Review phim never let me go năm 2024

Văn chương nghệ thuật nói chung vẫn luôn một mực trung thành thực thi nhiệm vụ vĩ đại của bản thân nó là phản ánh cuộc sống con người một cách đúng đắn, chuẩn chỉnh. Thế nên những tác phẩm như Mãi đừng xa tôi ngay cả khi kể về một câu chuyện, một thế giới hoàn toàn chỉ có trong trí tưởng tượng, thì suy cho cùng cũng là để nhắc nhở con người suy xét lại chính hiện thực này mà thôi. Với sự kiện cừu nhân bản vô tính Dolly ra đời vào năm 1996, giới khoa học đã đưa ra dự đoán rằng chuyện nhân bản vô tính con người là điều hoàn toàn khả thi, dựa trên bản đồ gen người đã được công bố năm 2000. Tuy nhiên, thông qua quá trình quan sát vòng đời của cừu Dolly, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều rủi ro có thể xảy ra với một sinh thể nhân bản. Dấu hiệu lão hoá xuất hiện sớm hơn so với thông thường, tuổi thọ trung bình giảm, liên tục mắc các bệnh về xương khớp, phổi,… Đó là một trong những lí do mà khoa học vẫn quyết định không áp dụng công nghệ nhân bản vô tính lên con người. Cùng lúc đó văn chương, với sứ mệnh riêng của mình, cho ta thấy một lý do to lớn khác để ngăn chặn ngay ý nghĩ điên rồ về việc bàn tay con người can thiệp vào quy trình vận động của tự nhiên, sinh sản ra các cá thể giống hệt với mình. Đó là vấn đề về đạo đức. Việc thực nghiệm khoa học nhân bản trên cơ thể người là chuyện tưởng tượng, nhưng việc con người suy thoái trong nhân cách, chẳng tiếc giẫm đạp lên chính đồng loại của mình để kiếm tìm một con đường sống cho bản thân thì lại là chuyện thường ngày ta vẫn thấy, chẳng còn gì bất ngờ cả.

.png)

Đôi nét về tác giả:

Kazuo Ishiguro là một tiểu thuyết gia, nhà biên kịch, nhà văn người Anh gốc Nhật. Ông sinh ra tại Nagasaki, Nhật Bản, và chuyển tới Anh sinh sống khi lên 5 tuổi. Với cương vị là một trong những tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng nhất của văn học Anh, Ishiguro đã được Viện Hàn lâm Thuỵ Điển trao giải Nobel Văn học vào năm 2017. Giải thưởng này gắn liền với thành công vang dội của cuốn tiểu thuyết Never let me go (Mãi đừng xa tôi) được Kazuo Ishiguro sáng tác năm 2005. Cùng với đó, trang TIME Magazine đã bình chọn đây là tiểu thuyết hay nhất của năm, và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất được xuất bản từ năm 1923 đến năm 2005 cũng của tạp chí này.

“Sức mạnh không cưỡng nổi của cuốn sách này là nhờ năng lực vô song của Ishiguro trong việc phô bày phần cốt lõi tăm tối của nó một cách cẩn thận, từng tí một”

-Tạp chí Entertainment Weekly-

Tóm tắt sách:

Bắt nguồn từ cuộc địa chấn trong lĩnh vực khoa học khi chú cừu Dolly - động vật có vú đầu tiên trên thế giới được nhân bản vô tình từ một tế bào somatic trưởng thành vào năm 1996, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu các loài động vật khác và nói rộng ra hơn nữa thậm chí là con người, một ngày nào đó cũng có thể trở thành sản phẩm của quá trình nhân bản. Đứng trước hiện thực cùng câu hỏi lớn vẫn đang bị bỏ ngỏ ấy, Kazuo Ishiguro đã sáng tác Mãi đừng xa tôi như một câu trả lời phần nào thích đáng nhất cho thắc mắc về việc nên hay không chuyện nhân bản vô tính con người. Lấy bối cảnh nước Anh năm 1990, câu chuyện được tạo dựng nên từ một thế giới viễn tưởng, nơi mà khoa học nhân bản con người đã thực sự xuất hiện và được áp dụng một cách hợp pháp với mục đích chính là để phục vụ cho lĩnh vực y học, cụ thể là để chữa các loại bệnh thông qua hình thức ghép tạng. Kathy H. – nhân vật trung tâm của câu chuyện cùng những người bạn thân thiết Ruth và Tommy, họ là những sản phẩm của cuộc cách mạng khoa học vĩ đại, là những người nhân bản được tạo ra từ cá thể sống khác, mang những đặc điểm về ngoại hình, giọng nói, cấu trúc cơ thể giống hệt với con người, nhưng lại không được phép sống một cuộc sống như con người. Sẽ có những ngôi trường, học viện riêng để nuôi dạy người nhân bản. Với Kathy, Ruth và Tommy, “đặc khu riêng” của họ là trường nội trú Hailsham. Những người nhân bản cũng được học các môn Khoa học, Năng khiếu như bao trẻ em bình thường khác, họ cũng được chơi thể thao, vẽ tranh, làm thơ và hưởng sự nuôi dạy trong một môi trường tương đối đầy đủ tiện nghi. Để rồi đến khi lớn lên, họ bắt đầu dấn thân vào hiện thực nghiệt ngã, phải thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là hiến đi các cơ quan trọng yếu trong cơ thể. Trong thế giới của Mãi đừng xa tôi mọi căn bệnh đều có khả năng được chữa khỏi, kể cả ung thư, bằng việc lấy những phần nội tạng của người nhân bản để tiến hành cấy ghép cho “con người thật”. Đó là lí do mà những người như Kathy, Ruth hay Tommy được tạo ra. Cứ thế, hết lần này đến lần khác, họ hiến đi những phần trong cơ thể, lần lượt và không dừng lại mặc họ có muốn hay không. Chẳng thể nào thoát khỏi quy luật đó, ba người bạn cùng lớn lên trong Hailsham đã phải tạm chia tay nhau để bắt đầu hành trình riêng của mình. Ruth đã có lần hiến tạng đầu tiên không mấy suôn sẻ, và ra đi mãi mãi chỉ sau lần hiến thứ hai. Tommy cũng đã “xong hẳn” sau bốn lần và giờ đây, chỉ còn mình Kathy, giờ đã 31 tuổi, sau 11 năm làm nghề chăm sóc những người hiến tạng và bắt đầu xuất hiện những nỗi lo sợ về tương lai mịt mờ, vô định của mình.

Năm 2010, tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi được chuyển thể thành phim Never Let Me Go do Mark Romanek đạo diễn từ kịch bản của Alex Garland.

.png)

(Hình ảnh trong bộ phim Never Let Me Go)

Cảm nhận về cuốn sách:

Chẳng khác nào những loài động vật được sinh ra và nuôi nấng trong một nông trại khép kín, chỉ chờ đến ngày đủ cân đủ lớn để đem đi lấy lông, làm thịt, phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của con người. Đó chính xác là những gì có thể miêu tả về vòng đời của những người nhân bản như Kathy H. hay những người bạn của cô. Dẫu biết sinh tử vốn đã là quy luật chung của tạo hoá, chẳng gì có thể đảo ngược được. Thế nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta vừa sinh ra đã được biết trước sự sống này sẽ kết thúc như thế nào và ra sao? Những người nhân bản, họ sinh ra và lớn lên như những chú lợn chờ đến ngày lên bàn mổ, không được phép ước mơ, không được phép tự do yêu đương, không được tự ý định đoạt số phận của mình và rồi ra đi khi mùa xuân của cuộc đời mới vừa chỉ vẫy tay chào đón họ. Đau đớn hơn cả, họ vẫn là một cá thể sống hoàn chỉnh, sở hữu đầy đủ bản tính, tâm hồn người, cũng biết vui, biết buồn, biết đau đớn, sợ hãi, khát khao, và cũng biết yêu một người nồng cháy. Vậy mà họ - những người sẽ chết đi để tiếp nối sự sống cho những “con người thật” - lại bị đối xử như “giống gì khác chữ không hẳn là người”. “Chúng ta phải thật khoẻ mạnh! Chúng ta phải giữ gìn thể tạng của mình cẩn thận hơn những người khác rất nhiều.”, đó đích thị là những điều quan trọng mà các giám thị của Hailsham đã từ từ gieo rắc vào trong bộ não non nớt của những đứa trẻ nhân bản từ khi chúng mới chỉ có chút nhận thức về thế giới này. Những đứa trẻ lớn lên bị cấm hút thuốc, sử dụng chất kích thích, đặc biệt tránh các bệnh về tình dục, đúng là để bảo vệ cơ thể và sức khoẻ của chúng, nhưng mục đích chẳng phải phục vụ cho cuộc đời mình, mà là cho cuộc đời kẻ khác. Vì chỉ có một lối sống lành mạnh, thể lực tốt thì tạng mới khoẻ, mới tốt để mà đem đi hiến cho những “nguyên mẫu” một cách vô điều kiện.“Dù người ta áy náy đến thế nào về sự hiện hữu của các em, mối quan tâm lớn nhất của người ta vẫn còn là con cái họ, vợ chồng họ, cha mẹ họ, bạn bè họ đừng chết vì ung thư, vì bệnh ở thần kinh vận động, vì bệnh tim. Thành thử suốt một thời gian dài các em cứ bị giữ trong bóng tối, và người ta cố hết sức để đừng nghĩ tới các em. Mà dù có nghĩ đi nữa, người ta cũng cố tự thuyết phục mình rằng các em không thực sự giống chúng tôi. Rằng các em thấp kém hơn con người, nên điều đó chẳng hệ trọng gì.” Các giám thị ở Hailsham, bằng nhiều cách khác nhau, đã cố gắng che đậy đi sự thật nghiệt ngã ấy không để các học trò của mình biết. Mà dù cho họ có bất bình, có tức giận thì cũng chẳng thể nào cất lên tiếng nói hay tiết lộ bất cứ sự thật nào bởi rào cản của “luật không bàn về sự hiến tạng”. Cứ thế, những đứa trẻ trong Hailsham lớn lên, tưởng chừng như mình đang được sống ở một nơi yên bình, được thoả thích làm điều mình muốn nhưng thực tế lại là sự im lặng chết người. Không một ai trong số họ có được cái nhìn rõ ràng về tương lai, tất cả chỉ là sự ngờ vực, những câu hỏi bỏ ngỏ. Chỉ cho đến khi thực sự dấn thân vào cuộc hiến tạng lần đầu tiên, họ mới mơ hồ nhận ra sự thật đau đớn cho số phận của mình. Người nhân bản được tạo ra chỉ để cống hiến cho những người đã ban cho họ sự sống và nắm giữ quyền chấm dứt sự sống ấy, chứ không phải họ. Và họ cũng phải hiến khi tuổi đời còn rất trẻ, cơ thể vừa kịp phát triển một cách hoàn chỉnh, nhưng vẫn chưa phải chịu bất kỳ sự ảnh hưởng nào của quá trình lão hoá, để nội tạng được hiến đi trong tình trạng khoẻ nhất, tốt nhất. Cứ thế, các bộ phận trong cơ thể dần dần được lấy đi, lần lượt và không dừng lại cho đến khi những con người đó sức cùng lực kiệt, phải chấp nhận nhắm mắt rời xa một thế giới đầy đau thương, bất công này.

