So sánh 3 sách phúc âm năm 2024

Các Sách Phúc Am / The Gospels

So sánh 3 sách phúc âm năm 2024

gồm 4 sách, còn gọi là 4 sách Tin Lành, và được coi là cách nhìn từ 4 góc về Đức Chúa Giê-su Christ.

1- Ma-thi-ơ : trình bày về Chúa Giê-su như Đấng Mê-si- được ĐCT phái tới để cứu vớt nhân loại-.

2 –Mác : trình bày về Chúa Giê-su như người đầy tớ trung tín đã hoàn thành tốt đẹp chương trình kế hoạch của ĐCT.

3- Lu-ca : trình bày về Chúa Giê-su như con người sống giữa mọi người.

4- Giăng : trình bày về Chúa Giê-su như Con Độc Sanh của ĐCT.


Ma-thi-ơ / Matthew

So sánh 3 sách phúc âm năm 2024


Mác / Mark

So sánh 3 sách phúc âm năm 2024


Lu-ca / Luke

So sánh 3 sách phúc âm năm 2024


Giăng / John

So sánh 3 sách phúc âm năm 2024


So sánh 3 sách phúc âm năm 2024

So sánh 3 sách phúc âm năm 2024
Dâng hiến cho công việc Chúa

Nguyên Tắc Đọc Và Hiểu Kinh Thánh Tác giả: Gordon D. Fee và Douglas Stuart Các Sách Phúc Âm: Một Câu Chuyện, Nhiều Khía Cạnh Giống với các Thư tín và sách Công vụ, các sách Phúc Âm thoạt nhìn có vẻ dễ giải nghĩa. Vì tài liệu trong các sách Phúc Âm đại khái gồm những lời dạy và những truyện ký, nghĩa là những lời dạy của Chúa Giê-xu và các truyện tích về Ngài, mà về mặt lý thuyết, ta có thể theo các nguyên tắc giải nghĩa các thư tín cho phần này, và các nguyên tắc giải nghĩa các phần trần thuật lịch sử cho phần kia. Trên một phương diện thì điều này đúng. Tuy nhiên, sự việc không phải dễ dàng như vậy. Bốn sách Phúc Âm hình thành một thể văn độc đáo, rất khó có thể so sánh với một thể văn nào khác. Tính cách độc đáo của nó mà chúng ta sẽ khảo sát ngay sau đây sẽ cho thấy phần lớn các vấn đề giải kinh của chúng ta. Bên cạnh đó cũng còn có vài khó khăn về phương diện giảng kinh. Lẽ dĩ nhiên, một số khó khăn như thế gồm cả một vài “câu nói khó hiểu” trong các sách Phúc Âm. Nhưng khó khăn chủ yếu về mặt giảng kinh là ở chỗ hiểu được “Nước của Đức Chúa Trời,” một thuật ngữ hết sức quan trọng đối với chức vụ của Chúa Giê-xu, thế nhưng đồng thời lại được trình bày bằng ngôn ngữ và các ý niệm của Do Thái giáo hồi thế kỷ thứ nhất. Vấn đề là làm sao chuyển dịch được những ý niệm ấy sang cho các bối cảnh văn hóa của chính chúng ta. Bản Chất Các Sách Phúc Âm Hầu như tất cả những khó khăn ta gặp khi giải nghĩa các sách Phúc Âm đều bắt nguồn từ hai sự kiện rõ rệt: (1) Bản thân Chúa Giê-xu không hề viết một sách Phúc Âm nào cả; các sách ấy đều do những người khác viết, chứ không phải là do chính Ngài. (2) Có đến bốn sách Phúc Âm. Sự kiện các sách Phúc Âm không do chính tay Chúa Giê-xu viết rất quan trọng cần lưu ý. Lẽ dĩ nhiên, nếu Ngài có viết một điều gì thì điều đó có lẽ sẽ giống các sách tiên tri của Cựu Ước hơn các sách Phúc Âm của chúng ta, chẳng hạn sẽ giống sách A-mốt, là một bộ sưu tập các lời sấm truyền và những lời phán cộng thêm một vài câu chuyện cá nhân ngắn gọn (như AmAm 7:10-17). Dĩ nhiên các sách Phúc Âm cũng có các lời truyền dạy, nhưng những lời truyền dạy đó luôn luôn được đan xen vào với phần ký thuật lịch sử cuộc đời và chức vụ của Chúa Giê-xu. Do đó, chúng không phải là những quyển sách do chính Chúa Giê-xu viết, nhưng là những quyển sách được những người khác viết về Chúa Giê-xu, đồng thời lại chứa đựng nhiều lời dạy dỗ của Ngài. Chúng ta không thể bỏ qua điểm khó khăn này. Tính chất của nó có lẽ được nhìn thấy rõ nhất khi lưu ý đến chỗ giống nhau về Phao-lô trong sách Công Vụ với các thư tín của ông. Thí dụ, nếu chúng ta không có sách Công Vụ, chúng ta có thể tập hợp một số yếu tố về cuộc đời của Phao-lô từ các thư tín, nhưng một cách trình bày như thế sẽ rất nghèo nàn. Cũng thế, nếu chúng ta không có các thư tín của ông, sự hiểu biết của chúng ta về nền thần học của ông chỉ căn cứ trên các bài giảng của ông trong sách Công Vụ mà thôi, cũng sẽ nghèo nàn y như thế - và có phần nào bị mất cân bằng. Do đó, muốn hiểu rõ các chi tiết then chốt trong cuộc đời Phao-lô, chúng ta đọc sách Công Vụ, rồi thêm vào đó những thông tin được nêu trong các thư tín của ông. Muốn nghiên cứu lời dạy dỗ của Phao-lô, chúng ta sẽ không đến với sách Công Vụ trước, mà đến với các thư tín, và như thế thì sách Công Vụ sẽ là một nguồn tài liệu bổ sung. Nhưng các sách Phúc Âm không giống sách Công Vụ vì ở đây chúng ta có cả phần ký thuật về cuộc đời Chúa Giê-xu và nhiều lời dạy của Ngài như một phần có tính cách căn bản tuyệt đối của cuộc đời Ngài. Nhưng những lời phán lại không do chính Ngài viết ra như các thư tín vốn do Phao-lô viết. Tiếng nói nguyên thủy của Chúa Giê-xu là tiếng A-ram; lời giáo huấn của Ngài chỉ đến với chúng ta qua một bản dịch Hi văn. Hơn nữa, cùng một câu thường xuất hiện ở hai hoặc ba chỗ trong các sách Phúc Âm; và cả khi nó xuất hiện trong cùng thời gian hoặc bối cảnh lịch sử, ta rất ít khi tìm thấy cùng những từ ngữ giống y nhau cho từng trường hợp. Với một vài người thì sự kiện này có vẻ nguy hiểm, nhưng không nhất thiết phải là như thế. Lẽ dĩ nhiên, một vài loại công trình nghiên cứu đã bóp méo sự kiện này đến độ cho rằng chẳng có gì trong các sách Phúc Âm là đáng tin cả. Nhưng thiết tưởng người ta chẳng cần phải rút ra một kết luận như thế. Bên cạnh những công trình nghiên cứu như thế cũng có những công trình nghiên cứu khác đã chứng minh cho tính đáng tin về mặt lịch sử của các tài liệu trong các sách Phúc Âm. Luận điểm của chúng tôi ở đây thật đơn giản. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những gì chúng ta cần biết về chức vụ tại thế của Chúa Giê-xu theo cách này, chứ không phải theo một cách nào khác có thể thích hợp hơn với những ai có đầu óc máy móc giống như chiếc máy ghi âm. Và trong bất cứ trường hợp nào thì sự kiện các sách Phúc Âm vốn không do chính Chúa Giê-xu viết ra mà chỉ viết về Ngài có thể được coi là một phần của các ưu điểm chứ không phải là nhược điểm. Rồi lại có đến bốn sách Phúc Âm. Sự việc đã xảy ra như thế nào và tại sao lại như thế? Dù sao thì chúng ta cũng đã không có đến bốn sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Hơn nữa các tài liệu trong ba sách Phúc Âm đầu vốn thường giống nhau nên chúng ta đã gọi đó là các sách Phúc Âm Cộng Quan (có chung quan điểm, cái nhìn). Ta cũng có thể tự hỏi tại sao giữ lại sách Mác làm gì, vì số tài liệu chỉ tìm thấy trong sách Phúc Âm của ông không đủ chứa trong hai trang sách in. Nhưng một lần nữa, chúng tôi tin rằng sự kiện đã có đến bốn sách, cũng là một phần ưu điểm của chúng. Thế thì bản chất của các sách Phúc Âm là gì, và tại sao tính chất độc đáo của chúng lại là một phần của ưu điểm? Vấn đề này có thể được giải đáp thỏa đáng hơn bằng cách đề cập trước hết câu hỏi thứ nhất: Tại sao lại có đến bốn sách? Chúng tôi không thể đưa ra một lời đáp chắc chắn tuyệt đối cho câu hỏi này, nhưng ít nhất trong nhiều lý do, có một lý do hết sức đơn giản và thực dụng: nhiều cộng đồng Cơ Đốc giáo khác nhau đều cần có một quyển sách riêng viết về Chúa Giê-xu. Vì nhiều lý do khác nhau, một sách Phúc Âm viết cho một cộng đồng hay một nhóm tín hữu không nhất thiết đáp ứng được mọi nhu cầu của một cộng đồng khác. Cho nên một sách đã được viết trước (sách Mác, theo quan điểm phổ biến nhất) rồi sách Phúc Âm đó đã được “viết lại” hai lần (sách Ma-thi-ơ và Lu-ca) vì nhiều lý do rất khác nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu rất khác nhau. Độc lập đối với các sách kia (một lần nữa là theo quan điểm phổ biến nhất) Giăng đã viết một sách Phúc Âm thuộc một loại khác hẳn vì một loạt các lý do khác nữa. Chúng tôi tin rằng tất cả những điều đó đều do Đức Thánh Linh hướng dẫn. Đối với Hội Thánh về sau, không một sách Phúc Âm nào được dùng thay thế cho một sách Phúc Âm khác, nhưng mỗi sách đều đứng bên cạnh nhau và được xem là có giá trị và thẩm quyền ngang nhau. Tại sao lại như thế? Vì trong mỗi trường hợp, Chúa Giê-xu được nhìn trên hai mức độ. Trước hết là mối quan tâm