So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc
Ngọ Môn - Hoàng Thành Huế

>>Bài liên quan:

Kiến trúc cổ Việt Nam: Kiến trúc chùa ( Bài 1)

(Cinet) – Kiến trúc cung điện – dinh thự là kiến trúc tiêu biểu và điển hình của các triều đại phong kiến Việt Nam. Lý do bởi loại hình kiến trúc này huy động tập trung cao độ tài lực của cả nước hoặc ít nhất là địa phương nơi xây dựng cung điện – dinh thự. Nói đến nghệ thuật cổ trong xã hội phong kiến, hầu hết mọi người đều nghĩ tới đầu tiên là kiến trúc cung điện và dinh thự của triều đình và các tầng lớp quan lại, quý tộc. Điều này cũng dễ hiểu bởi loại hình kiến trúc này được xây dựng quy mô, hoành tráng tập trung những tài năng thiết kế giỏi nhất thời kỳ bấy giờ. Khi một ông vua lên ngôi hay một triều đại mới được sáng lập theo sau đó bao giờ cũng là quyết định lập kinh đô và xây dựng những công trình kiến trúc cung điện – dinh thự để tỏ rõ quyền lực của triều đại, uy thế của cá nhân. Thời kỳ dựng nước, các vua Hùng nhà nước Văn Lang ở Phong Châu ( Phú Thọ) nhưng do thời gian đã xa hàng mấy chục thế kỷ do vậy tư liệu, sách vở ghi lại vết tích kiến trúc nghệ thuật cung điện giai đoạn này không có gì đáng kể và cũng không đủ căn cứ để mô tả. Sau hàng nghìn năm Bắc thuộc đến thời nhà Đinh khởi nghiệp ở Ninh Bình, tiếp nối là nhà Tiền Lê. Nhưng đến nay, kiến trúc cung đình nhà Đinh và Tiền Lê có diện mạo thế nào vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Năm 2010, Lý Công Uẩn lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tổ, mở ra triều đại nhà Lý và quyết định rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội). Những quần thể cung điện thời nhà Lý thường được bố trí theo trục đối xứng, căn bằng ngay ngắn để đảm bảo tính chất tôn nghiêm của quyền lực triều đình nhà nước phong kiến. Mặt bằng kiến trúc đơn giản: chữ nhất (-) hay chữ nhị (=), có hành lang, có gác kết hợp chặt chẽ với vườn hoa, mặt nước và cây cỏ thiên nhiên. Vật liệu xây dựng chủ yếu được huy động từ các nguồn vật tư trong nước hoặc ngay tại địa phương: ngoài gỗ quý cũng dùng cả gạch, ngói, đá…Tuy nhiên kết cấu gỗ truyền thống với những hàng cột chịu lực thì ít khi thay đổi trong các công trình. Những công trình xây dựng sau thường trang trí, thiết bị nội thất, ngoại thất tinh vi, cầu kỳ và tráng lệ hơn. Quy mô, kích thước của những công trình kiến trúc này cũng bề thế hơn. Tại một số cung điện tiêu biểu thời nhà Lý, các bộ phận cấu tạo công trình như cột, đầu cột, diềm mái, vì kéo..cùng với thềm bậc tam cấp, gạch tráng men xanh, vàng, ngói ống, lưu li được khắc “Long, ly, quy, phượng” hoặc “Tứ quý”…tạo nên một hình thức kiến trúc cung điện lầu son, gác tía, lộng lẫy uy nghi. Đáng tiếc là năm 1214, loạn lạc do các phe phái phong kiến trong nước chống đối lẫn nhau khiến kiến trúc cung điện dinh thự nhà Lý bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc
So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc
Đoan Môn và Thềm Rồng tại Hoàng thành Thăng Long