Con người ta vẫn luôn là như thế, tự nhấn chìm chính mình vào trong những mộng tưởng hão huyền, nơi mà ta được sống như là một “kẻ thượng đẳng”, có quyền bình phẩm, đánh giá hay thậm chí là chà đạp lên người khác để mà sống. Phải trải qua hàng triệu triệu năm để con người có thể tiến hoá hết, rũ bỏ những thứ lạc hậu, kém phát triển. Vậy mà chẳng hiểu vì lí do gì, ta lại đang đua nhau tìm đường để đưa giống loài mình trở về với phần “Con” với bản năng sinh tồn là tiêu diệt kẻ khác để sống, bất kể có phải đồng loại với mình hay không. Đó có lẽ là những gì mà Kazuo Ishiguro đã day dứt, trăn trở khi viết nên câu chuyện về những người nhân bản, về Kathy H., về Ruth hay Tommy. Họ đã sống, khao khát sống thì đúng hơn, một cuộc đời giống như người bình thường. Còn gì trớ trêu hơn nữa đâu khi mà ta phải gào thét trong thâm tâm cái nguyện vọng sâu kín là được hưởng những quyền lợi cơ bản của một con người dù ta sinh ra chẳng khác gì con người cả. Họ cũng đã yêu, đã đắm say cùng những xúc cảm đời thường với người khác, nhưng lại chẳng thể nói ra, hay có quyền được hưởng hạnh phúc bên tình yêu ấy vì chỉ ngày mai kia thôi, người họ yêu có thể sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi thế giới này. Và bản thân họ cũng chẳng biết khi nào mình sẽ được tử thần gọi tên.