thuần túy lịch sử cho thấy Chúa Giê-xu là ai, Ngài đã dạy và làm gì. Chính Chúa Giê-xu này, Đấng đã bị đóng đinh vào thập tự giá rồi từ cõi chết sống lại, là Đấng hiện chúng ta đang thờ phượng với tư cách Chúa đã phục sinh và được tôn cao. Thứ hai là mối quan tâm hiện sinh (existential concern) kể lại chuyện tích này vì nhu cầu của các cộng đồng về sau đã không nói tiếng A-ram nhưng nói tiếng Hi Lạp; đã không sinh sống trong bối cảnh Do-thái chủ yếu là vùng thôn dã và nông nghiệp nhưng là tại Rô-ma hoặc Ê-phê-sô hay An-ti-ốt, nơi Phúc Âm tiếp xúc với môi trường thành thị và ngoại giáo. Do đó, trong một ý nghĩa, các sách Phúc Âm là mô hình cho chúng ta trong việc giảng kinh, mà theo bản chất là chúng ta cũng sẽ kể lại cùng một truyện tích ấy trong những hoàn cảnh của chính chúng ta trong thế kỷ thứ hai mươi. Các sách Phúc Âm kể lại cho chúng ta hầu như tất cả những gì chúng ta được biết về Chúa Giê-xu, nhưng không phải là những sách tiểu sử - tuy có một phần viết tiểu sử. Các sách Phúc Âm cũng không giống các quyển sách viết về “cuộc đời” của các vĩ nhân đương thời - tuy có ghi lại cuộc đời của Chúa Giê-xu là bậc vĩ nhân hàng đầu. Theo cách nói của giáo phụ Justin Martyr của thế kỷ thứ hai thì đây là những “hồi ký của các sứ đồ.” Bốn quyển sách tiểu sử không phải đứng bên cạnh nhau vì được xem như có giá trị ngang nhau nhưng vì chúng đồng loạt và đồng thời chép lại các sự kiện về Chúa Giê-xu, nhắc lại những lời phán dạy của Chúa Giê-xu, và mỗi quyển đều làm chứng cho Chúa Giê-xu. Đó là bản chất và nét độc đáo của các sách Phúc Âm, và điều này quan trọng cho việc giải kinh lẫn giảng kinh. Do đó, công tác giải nghĩa các sách Phúc Âm đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ cả về phương diện bối cảnh lịch sử của Chúa Giê-xu, lẫn phương diện bối cảnh lịch sử của các tác giả. Bối Cảnh Lịch Sử Bạn cần nhớ rằng nhiệm vụ đầu tiên của công tác giải kinh là phải chú ý đến bối cảnh lịch sử. Điều này không những chỉ có nghĩa là phải biết bối cảnh lịch sử tổng quát, nhưng phải tái tạo lại hoàn cảnh của tác giả với các dữ kiện có được. Nhiều khi điều này trở nên phức tạp vì bản chất của các sách Phúc Âm, đây là những tài liệu ở hai mức độ. Bối cảnh lịch sử trước hết có liên hệ với chính Chúa Giê-xu. Việc này gồm cả vấn đề phải ý thức về nền văn hóa và tôn giáo hồi thế kỷ thứ nhất, về Do Thái giáo tại xứ Palestine là nơi Ngài sinh sống và dạy dỗ, lẫn nỗ lực tìm hiểu phần bối cảnh cá biệt của một câu nói hay một ẩn dụ nào đó. Ngoài ra bối cảnh lịch sử còn liên quan đến cá nhân các tác giả và các lý do khiến họ viết sách Phúc Âm nữa. Chúng ta biết rằng tìm hiểu về các bối cảnh khác nhau này có thể là một nhiệm vụ nặng nề cho một độc giả bình thường. Hơn nữa, chúng ta cũng biết rằng trong lãnh vực này, có lẽ đang có nhiều công trình khảo cứu nhiều hơn bất cứ trong một lãnh vực nghiên cứu nào khác về Tân Ước. Tuy nhiên, bản chất của các sách Phúc Âm, như đã được xác định, là các văn kiện có hai mức độ cho dù chúng ta có thích hay không. Chúng tôi không nghĩ rằng có thể giúp các bạn trở thành chuyên gia trong các vấn đề này - dĩ nhiên là nhiều khi chúng tôi cũng nghi ngờ cả đến các “chuyên gia” nữa. Ở đây mong ước của chúng tôi chỉ đơn giản là nâng cao mức độ nhận thức của bạn để bạn sẽ có thể lãnh hội nhiều hơn về các sách Phúc Âm, cũng như có thể đối phó được những vấn đề gặp phải khi đọc các sách ấy. Bối Cảnh Lịch Sử của Chúa Giê-Xu - Nói Chung Muốn hiểu rõ về Chúa Giê-xu thì nhất định bạn phải tự dầm mình vào Do Thái giáo hồi thế kỷ thứ nhất mà Ngài là một thành viên. Điều này có nghĩa là bạn phải biết nhiều hơn việc người Sa-đu-sê không tin vào sự sống lại. Ta cần phải biết tại sao họ lại không tin như thế và tại sao Chúa Giê-xu ít khi tiếp xúc với họ. Về loại thông tin liên hệ đến bối cảnh này, ta chẳng còn cách chọn lựa nào đơn giản hơn là phải đọc một số tài liệu tốt từ bên ngoài. Cả ba tác phẩm sau đây đều rất có ích cho bạn trong vấn đề này: Jerusalem in the Time of Jesus của Joachim Jeremias (Philadelphia: Fortress, 1969); The New Testament Environment của Edward Lohse (Nashville, Abingdon, 1976, tt 11-196); và Jesus’s Audience của J. Duncan M. Derrett (New York: Seabury, 1973). Có một nét đặc trưng quan trọng của bối cảnh lịch sử nhưng lại thường bị bỏ qua liên quan với hình thức giảng dạy của Chúa Giê-xu. Ai ai cũng biết rằng Chúa Giê-xu thường giảng dạy bằng dụ ngôn (parables). Điều mà người ta ít biết đó là Ngài đã sử dụng đủ các loại của những hình thức ấy. Ví dụ, Ngài là một bậc thầy trong lối nói cường điệu (hyperbole) có mục đích. Trong Mat Mt 5:29-30 (và trong trường hợp tương tự ở Mac Mc 9:43-48) Chúa Giê-xu bảo các môn đệ Ngài hãy móc con mắt xui người ta phạm tội hoặc chặt cánh tay xui người ta phạm tội mà bỏ đi. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng Chúa Giê-xu “không thật sự muốn dạy chúng ta làm như thế.” Ý Ngài muốn nói là người ta phải vứt bỏ khỏi đời sống mình những gì khiến họ phạm tội. Nhưng làm thế nào để chúng ta biết Ngài không thực sự muốn nói như thế? Vì mọi người chúng ta đều nhận ra được cách diễn đạt cường điệu là kỹ thuật dạy dỗ kiến hiệu nhất, trong đó chúng ta phải hiểu vị giáo sư điều người ấy ngụ ý chứ không phải là theo nghĩa đen những gì người ấy nói! Chúa Giê-xu cũng sử dụng tài tình các câu châm ngôn (thí dụ Mat Mt 6:21; Mac Mc 3:24), những ví von (similes) và ẩn dụ (metaphors) (chẳng hạn, Mat Mt 10:16; 5:13), thi ca (Mat Mt 7:6-8; LuLc 6:27-28), các câu hỏi (Mat Mt 17:25), cách nói mỉa mai (Mat Mt 16:2-3); đó là chỉ kể một vài phương pháp mà thôi. Muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác nữa trong chương này, bạn nên tìm đọc quyển The Method and Message of Jesus Teaching của Robert H. Stein (Philadelphia: Westminster, 1978). Bối Cảnh Lịch Sử của Chúa Giê-Xu - Nói Riêng Đây là điểm khó hơn trong cố gắng tái tạo bối cảnh lịch sử của Chúa Giê-xu, nhất là đối với quá nhiều lời dạy của Ngài thường được trình bày trong các sách Phúc Âm mà ta không biết nhiều về bối cảnh. Lý do là vì những lời nói và việc làm của Chúa Giê-xu được truyền miệng trong một khoảng thời gian có lẽ kéo dài đến ba mươi năm hoặc hơn, và trong giai đoạn nầy thì toàn bộ các sách Phúc Âm chưa có. Chỉ có nội dung của các sách Phúc Âm được truyền tụng qua từng câu chuyện và lời nói riêng lẻ thôi. Có rất nhiều câu nói như thế đã được truyền đi truyền lại cùng với các bối cảnh nguyên thủy của chúng. Các học giả đã phải gọi những câu chuyện được truyền đi truyền lại như thế là những câu chuyện công bố (pronouncement stories), vì chính câu chuyện sở dĩ tồn tại chỉ vì lời công bố kết luận cho nó mà thôi. Một câu chuyện dẫn đến một lời công bố điển hình là Mac Mc 12:13-17, tại đây, bối cảnh chỉ là một câu hỏi liên quan đến vấn đề nộp thuế cho người La Mã. Nó kết thúc bằng lời công bố nổi tiếng của Chúa Giê-xu: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa trời.” Bạn có tưởng tượng nổi ta có thể làm gì để tái tạo một bối cảnh nguyên thủy cho câu nói này, nếu nó đã không được truyền đi truyền lại cùng với bối cảnh nguyên thủy của nó? Điểm khó khăn thật sự là có rất nhiều lời nói và dạy dỗ của Chúa Giê-xu được lưu truyền mà không có bối cảnh của chúng. Phao-lô cho chúng ta thấy sự kiện này. Ba lần ông trích dẫn lời của Chúa Giê-xu (ICo1Cr 7:10; 9:14; Cong Cv 20:35) mà không hề ám chỉ đến bối cảnh lịch sử nguyên thủy của chúng - mà chúng ta cũng không mong ông làm như vậy. Trong những lời nói này, hai lời trích dẫn trong sách I Côrintô được tìm thấy trong các sách Phúc Âm. Lời nói về vấn đề li dị tìm thấy trong hai bối cảnh khác nhau (lời dạy cho các môn đồ trong Mat Mt 5:31-32, và cuộc tranh luận trong Mat Mt 10:1-19 và Mac Mc 10:1-12). Câu nói về “quyền được trả công” ở trong Mat Mt 10:10 và chỗ tương đương trong LuLc 10:7 có bối cảnh là sự sai