Nhà Trần nối ngôi nhà Lý đã phải đầu tư xây dựng mới và sửa sang lại Hoàng cung tại Thăng Long. Kiến trúc nhà Trần so với nhà Lý có nét độc đáo riêng: công trình xây trên các bệ cao, đa số là hai tầng có gác, thậm trí có công trình có tới 3-4 tầng. Tầng dưới được gọi là “điện”, tầng trên được gọi là “các” và thường có hành lang bao quanh. Các công trình được nối với với nhau và nối với các cửa Hoàng thành. Do thể chế các vua nhà Trần hầu hết truyền ngôi lại cho con từ khi còn sống để lui về làm Thái thượng hoàng, do đó trong kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long thời Trần cùng tồn tại hai hệ thống cung: cung Vua và cung Thái thượng hoàng hoặc cung Thái tử. Về kiến trúc cung điện nhà Trần, sách Văn hiến thông khảo có viết: Vua ở trên điện cao 4 tầng, xung quanh có nhiều cung điện, tất cả những cung điện đều sơn màu đỏ, cột có chạm rồng, phượng thần tiên… Khi nhà Trần suy yếu, Hồ Quý Ly rời đô vào Vĩnh Lộc ( Thanh Hóa) tuy nhiên các cung điện lầu gác của nhà Hồ qua thời gian và chiến tranh đã bị quân Minh tàn phá, hủy hoại nên không còn tồn tại, tư liệu ghi chép quá ít nên không xác định được hình ảnh cụ thể. Trải qua nhiều biến cố lịch sử khác cho đến năm 1802,  sau khi cách mạng Tây Sơn bị thất bại – Nguễn Ánh lập triều Nguyễn và đóng đô ở Phú Xuân (Huế) đã tập trung nguồn nhân lực và vật lực lớn để xây dựng Hoàng cung trong kinh đô Huế. Cung điện dinh thự dưới thời nhà Nguyễn được xây dựng trong Đại nội Huế vẫn được bố cục xây dựng theo kiểu truyền thống triều đình phong kiến Á Đông, khởi công từ thời Gia Long (1802-1819), phát triển nhất vào thời Minh Mạng (1820-1840) và các vua Nguyễn tiếp sau đó tu bổ và mở mang thêm những công trình mới.

Kiến trúc cung đình dinh thự Huế được chia thành ba loại. Loại thứ nhất là kiến trúc dùng làm nơi thiết triều và cử hành lễ nghi: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh,…Loại hai là nơi của Vua và hoàng thất: Điện Càn Thanh, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung, điện Diên Thọ…Và loại cuối cùng các công sở - công quán: Điện Văn Minh, điện Võ Hiển, Đông các phủ nội vụ, Thái y viện…

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc
So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc
Điện Thái Hòa và cửa Hiển Nhơn - Hoàng Thành Huế

Cùng với 3 loại kiến trúc nêu trên, trong các thư tịch còn nói tới đền miếu thờ tự và kiến trúc vui chơi giải trí tại Huế. Riêng những công trình loại này cũng có tới trên 100 công trình lớn nhỏ. Những công trình kiến trúc tại Huế nói chung có phong cách hài hòa, khiêm tốn và chừng mực của kiến trúc dân gian Việt Nam, không quá đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy như kiến trúc của triều đình phong kiến nhà Minh. Trải qua hơn 100 năm với nhiều biến động lịch sử và tác động của thiên nhiên, trên 80% cung điện và dinh thự nhà Nguyễn đã bị hủy hoại. Hiện chỉ còn lại cửa Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ…cùng Thế Miếu, Hiểm Lâm các và một số kiến trúc nhỏ. Tuy nhiên trong điều kiện xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa sau này, trào lưu kiến trúc và kỹ thuật xây dựng phương Tây đã xâm nhập vào nước ta và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các đô thị lớn. Kiến trúc cung đình Huế vì thế cũng có sự lai tạp Á, Âu. So với các kiến trúc cung điện, dinh thự ở Hoa Lư và Thăng Long, cung điện ở Huế là kiến trúc của triều đại phong kiến cuối cùng và gần hơn cả, tuy cũng đã mất mát phấn lớn song các di tích lịch sử còn lại tương đối quy mô, cụ thể. Những công trình kiến trúc này không chỉ là những bằng chứng lịch sử mà còn là kết tinh là thành quả lao động của nhân dân và là di sản văn hóa mà mỗi người Việt cần trân trọng, giữ gìn. Bên cạnh kiến trúc Chùa, kiến trúc Cung điện dinh thự, trong các loại hình kiến trúc cổ có một kiến trúc không thể không nhắc tới đó là kiến trúc Quân sự - Quốc phòng. ( sẽ giới thiệu trong bài 3).