Thế nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, vì một lý do nào đó mà câu chuyện tình yêu của Kathy H., Ruth và Tommy vẫn mang lại cho con người ta một thứ ánh sáng nhỏ bé của niềm tin khuất lấp trong đêm đen mịt mù. Họ vẫn thỏa sức sáng tạo trong một môi trường gò bó, cố gắng che đậy không để họ khám phá về tương lai. Có những người như Ruth, mong muốn một lần trông thấy “nguyên bản” của mình, để được mơ ước về một cuộc sống giống như người đó. Có những người như Kathy, dẫu biết chuyện sinh con là không thể nào với một người nhân bản vô tính như mình, nhưng cô vẫn muốn một lần được thực hiện thiên chức của người mẹ, muốn được ẵm trên tay đứa con thơ nhỏ bé như bản năng vốn có của người phụ nữ. Khát khao bình dị ấy được thể hiện qua cảnh tượng Kathy ôm chiếc gối trong lòng, tưởng như đó là đứa con đầu lòng của mình và cất tiếng hát ru theo giai điệu ca khúc Mãi đừng xa mẹ. Vượt lên trên tất thảy những đau đớn giằng xé, họ vẫn yêu đương tự do và nồng cháy. Thậm chí Kath và Tommy đã cùng nhau đi tìm Madame - một giám thị đầy bí ẩn chỉ xuất hiện mỗi khi Hailsham mở triển lãm nghệ thuật và lấy đi các bức tranh do học sinh ở đây vẽ - với mong muốn được xin hoãn việc hiến tạng sau khi nghe được tin đồn những cặp đôi yêu nhau, nếu chứng minh được tình yêu mãnh liệt của mình sẽ được xem xét tạm hoãn vài ba năm, có khi là vĩnh viễn. Nhưng điều đó là chẳng thể nào xảy đến, hình ảnh Kath và Tommy ôm lấy nhau như đang dành sự an ủi lớn nhất cho đối phương, và cho chính bản thân mình. “Và chúng tôi cứ đứng như thế, trên đỉnh cánh đồng kia, lâu tưởng đến hàng thế kỷ, không nói gì hết, chỉ ôm nhau, trong khi gió cứ quật tơi bời vào chúng tôi, giật đùng đùng quần áo chúng tôi, và trong một khoảnh khắc, có cảm giác như chúng tôi ôm nhau như thế bởi đó là cách duy nhất để chúng tôi không bị gió cuốn phăng vào đêm tối.”Tưởng chừng những người như Kath, Tommy hay Ruth, tâm hồn họ được nuôi dưỡng trong một bầu không khí vô trùng, mọi buồn đau, nghiệt ngã vốn tồn tại của cuộc đời này cũng phải chịu bất lực trước ánh sáng trong trái tim những con người trẻ tuổi ấy.

“…chúng tôi lấy tác phẩm của các em đi vì chúng tôi nghĩ chúng sẽ phát lộ tâm hồn của các em. Hoặc nói chính xác hơn, chúng tôi làm vậy để chứng minh rằng các em cũng có tâm hồn.”

-Trích lời giám thị Emily (cô giáo cũ của Hailsham)-

Bao trùm lên toàn bộ câu chuyện của Mãi đừng xa tôi là một giọng điệu chậm rãi, bình thản và trầm buồn. Nhưng nó không khiến cho cốt truyện kém đi phần hấp dẫn, ngược lại còn gây nên hiệu ứng như một thứ virus ăn mòn xúc cảm nơi người đọc. Được khắc hoạ dưới cái nhìn của nhân vật Kathy H., Mãi đừng xa tôi là lời tự sự chân thành, sâu sắc nhất. Còn điều gì buồn hơn nữa đâu, khi người ta coi hiện thực đau thương, tương lai mịt mờ và cái chết định sẵn là những điều hiển nhiên, chẳng còn gì đáng để e ngại hay sợ hãi. Điểm nhìn trần thuật độc đáo kết hợp cùng thủ pháp dòng ý thức - một thủ pháp nghệ thuật của văn học thế kỉ XX - để câu chuyện được kể lại hoàn toàn theo những hồi tưởng, cảm xúc và suy ngẫm của nhân vật Kathy. Hiện thực cùng quá khứ, niềm vui và nỗi buồn đan xen, chồng chéo lẫn nhau cứ thế lần lượt ùa về trong tiềm thức, tựa như một khối đá nặng đè nén lên tâm hồn…

“…một thế giới mới đang đến nhanh chóng. Khoa học hơn, hiệu quả hơn, thì đúng. Nhiều cách chữa hơn cho những căn bệnh trước kia. Hay lắm. Nhưng là một thế giới nghiệt ngã, độc ác.”

-Trích lời nhân vật Madame Marie-Claude-

Bây giờ và có lẽ là trong tương lai xa nữa, chuyện hiện thực hóa nhân bản vô tính con người sẽ chẳng thể nào xảy ra. Người ta vẫn còn cân nhắc nhiều về những rủi ro khoa học mà nó đem lại, đồng thời kéo theo sự suy đồi trong nhân cách, đạo đức của con người. Kazuo Ishiguro như muốn cảnh tỉnh con người, những “con người thật” đây thôi, luôn cho mình là vua của muôn thú, là động vật bậc cao, nhưng mỗi ngày qua đi lại chà đạp lên đồng loại của mình như thể một giống loài chưa tiến hoá hết. Nói một câu chuyện viển vông ở một thế giới không có thật, nhưng cũng là để thêm một nét vẽ hi vọng cho tương lai của con người trong chính hiện thực này mà thôi.

Tóm tắt bởi: Hoà Hương - Bookademy

Hình ảnh: Bảo Nhi

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.