phái Mười Hai Sứ Đồ (Mathiơ) và bảy mươi hai môn đồ (Luca). Nhưng ta không tìm thấy câu trích dẫn trong Công Vụ trong các sách Phúc Âm, do đó đối với chúng ta câu Kinh Thánh này hoàn toàn không có bối cảnh. Cho nên chẳng có gì phải ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều câu nói như vậy (nghĩa là không có bối cảnh) đã được cung cấp cho các tác giả sách Phúc Âm, rồi dưới quyền hướng dẫn của Đức Thánh Linh họ đã đặt những câu nói ấy vào các bối cảnh hiện tại của chúng. Đây là một trong nhiều lý do để chúng ta thường thấy cùng một câu nói hay lời dạy dỗ trong nhiều bối cảnh khác nhau của các sách Phúc Âm. Đó cũng là lý do để nhiều câu nói có các luận đề tương tự hoặc cùng một chủ đề, thường được tập họp lại theo đề mục trong các sách Phúc Âm. Thí dụ sách Ma-thi-ơ có năm phần sưu tập lớn theo đề mục (mỗi phần trong số này đều kết thúc bằng một câu đại khái như: “sau khi Chúa Giê-xu đã phán xong những lời này...”): đời sống trong Nước Trời (Bài giảng trên núi, các chương Mat Mt 5:1-7:29), những lời dạy dỗ cho những người phục vụ Nước Trời (10:52), các dụ ngôn về Nước Trời đang hành động trong thế gian (13:1-52), sự dạy dỗ về các mối liên hệ và kỷ luật trong Nước Trời (18:1-35), tận thế hay kết cuộc của Nước Trời (các chương 23:1-25:46). Căn cứ vào phần sưu tập trong chương 10:1-42, ta có thể minh họa cho các phần sưu tập trong sách Ma-thi-ơ theo hai cách: (1) Bối cảnh là chuyến truyền giáo lịch sử của Mười Hai Sứ Đồ và những lời truyền dạy của Chúa Giê-xu cho họ khi sai phái họ ra đi (c 5-12). Tuy nhiên, trong mấy câu 16-20, những lời truyền dạy vốn thuộc về một thời gian khá lâu về sau, vì trong hai câu 5-6 họ được dạy là chỉ đi đến với những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên mà thôi, trong khi câu 18 nói tiên tri rằng họ sẽ bị giải đến trước mặt các “quan tổng đốc,” “các vua” và “các dân ngoại,” nhưng không có ai trong số này được đề cập trong chuyến truyền giáo nguyên thủy của Mười Hai Sứ Đồ. (2) Những câu nói được sắp xếp cách tinh tế này được tìm thấy rải rác trong cả sách Phúc Âm Lu-ca theo thứ tự như sau: LuLc 9:2-5; 10:3; 4:12-17; 12:11-12; 6:40; 12:2-9; 12:51-53; 14:25-27; 17:33; 18:16. Việc này gợi ý rằng Lu-ca cũng đã thu thập được phần lớn các câu nói này như những đơn vị riêng biệt, sau đó ông đã đặt chúng vào nhiều bối cảnh khác nhau. Như thế, khi đọc các sách Phúc Âm, một trong những câu hỏi mà có thể bạn sẽ đặt ra cả khi không có câu trả lời chắc chắn, là có phải những thính giả đang nghe lời dạy dỗ nào đó của Chúa Giê-xu là các môn đệ thân cận của Ngài, hay là đoàn dân đông đảo, hay đám người chống đối Ngài. Tìm ra bối cảnh lịch sử của Chúa Giê-xu, hay những thính giả đang nghe Ngài là ai không nhất thiết sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa căn bản của một câu nói nào đó, nhưng sẽ mở rộng thêm tầm nhìn của bạn và thường giúp bạn hiểu rõ ý chính mà Chúa Giê-xu muốn nói. Bối Cảnh Lịch Sử Của Tác Giả Sách Phúc Âm Ở đây, chúng ta không bàn văn mạch mà mỗi tác giả sách Phúc Âm đưa vào các câu chuyện về Chúa Giê-xu, mà bàn về bối cảnh lịch sử của từng tác giả đã thúc đẩy họ viết sách Phúc Âm. Chúng ta lại phỏng đoán để khảo cứu vì tác giả của các sách Phúc Âm đều giấu tên (nghĩa là các sách ấy không nêu đích danh tác giả), và chúng ta cũng không thể biết chắc chúng bắt đầu xuất hiện từ đâu. Nhưng chúng ta có thể biết khá chắc chắn về các mối bận tâm của từng tác giả các sách Phúc Âm dựa trên cách mà họ tuyển chọn, định hình và sắp xếp các tài liệu của mình. Chẳng hạn sách Phúc Âm Mác đặc biệt quan tâm đến việc giải thích bản tính chức vụ Mết-si-a của Chúa Giê-xu. Tuy Mác biết rằng Đấng Mết-si-a chính là Con Đức Chúa Trời (Mac Mc 1:1) đã đi khắp xứ Ga-li-lê với quyền năng và lòng nhân từ thương xót (1:1-8:26), ông cũng biết rằng Chúa Giê-xu luôn luôn che giấu bản tính Mết-si-a của Ngài (xem 1:34, 43, 3:12; 4:11; 5:43; 7:24,36, 8:26, 30). Lý do của sự im lặng ấy là chỉ một mình Chúa Giê-xu mới hiểu rõ bản tính đích thực của sứ mệnh Mết-si-a của Ngài - tức là của một người đầy tớ thống khổ chinh phục bằng cái chết. Tuy điều này đã được giải thích cho các môn đệ Ngài đến ba lần nhưng họ vẫn không hiểu (8:27-33; 9:30-32; 10:32-45). Cũng như người đã được rờ đến hai lần (8:22-26), họ cần một lần chạm đến thứ hai nữa, sự Phục sanh, rồi mới thấy được rõ ràng. Mối quan tâm của Mác là bản tính đầy tớ thống khổ của chức vụ Mết-si-a của Chúa Giê-xu còn hiển nhiên hơn nữa căn cứ vào sự kiện ông đã không đưa bất kỳ một lời dạy dỗ nào của Chúa Giê-xu về chức vụ môn đệ trước lời giải thích của chính Ngài về nỗi thống khổ của mình trong 8:31-33. Ở đây, lời dạy gián tiếp cũng như trực tiếp đều rõ ràng. Thập tự giá và công tác làm đầy tớ mà Chúa Giê-xu đã trắc nghiệm cũng là các dấu ấn của chức vụ môn đệ đích thực. Như một thi sĩ đã viết: “Đó là con đường ông chủ đã đi qua, mà kẻ tôi tớ lại không chịu bước vào hay sao?” Tất cả những điều này đều có thể thấy rõ nhờ đọc kỹ sách Phúc Âm Mác. Đây là bối cảnh lịch sử của ông. Muốn xác định bối cảnh này cách rõ ràng thì phải phỏng đoán nhiều hơn, nhưng chúng tôi thấy không có lý do gì để không nói theo truyền thống rất cổ xưa rằng sách Phúc Âm Mác phản ánh “ký ức” của Phi-e-rơ, và Phúc Âm Mác đã xuất hiện tại Rô-ma chẳng bao lâu sau ngày tuận đạo của ông, vào lúc các Cơ Đốc nhân tại Rô-ma phải chịu đau khổ dữ dội. Dù sao thì cách đọc và nghiên cứu bối cảnh như thế rất quan trọng đối với các sách Phúc Âm cũng như đối với các thư tín vậy. Văn Mạch Chúng tôi đã ít nhiều đề cập đến vấn đề này trong đoạn nói về “bối cảnh lịch sử của Chúa Giê-xu - nói riêng.” Văn mạch (hay văn cảnh) liên quan đến vị trí của một câu chuyện trong bối cảnh của bất kỳ một trong bốn sách Phúc Âm nào đó. Trong một mức độ nào đó, bối cảnh này có lẽ đã bị bối cảnh lịch sử nguyên thủy của nó ấn định, điều mà có lẽ tác giả sách Phúc Âm đã biết. Nhưng như chúng ta đã thấy, rất nhiều tài liệu trong các sách Phúc Âm chịu ảnh hưởng hoàn cảnh hiện tại của chính tác giả, theo sự linh cảm của Đức Thánh Linh trên họ. Mối quan tâm lưỡng diện của chúng tôi ở đây là: (1) nhằm giúp bạn giải nghĩa hay đọc với đầy đủ sự hiểu biết một câu nói hay một truyện ký nào đó trong văn mạch của nó trong các sách Phúc Âm, và (2) nhằm giúp bạn hiểu rõ tính chất của việc hình thành các sách Phúc Âm như những toàn thể, và do đó có thể giải nghĩa bất kỳ một sách Phúc Âm nào chứ không phải chỉ giải nghĩa những sự kiện riêng rẽ về cuộc đời của Chúa Giê-xu mà thôi. Giải Nghĩa Từng Câu Chuyện Trong khi thảo luận về cách giải nghĩa các thư tín, chúng tôi đã lưu ý bạn cần phải tập “suy nghĩ theo từng phân đoạn.” Điều đó không đến nỗi quan trọng như vậy khi giải nghĩa các sách Phúc Âm, tuy rằng có những lúc vẫn có thể áp dụng, đặc biệt là đối với phần lớn những lời dạy. Như chúng tôi đã lưu ý ngay từ đầu, các đoạn sách giáo huấn có nhiều điểm giống với cách chúng ta tìm hiểu các thư tín. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của các sách Phúc Âm, ở đây ta phải thực hiện hai điều: suy nghĩ theo chiều ngang và suy nghĩ theo chiều dọc. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng khi giải nghĩa hay đọc một trong các sách Phúc Âm, ta cần nhớ luôn hai thực tại về các sách Phúc Âm vừa được lưu ý ở trên: có đến bốn sách như thế, và chúng đều là những tài liệu gồm “hai mức độ.” Suy Nghĩ Theo Chiều Ngang: Suy nghĩ theo chiều ngang có nghĩa là khi nghiên cứu một câu chuyện trong bất luận một sách Phúc Âm nào, ta phải lưu ý đến các câu chuyện tương tự với nó trong các sách Phúc Âm khác. Nói như thế không phải là nhấn mạnh quá đáng, vì chẳng hề có tác giả sách Phúc Âm nào lại có ý định cho tác phẩm của mình được đọc song hành với các sách Phúc Âm khác. Tuy nhiên, sự kiện Đức Chúa Trời đã cung cấp đến bốn sách Phúc Âm được liệt vào Kinh Thánh có nghĩa rằng sẽ không đầy đủ nếu chúng ta đọc chúng cách riêng rẽ. Lời khuyên đầu tiên của chúng tôi ở đây là hãy cẩn thận. Chủ đích của việc nghiên cứu các sách Phúc Âm song song với nhau không phải là bổ túc cho câu chuyện trong một sách Phúc Âm này bằng các chi tiết rút ra từ các sách Phúc Âm khác. Thường thì cách đọc các sách Phúc Âm như thế có xu hướng dẫn tới việc hài hòa hóa tất cả các chi tiết, mà làm như thế tức là xóa đi những điểm khác nhau trong từng sách Phúc Âm mà Đức Thánh Linh đã linh cảm. Cách “bổ túc” như thế có thể khiến chúng ta thích thú ở mức độ của Chúa Giê-xu lịch sử, nhưng không đem đến điều bổ ích trên mức độ kinh điển, là mối quan tâm trước tiên của chúng ta. Có hai lý do cơ bản cho việc phải suy nghĩ theo chiều ngang. Một là những câu chuyện tương tự thường cho chúng ta lãnh hội được những nét đặc trưng của bất kỳ một sách Phúc Âm nào. Dù sao thì chính những điểm khác nhau đó là lý do đầu tiên để có đến bốn sách Phúc Âm. Hai là, những câu chuyện giống nhau sẽ giúp chúng ta chú ý đến các loại bối cảnh khác nhau trong đó cùng những số tài liệu giống nhau hoặc tương tự đã tồn tại trong Hội Thánh thời đó. Chúng tôi sẽ minh họa cho từng trường hợp, nhưng trước hết, đây là một điều quan trọng về các giả định. Ta không thể đọc các sách Phúc Âm mà không có một giả định nào đó về các mối liên hệ giữa chúng với nhau - cả khi bạn chẳng bao giờ nghĩ đến việc ấy. Giả định thông thường nhất, nhưng là điều dường như ít có thể xảy ra nhất, ấy là mỗi sách Phúc Âm đều được viết độc lập đối với nhau. Đơn giản là đã có quá nhiều chứng cứ hiển nhiên chống lại quan điểm này nên giả định này khó có thể trở thành một lựa chọn khôn ngoan khi bạn đọc các sách Phúc Âm. Thí dụ hãy lấy sự kiện có cách nói rất giống nhau giữa Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca trong các câu chuyện, cũng như trong các câu nói của Chúa Giê-xu. Những cách nói giống nhau đáng chú ý chắc không gây ngạc nhiên cho chúng ta về những “câu nói” của Đấng mà “chẳng hề có ai nói như người này.” Nhưng nếu sự việc này lan sang cả những câu chuyện nữa, thì lại là một vấn đề khác - nhất là khi ta xét thấy (1) các câu chuyện ấy vốn được kể lại trước tiên là bằng tiếng A-ram, nhưng điều chúng ta đang bàn đây là cách dùng Hi văn, (2) trật tự của các từ ngữ Hi văn vốn vô cùng tự do, thế nhưng những điểm giống nhau lại mở rộng sang chính thứ tự thật chính xác của các từ ngữ nữa, và (3) cả ba người sống ở ba miền khác nhau của đế quốc La Mã kể lại cùng một câu chuyện bằng những lời lẽ giống hệt nhau như thế - thậm chí cả đến những điểm nhỏ nhặt của bút pháp cá nhân như các tiền trí từ và liên từ là một điều khó có thể xảy ra. Thế nhưng đó lại là việc đã xảy ra nhiều lần trong ba sách Phúc Âm đầu tiên. Điều này có thể minh họa dễ dàng khi căn cứ vào câu chuyện hóa bánh cho năm ngàn người ăn là một trong số ít các câu chuyện đã được tìm thấy trong cả bốn sách Phúc Âm. Xin chú ý các bảng thống kê dưới đây: 1. Số từ được dùng để kể chuyện: Ma-thi-ơ 157 Mác 194 Lu-ca 153 Giăng 199 2. Số chữ có chung cho “cả” ba sách Phúc Âm đầu tiên: 53 3. Số chữ sách Giăng có chung với tất cả các sách khác: 8 (năm, hai, năm ngàn, lấy bánh, mười hai giỏ bánh vụn). 4. Tỉ lệ phần trăm những điểm tương đồng: Ma-thi-ơ với Mác 59% Ma-thi-ơ với Lu-ca 44% Lu-ca với Mác 40% Giăng với Ma-thi-ơ 8,5% Giăng với Mác 8,5% Giăng với Lu-ca 6,5% Các kết luận sau đây dường như là tất nhiên: Giăng kể lại câu chuyện một cách độc lập. Ông chỉ dùng những từ ngữ tuyệt đối cần thiết để kể lại cùng một câu chuyện, và thậm chí còn dùng cả một từ ngữ Hi văn khác để chỉ cá! Rõ ràng ba sách kia lệ thuộc nhau theo cách nào đó. Những người biết Hi văn nhận ra rằng rất khó có thể có hai người độc lập, cùng kể lại một câu chuyện mà lại có đến 60% chỗ giống nhau về cách dùng từ ngữ, mà thường lại theo đúng thứ tự như thế. Hãy lấy một thí dụ khác về từ ngữ trong Mac Mc 13:14 và câu song hành với nó trong Mat Mt 24:15 (“ai đọc phải để ý”). Câu này rất khó có thể là một phần của truyền khẩu (câu này viết là “đọc” chứ không phải là “nghe”, và vì trong sách Mác, được viết sớm nhất, không đề cập Đa-ni-ên, nên khó có thể cho rằng đó là câu nói của Chúa Giê-xu đề cập Đa-ni-ên). Do đó, câu này đã được một trong các trước giả sách Phúc Âm đưa vào trong câu nói của Chúa Giê-xu vì cớ các độc giả của mình. Rất khó có thể nói rằng hai tác giả viết sách cách độc lập cùng đặt hai dấu ngoặc đơn đúng cùng một chỗ. Cách giải thích hay nhất cho tất cả các dữ kiện trên đã được chúng tôi gợi ý trước đây, đó là Mác đã viết sách Phúc Âm của ông trước, có lẽ ít nhất một phần cũng căn cứ vào những gì ông đã thu thập được từ những lời giảng dạy của Phi-e-rơ. Cả Lu-ca và Ma-thi-ơ đã có được sách Phúc Âm Mác và tự mình sử dụng nó như một nguồn tài liệu căn bản cho các sách Phúc Âm riêng của mình. Nhưng họ cũng thu thập được đủ các loại tài liệu khác nữa về Chúa Giê-xu, trong đó có một số chi tiết mà họ có chung với nhau. Tuy nhiên, số tài liệu chung đó rất ít khi được trình bày theo cùng một trật tự trong cả hai sách Phúc Âm, điều đó gợi ý rằng chẳng có vị nào có được quyển sách mà vị kia đã viết. Cuối cùng, Giăng viết độc lập đối với các tác giả kia, vì vậy mà sách Phúc Âm của ông có ít tài liệu chung với họ. Như chúng tôi đã ghi nhận, đây là cách mà Đức Thánh Linh đã cảm thúc để viết các sách Phúc Âm. Kiểu mẫu vắn tắt dưới đây chứng minh điều chúng ta đã bàn có thể giúp bạn giải nghĩa các sách Phúc Âm. Chú ý cách các câu nói của Chúa Giê-xu về “sự tàn nát gớm ghiếc” xuất hiện khi đọc trong các cột song song Trước nhất, cần lưu ý rằng câu nói này trong Bài Giảng Trên Núi đã theo đúng thứ tự trước sau trong cả ba sách Phúc Âm. Khi ghi lại mấy lời này, Mác muốn kêu gọi những người đọc sách của ông hãy suy nghĩ kỹ về điều mà Chúa Giê-xu ngụ ý liên hệ đến “sự tàn nát gớm ghiếc lập ra nơi không nên lập.” Ma-thi-ơ cũng được Đức Thánh Linh cảm thúc, giúp các độc giả của ông bằng cách giải thích thêm cho câu này. Ông nhắc nhở họ “sự gớm ghiếc tàn nát” đã được Đa-ni-ên đề cập, còn điều Chúa Giê-xu ngụ ý khi nói “nơi nó không nên xảy ra” là “nơi thánh” (đền thờ Giê-ru-sa-lem). Lu-ca cũng được Đức Thánh Linh linh cảm, chỉ giải thích câu nói ấy cho các độc giả Dân Ngoại của ông mà thôi. Ông để họ tự tìm hiểu lấy. Điều Chúa Giê-xu muốn nói liên hệ với tất cả những điều trên đây là: “Khi nào thành phố Giê-ru-sa-lem bị nhiều đạo quân bao vây, thì hãy biết rằng việc nó bị tàn phá đang đến gần.” Như thế, ta có thể thấy việc suy nghĩ theo chiều ngang và biết rằng Ma-thi-ơ và Lu-ca đã dùng sách Mác, có thể giúp bạn giải nghĩa bất kỳ một sách Phúc Âm nào khi bạn đọc nó. Cũng thế, biết rõ những câu chuyện giống nhau cũng giúp ta thấy những tài liệu giống nhau nhiều khi đã được sử dụng trong các bối cảnh mới trong tiến trình của Hội Thánh như thế nào. Thí dụ, hãy lấy lời than khóc thành phố Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-xu, là một trong những câu nói của Chúa Giê-xu mà hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca đều có chung với nhau, nhưng không thấy có trong sách Mác. Câu nói ấy đã xuất hiện hầu như giống nhau từng chữ từng tiếng trong cả hai sách Phúc Âm. Trong LuLc 13:34-35 câu nói này thuộc về một bộ sưu tập dài những câu chuyện và phán dạy của Chúa Giê-xu trên đường Ngài đi lên Giê-ru-sa-lem (9:51-19:10). Câu nói này tiếp nối ngay sau lời cảnh cáo liên hệ đến Hê-rốt mà Chúa Giê-xu đã kết luận bằng câu đáp lại của Ngài “Vì không có lẽ một đấng tiên tri phải chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem.” Việc chối bỏ sứ giả của Đức Chúa Trời dẫn đến việc dân Y-sơ-ra-ên phải chịu phán xét. Trong Mat Mt 23:37-39 lời than khóc kết thúc cho phần sưu tập về bảy lời rủa sả người Pha-ri-si của ông, mà lời rủa sả cuối cùng phản ảnh chủ đề về các nhà tiên tri đã bị giết