Tham khảo các nguồn tài liệu: Kiến trúc cổ Việt Nam; Kiến trúc Việt Nam qua các Triều đại; Kiến trúc truyền thống.

 

Hiệu béo lược dịch và bổ sung dựa vào Blog của Trung Quốc

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Theo cuốn “ Kiến trúc Trung Quốc cổ đại ” của học giả Lưu Đôn Trinh (Một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy kiến trúc Trung Hoa cổ đại) thì nghệ thuật kiến trúc cổ quy nạp về bốn phương diện nổi bật:

–          Thứ nhất, nghệ thuật quy hoạch kiến trúc. Trong đó, bao gồm cả quy hoạch bình diện phẳng và cả quy hoạch chiều cao của công trình. Tổ hợp các công trình mỹ lệ như một bức thư họa

–          Thứ hai, tính thống nhất của các công trình. Từ hình thể,  kết cấu, trang trí đều đạt tới một chuẩn thống nhất

–          Thứ ba, nội thất của công trình. Nội thất là một phần của công trình, hoặc sang trọng xa xỉ, hoặc mộc mạc đơn giản, cũng trở thành một phần quan trọng của nghệ thuật kiến trúc

–          Thứ tư, sắc thái của công trình, hay việc sử dụng màu sắc trong kiến trúc. Màu sắc sử dụng trên tường, mái, cột, cửa phản ánh quan điểm của mỹ thuật cổ trong việc sử dụng màu sắc

Nói về vẻ đẹp kiến trúc cung điện, không gì nổi bật hơn bốn khía cạnh trên. Nay lấy Tử Cấm Thành Bắc Kinh làm tiêu điểm vì lý do: Tử Cấm Thành là cung điện được sử dụng trong hai triều đại phong kiến cuối cùng Minh Thanh, tập hợp hoàn hảo các kỹ thuật xây dựng  cổ truyền, là mẫu mực trong kiến trúc cung điện cổ Trung Hoa.

Quy hoạch Tử Cấm Thành

(A)   Vị trí của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh

Thành Bắc Kinh cổ gồm ba vòng thành, trong đó gồm thành ngoài, Hoàng thành và Tử Cấm Thành.

Tử Cấm Thành nằm ở  trục trung tâm của Bắc Kinh. Theo trục Bắc Nam, lấy Tử Cấm Thành làm tâm hướng ra phía Nam, tới Vĩnh Định Môn cổng Nam thành Bắc Kinh là 4600 mét, phía Bắc đến tháp chuông – đồng hồ là 3000 mét, Tử Cấm Thành chiếm khoảng 1,5km trên 8km trục Bắc Nam thành Bắc Kinh.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 1: Bản đồ thành Bắc Kinh thời Thanh. Vòng thành ngoài bao màu đỏ, Hoàng Thành hình chữ nhật có chứa ba hồ lớn Bắc Hải – Trung Hải – Nam Hải, bên phải là Tử Cấm Thành được bao bởi hào nước màu xanh.

Phía Nam Tử Cấm Thành, đi từ cửa Ngọ Môn tới được Thiên An Môn, tới Chính Dương Môn là đoạn đường dài 1500 mét.  Ngoài Tử Cấm Thành, dọc theo phía Nam, hai bên chia thành hai khu vực thờ phụng. Phía Đông là Thái Miếu, phía Tây là Xã Tắc. Ngoài hành lang nghìn bước hai bên Thiên An Môn, thiết trí các Bộ, Viện, là nơi làm việc của quan lại…

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 2: Mặt cắt trục Nam Bắc Tử Cấm Thành

(B)   Bố trí của Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành diện tích 720 nghìn mét vuông, tường bao cao 10 mét, bốn phía mở bốn cửa, ngoài có hào nước rộng 52 mét chạy vòng quanh. Bố cục lấy Nam Bắc làm trục đối xứng, chia làm hai khu vực có chức năng khác nhau gọi là Tiền Triều – Hậu Tẩm. Tiền Triều là nơi Hoàng Đế và bộ máy quan lại xử lý các công việc của quốc gia, Hậu Tẩm là nơi sinh hoạt của Hoàng Đế và hoàng thất.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 3: Ba điện lớn trung tâm Tử Cấm Thành: Thái Hòa – Trung Hòa – Bảo Hòa

