So sánh tên lửa kalibr và tomahawk năm 2024

CNQP&KT - Với độ chính xác cao, hiệu quả lớn, giá thành hợp lý, phù hợp với ngân sách của nhiều quốc gia, tên lửa hành trình ngày càng thông dụng, được sử dụng trong hầu hết các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới.

ƯU ĐIỂM VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Các loại tên lửa hành trình hiện nay có độ chính xác rất cao, do quá trình phát triển đã ứng dụng triệt để các thành tựu khoa học - kỹ thuật, như: radar, laser, tạo ảnh hồng ngoại, hệ dẫn đường tiên tiến. Theo thiết kế, các loại tên lửa hành trình hiện đại chỉ có độ lệch mục tiêu từ 0,6 -1m. Chính vì thế, xác suất trúng mục tiêu rất cao, chỉ cần sử dụng ít tên lửa nhưng hiệu quả sát thương rất lớn, chi phí thấp hơn so với các loại vũ khí khác. Ví dụ: tên lửa hành trình Tomahawk Block IV của Mỹ phóng ở cự ly 3.000km, độ lệch mục tiêu chỉ 3-5m; còn tên lửa đạn đạo Pershing 2, có độ chính xác cao nhất trong các loại tên lửa đạn đạo, phóng ở cự ly 160-1.800km, độ lệch mục tiêu từ 40-45m. Như vậy, trong trường hợp cự ly phóng tương đương nhau, tên lửa hành trình có độ chính xác cao hơn tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, tên lửa hành trình cũng có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa đạn đạo. Một quả tên lửa hành trình AGM-86B, loại phóng từ trên không, có giá là 1 triệu USD (phiên bản AGM-86C là 600.000 USD); tên lửa hành trình BGM-109A và BGM-109C, loại phóng từ biển có giá là 500.000 USD. Còn tên lửa đạn đạo Minuteman 2 và Minuteman 3, phóng từ đất liền có giá là 7,8 triệu và 9,2 triệu USD; tên lửa đạn đạo phóng từ biển có giá thành đắt hơn, như: Triad I C4 và Triad II D5 có giá là 12,6 triệu USD và 31 triệu USD. Theo thống kê, ở cùng cự ly phóng, chi phí cho mỗi quả tên lửa hành trình chỉ bằng khoảng 40% tên lửa đạn đạo.

Ưu điểm khác của tên lửa hành trình là có thể được phóng từ nhiều vị trí khác nhau (mặt đất, mặt nước, dưới mặt nước và trên không). Tên lửa hành trình Tomahawk BGM-109 của Mỹ có 18 loại, trong đó nổi bật là loại tấn công mặt đất gắn đầu đạn hạt nhân BGM-109A, loại chống tàu BGM-109B, loại tấn công mặt đất gắn đầu đạn thông thường BGM-109C và loại phóng từ mặt đất BGM-109G… Về cấu tạo, các loại tên lửa Tomahawk có kích thước, hình dáng, cách xếp đặt vị trí các khoang bên trong như nhau, còn phần đầu nổ, hệ thống dẫn đường và động cơ tùy theo nhiệm vụ tác chiến mà chế tạo khác nhau; do đó, khoảng 75% các bộ phận trong tên lửa này có thể lắp lẫn cho nhau. Tương tự, từ giữa những năm 1970, Liên Xô trước đây cũng dựa theo nguyên tắc một tên lửa nhiều kiểu loại, đã thiết kế 3 loại tên lửa hành trình là kiểu phóng từ tàu ngầm SS-N-21, kiểu phóng từ mặt đất SSC-X-4 và kiểu phóng từ trên không AS-15. Ngoài ra, tên lửa hành trình BrahMos của Ấn Độ cũng có thể phóng từ tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay và trạm phóng lưu động trên mặt đất.

Tên lửa hành trình Tomahawk Block IV của Mỹ. Ảnh: Internet

Hiện nay, tên lửa hành trình được nghiên cứu phát triển theo 3 xu hướng chính, đó là:

Ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ: Trong quá trình nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình thế hệ mới, Mỹ chú trọng tận dụng những thành quả kỹ thuật, công nghệ của các loại vũ khí khác, chủ yếu ở 6 lĩnh vực: động cơ tua-bin phản lực; kỹ thuật điều khiển vi điện tử; nhiên liệu tổng hợp năng lượng cao; đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ uy lực cao và đầu đạn thông thường uy lực lớn; xử lý ảnh kỹ thuật số; tàng hình radar. Những kỹ thuật này đã được ứng dụng, vận dụng phù hợp khi phát triển tên lửa hành trình Tomahawk thế hệ mới, nâng cao đáng kể tính năng kỹ - chiến thuật và hiệu quả sử dụng tên lửa. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, tên lửa hành trình hiện nay của Mỹ có những ưu điểm vượt trội so với thế hệ đầu tiên, thể hiện trên các yếu tố, như: tỷ lệ kích thước (độ dài, đường kính, sải cánh) rút xuống còn khoảng 1:15; tỷ lệ khối lượng phóng là 1:4; độ chính xác tăng 100 lần, sai lệch mục tiêu là từ 1.000m xuống chỉ còn 10m; tầm bắn tăng gấp đôi (tầm bắn lớn nhất khi mang đầu đạn hạt nhân từ 1.200km lên 2.500km); độ cao bay bằng từ 500-3.000m giảm xuống còn từ 8-150m; tiết diện phản xạ radar từ 1m2 giảm xuống còn 0,02-0,2m2…