tại Giê-ru-sa-lem. Trong trường hợp này câu nói có cùng một luận điểm trong cả hai sách Phúc Âm tuy nó được đặt vào những khung cảnh khác nhau. Sự việc cũng tương tự với nhiều câu nói khác. Bài Cầu Nguyện của Chúa được xếp trong cả hai sách Phúc Âm (Mat Mt 6:7-13; LuLc 11:2-4) trong khung cảnh lời dạy về sự cầu nguyện, tuy chủ điểm cần nhấn mạnh trong mỗi phần khác nhau rất nhiều. Cần lưu ý là trong sách Ma-thi-ơ bài cầu nguyện này được dùng để làm kiểu mẫu, “vậy các ngươi hãy cầu nguyện như vầy” ; trong Lu-ca sự lặp lại được cho phép “khi các ngươi cầu nguyện hãy nói.” Cũng thế, hãy lưu ý về Các Phước Lành (Mat Mt 5:3-11; LuLc 6:20-23). Trong Ma-thi-ơ, kẻ nghèo là nghèo phần tâm linh (“có lòng khó khăn”), trong Lu-ca chỉ chép đơn giản là “kẻ nghèo khó”, tương phản với “các ngươi là người giàu có” (6:24). Ở những điểm như thế, phần đông người ta có xu hướng chỉ muốn hiểu nửa phần mà thôi . Các tín đồ theo truyền thống Tin Lành có xu hướng chỉ hiểu là “kẻ nghèo phần tâm linh,” còn các nhà hoạt động xã hội lại có xu hướng muốn hiểu là “kẻ nghèo.” Chúng tôi xin nhấn mạnh Kinh Thánh mang cả hai nghĩa này. Theo một ý nghĩa sâu sắc thì kẻ nghèo đích thực là những người ý thức được là họ vốn nghèo khó trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, là Đấng đã nhập thể để trở thành Chúa Giê-xu người Na-xa-rét, là Đức Chúa Trời đang bênh vực cho những người bị áp bức bóc lột. Ta rất khó đọc sách Phúc Âm Lu-ca mà không nhận thấy ông đang quan tâm đến phương diện này trong mặc khải của Đức Chúa Trời (xem LuLc 14:12-14; đ/c 12:33-34 với đoạn song hành trong Mat Mt 6:19-21). Cuối cùng, nếu bạn muốn nghiên cứu các sách Phúc Âm cách nghiêm túc, bạn cần tham khảo một bộ sách cộng quan (trình bày các sách Phúc Âm theo bốn cột song song với nhau). Bộ sách tốt nhất thuộc loại này là Synopsis of the Four Gospels (New York: United Bible Societies, 1975) do Kurt Aland chủ biên. Suy Nghĩ Theo Chiều Dọc: Suy nghĩ theo chiều dọc có nghĩa là khi đọc hoặc nghiên cứu một câu chuyện hay lời huấn thị trong các sách Phúc Âm ta phải tìm hiểu cả hai bối cảnh lịch sử của Chúa Giê-xu và của tác giả sách Phúc Âm. Một lần nữa, lời đầu tiên của chúng tôi ở đây là phải cẩn trọng. Chủ đích của việc suy nghĩ theo chiều dọc trước hết không phải là nghiên cứu cuộc đời của Chúa Giê-xu về phương diện lịch sử. Dĩ nhiên là điều đó phải được quan tâm thường xuyên. Nhưng các sách Phúc Âm trong hình thức hiện có là Lời của Đức Chúa Trời cho chúng ta, còn những cách chúng ta tái tạo đời sống Chúa Giê-xu thì không phải. Một lần nữa, ta không nên quá phóng đại trong loại suy nghĩ này. Lời kêu gọi tìm hiểu chỉ có nghĩa là phải biết rằng số rất nhiều tài liệu của sách Phúc Âm đã được chính các tác giả đặt chúng vào trong bối cảnh đương thời, và muốn giải nghĩa đúng đòi hỏi phải hiểu một câu nói nào đó trước nhất là trong bối cảnh lịch sử nguyên thủy của nó như là bước đầu tiên thích hợp để hiểu cùng một từ ngữ ấy trong toàn bộ kinh điển mà chúng ta đang có. Chúng tôi có thể minh họa điểm này căn cứ vào một khúc sách như Mat Mt 20:1-16, là dụ ngôn của Chúa Giê-xu về những người làm công trong vườn nho. Mối quan tâm của chúng tôi là: Trong văn mạch của nó trong sách Ma-thi-ơ, thì dụ ngôn này có nghĩa gì? Nếu chúng ta suy nghĩ theo chiều ngang, chúng ta sẽ lưu ý rằng ở cả hai đầu của dụ ngôn trong sách Ma-thi-ơ đều có những đoạn dài các tài liệu mà ông đã theo rất sát sách Mác (Mat Mt 19:1-30; 20:17-24 song hành với Mac Mc 10:1-52). Ở 10:31 sách Mác có câu “có nhiều kẻ đầu sẽ nên rốt; có kẻ rốt sẽ nên đầu”, mà Ma-thi-ơ vẫn giữ nguyên ở 19:30. Nhưng rồi tại ngay điểm ấy, ông đã đưa dụ ngôn này vào, để rồi kết thúc nó bằng cách lặp lại câu nói trên (20:16), bây giờ chỉ khác là theo thứ tự đảo ngược lại mà thôi. Vậy, trong sách Phúc Âm Ma-thi-ơ văn cảnh cận tiếp của dụ ngôn này là câu nói về sự đảo ngược thứ tự giữa kẻ đầu và kẻ rốt. Khi bạn đọc trong chính dụ ngôn đó (20:1-15), bạn sẽ lưu ý là nó kết thúc bằng việc biện minh cho lòng hào hiệp của ông chủ đất. Chúa Giê-xu nói tiền công trong Nước Trời không căn cứ trên lẽ công bằng mà căn cứ vào ân điển của Đức Chúa Trời! Trong văn cảnh nguyên thủy của nó, có lẽ dụ ngôn này đã được dùng để biện minh cho việc chính Chúa Giê-xu đã tiếp nhận các tội nhân dưới những đôi mắt soi mói của đoàn người Pha-ri-si phản đối Ngài. Họ tưởng chính họ mới là những người “đang mang lấy gánh nặng của thời đại,” do đó đáng được trả công nhiều hơn. Nhưng Đức Chúa Trời rộng lượng và nhân hậu, và Ngài tiếp nhận những kẻ tội lỗi cũng y như tiếp nhận những người “công chính.” Một khi đã biết được điều này như là bối cảnh có thể là nguyên thủy, giờ đây, dụ ngôn này có chức năng gì trong sách Phúc Âm Ma-thi-ơ? Luận điểm của dụ ngôn - lòng rộng rãi nhân hậu của Đức Chúa Trời đối với kẻ không xứng đáng - chắc chắn vẫn còn y nguyên. Nhưng luận điểm này không còn là một mối bận tâm để biện minh cho các hành động của chính Chúa Giê-xu nữa. Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ vẫn làm công việc đó ở nhiều chỗ khác nữa, theo nhiều cách khác nhau. Ở đây, dụ ngôn này hoạt động trong một văn cảnh đề cập thân phận của người làm môn đệ, nơi mà những ai đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giê-xu là kẻ cuối cùng đã trở thành người đứng đầu (dĩ nhiên có lẽ là tương phản với các lãnh đạo Do Thái giáo, một luận điểm mà Ma-thi-ơ đưa ra nhiều lần). Nhiều khi suy nghĩ theo chiều dọc sẽ cho thấy rằng cùng một luận điểm đã được đưa ra ở cả hai bình diện. Nhưng thí dụ minh họa vừa đưa ra chứng minh một cách suy nghĩ như thế rất có hiệu quả cho công tác giải kinh. Giải Nghĩa Các Sách Phúc Âm Trong Cái Nhìn Toàn Sách Một phần quan trọng của văn cảnh là biết những mối quan tâm của mỗi tác giả khi viết từng sách Phúc Âm khiến mỗi sách trở thành độc đáo. Qua suốt chương này, chúng ta đã lưu ý rằng khi đọc và nghiên cứu các sách Phúc Âm, ta phải chú trọng không những chỉ vào các mối quan tâm của các tác giả của sách vào chính Chúa Giê-xu, những việc Ngài làm, những lời Ngài nói, mà cả vào các lý do khiến họ kể lại câu chuyện cho chính các độc giả của mình. Chúng ta đã ghi nhận rằng những người viết các sách Phúc Âm là các tác giả, chứ không phải chỉ là những người đúc kết. Điều này không có nghĩa rằng họ là những người sáng tạo ra phần tài liệu; mà là ngược lại. Có nhiều yếu tố ngăn cản sự sáng tạo thêm, trong đó chúng tôi tin là có tính chất cố định của tài liệu, và sự giám sát tối cao của Đức Thánh Linh trong tiến trình lưu chuyển. Họ là tác giả theo nghĩa nhờ sự trợ giúp của Đức Thánh Linh, họ đã tạo cấu trúc và viết lại các tài liệu một cách sáng tạo để đáp ứng các nhu cầu của độc giả. Điều chúng tôi quan tâm ở đây là giúp bạn hiểu rõ các mối bận tâm và kỹ thuật của các tác giả sách Phúc Âm trong công tác soạn thảo các sách ấy khi bạn đọc hoặc nghiên cứu chúng. Có ba nguyên tắc chi phối việc biên soạn các sách Phúc Âm: chọn lựa, sắp xếp và thích nghi. Một mặt, với tư cách là những tác giả được Đức Chúa Trời linh cảm, họ tuyển chọn các câu chuyện và những lời dạy dỗ phù hợp với chủ đích của họ. Lẽ dĩ nhiên, mối bận tâm nhằm bảo tồn những gì đang có trong tầm tay cũng có thể là một trong số các chủ đích ấy. Giăng cho chúng ta biết ông là người đã chọn lựa rất kỹ lưỡng. Các bài giảng và câu chuyện của ông tuy ít nhưng được khai triển đáng kể (20:30-31; 21:25). Câu cuối cùng này (21:25) với lối nói cường điệu có lẽ là trường hợp giống như những tác giả khác, chẳng hạn Lu-ca đã chọn không đưa vào nhiều đoạn của Mác (6:45-8:26). Đồng thời các tác giả sách Phúc Âm và Hội Thánh của họ cũng có những mối quan tâm đặc biệt khiến họ sắp xếp và mô phỏng những gì đã tuyển chọn. Chẳng hạn Giăng nói rõ ràng với chúng ta chủ đích của ông có tính cách thần học “để các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời” (20:31). Mối