Tiền Triều hay ngoại triều là tổ hợp các tòa nhà, hành lang và sân có chức năng cử hành các nghi lễ, phiên họp xử lý chính vụ, có kiến trúc vô cùng hùng vĩ, khí thế. Tiền Triều lấy khu vực ba điện Thái Hòa – Trung Hòa – Bảo Hòa làm trung tâm, cũng là trung tâm của toàn bộ Tử Cấm Thành. Xung quanh là các lầu các, hành lang hợp thành một khu vực rộng tới 80 nghìn mét vuông. Phía Đông 3 điện lớn là điện Văn Hoa, phía Tây là điện Vũ Anh, đối xứng nhau thẳng hàng.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 4: Điện Văn Hoa – thoạt đầu đây là cung thái tử nhưng được chuyển thành nơi nhà vua và các học giả nghị triều, bàn việc nước. Dưới thời Càn Long, nơi đây trở thành thư viện hoàng gia với 36.000 đầu sách.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 5: Văn Uyên Các (tàng thư lâu – thư viện hoàng gia) sau điện Văn Hoa, trong khi phần lớn mái ngói lưu ly trong Cấm Thành dùng màu vàng tượng trưng cho Hoàng đế thì công trình này lại sử dụng ngói màu đen, tượng trưng cho nước, chống hỏa hoạn!

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 6: Điện Vũ Anh – ban đầu dành cho các hoàng đế triều Minh dùng để nghỉ ngơi trong suốt thời gian kiêng cử. Sau trở thành trụ sở của người lãnh đạo phiến quân Lý Tự Thành và sau là nơi ở của hoàng đế Mãn Châu Đa Nhĩ Cổn.

Hậu Tẩm hay nội đình là nơi sinh hoạt của Hoàng đế – Hoàng hậu, phi tần và các hoàng tử, công chúa. Hậu Tẩm lấy cung Càn Thanh – Khôn Ninh là nơi nghỉ ngơi của Hoàng đế – Hoàng hậu làm trung tâm, cung điện của phi tần gồm nhiều tòa nhà nhỏ gọi là Lục cung phân bố hai bên là Lục cung Đông và Lục cung Tây.  Ngoài ra còn nhiều cung điện lớn nhỏ dành cho Thái Thượng Hoàng (cung Ninh Thọ – điện Dưỡng Tâm..) Hoàng Thái Hậu (cung Trường Xuân – cung Phúc Thọ …) và rất nhiều cung điện cho hoàng thất khác. Trong khu vực này còn có nhiều vườn hoa – sân khấu – tàng thư lâu phục vụ nhu cầu giải trí – văn hóa – tôn giáo của hoàng cung. Quy hoạch Hậu Tẩm có bố cục nghiêm ngặt, chặt chẽ, đạt sự bảo vệ cao độ. Kiến trúc Hậu Tẩm hình thức đa dạng, trang trí hoa lệ, thể hiện phong thái sang trọng, quy chỉnh của kiến trúc hoàng gia.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 7: Bản đồ Tử Cấm Thành, khu vực có màu xanh là Tiền Triều, khu vực màu vàng là Hậu Tẩm

Bổ sung vài hình ảnh về Hậu tẩm ( hay Nội sảnh ):

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 8: Càn Thanh cung, nơi xem tấu chương sau giờ thiết triều và nơi nghỉ ngơi của Hoàng đế thời Minh, đến vua Ung Chính thời Thanh thì chuyển qua Dưỡng Tâm điện, nơi này nhỏ và không trang trọng bằng. Càn Thanh cung lúc này trở thành nơi hoàng đế họp bàn việc nước với triều đình, nghị sự các vị thượng thư, công sứ các nước và đọc các chiếu thư. Vào các dịp lễ, các yến tiệc và lễ lạc hoàng gia đều diễn ra tại đây. Khi hoàng đế băng hà, quan tài của nhà vua được đặt tại đây để tang trong nhiều ngày.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 9: Đằng sau điện Giao Thái, nơi cất giữ 25 con ấn của vua Càn Long. Nơi này nằm giữa cung Càn Thanh và Khôn Ninh, nên tượng trưng cho sự giao hòa âm dương, về kiểu dáng thì giống điện Trung Hòa nhưng nhỏ hơn, đây là nơi Hoàng hậu tổ chức các yến tiệc tại đây vào lễ tết, ngày đông chí và sinh nhật của hoàng hậu, nhận các tặng phẩm từ các phi tần, các công chúa và hoàng tử phi.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 10: Cung Khôn Ninh, nơi ở của Hoàng hậu thời Minh. Đến thời Thanh thì chia làm hai nơi, một nửa làm nơi động phòng cho Hoàng đế và Hoàng hậu, một nửa làm nơi thờ cúng. Đến thời Ung Chính, Hoàng hậu không ở cung này mà ở Cảnh Nhân cung.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 11: Dưỡng Tâm điện, nơi Ung Chính và 7 vị vua triều Thanh sau đó sống và làm việc tại đây. Đây cũng là nơi Từ Hy thái hậu buông rèm nhiếp chính 48 năm.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 12: Ninh Thọ cung, là nơi Thái Thượng Hoàng lui về ở sau khi thoái vị. Trong có điện Hoàng Cực là một điện khá lớn giống Thái Hòa điện.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 13: Một trong các cung của Lục cung Tây.

