vàng da, ngứa…Như vậy, những bệnh lí về gan sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Kết quả là bạn có thể bị sụt cân nhanh, bất thường.

Khi có những triệu chứng nghi ngờ gan có vấn đề, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các bệnh gan phổ biến là viêm gan virus, xơ gan (do rượu hoặc virus), đặc biệt bệnh nhân ung thư gan sẽ có gày sút nhiều và nhanh.

Các bệnh về gan có thể khiến bạn sụt cân nhanh, bất thường

4. Bệnh về tuyến giáp

Hormon tuyến giáp có vai trò với nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm cả quá trình chuyển hóa và trao đổi chất. Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất quá nhiều các hormon. Lượng hormon dư thừa này sẽ đốt cháy quá nhiều năng lượng, ngay cả khi bạn nghỉ ngơi không hoạt động. Vì vậy mặc dù người bệnh ăn uống đầy đủ nhưng vẫn bị gày sút nhiều, thường khoàng từ 3 – 5 kg trong vòng 1-2 tháng.

Các triệu chứng khác của cường giáp như:

  • Tim đập nhanh, không đều
  • Lo âu, mất ngủ
  • Mệt mỏi
  • Run tay
  • Khó ngủ
  • Bướu cổ to

Một số nguyên nhân gây ra cường giáp như: bệnh Basedow, viêm tuyến giáp, hoặc điều trị suy giáp quá liều thuốc… Các bệnh này thường đáp ứng tốt với điều trị và bệnh nhân sẽ dễ dàng tăng cân trở lại.

5. Bệnh ung thư

Ung thư là thuật ngữ chỉ các bệnh có các tế bào phân chia và tăng trưởng quá nhanh, mất kiểm soát, tạo thành các khối u tại chỗ và di căn. Những tế bào ung thư cần sử dụng nhiều năng lượng hoặc tạo ra các chất hóa học làm thay đổi quá trình tiêu hóa thức ăn. Hơn nữa, hệ thống miễn dịch của bạn phải làm việc nhiều hơn làm cơ thể mệt mỏi và đốt cháy nhiều calo. Hệ quả là cân nặng bị giảm sút nhanh chóng. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một trong những dấu hiệu đầu tiên của ung thư có thể là sụt cân không rõ nguyên nhân từ khoảng 5kg trở lên. Giảm cân sẽ nhiều và nặng hơn ở bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa.

Các tế bào ung thư sử dụng rất nhiều năng lượng của cơ thể để sinh trưởng

Các triệu chứng ban đầu của ung thư bao gồm sốt, mệt mỏi, đau đớn, thay đổi màu da. Tuy nhiên đôi khi, ung thư không gây ra bất kỳ triệu chứng nào khiến cho bệnh nhân được phát hiện muộn, họ bị suy kiệt nặng, có thể chỉ còn da bọc xương.

6. Tinh thần căng thẳng

Nghe có vẻ vô lý nhưng thực sự căng thẳng tinh thần, lo âu (stress) trong công việc, cuộc sống là bệnh lý rất thường gặp hiện nay. Những cảm xúc tiêu cực này có thể cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể. Điều này có thể tác động đến sự kiểm soát thèm ăn của não, dẫn đến chán ăn, ăn không ngon miệng và cuối cùng là sụt cân. Những người này có thể có thêm các triệu chứng khác như mất ngủ, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt…

Bạn hãy luôn lạc quan, yêu đời để tránh những căng thẳng không đáng có trong cuộc sống. Nếu có những vấn đề về tâm lý, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để được điều trị hợp lý.

Căng thẳng quá mức có thể gây ức chế cảm giác thèm ăn của bạn

7. Ăn uống thiếu chất

Khi bạn ăn uống thiếu chất, hoặc bỏ bữa thì cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Do đó, việc sụt cân là điều không thể tránh khỏi. Bạn hãy luôn đảm bảo chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Bữa ăn cần có sự cân đối của tinh bột, đạm, béo, cũng như tăng cường rau xanh, trái cây.

Hãy xây dựng cho bản thân một thực đơn khoa học để tăng cường sức khỏe

Bên cạnh việc sụt cân nhanh, một số dấu hiệu khác cũng có thể giúp bạn bận biết bệnh Đái tháo đường. Mời bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết qua video ngắn nhé:

Bạn có mắc đái tháo đường? Những dấu hiệu nhận biết

Như vậy, bài viết đã giúp bạn đọc điểm qua 7 lí do phổ biến khiến bạn sụt cân nhanh chóng. Thực tế sụt cân không điển hình cho một bệnh lý nào cả. Vì vậy, khi bạn bị sụt cân quá nhanh, hãy đi khám bác sĩ, vì có thể đó là những dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh lí nào đó, có thể là những bệnh lý rất nguy hiểm. Bạn cũng đừng quên xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, thể dục thường xuyên cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp tăng cường sức khỏe hiệu quả!

Nguồn tham khảo:

  1. Healthline, “13 Causes of Unexplained Weight Loss”

Video liên quan

Chủ đề