quan tâm vào Chúa Cứu Thế như là Đấng Mết-si-a của dân Do Thái có lẽ là lý do chính khiến đa số tài liệu dồi dào của ông có liên hệ với chức vụ của Chúa Giê-xu trong xứ Giu-đê và tại Giê-ru-sa-lem, tương phản với phần chức vụ hầu như hoàn toàn là trong xứ Ga-li-lê của các sách Phúc Âm cộng quan. Với người Do Thái, quê quán thật sự của Đấng Mết-si-a phải là Giê-ru-sa-lem. Cho nên Giăng biết rõ là Chúa Giê-xu từng nói rằng nhà tiên tri không được chính quê hương mình tôn trọng. Chúa Giê-xu nói lời nầy lúc Ngài bị chối bỏ tại Na-xa-rét (Mat Mt 13:57; Mac Mc 6:4; LuLc 4:24). Trong sách Phúc Âm Giăng câu này được đề cập như một lời giải thích cho việc Đấng Mết-si-a phải bị chối bỏ tại Giê-ru-sa-lem (GiGa 4:44) - một cái nhìn thần học sâu nhiệm về chức vụ của Chúa Giê-xu. Nguyên tắc thích nghi hay mô phỏng cũng là lý do để giải thích phần lớn những gì đã được gọi là những điểm trái nhau trong các sách Phúc Âm. Một trong số những điểm được ghi nhận rõ rệt nhất về mặt này, là lời rủa sả cây vả (Mac Mc 11:12-14, 20-25, Mat Mt 21:18-22) chẳng hạn. Trong sách Phúc Âm Mác, câu chuyện đã được kể lại là vì ý nghĩa biểu tượng thần học của nó. Cần lưu ý là giữa lời nguyền rủa và hiện tượng cây vả bị khô, Chúa Giê-xu muốn công bố một sự phán xét tương tự đối với Do Thái giáo bằng việc dọn sạch đền thờ của Ngài. Tuy nhiên, câu chuyện về cây vả cũng còn có ý nghĩa quan trọng cho Hội Thánh nguyên thủy nữa, vì bài học về đức tin đã được đưa vào trong đó. Trong sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, bài học về đức tin là điểm đáng chú ý duy nhất của câu chuyện, cho nên ông kể lại sự rủa sả và cây vả bị khô đồng thời với nhau để nhấn mạnh luận điểm ấy. Nên nhớ là trong mỗi lần kể lại câu chuyện này đều là công tác của Đức Thánh Linh, Đấng linh cảm cả hai tác giả viết sách Phúc Âm. Để minh họa cho tiến trình soạn thảo này trên một bình diện rộng hơn, hãy nhìn vào các chương mở đầu của sách Mác (Mac Mc 1:14-3:6). Mấy chương này là tuyệt tác của một bậc thầy, được cấu trúc thật hoàn chỉnh đến độ nhiều độc giả sách Mác có lẽ đã nắm ngay được luận điểm của ông cả khi không biết tại sao ông lại làm như thế. Trong chức vụ công khai của Chúa Giê-xu, Mác đặc biệt quan tâm đến ba phần của câu chuyện: được quần chúng ưa chuộng, đào tạo một số môn đệ, và bị các cấp chính quyền chống đối. Hãy lưu ý cách Mác khôn khéo chọn lựa và sắp xếp các câu chuyện và trình bày cho chúng ta. Sau khi thông báo chức vụ công khai của Chúa Giê-xu (Mac Mc 1:14-15) câu chuyện đầu tiên ghi lại việc kêu gọi các môn đệ thứ nhất. Mô hình này sẽ được khai triển trong những đoạn tiếp theo đó (3:13-19; 4:10-12; 4:34-41 vv...) mối quan tâm lớn hơn của ông trong hai chương sách đầu tiên là về hai tiết mục kia. Bắt đầu với 1:21 đến 1:45, Mác kể lại đúng bốn câu chuyện, một ngày tại Ca-bê-na-um (1:21-28, 29-34), một vòng truyền giảng ngắn ngày hôm sau (1:35-39) và câu chuyện chữa lành cho kẻ phung (1:40-45). Mô hình chung xuyên suốt là việc danh tiếng Chúa Giê-xu đã tràn lan (xem 1:27-28, 32-33, 37, 45) mà đỉnh điểm là việc Chúa Giê-xu không thể “vào thành cách rõ ràng được nữa...và người ta từ bốn phương đều đến cùng Ngài.” Tất cả mọi việc đều xảy ra dường như khiến ta không kịp thở, thế nhưng Mác chỉ vẽ ra bức tranh này bằng bốn phần trần thuật, cộng với câu “ngay sau đó” (kế đó, cùng một lúc ấy, vừa ... 1:21, 23, 28, 29, 31, 42 một câu rất đáng tiếc là đã bị bản NIV bỏ sót) và việc hầu như ông đều bắt đầu mỗi câu bằng chữ “và” (cũng bị bản NIV bỏ sót). Sau khi đã đặt bức tranh ấy trước mặt chúng ta rồi, Mác chọn tiếp theo đó năm loại thuật sự khác nữa, mà khi nhập chung lại với nhau, đã vẽ ra được bức tranh về sự chống đối và đưa ra các lý do cho việc ấy. Cần lưu ý là mẫu số chung cho cả bốn câu chuyện đầu tiên đều là các câu hỏi “tại sao?” (2:7, 16, 18, 24). Chúa Giê-xu sở dĩ bị chống đối vì Ngài tha tội, ngồi ăn chung với các tội nhân và chẳng đếm xỉa gì đến truyền thống kiêng ăn, và “vi phạm” luật về ngày sa-bát. Tiết mục cuối cùng này đã bị người Do Thái xem là điều sỉ nhục tệ hại nhất đối với truyền thống của họ, đã được Mác làm rõ khi ông còn thêm vào một câu chuyện nữa thuộc loại này (3:1-6). Chúng tôi không có ý nói rằng trong tất cả các đoạn của các sách Phúc Âm, ta đều có thể vạch ra rõ ràng các mối quan tâm của tác giả cách dễ dàng như thế. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là lối nhìn cần thiết vào các sách Phúc Âm. Vài Ghi Nhận Về Giảng Kinh Phần lớn các nguyên tắc giảng kinh dành cho các sách Phúc Âm là một sự kết hợp của những điều đã được đề cập trong các chương trước đây về các Thư tín và các câu chuyện lịch sử. Những Lời Dạy và Các Mệnh Lệnh Giả định chúng ta đã cẩn thận thực hiện công tác giải kinh, bây giờ công tác áp dụng các lời dạy và mệnh lệnh của Chúa Giê-xu trong các sách Phúc Âm cho thế kỷ thứ hai mươi sẽ được thực hiện như cách chúng ta đã làm đối với Phao-lô - hoặc Phi-e-rơ hay Gia-cơ - trong các thư tín. Ngay đến các vấn đề về tính tương đối của văn hóa cũng cần phải được đặt ra y như vậy. Ly dị rất ít khi được thừa nhận là cách lựa chọn có giá trị cho những đôi vợ chồng mà cả hai người đều theo Chúa Giê-xu - một luận điểm đã được Phao-lô nhắc đi nhắc lại trong ICo1Cr 7:10-11. Nhưng trong một nền văn hóa như tại Hoa Kỳ hiện nay, nơi có hơn phân nửa số người tin Chúa đã ly dị, thì vấn đề tái hôn có lẽ không thể được quyết định một cách thiếu suy nghĩ và không có sự quan tâm đến vấn đề cứu chuộc của những người mới ăn năn quy đạo. Một trong những câu khẳng định đầu tiên về ý nghĩa của những lời phán của Chúa Giê-xu trong một bối cảnh văn hóa khác hẳn cần phải được khảo xét thật kỹ. Cũng thế, chúng ta sẽ ít có hy vọng gặp một tên lính La Mã buộc mình phải đi cùng với hắn ta một dặm đường (Mat Mt 5:41). Nhưng trong luận điểm này của Chúa Giê-xu, “điều phụ trội Cơ Đốc” chắc chắn có thể áp dụng cho bất luận những trường hợp tương tự nào. Thiết tưởng có một điều quan trọng cần nói ở đây. Vì nhiều mệnh lệnh của Chúa Giê-xu vốn được đặt trong văn cảnh là giải thích Luật pháp Cựu Ước, và vì đối với nhiều người những mệnh lệnh này là một lý tưởng bất khả thi, nhiều “mánh” giảng kinh (hermeneutical ploys) khác nhau đã được đưa ra nhằm “đi vòng quanh” các mệnh lệnh ấy, xem như qui luật cho Hội Thánh. Chúng tôi sẽ không dành thì giờ ở đây để phác họa và phản bác các “mánh” này, nhưng chỉ đưa ra vài ý kiến mà thôi. Chương 6 trong tác phẩm The Method and Message of Jesus Teachings của Stein cho ta một cái nhìn bao quát về điều này. Sở dĩ một số các “mánh” giảng kinh như thế đã ra đời là vì các mệnh lệnh ấy dường như là một điều luật rất khó giữ. Hơn nữa theo Tân Ước, đời sống Cơ Đốc nhân lại đặt cơ sở trên ân điển của Đức Chúa Trời, chứ không phải trên việc tuân thủ luật pháp. Nhưng xem các mệnh lệnh như luật pháp là hiểu sai về chúng. Chúng không phải là luật pháp theo nghĩa là người ta phải giữ chúng để trở thành hay vẫn giữ được mình là Cơ Đốc nhân; sự cứu rỗi của chúng ta không tùy thuộc vào việc phải trọn vẹn tuân thủ chúng. Chúng là những phần mô tả theo cách của mệnh lệnh, điều mà đời sống của một Cơ Đốc nhân phải trở nên giống như thế vì Đức Chúa Trời đã tiếp nhận chúng ta rồi. Thật vậy, nền đạo đức của Nước Trời cho thời hiện đại không phải là nền đạo đức ăn miếng trả miếng (Mat Mt 5:38-42) nhưng được truyền dạy trên cơ sở tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời đối với chúng ta; và trong Nước Trời thì phải là “Cha nào con nấy.” Chính kinh nghiệm của chúng ta về sự tha thứ vô điều kiện, vô giới hạn của Đức Chúa Trời đến trước, rồi tiếp theo đó, ta phải noi gương để tha thứ người khác cách vô điều kiện, vô giới hạn. Có người đã nói rằng trong Cơ Đốc giáo thì tôn giáo là ân điển, đạo đức là lòng tri ân. Cho nên các mệnh lệnh của Chúa Giê-xu dành cho chúng