Phát triển theo hướng đa dụng: Tên lửa đa dụng có khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu; phóng được trên nhiều phương tiện và có quỹ đạo bay khác nhau. Mỹ đã triệt để lợi dụng xu hướng này, từ một chức năng duy nhất ở thế hệ đầu, đã được cải tiến thành đa chức năng, có thể phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm, trên mặt đất và trên không; tấn công mục tiêu tĩnh và mục tiêu di động, cả trên đất liền và trên biển, với kỹ thuật, tính năng tiên tiến “phóng và quên”. Xu hướng phát triển tên lửa hành trình đa tác dụng cũng đã được Nga, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và Israel nghiên cứu, phát triển.

Thiết kế mô-đun và cấu trúc mở: Mô-đun cấu thành hệ thống vũ khí chia làm 3 loại gồm: thông dụng (những phần dùng chung cho các phiên bản); mô-đun đặc thù (những phần then chốt được nghiên cứu riêng thỏa mãn mục tiêu yêu cầu thiết kế của một phiên bản vũ khí); mô-đun trung gian (những phần kết nối, hỗ trợ cho hai phần kể trên). Ví dụ, trong thiết kế tên lửa Tomahawk, phần đuôi gồm cánh gấp, động cơ, con quay là thuộc mô-đun thông dụng; mô-đun đặc thù gồm hệ thống điều khiển và khoang đầu đạn; mô-đun trung gian là khoang nhiên liệu. Bằng việc thay mới mô-đun đặc thù, gồm hệ thống điều khiển và đầu đạn, các nhà nghiên cứu Mỹ có thể chuyển đổi tên lửa từ loại này sang loại khác, mà không cần thay đổi về bố cục tổng thể của tên lửa, đảm bảo khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau. Đến nay, Tomahawk đã được phát triển tới 9 phiên bản phóng từ mặt đất và 5 phiên bản phóng từ trên không, luôn đảm bảo các phiên bản sau giá thành hợp lý hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn và ưu việt hơn phiên bản trước.

Hiện nay, tên lửa hành trình được nghiên cứu phát triển theo 3 xu hướng chính: ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ; phát triển theo hướng đa dụng và thiết kế với mô-đun và cấu trúc mở.

MỘT SỐ TÊN LỬA HÀNH TRÌNH TIÊU BIỂU

Tomahawk của Mỹ

Các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá, Tomahawk là thứ vũ khí “cách mạng” tạo ra bước ngoặt thay đổi quy luật chiến tranh hiện đại. Tomahawk được Mỹ mệnh danh là “sứ giả chiến tranh”, bởi nó luôn giữ vai trò mở màn trong các cuộc chiến của Quân đội Mỹ. Trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991, vũ khí đầu tiên được Quân đội Mỹ sử dụng là tên lửa Tomahawk Block II, phóng từ tàu ngầm hạt nhân USSLouisville trên Biển Đỏ. Trong cuộc chiến Li-bi năm 2011, ngay trong đợt tấn công đầu tiên đã có 110 quả Tomahawk Block IV được sử dụng…

Tên lửa Tomahawk được thiết kế theo mẫu máy bay cánh đơn - thân tên lửa là ống trụ tròn, hai cánh chính có thể gấp lại và được lắp ở trọng tâm tên lửa và 4 cánh ổn định đôi hình chữ thập. Thân tên lửa được chế tạo bằng hợp kim nhôm, các bộ phận và bề mặt khí động học được làm bằng nhựa tổng hợp graphite-epoxy; sơn lớp sơn đặc biệt hấp thụ sóng radar để giảm độ phản xạ hiệu dụng. Tên lửa gồm 6 khoang: thiết bị của hệ thống điều khiển tên lửa và dẫn đường mục tiêu; đầu đạn có bộ phận khóa an toàn và bộ phận kích nổ đạn; thùng nhiên liệu thứ nhất; bộ phận mở cánh, thùng nhiên liệu thứ hai và thứ ba; đầu hút không khí và pin nhiệt điện; động cơ hành trình, các đường dẫn động cánh ổn định và cánh lái tên lửa. Tên lửa Tomahawk sử dụng động cơ phản lực cánh quạt đẩy, nặng 58kg, dài 0,94m, đường kính 0,305m; hệ thống điều khiển và dẫn đường là một tổ hợp gồm 3 hệ thống thứ cấp xếp liền nhau. Tầm phóng tên lửa từ 1.300-2.500km tùy biến thể, có thể tiêu diệt các mục tiêu cố định và bán cố định; trang bị đầu đạn phá nổ nặng 450kg, chuyên phá hủy các công sự phòng ngự kiên cố; có thể tấn công theo kiểu bổ nhào từ trên cao xuống, từ bên sườn hoặc nổ từ trên cao tạo xung lực phá hủy các mục tiêu mặt đất.