So sánh kiến trúc cung điện Việt Nam và Trung Quốc

Ảnh 14: Cung Trường Xuân, nơi ở của một vài Hoàng hậu và Thái hậu.

(C) Lễ giáo trong kiến trúc Tử Cấm Thành

Lễ giáo đưa hết thảy các hành động của con người quy phạm, hết thảy các vị đế vương trong lịch sử phong kiến đều tôn sùng lễ giáo, vì theo lễ giáo – địa vị của đế vương là cao nhất và duy nhất – khẳng định vị trí quyền lực của họ. Kiến trúc cung điện cũng hàm chứa lễ giáo, thể hiện ở các hệ thống phân cấp. Hoạch định cho việc xây dựng một đô thành, nhất lại là kinh đô, quan trọng nhất chính là vị trí. Lễ giáo cho rằng trung tâm chính là vị trí tôn quý nhất : “vương giả tất cư thiên hạ chi trung” (kẻ vương giả tất ở nơi trung tâm thiên hạ). 《 Lữ Thị Xuân Thu • Thận Thế Thiên 》 nói “ trạch thiên hạ chi trung nhi lập quốc , trạch quốc chi trung nhi lập cung” (Trong thiên hạ chọn nơi trung tâm mà lập nước, trong nước chọn nơi trung tâm xây cung điện ). 《 Chu Lễ 》 nói “Tượng nhân doanh quốc , phương cửu lý , bàng tam môn . Quốc trung cửu kinh cửu vĩ , kinh đồ cửu quỹ , tả tổ hữu xã , diện triêu hậu thị” (Chọn nơi trung tâm (Kinh độ – Vĩ độ bằng nhau) xây cung điện 9 dặm vuông, qua ba cổng, qua chín lần đo đạc, trái xây điện thờ tổ, phải xây điện thờ Xã Tắc, ngoài là triều thất trong là cung điện – dịch thoáng ^^ khó dịch quá). Cho nên nguyên tắc mà muôn đời các vị đế vương phải tuân theo đó là – phải chọn nơi trung tâm để dựng cung điện. Tử Cấm Thành – dĩ nhiên là trung tâm của thành Bắc Kinh! Sách《 Chu Lễ 》 dẫn: “ tam triêu ngũ môn” (Ba điện năm cửa) gồm Tam triêu: Ngoại triêu – Trì triêu – Yến triêu tương ứng có điện Thái Hòa – Trung Hòa – Bảo Hòa, Ngũ môn: Cao môn – Trĩ môn – Ứng môn – Khố môn – Lộ môn tương ứng có Đại Minh môn – Thiên An môn – Đoan môn – Ngọ môn – Thái Hòa môn, hoặc lùi lại nữa thành Càn Thanh môn. Sách《 Chu Lễ 》 lại dẫn, “ tiền triêu hậu tẩm ”, “ lục cung lục tẩm ” . Cái này đã nói ở trên.

Sách 《 Chu Lễ 》 dẫn: “duy vương kiến quốc , biện phương chính vị”. Có nghĩa là đế vương trị nước, dựa hướng Bắc nhìn về Nam mà cai trị. Tử Cấm Thành trước ba điện, sau ba cung đều nhìn về hướng Nam.