ta nhưng chúng không giống như luật pháp Cựu Ước. Chúng mô tả cuộc đời mới mà tự nó vốn không phải là do chúng ta tự chọn, nhưng ta phải sống với tư cách là đứa con đã được Đức Chúa Trời yêu mến và cứu chuộc. Truyện Ký Truyện ký trong các sách Phúc Âm thường không chỉ có một chức năng. Chẳng hạn như các truyện tích về phép lạ đã không được chép lại để đưa ra những bài học luân lý hoặc phục vụ như những tiền lệ, trái lại, chúng giữ vai trò minh họa cho quyền năng của Nước Trời qua chức vụ của Chúa Giê-xu. Chúng có thể vừa minh họa cho đức tin, nỗi sợ hãi hay sự thất bại, nhưng đó không phải là chức năng hàng đầu của chúng. Những câu chuyện như chàng thanh niên giàu có (Mac Mc 10:17-22 và những chỗ chép về cùng một câu chuyện ấy) hay việc đòi hỏi phải được chỗ ngồi bên hữu Chúa Giê-xu (Mac Mc 10:35-45 và những chỗ tương tự) đã được đặt vào trong bối cảnh của câu chuyện để minh họa cho những gì vừa mới được truyền dạy xong. Đối với chúng tôi, sử dụng các chuyện đúng theo cách ấy có lẽ là cách giảng kinh thích hợp. Như thế, ý chính của câu chuyện chàng thanh niên giàu có không phải là tất cả môn đệ của Chúa đều phải bán hết gia tài của cải mình có để theo Ngài. Trong các sách Phúc Âm có nhiều thí dụ cho thấy rõ sự việc không phải vậy (đ/c LuLc 5:27-30; 8:3; Mac Mc 14:3-9). Thay vào đó, câu chuyện nhằm minh họa cho việc sở dĩ những người giàu có khó vào Nước Trời chính vì họ đã tận hiến trước nhất cho thần tài, và cố tìm cách trông cậy vào đó để được an toàn. Nhưng Chúa Giê-xu dạy tiếp là tình yêu do ân điển của Đức Chúa Trời cũng có thể làm phép lạ trên kẻ giàu có nữa. Câu chuyện của Xa-chê (LuLc 19:1-10) là một thí dụ minh họa như thế. Một lần nữa, ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của công tác giải kinh đúng, để luận điểm mà chúng ta đưa ra về những câu chuyện đúng là luận điểm mà chính sách Phúc Âm muốn đưa ra. Điều Quan Trọng Cuối Cùng Điều này cũng áp dụng cho phần thảo luận trước đây liên hệ đến bối cảnh lịch sử của Chúa Giê-xu, nhưng sở dĩ được đưa vào đây vì nó rất quan trọng có tính cách quyết định đối với vấn đề giảng kinh. Nó như thế này: Người ta không dám nghĩ là mình có thể giải nghĩa đúng các sách Phúc Âm nếu chưa nắm vững ý niệm về Nước Trời trong chức vụ của Chúa Giê-xu. Muốn có một phần dẫn nhập vắn tắt nhưng đầy đủ cho vấn đề này, xin xem chương 4 trong tác phẩm Method and Message của Stein. Ở đây, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một phác thảo vắn tắt cùng với vài điểm liên hệ có ảnh hưởng đến Giảng kinh như thế nào mà thôi. Trước hết, bạn phải biết rằng cơ cấu thần học căn bản của toàn bộ Tân Ước có tính lai thế. Lai thế liên hệ với phần kết cuộc, khi Đức Chúa Trời đưa thời đại này đến điểm kết thúc của nó (ngày tận thế). Phần lớn người Do Thái vào thời của Chúa Giê-xu mang tư tưởng lai thế, nghĩa là họ nghĩ rằng mình đang sống vào thời mà thời gian sắp kết thúc, khi Đức Chúa Trời sẽ bước vào lịch sử và chấm dứt kỷ nguyên này để đưa kỷ nguyên hầu đến vào. Từ ngữ Hi văn chỉ cái kết cuộc mà họ đang mong đợi đó là escaton. Như thế, một người mang tư tưởng lai thế có nghĩa người ấy đang trông đợi thời cuối cùng. Niềm Hi Vọng Lai Thế của Do Thái Giáo - Đời này (Thời đại của Sa-tan) Có đặc điểm là: tội lỗi, bệnh tật, bị quỉ ám, kẻ ác thắng thế. - Đời hầu đến (Thời đại trị vì của Đức Chúa Trời) Có đặc điểm là: hiện diện của Đức Thánh Linh, sự công chính, sức khỏe, hòa bình. Dĩ nhiên các Cơ Đốc nhân đầu tiên hiểu rõ quan điểm lai thế trong cái nhìn về cuộc đời. Với họ, các biến cố về Chúa Giê-xu tái lâm, sự chết và sống lại của Ngài, và việc Ngài ban Thánh Linh xuống đều có liên quan với những điều họ trông mong về cách mà sự kết thúc sẽ xảy ra. Ngày tận thế còn có nghĩa là một khởi điểm mới - khởi điểm của thời đại mới của Đức Chúa Trời, tức thời đại của Đấng Mết-si-a. Thời đại mới còn được đề cập như là Nước Trời, nghĩa là “thời trị vì của Đức Chúa Trời.” Thời đại mới này sẽ là một thời đại của sự công chính (thí dụ EsIs 11:4-5), trong đó thiên hạ sẽ vui hưởng thái bình (thí dụ, EsIs 2:2-4). Đó là một thời mà Đức Thánh Linh sẽ đầy dẫy (Gion Gn 2:28-30) khi giao ước mới mà Giê-rê-mi từng đề cập sẽ được thực hiện (Gie Gr 31:31-34; 32:38-40). Tội lỗi và sự gian ác sẽ bị tiêu hủy (XaDr 13:1; EsIs 53:5). Cả đến cõi thọ tạo vật chất cũng cảm nhận được các tác dụng đầy hân hoan của kỷ nguyên mới này. Vì thế khi Giăng Báp-tít thông báo sự cuối cùng đã gần lắm rồi và làm phép báp-tem cho Chúa Giê-xu, niềm tin vào ngày tận thế đã lên cao điểm. Đấng Mết-si-a đã đến, mở đầu cho thời đại mới của Đức Thánh Linh (LuLc 3:7-17). Rồi Chúa Giê-xu đến và công bố rằng Nước Trời sắp đến cùng với chức vụ của Ngài (Mac Mc 1:14-15; LuLc 17:20-21). Ngài đã đuổi quỉ, làm phép lạ, tiếp nhận vô điều kiện những kẻ cùng đinh mạt hạng, các tội nhân - tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy “ngày tận thế” đã bắt đầu (LuLc 11:20; Mat Mt 11:2-6; LuLc 14:21; 15:1-2). Mọi người đều nhìn chăm vào Ngài để xem Ngài quả thật có phải là Đấng phải đến hay không. Phải chăng Ngài quả thật là người đưa kỷ nguyên của Đấng Mết-si-a đến, với tất cả nét huy hoàng của nó? Thế rồi Ngài thình lình bị đóng đinh vào thập tự giá - và mọi ánh sáng đều tắt lịm. Nhưng không, vẫn có một tiếp nối quang vinh. Đến ngày thứ ba, Ngài từ cõi chết sống lại và hiện ra với nhiều môn đồ. Chắc chắn bây giờ Ngài sẽ “phục hưng vương quốc cho dân Y-sơ-ra-ên” (Cong Cv 1:6). Nhưng thay vì làm việc ấy, Ngài đã trở về với Đức Chúa Cha và đổ Thần Linh mà Ngài đã hứa xuống. Đây là chỗ mà nhiều vấn đề đã nẩy sinh cho Hội Thánh đầu tiên và cho chúng ta. Chúa Giê-xu từng tuyên bố rằng khi Ngài đến là Nước Trời đã đến. Đức Thánh Linh đã đến, đầy quyền năng, với nhiều phép lạ dấu kỳ, và sự ra đời của giao ước mới là dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên mới đã đến rồi. Thế nhưng, rõ ràng là ngày kết thúc cho cái kỷ nguyên này (ngày tận thế) vẫn chưa xảy ra. Họ phải hiểu việc này thế nào đây? Ngay từ bài giảng khởi đầu của Phi-e-rơ trong Công Vụ đoạn 3, các Cơ Đốc nhân đầu tiên đã nhận thức được rằng Chúa Giê-xu vẫn chưa đến để đưa phần kết thúc “cuối cùng” vào, nhưng chỉ mới là “khởi điểm” của giai đoạn cuối cùng mà thôi. Như thế, họ đã thấy được rằng với sự chết và sống lại của Ngài, và với việc Thánh Linh giáng lâm, các phước hạnh và lợi ích của cõi tương lai đã đến rồi. Do đó, theo một ý nghĩa, thì giai đoạn cuối cùng (kỳ tận thế, những ngày sau rốt) đã đến rồi. Nhưng theo một ý nghĩa khác, thì điểm cuối cùng (ngày tận thế) vẫn chưa đến một cách đầy đủ trọn vẹn. Như thể nó đã đến rồi, nhưng chưa hoàn tất. Do đó, các tín hữu ban đầu học tập để trở thành những người mang tư tưởng tận thế thật sự. Họ đã sống giữa hai thời kỳ - nghĩa là giữa khởi điểm và kết cuộc của giai đoạn kết thúc. Tại bàn Tiệc Thánh, họ ăn mừng cuộc sống lai thế của mình bằng cách rao “sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (ICo1Cr 11:26). Họ đã biết sự tha tội vô điều kiện và trọn vẹn của Đức Chúa Trời, nhưng họ vẫn chưa được trọn vẹn (Phi Pl 3:7-14). Họ đã nắm được sự chiến thắng trên sự chết (ICo1Cr 3:22) nhưng sẽ vẫn còn phải chết (Phi Pl 3:20-22;). Họ đã sống trong Thánh Linh rồi nhưng họ vẫn còn sống trong thế gian, nơi mà Sa-tan vẫn còn có thể tấn công (Eph Ep 6:10-17). Họ đã được kể là công chính và không còn bị định tội nữa (RoRm 8:1) nhưng hãy còn một lần phán xét trong tương lai (IICo 2Cr 5:10). Họ là dân tộc tương lai của Đức Chúa Trời; họ đã được tương lai trang bị cho mình đầy đủ mọi điều kiện rồi. Họ đã biết rõ các lợi ích của nó, đã sống trong làn ánh sáng của các giá trị của nó rồi, nhưng họ cũng như chúng ta vẫn còn sống nhờ vào các lợi ích và giá trị đó ngay trong thế gian này. Như thế cơ cấu thần học cơ bản sau đây giúp chúng ta hiểu Tân Ước: Quan Điểm Lai Thế của Tân Ước