Kalibr của Nga

Kalibr là thế hệ tên lửa hành trình mới của Nga, được nghiên cứu và phát triển từ tên lửa Granat (loại phóng từ biển, có tầm bắn 3.000km). Từ Granat, Cục Thiết kế Novator của Nga đã nghiên cứu, phát triển thành các tên lửa hành trình 3M-14E, 3M-54E, 3M-54E-1 và được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, dưới các tên gọi Klub-S (trang bị cho tàu ngầm), Klub-N (trang bị cho tàu mặt nước) và Klub-M (tên lửa chống tàu phòng thủ ven bờ). Ngoài ra, Novator còn phát triển hệ thống Klub-A trang bị cho máy bay, có tầm bắn khoảng 300km.

Phóng tên lửa hành trình Kalibr của Nga. Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia Nga, các phiên bản nội địa của dòng tên lửa này có tầm bắn từ 1.500-2.600km, lớn hơn các phiên bản xuất khẩu rất nhiều. Tên lửa có thể bay theo quỹ đạo phức tạp và chuyển hướng 15 lần trong hành trình bay; nếu mục tiêu nằm ở phía sau quả núi, Kalibr có thể bay vòng quanh núi để tìm và tiêu diệt mục tiêu. Tên lửa Kalibr 3M-14T phiên bản nội địa, là tên lửa hành trình tấn công đất liền có điều khiển, được đưa vào biên chế năm 2014 trên các tàu chiến mặt nước của Hải quân Nga. Tên lửa dài 8,9m, trọng lượng đầu đạn nặng 450kg, có thể bay với vận tốc cận âm thanh 0,8M và tầm phóng từ 1.500-2.500km. Kalibr sử dụng hệ dẫn đường kết hợp bằng vệ tinh Glonass, dẫn đường quán tính và radar chủ động ARGS-14E, giúp tên lửa chỉ bay ở độ cao cách mặt đất 50m, tự điều chỉnh đường đi theo địa hình để tránh sự phát hiện của radar đối phương và phóng trúng mục tiêu với độ sai lệch dưới 3m. Kalibr 3M-14T khiến cho phương Tây rất lo ngại, bởi nó là một trong những loại vũ khí tầm xa chính xác và uy lực nhất trong kho vũ khí Nga; có thể lắp được cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân; khi được phóng từ các tàu chiến trên Biển Đen nó có thể vươn tới hầu hết các mục tiêu ở châu Âu.

Máy bay Rafale mang theo tên lửa hành trình Scalp EG của Pháp. Ảnh: Internet

Scalp EG của Pháp

Tên lửa hành trình Scalp EG của Pháp dài 5,1m, đường kính 0,48m, trọng lượng phóng 1.300kg. Khác biệt đáng chú ý nhất giữa Scalp EG với một số loại tên lửa khác là sử dụng đầu đạn xuyên phá mạnh, gồm 2 tầng: tầng thứ nhất có khả năng xuyên lớp bê tông dày của các tòa nhà hay boong-ke kiên cố; tầng thứ 2 mang lượng thuốc nổ chính, có khả năng nổ chậm để tăng tính sát thương. Scalp EG có hệ thống dẫn đường quán tính, cập nhật đường bay thông qua bản đồ kỹ thuật số và định vị vệ tinh GPS, độ chính xác cao và có khả năng đối phó với các phương tiện tác chiến điện tử. Scalp EG hoạt động theo phương thức “phóng và quên”, có khả năng tự tìm đến mục tiêu đã định mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Trong giai đoạn đầu và giữa của hành trình bay, Scalp EG bay tương đối thấp để tránh bị radar đối phương phát hiện. Ở giai đoạn cuối, tên lửa vọt lên cao, đồng thời đầu dò quang điện tử hồng ngoại sẽ so sánh mục tiêu thực với được lập trình sẵn và lựa chọn tọa độ để tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao nhất. Với tầm bắn 560km, Scalp EG có thể tiêu diệt các mục tiêu chiến lược quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.

Chủ đề