ĐỜI NẦY Bắt đầu Kết cuộc (qua đi) ĐỜI HẦU ĐẾN (vô cùng)

Thập Tự Giá và Phục Sinh

Đã sự công chính bình an sức khỏe Thánh Linh Vẫn chưa sự công chính trọn vẹn bình an trọn vẹn không còn bệnh tật hoặc chết tình trạng viên mãn Chìa khóa giảng kinh cho phần lớn Tân Ước, và nhất là chức vụ và lời dạy của Chúa Giê-xu, phải được tìm thấy trong sự “giằng co” này. Chính vì Nước Trời, tức là thời trị vì của Đức Chúa Trời đã được khai mạc với chính sự ra đời của Chúa Giê-xu rồi, nên chúng ta mới được kêu gọi để sống trong Nước Trời, nghĩa là sống dưới quyền làm chủ của Ngài, được tiếp nhận và tha tội vô điều kiện, nhưng phải cam kết sống theo đạo đức của kỷ nguyên mới này, và thấy đạo đức đó vận hành ngay trong đời sống của chúng ta và trong thế giới hiện tại. Như thế, khi chúng ta cầu nguyện “xin Nước Ngài mau đến,” nghĩa là trước hết chúng ta cầu nguyện cho sự kết thúc đó. Nhưng vì cớ Nước Trời mà chúng ta trông mong thấy được điểm kết thúc đó đã bắt đầu rồi, cho nên cùng một lời cầu nguyện như thế cũng bao gồm cả hiện tại nữa.